Báo bảng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2013

Thứ bảy - 20/07/2019 13:07
Báo bảng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2013 là dấu ấn thể hiện mạch chảy truyền thống xuyên suốt trong bối cảnh mới của trường THCS Hoàng Xuân Hãn. Nhiều nỗi niềm sâu sắc của thầy và trò được gửi gắm qua ấn phẩm đặc biệt này.
Cùng bạn đọc !
 
      Đã hơn 30 năm từ khi ngày 20/11 trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam, dịp lễ trọng hằng năm toàn xã hội hướng về những người thầy với niềm tri ân sâu sắc. Mạch nguồn tôn sư trọng đạo thiêng liêng của dân tộc ta như dồi dào hơn và chảy mạnh mẽ hơn. Tình cảm gắn bó với mái trường, tình đồng nghiệp, tình thầy trò, tình bè bạn,… như những vòng sóng mát lành, tỏa lan những giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống nhiều bề bộn.
      Bạn đọc thân mến!
      Những ai vẫn hằng yêu tin, gắn bó, dõi theo mái trường mang tên giáo sư Hoàng Xuân Hãn ở miền quê Đức Thọ chắc chắn chẳng thể nào quên những số báo bảng được ra định kì gắn với những sự kiện, những dịp lễ lớn đáng nhớ hằng năm. Có những bè bạn vì quý mến mà gọi đây là “đặc sản” của chúng tôi, mỗi lần mở trang website các bạn luôn tìm đọc. Đây là nơi vẫn lưu giữ và trao truyền những tri thức quý báu, là nơi thầy trò các thế hệ giãi bày và kí thác biết bao nỗi niềm tâm sự riêng chung. Bạn đọc sẽ nhận thấy năm học 2013 – 2014, ấn phẩm quen thuộc của chúng tôi khuyết mất một kì. Ấy là bởi THCS Hoàng Xuân Hãn vừa có một cuộc đổi thay…
      Từ năm học 2013 – 2014, thực hiện đề án quy hoạch của UBND huyện Đức Thọ, trường THCS Hoàng Xuân Hãn có quy mô lớn hơn những năm trước, đóng tại đất học Đông Thái nổi tiếng. Quy mô lớn hơn, đội ngũ đông hơn,… thầy trò chúng tôi đã và đang nỗ lực để đáp lại niềm tin yêu của nhân dân, của phụ huynh học sinh và quý bè bạn xa gần trong những chặng đường đã qua, trong hiện tại và tương lai.
      Dịp lễ trọng 20/11 hình như ngày càng trở nên lặng lẽ, đằm sâu hơn… Báo bảng của chúng ta vẫn tiếp tục là tiếng nói của các giá trị tri thức, nhân văn. BBT xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc số báo đặc biệt mang theo những thông điệp hướng về ngày Nhà giáo !
                                                                                                          BBT      
 
 THỜI GIAN CỦA CHÚNG TÔI
 
 Năm mới của chúng tôi
Không bắt đầu từ tháng giêng
Tháng chín gõ ba hồi chín tiếng
Cổng trường mở ra
Năm mới ùa vào!
 
Ánh mắt nào cũng trời thu xôn xao
Tiếng nói chen nhau, sân trường thành chật hẹp
Mỗi tiết học bốn mươi lăm phút
Cả chiều dài thế kỷ xếp sao đây?
 
Sáng hồi hộp từng trang, đêm thao thức từng dòng
Vầng trăng hạn vơi đầy cùng bình mực
Quỹ đạo hành tinh cùng vẽ hình e-líp
Trang hình học không gian nối điểm sáng sao trời.
 
Khép lại nhà bao ấm lạnh, lo âu
Hồi trống gọi những niềm vui tới lớp
Đồng nghiệp ơi, trang đời, trang viết
Đêm trắng làm sao giấu nổi trên đầu.
 
Thời gian của chúng tôi không tính tháng, tính ngày
Tính bằng những lớp người lớn lên, nối tiếp
Thu vừa đón lứa đầu mùa e ấp
Hè đã chào lớp tuổi chín ra đi.
                                                         
                                       Nguyễn Vũ Tiềm
  
Viết cho ngày trở lại 
 
Nắng đã tắt lâu rồi
Mưa cũng tạnh lâu rồi
Trường cũ sáng nay tôi trở lại
Và mùa thu không hẹn cũng theo về.
 
Người hỏi ta nỗi niềm ngày trở lại
Ký ức còn day dứt nỗi gì không?
Rặng tre già không còn nữa
Mà tiếng tre vẫn xao xác vô lòng.
 
Cuối góc trường xuyến chi lặng nở
Mắt học trò thương mến làm sao.
Đồng nghiệp cũ nụ cười ấm áp
Chỉ mình em thăm thẳm phương nào.
 
                                Dương Thế Vinh
 
                       Lời ếch…
(Nghĩ từ ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng)
 
Nhờ lũ mới thoát lòng giếng cạn
Đang lơ ngơ bờ rộng mương dài
Bị trâu giẫm ta không kịp ngáp
Chẳng một lời thương xót của ai.
 
                                   Thuận An
 
 Qua trường cũ
 
Một lần đi qua trường cũ
Ngạt ngào hoa sữa hỏi lòng
Kỉ niệm chín năm gắn bó
Xa rồi người có nhớ không?
 
Hoa súng tím hồ lặng im
Nhắc lòng đừng nói gì cả
Chín năm một trời thương nhớ
Ra đi gửi tận đáy lòng
 
Mỗi lần đi qua trường cũ
Bao nhiêu kí ức hiện về
Thời gian trôi đi nhanh quá
Sao không thể trọn mười năm ?
 
                              Nguyễn Nữ Thanh Huyền
  
Thuở ban đầu
 
      Bao lo lắng, trở trăn trong những ngày đầu mới sáp nhập. Sau cuộc họp đầu tiên, việc chuẩn bị cho ngày khai trường nhanh chóng được triển khai. Anh chị em đoàn viên khẩn trương bắt tay ngay vào sắp xếp phòng học, làm nhà xe học sinh, nhà xe giáo viên, cải tạo cảnh quan môi trường. Không khí hăng say. Những bàn tay tưởng chỉ quen cầm phấn giờ lại cầm xẻng, cầm bai,… như những thợ xây thực thụ trong bài ca xây dựng. Đầu tháng 9, mọi việc cơ bản đã đâu vào đó.
      Thử thách nhanh chóng được vượt qua, khai giảng diễn ra náo nức. Những dấu ấn từ cuộc Vui Trung thu, từ Hội nghị CBCNVC và CĐ cởi mở và trách nhiệm, buổi Tọa đàm 20/10 chân thành và nồng ấm, rồi thao giảng – dự giờ, giao lưu bóng chuyền nam – nữ,… những nét riêng trong không khí chuyên môn và đời sống tinh thần của THCS Hoàng Xuân Hãn dần hiện rõ.
      Tháng 11, ngoảnh lại, bao trở trăn lo lắng đã lùi xa. Bao niềm vui đang đón chờ chúng ta phía trước !
 
                                                                       Trần Thị Hồng Vân
  
Như một cuộc trở về
 
      Hơn mười năm xe tôi lăn bánh trên cầu Thọ Tường bắc ngang đôi bờ sông La thơ mộng. Vị phù sa thấm lên từng trang giáo án. Và, lũ học trò nhếch nhác vận ống quần đến lớp học sau ngày lũ làm lòng tôi se lại.
      Trở về quê nhà công tác là niềm mong mỏi từ nhiều năm nay vậy mà khi cầm quyết định trên tay tâm trí tôi cứ rối bời. Nỗi niềm lưu luyến mảnh đất đầy kỷ niệm, nỗi niềm lạ lẫm với môi trường công tác mới. E dè, ngơ ngác,… như cô bé học trò thuở xưa.
      Nhưng, đón chào tôi là sự gần gũi như thể đã có từ rất lâu, nay nhận lại thật ấm áp. Tháng 11 lại đến trong tiết trời se lạnh, hanh hao thức dậy trong lòng tôi những cảm xúc về trường xưa. Mái trường mến yêu gắn bó một thời tuổi nhỏ, giờ đây tôi được trở về !
 
                                                                 Nguyễn Hoàng Yến
  
Đường đến lớp…
 
            Trời đang trong vắt như thủy tinh bỗng dưng ui ui buồn bã. Chỉ qua một đêm mà ông trời như già đi trông thấy. Những dãy nhà, những cây bàng trở nên trầm mặc, ưu tư. Cái lạnh đã tràn về theo đợt gió mùa đầu tiên. Rồi rét, rồi mưa… Dầm dề, dai dẳng… Bất giác, tôi rùng mình nghĩ đến quãng đường đi.
      Đến trường. Bao giờ tôi cũng đi trên con đường ấy nhưng hễ có mưa tôi lại nản lòng. Khoảng cách mười cây số không xa mà vẫn là xa. Không còn tâm trí đâu để thấy cảnh sắc bên đường, chỉ chăm chắm nhìn vào lối đi. Chao ôi! Ổ gà, rồi ổ voi… Lầy lội… Nhiều khi có bộ cánh đẹp cũng không dám diện vào vì lên đến trường cả người và xe lấm lem như thoa màu vẽ. Ai cũng xuýt xoa chia sẻ “Đường khó đi lắm phải không?”. Cũng thấy ấm lòng! Và rồi càng thấy ấm lòng hơn khi nghĩ về học trò…
      Học trò tôi đó, dù cho có khi các em làm tôi phiền lòng bằng những trò nghịch ngợm, bằng đôi lời nói thiếu cân nhắc hay thái độ lơ là trong học tập, nhưng cũng rất nhiều khi các em mang đến cho tôi những nụ cười, những niềm vui xốn xang đến lạ. “Trời mưa và lạnh thế này ở lại đi cô ơi! Cô ở lại đi! Ăn cơm với chúng em. Đừng về mà vất vả cô ơi!”. Tự nhiên tôi muốn khóc! Muốn khóc. Đâu phải chỉ vì lời nói của học trò. Mà hơn thế, tôi còn bắt gặp ở các em hình ảnh của chính mình nhiều năm về trước. Phải rồi! Ở lại buổi trưa tại trường với cơm đùm cơm nắm là kỉ niệm đâu dễ nguôi quên. Ở các em, tôi gặp lại bao điều thân quen ngỡ đã ngủ yên trong quá khứ. Nụ cười, giọng nói, gói cơm đùm nằm gọn trong ngăn bàn… Nghe vọng về biết bao kỉ niệm của một thuở học trò đã thành xa ngái. Chắc các em không biết, ngày trước, tôi cũng có một thời giống như các em. Phải vượt quãng đường dài trong gió buốt và mưa đông mới thấu hiểu nỗi khó nhọc của học trò trên hành trình tới trường. Nhưng nhìn vào các em, nghe tiếng cười giòn tan trong làn mưa, tôi lại nghĩ rằng với nghị lực cùng sự hồn nhiên ấy, các em sẽ biết cách đi qua những thử thách trong cuộc đời. Tiếng cười giòn của các em cũng đã gieo vào hồn tôi những tươi mới xôn xao. Ừ nhỉ, đường xa đâu có sá gì! Hãy kiên trì, nỗ lực và biết ước mơ, cô tin, tương lai tươi sáng đang chờ đón các em!... Rồi mưa sẽ qua đi. Chẳng bao lâu nữa, tháng năm hạ về, hoa phượng sẽ thắp lửa bên trời. Khi ấy, rồi sẽ có bao tiếng lòng bâng khuâng vì biết mình sắp phải nói lời tạm biệt tuổi học trò. “Rồi sẽ có một ngày từ biệt tuổi học trò/ Trang sách nhỏ khép lại thời thơ bé/ Tán bàng chẳng còn xanh đến thế/ Khi mùa hạ về trong tiếng ve sôi…”. Mai này, đến lúc ấy, các em có thể giữ lại cho mình chút gì đó không? Còn tôi, chắc chắn sẽ thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn nghè giáo, cảm ơn các em vì đã cho tôi hơn một lần sống lại kỉ niệm…
 
                                                                        Hồ Thị Huyên
  
Mùa heo may
 
      Tuổi thơ tôi êm đềm bình dị trên một miền quê nghèo. Mùa hè chỉ có gió Lào và cát, mùa đông thì gió từ biển thổi vào, từ sông Lam thổi sang lồng lộng. Đặc sản của miền quê tôi là gió. Ám ảnh tôi nhất là gió heo may. Khi heo may về, tôi rất hay bị ốm, đó cũng là lúc mẹ thường nhốt tôi ở nhà để dưỡng bệnh. Không được đến lớp cùng bè bạn, tôi tự nghĩ ra biết bao trò chơi. Tập làm cô giáo là trò chơi mãi hấp dẫn tôi. Bắt chước mọi điệu bộ sao cho thật giống cô giáo của mình, cố tìm ra những cuốn vở to cho giống giáo án của cô, tôi… lên lớp. Bảng chính là cánh cửa gỗ nơi phòng ngủ của mẹ. Than củi dùng làm phấn. Viết rồi lại xóa, tôi vừa là cô và cũng là trò, bạn bè tôi là cái bàn cái ghế hay có khi là những bạn bè tôi gọi thành tên trong tưởng tượng… Với tôi, đó là những kỉ niệm đẹp. Kỉ niệm ấp ủ, ươm mầm, dắt dẫn tôi bước chân vào nghề giáo!
      Lại một mùa heo may nữa về. Heo may vẫn đưa tôi về nơi đất mẹ, nơi có những kỉ niệm tuổi thơ trong trẻo: Tôi tập làm cô giáo!
 
                                                                             Phan Thị Hoài Hạ
  
Chỉ còn....

Chỉ còn im lặng và em
Lá cuối thu lướt qua thềm khẽ rơi
Chỉ còn nỗi nhớ chơi vơi
Đường xưa giọt giọt đầy vơi cõi lòng
Chỉ còn em với mùa đông
Lời ru và những ấm nồng.... đã xa
Người ta về với người ta
Chỉ còn em với nhạt nhoà cơn mưa....
 
                             Nguyễn Thị Tú Oanh
  
Gió thu
 
Lá xào xạc mà lòng trống trải
Mắt mơ màng theo hướng xa xăm
Lòng thẫn thờ giọng ai thăm thẳm
Gọi em về với những ngày xưa
 
Ta lạc mất nhau giữa chiều mưa
Điều không thể đã thành có thể
Biết tìm đâu chim trời cá bể
Một bóng hình than thuộc nơi nao ?
 
                               Đinh Thị Lệ Hòa
  
Thắp những ước mơ
 
      Tháng 11 cũng là lúc những tình cảm, cảm xúc về thầy cô lại ùa về trong tâm trí. Đối với tôi, tuổi thơ được cắp sách đến trường, được nghe những lời giảng dạy chỉ bảo của thầy cô là điều hết sức may mắn. Với từng ánh mắt trìu mến và lời giảng có thể vang đến tận thẳm sâu tâm hồn, thầy cô đã nuôi lớn tôi từng ngày, từng ngày một. Biết đọc, biết viết, biết vẽ, biết hát,… rồi biết yêu, biết ghét và biết nhìn cuộc sống bằng lòng nhân ái – đó là những gì tôi có được dưới mái trường tôi theo học. Mỗi giờ trên lớp, tôi đều cảm nhận được bao nhiêu tâm huyết, sức lực thầy cô dồn vào bài giảng. Lời chỉ dạy tận tình, sâu sắc, sự quan tâm dành cho học trò của các thầy cô luôn khiến tôi an lòng.
      Thầy cô đã đem ánh sáng và những ước mơ đến cho tôi. Có lẽ sau này tôi sẽ là thế hệ thầy cô giáo tiếp theo trao ngọn lửa mà tôi nhận được từ các thầy cô của mình cho các thế hệ… “Sông đời bất chợt nông, sâu/ Học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm” (Phi Tuyết Ba)!
 
                                           Hoàng Thị Khánh Huyền (9C)
  
Thầy
 
      Sự sắc sảo, lòng nhiệt tình và cả những câu nói pha trò của thầy đã khuấy động không khí học tập trong em và giúp em có những bước tiến rõ rệt. Thầy còn cho chúng em những bài học về đối nhân xử thế, những trò chơi đáng để chơi,… Em có lẽ may mắn hơn các bạn được thầy rèn cặp một chút. Vì em nhỏ, nhà thầy lại cũng hơi xa, mỗi lần học thầy em đều được bố mẹ đưa đi đón về. Lúc đầu, mỗi lần ở lại sau, em rất ngại. Những lần đó dù chỉ khoảng 5 đến 10 phút thôi, em tranh thủ hỏi thầy được thêm rất nhiều điều mà trước đó em chưa thực sự hiểu. Có lúc, trò chuyện với thầy, em lại có thêm trong hành trang của mình những câu chuyện đầy ý nghĩa. Em vẫn luôn lưu giữ từng lời nói của thầy trong tiềm thức và chắc chắn em mãi mãi không quên những điều đó.
 
                                        Nguyễn Thị Thanh Trà (9B)
  
Mẹ và ước mơ…
 
      Giao mùa, có chút nắng mơn man xen chút se lạnh, lòng xao xuyến lạ. Tháng 11 lại về. Ngày 20 đến gần, cái ngày mà suốt 14 năm qua tôi chưa bao giờ quên. Khi còn rất nhỏ, xen giữa những giấc ngủ mơ màng là hình ảnh mẹ cặm cụi bên ánh đèn mỗi tối. Lớn thêm một chút, nhớ ánh mắt mẹ buồn khi tôi lấy bài kiểm tra trong cặp mẹ gấp hạc giấy, nhớ ánh mắt mẹ dịu ngọt khi tôi đem về nhà những niềm vui. Văng vẳng đâu đây lời ca của một nhạc phẩm về cô và mẹ… Đến trường, tôi có thêm nhiều người mẹ thân yêu như mẹ của mình.
      Từ bé, tôi đã ước làm cô giáo. Chắc chắn giấc mơ ấy sẽ luôn còn mãi. Ngày mai, dẫu có là cô giáo hay không, tôi vẫn luôn yêu và hướng về những người đã giúp tôi mở cửa tâm hồn đón những ánh hào quang kì diệu của cuộc đời !
 
                                   Mai Lương Hà Giang (9B) 
 
 Người mẹ thứ hai
 
      “Các em được nghỉ một tuần…” Tôi vừa đạp xe vừa vui mừng nhớ lại lời thầy Hiệu trưởng. Trong một tuần được nghỉ trước lễ tổng kết năm học, tôi sẽ hoàn toàn được tự do, chăng phải quan tâm đến bài tập làm rồi hay chưa (!). Đêm, nằm nghĩ ngợi: Được nghỉ đúng là sướng thật nhưng trong một tuần tới tôi phải làm gì đây? Chẳng lẽ lại ngồi bầu bạn với bốn bức tường hay lang thang trên internet hay sao? “Không thể để thời gian trôi qua một cách vô vị…”. Tôi nhớ đến lời cô. Trong đầu bỗng nảy ra một ý tưởng: Trong bảy ngày tới, mỗi ngày tôi sẽ viết một bài văn đem đến cho cô và đặc biệt hơn nữa là nó sẽ được dấu dưới gối của cô. Đương nhiên một mình tôi không thể thực hiện được kế hoạch này mà phải có sự giúp sức của con trai. Vậy là chiến dịch bảy ngày của tôi chính thức bắt đầu.
      Ngày thứ nhất…
      Tôi mở he hé mắt nhìn cái điện thoại. Giật mình. Có một động lực nào đó khiến tôi ngồi bật dậy đi đánh răng rửa mặt. Trời đất! Tôi khâm phục khả năng ngủ nướng của mình quá, giờ đã 9h sáng rồi! Ăn sáng xong, tôi vội vàng ăn sáng rồi bắt tay làm bài văn thứ nhất. Nhưng nghĩ mãi, chẳng biết bắt đầu từ đâu cả. tôi đành gác sang buổi chiều vậy. Gần trọn cả buổi chiều, tôi đã có bài văn ưng ý. Nhưng không biết nên cười hay nên khóc, vì đã 5h kém 10 mà tôi lại hẹn với con trai cô lúc 5h. Thế là tôi phải lao vù vù đến sân bóng. Tôi tưởng tượng hình ảnh của cô lúc thấy bài văn dưới gối. Chắc cô sẽ bật cười khi thấy trò chơi thú vị này của mình. Nụ cười ấy hẳn sẽ rất dịu dàng. Nghĩ đến nụ cười tươi rói của cô, bất giác mỉm cười, tôi mãn nguyện vì tôi đã làm cô cười. May sao, đến sân bóng tôi vẫn kịp gửi bài văn cho con trai cô. Trên đường về, tôi thấy lòng mình rộn lên một cảm xúc khó tả. Như cảm xúc của tình thầy trò ấm áp…
      Ngày thứ hai…
      Tôi đang định ra sân bóng thì trời lại đổ mưa ầm ầm. Sao tôi lại xui xẻo thế này! Nhưng mưa thì đã sao, dù bây giờ bão có đến tôi cũng không thể để kế hoạch bị gián đoạn. Thế là tôi nhảy lên xe, bất chấp mưa gió, lao đến sân bóng. Mưa thế này thì chẳng ai đi đá bóng, cả sân không một bóng người. Tôi đánh liều đến thẳng nhà cô luôn. May sao cô đang ở trong nhà còn con cô thì đang chơi ở sân. Suýt nữa thì bị phát hiện. Dù phải đội mưa, đội gió đến nhà cô nhưng tôi chẳng thấy mệt mỏi chút nào.
      …
      Ngày cuối cùng…
      Vậy là đã hoàn thành được kế hoạch. Bảy ngày trôi qua thật thú vị.
      Hôm tổng kết tôi không gặp được cô nên thấy trong lòng mình có cảm giác là lạ, khó diễn tả. Vừa bước vào nhà, nghe tiếng chuông điện thoại reo. Tim tôi đập thình thịch khi thấy tên người gọi là cô H. Hồi hộp bấm nút nghe nhưng a lô mãi mà không thấy cô trả lời, tôi chán nản tắt máy và nghĩ rằng chắc cô gọi nhầm số. Nhưng buổi chiều hôm ấy, tôi đang ngồi nghĩ vẩn vơ thì giật mình vì điện thoại có tin nhắn. Cô nhắn tin cho tôi nói cô rất tự hào về tôi, đối với cô tôi là học trò rất đặc biệt… Đọc những lời cô viết, tôi thấy rừng rưng, lòng dâng trào hạnh phúc. Tôi muốn reo lên: Cô ơi! Cô là cô giáo tuyệt vời nhất của em!
       Đã mấy tháng trôi qua rồi mà mọi chuyện như mới hôm qua vậy. Những cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên. Dù sau này có đi đâu thì tôi vẫn luôn nhớ ở trên mảnh đất này tôi có một người mẹ thứ hai. Người mẹ có nụ cười và ánh mắt dịu dàng, tươi rói…
 
                                                           Phạm Quỳnh Trang (8C)
 
Mùa xa xôi
 
Ta trôi mơn man
Về một giấc trưa nào đó
Có hương nhài trong gió
Vườn xưa hoa bưởi dâng đầy…
 
Ta mơ về màu nắng
Lấp lánh
Lấp lánh
Trên mặt sông ngày xưa
Xưa lắm
Ngày xa xôi cũ
Đi cùng làn gió ru…
 
Khẽ chạm làn mưa lất phất
Trên sợi tóc mai
Long lanh…
Chợt nhớ ánh mắt ai tinh nghịch
Ta đã cất
Thẳm sâu sau đóa phượng hồng.

                PhanThị Thu Hương (9C)
  
* Lời Ban biên tập: 
      Trong quá trình chuẩn bị cho số báo bảng kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy giáo cô giáo, đặc biệt là sự hưởng ứng của các em học sinh. Tất cả các bài viết đều thể hiện những cảm xúc chân thành, trong sáng về nhà trường, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp. BBT đã rất cân nhắc khi biên tập và lựa chọn bài vở để viết lên bảng và đưa lên website. Rất cảm ơn sự cộng tác của quý đồng nghiệp và các em, chúc ngày lễ của tình thầy trò ngập tràn hạnh phúc!

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay18,822
  • Tháng hiện tại841,505
  • Tổng lượt truy cập29,366,879
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây