Tản văn "Mẹ và con gái" của tác giả Đinh Thị Thu Huế

Thứ ba - 08/10/2019 16:44
BBT xin giới thiệu bạn đọc tản văn "Mẹ và con gái" của cô giáo Đinh Thị Thu Huế đăng trên trang điện tử Tạp chí Hồng Lĩnh

Chiều thu. Một cơn mưa bất chợt làm ướt lối mẹ về. Sau một ngày lên thăm con, thăm cháu, mẹ lại vội vã ra đầu hẻm bắt xe buýt hơn sáu mươi cây số để về nhà. Nhìn mẹ như cánh cò lặn lội trong mưa gió, con thừ người trước những thứ mẹ đưa: một ít trám nhồi thịt, dăm quả hồng và bí ngô. Ở thị xã này, những thứ quà quê ấy đối với người ta có nghĩa lí gì đâu, còn với mẹ thì đó là không biết bao nhiêu ngày tháng mẹ chắt chiu, chăm bẵm...

        Lúc nhỏ, mọi người hay khen con có khuôn mặt xinh xắn và mái tóc đen mượt mà, óng ả. Nhưng con lại thấy mẹ của con mới là đẹp nhất đặc biệt là đôi bàn tay với những đường gân nổi lên xanh xao uốn lượn và các đốt ngón tay phình ra thô ráp. Đôi bàn tay ấy tỉ mẩn nấu nồi nước gội đầu cùng hoa bưởi, chăm cho mái tóc con mềm mượt. Đôi bàn tay ấy nhặt từng cọng rau, vo từng hạt gạo, nấu từng ấm nước chè, kho từng con cá…, vẽ lên sự sống, ước mơ và cả cuộc đời con. Đôi bàn tay ấy chưa bao giờ được đeo lên một chiếc nhẫn hay đồng hồ để làm đẹp và cũng không bao giờ biết gõ bàn phím hay bấm điện thoại như con vẫn thường làm mỗi ngày, nhưng sao vĩ đại quá trong cuộc sống này?. Đôi bàn tay ấy suốt đời con mang ơn.

         Những ngày xa nhà, xa quê lên phố trọ học. Con nhớ cồn cào hơi ấm bàn tay mẹ, thèm được vùi vào lòng mẹ mà hít hà mùi mồ hôi hòa với vị tảo tần mưa nắng. Còn nỗi nhớ con luôn thường trực trong mẹ. Vào mỗi chiều, mẹ cứ ngóng ra ngõ trông con khi thấy mấy đứa trẻ trong xóm trêu đùa nhau đi học về. Đêm đến lại gọi điện hỏi thăm, dặn dò đủ thứ cho vơi nỗi nhớ...

         Vào những ngày lễ, con hay được tặng quà và tổ chức ăn uống tưng bừng cùng bạn bè. Nhưng mẹ của con lại không biết có những ngày này trên thế gian. Có chăng, với mẹ, đó lại là những ngày gánh rau của mẹ bán được đắt hàng hơn. Ôi, mẹ của con!. Ngẫm lại, bây giờ nước mắt con chỉ chực trào ra. Ngay cả ngày sinh của mình, mẹ cũng không để ý đến. Có lần con hỏi, mẹ chỉ nhớ đại khái tháng... năm... Có lẽ, cái nghiệp truân chuyên đã vận vào đời mẹ.

      Con thích đi du lịch và đã được đi rất nhiều nơi, khám phá nhiều vùng đất mới. Mỗi lần đem ảnh của con về tíu tít khoe, mẹ lại thích thú cầm chúng lên rồi ngồi ngắm với những tư thế khác nhau, đôi mắt mẹ nheo nheo và khuôn miệng luôn nở một nụ cười hiền hậu. Nhưng con gái của mẹ lại không hề biết rằng, chưa bao giờ mẹ thảnh thơi hay được đi đó đây dù chỉ một ngày. Nơi mà mẹ luôn gắn bó là căn bếp lúc nào cũng dậy mùi thức ăn, là những luống rau trong vườn xanh ngắt. Mùa hè, mẹ cặm cụi nhổ từng bụi cỏ dại, nhọc nhằn gánh rơm khô ngoài đồng về lót đất cho hạt nảy mầm. Những ngày mưa, mẹ lặng lẽ còng lưng cắm những thân lúa mỏng manh vào mảnh đất quê, mặc cái lạnh tê tái giữa cánh đồng mênh mông gió. Cả đời mẹ đã cơ cực, lam lũ, gánh gồng vì đàn con thơ dại. Và con nhận ra rằng, phải chăng càng lớn lên người ta càng muốn đặt chân đến những nơi xa để chinh phục, khám phá bao điều thú vị nhưng dành thời gian cho cha mẹ là một điều gì đó rất khó?

      Ngày kết duyên trăm năm con bộn bề trong bao lo lắng. Còn mẹ, nỗi lo toan quay cuồng theo mẹ suốt năm tháng. Không chỉ lo lúa chết vì hạn, cây trái trong vườn bị sâu phá hoại… Mà còn lo những hôm trở trời bệnh ho của bố liệu có tái phát, đám giỗ tháng sau dọn cỗ thế nào… Rồi mẹ lại nghĩ đến con: Cuộc sống gia đình mới sẽ ít đi những quan tâm, lãng mạn và thay vào đó là những bề bộn lo toan, con có thấy mệt; khi không được thấu hiểu, sẻ chia trong cuộc sống, công việc con có buồn và cô đơn hoặc làm mẹ rồi, con có biết chăm sóc, nuôi dạy con cái hay không?.

      Đi qua tháng năm, con chỉ ước giá như có phép màu cho mình được bé lại, để trở về những tháng ngày xưa cũ. Rồi con sẽ lại chạy lon ton bên mẹ cùng thổi cơm nơi chái bếp; mỗi tối lại sà vào lòng mẹ nhõng nhẽo đòi hát ru như ngày còn thơ bé: “Ầu ơ…Gió mùa thu mẹ ru con ngủ” và muốn được mẹ đánh đòn vì những lỗi lầm khi xưa. Bỗng khóe mắt con cay xè khi thấy những sợi tóc trắng đang chen chúc lấn chỗ trên mái đầu cùng những vết rạn chân chim chằng chịt nơi khóe mắt người. Dù biết rằng đó là quy luật của tạo hóa nhưng làm sao thôi buốt lòng con, mẹ ơi!!!

Tác giả bài viết: Đinh Thị Thu Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay33,148
  • Tháng hiện tại1,100,138
  • Tổng lượt truy cập28,400,612
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây