Sang sông thì bắc cầu Kiều

Thứ bảy - 19/10/2019 03:03
Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Sang sông thì bắc cầu Kiều..." của tác giả Nguyễn Thị Như Ý, giáo viên Trường THCS Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ

SANG SÔNG THÌ BẮC CẦU KIỀU...

Kính tặng thầy giáo Nguyễn Đình Chi

 

“Thầy bị bệnh K gan nhưng vẫn lạc quan lắm. Thầy không muốn ai phải lo lắng khi mình bị bệnh.”

Đọc dòng tin nhắn của đồng nghiệp thầy trên điện thoại, nó thấy bàng hoàng, tay chân rụng rời. Nó không tin đó là sự thật. Không, nó không dám tin... Mới mấy tuần trước nó còn ở nhà thầy. Thầy trò còn cùng nhau ôn lại bao nhiêu chuyện ngày xưa. Đôi mắt thầy đen nháy, sáng quắc khi nhắc đến từng đứa học trò trong ảnh. Dáng người nhỏ gầy của thầy gợi lại cho nó bao nhiêu ký ức...

 

Ngày đầu tiên

Nó đang ngẩn ngơ đếm lá bàng ngoài cửa sổ, thầy bước vào, giọng thầy nhẹ nhàng nhưng vẫn ngọt thanh:

- Chào các em, từ ngày hôm nay thầy sẽ là chủ nhiệm của các em.

Cả lũ trong lớp nhao lên: Thầy ơi, thầy tên chi ạ?

- Thầy tên Chi.

- Dạ, thầy tên chi vậy thầy?

- Thì thầy tên Chi chi.

- Dạ... Cả lũ ngơ ngác

Như chợt hiểu, thầy bật cười: Thầy tên là Nguyễn Đình Chi, giáo viên dạy Hoá.

Cả lớp nghe vậy cười rôm rả, buổi học đầu tiên ở trường mới tự dưng lại gần gũi, đáng yêu và trôi nhanh đến lạ kì.

***

- Em có bài được đăng thầy ơi.

Chưa vô đến nhà thầy, giọng nó đã lanh lảnh. Thầy nhìn nó với ánh mắt đầy tự hào: 

- Con giỏi lắm. Gần đến ngày 20/11 rồi con làm bài thơ cho báo tường của lớp nhé.

- Thầy ơi, em chỉ giỏi viết văn thôi, em có biết làm thơ đâu ạ.

- Không sao, thầy thấy mấy bài thơ em viết rất hay mà. Làm tặng thầy một bài nhé.

- Dạ. Nó lí nhí.

Mấy ngày liền, đầu nó cứ mông lông suy nghĩ, nó cứ viết rồi lại xoá, viết rồi lại xoá... Mai là hạn nộp bài rồi, giờ mà nói với thầy em không làm được bài thơ nào thì chỉ có chết. Dù gì trong mắt thầy,nó cũng là cây văn số một của lớp. Nói ra còn mặt mũi đâu mà nó nhìn thầy. Đêm đó, nó thức thiệt lâu, nó ngồi lục lại đống báo tường của mẹ nó, lôi hết đống báo của bố nó trong hốc tủ. Cuối cùng nó cũng tìm được một bài ưng ý, trong một cuốn báo đã nhàu nát vì thời gian. Nó mỉm cười, với trí tưởng tượng và sự thông minh của nó, nó chỉ cần nhào nặn một chút là thành một bài thơ thật hay mang tên nó.

Minh họa: Internet

Sáng hôm sau nó hớn hở khoe kiệt tác của mình cho thầy. Thầy mỉm cười, xoa đầu khen nó giỏi. Nó lại càng hớn hở vì đã “loè” được thầy. Câu chuyện đó, chưa một lần nó dám nói thật với thầy, cho đến một ngày. Hôm đó nó đến thăm thầy sau gần mấy năm đi học. Vừa vào cổng nó đã nghe giọng thầy: “Thầy cho các em xem bài thơ của học trò thầy. Nó giỏi lắm, có rất nhiều bài báo được đăng, làm thơ cũng rất tuyệt. Đây là bài báo tường nó tặng thầy”.

Vợ thầy nhìn thấy nó, mỉm cười: “Năm nào thầy cũng lấy bài thơ ra khoe em ạ”.

Nó chợt thấy ân hận, ôm chầm lấy thầy: “Thầy ơi, con sai rồi”.

Thầy nhìn nó, như chợt hiểu, đôi mắt thầy ấm áp: “Thầy biết chứ, nhưng ít nhất em cũng không chép y nguyên của người ta phải không nào. Em chỉ dựa vào ý thơ của họ, thế cũng chứng tỏ là em rất thông minh cơ mà. Sao lại phải khóc chứ.”

Mắt nó ngấn lệ: “Như thế là đạo văn thầy ạ. Đó là điều kiêng kị nhất của người viết văn mà thầy”.

Thầy mỉm cười: “Con biết thế là tốt rồi. Thầy không trách con nhưng chỉ duy nhất lần này thôi nhé”.

“Dạ thầy” Nó như trút được cả gánh nặng.

***

- Hà... Sao con lại nộp hồ sơ dự thi vào sư phạm? Chẳng phải con ước mơ trở thành nhà báo sao? Thầy cầm đống phiếu dự thi và hỏi nó.

Nó cúi đầu không nói gì.

Hôm sau, thầy lại tìm nó, lần này thầy không nói gì, chỉ nghiêm nghị nhìn nó.

Nó nhìn thầy: “Không, bây giờ con chỉ muốn trở thành giáo viên như mẹ con, như thầy. Con không muốn trở thành Nhà báo nữa.

“Con nói dối. Không phải con thích viết báo sao?”.....

Nó không nói gì, chỉ ngân ngấn nước mắt. Nó không dám nói với thầy là mẹ nó muốn nó trở thành giáo viên, cũng không dám thừa nhận với thầy là nó ngại khó...

***

Reng reng! Tiếng chuông điện thoại kéo nó về thực tại. Là Hoa - bạn cùng lớp của nó. Hoa hẹn nó ngày mai cùng đến thăm thầy.

Vừa vào cổng đã nghe thấy giọng thầy:

- Hà và Hoa phải không con?

- Dạ thầy, thầy thấy sao rồi ạ?

- Thầy vẫn ổn.

Cả chiều hôm đó thầy vẫn thao thao bất tuyệt về lớp về trường, tuyệt nhiên không một lời nào nhắc đến bệnh tình của mình. Chỉ thỉnh thoảng nó thấy người thầy quặn lên như đang chống chọi với sự đau đớn.

- Trường khoẻ không con? Lâu rồi thầy không gặp nó. Thầy vẫn nghe phụ huynh kể về hai đứa. Thầy tự hào lắm. Hai đứa phải luôn gắng giữ lấy cái tâm của nhà giáo con nhé.

- Con còn viết văn không Hà?

- Dạ không thầy ạ. Cũng đã lâu lắm rồi

- Viết đi con. Đó là ước mơ của con mà. Văn chương sẽ làm tâm hồn con thêm đẹp.

Ra về, cô tiễn chúng tôi ra đến cổng:

 “Bây giờ thầy phải tiêm morphin hằng ngày để giảm đau các em ạ. Thầy khôngcho cô báo cho ai biết cả, nên chẳng ai biết tình trạng của thầy. Dù rất đau đớn nhưng chẳng bao giờ thầy kêu ca, thầy nói thầy chỉ lo cho cô, cho các em”. Cô nức nở.

Thầy vẫn thế, luôn lo lắng cho người khác mà không nghĩ đến mình. Nước mắt nó giàn giụa.

Tối nay, nó lại trằn trọc đến tận khuya. Nó nhớ lại lời thầy hồi chiều: “Viết đi con”. Đúng rồi bây giờ dù là giáo viên nó vẫn có thể thực hiện ước mơ của mình. Nó lôi máy tính ra, bài đầu tiên nó sẽ viết cho thầy....

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Như Ý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập151
  • Hôm nay38,528
  • Tháng hiện tại773,176
  • Tổng lượt truy cập29,298,550
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây