Trang bị kỹ năng phòng, chữa cháy, thoát hiểm cho học sinh, giáo viên

Trang bị kỹ năng phòng, chữa cháy, thoát hiểm cho học sinh, giáo viên

Sáng 16/3, Công an huyện Đức Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh tổ chức chương trình tuyên truyền, trải nghiệm thực hành PCCC&CNCH cho giáo viên, học sinh trường THCS Hoàng Xuân Hãn.

Xem tiếp...

Lặng lẽ Sa Pa - lặng lẽ mà trỗi sống

Thứ bảy - 20/07/2019 12:29
Có biết bao người đã từng qua Sa Pa. Đã có biết bao người đã từng ước muốn đến Sa Pa. Rất nhiều trong số đó, hiển nhiên, trong cảm thức thông thường, coi Sa Pa là vùng đất đẹp, lí tưởng để nghỉ ngơi. Nhưng đến với tác phẩm của Nguyễn Thành Long, điều tưởng như hiển nhiên đã thay đổi.
Thế nào là hạnh phúc? Làm thế nào để diễn tả một cách chân thực và giản dị cảm nhận về hạnh phúc? Làm thế nào để lột hiện được chân dung một con người đang hạnh phúc? Và nữa, nếu nhà văn đã chỉ ra một cách đúng đắn hạnh phúc là gì và một con người đang hạnh phúc là như thế nào thì điều gì sẽ là mấu chốt kêu gọi sự đồng cảm của biết bao người đọc? Một nét thôi, Nguyễn Thành Long đã khẳng định như vậy, như trong một bức kí họa, người họa sĩ phải có được một họa tiết làm bật lên nét hồn cốt của nhân vật, để khi nhìn vào bức họa đó, người khác phải nảy sinh những suy nghĩ về anh ta và cảm nhận được những điều anh ta suy nghĩ. Nếu anh ta đang hạnh phúc, thì theo đó, tác phẩm phải gieo vào lòng người đọc ấn tượng đẹp đẽ, niềm vui ấm áp và tin yêu vào cuộc sống xuất phát từ cội nguồn cảm xúc và lý tưởng sống của anh ta. Một tác phẩm làm được trọn vẹn điều này như Lặng lẽ Sa Pa là vô cùng hiếm. Bởi trong tác phẩm, không chỉ có một hai nhân vật chính có niềm yêu sống mà tất cả mọi người đều là những người yêu sống. Bởi không chỉ niềm yêu sống ấy vút lên trong những khát vọng cao vợi mà nó lan tỏa khắp nơi trong cuộc sống bình dị hàng ngày. Nguyễn Thành Long đã hòa lòng mình trong từng rung động ấy, để trái tim rung lên với niềm hạnh phúc nơi này, lặng lẽ nhưng tràn đầy.
      Có biết bao người đã từng qua Sa Pa. Đã có biết bao người đã từng ước muốn đến Sa Pa. Rất nhiều trong số đó, hiển nhiên, trong cảm thức thông thường, coi Sa Pa là vùng đất đẹp, lí tưởng để nghỉ ngơi. Nhưng đến với tác phẩm của Nguyễn Thành Long, điều tưởng như hiển nhiên đã thay đổi. Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước. Những con người ấy là ai? Anh kĩ sư làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, ông kĩ sư ở vườn sau, đồng chí nghiên cứu khoa học thiết lập bản đồ sét,... Đấy là những con người trực tiếp sinh sống ở nơi này. Bổ trợ vào đó là bác lái xe, từng thân hành lên trạm khí tượng để tìm anh thanh niên "thèm người". Và lần này, là ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ, một người đi chuyến thực tế giối già và một người vừa mới ra trường lần đầu tình nguyện lên miền núi công tác. Cả hai đã lên thăm ngôi nhà của anh thanh niên làm công tác khí tượng, đem niềm vui đơn sơ đến với những người cắm chốt ở vùng hẻo lánh. Câu chuyện vỏn vẻn có ngần ấy người, kéo dài cũng chừng vỏn vẻn một giờ đồng hồ, một nửa cho câu chuyện từ "trạm rừng" sau cầu cây số bốn giữa bác tài và hai hành khách, phần còn lại cho cuộc gặp gỡ với anh thanh niên làm khí tượng. Nhưng qua những đối thoại, suy ngẫm của họ, cuộc sống ở nơi này đã hiện lên một cách sống động, tỉ mỉ. Có thể nói, chỉ với chừng ấy thời gian, với chừng ấy sự gặp gỡ, như có một giao cảm giữa những con người lần đầu tiếp xúc, người này đã trở thành chất xúc tác để người kia bộc lộ tất cả vẻ đẹp chiều sâu tâm hồn. Như vườn hoa của anh thanh niên làm công tác khí tượng, với hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong,... mỗi người giống như một loài hoa đẹp rực rỡ tỏa hương sắc dưới trời Sa Pa.
      Người đầu tiên có được niềm vui là cô kĩ sư trẻ. Lần đầu ra khỏi Hà Nội đi nhận việc tận Ty Nông nghiệp Lai Châu, bỏ lại sau lưng cuộc đời chật hẹp, những rung động non tơ còn nhiều nhầm lẫn, bước vào cuộc sống mới tinh, bát ngát, ngay từ chuyến xuất hành đầu tiên, cô đã có được sự chia sẻ từ người bạn đồng hành già. Ông họa sĩ đã chăm chút và hứa đưa cô đến tận nơi công tác như "một ông bố thực sự". Nhưng điều làm cô cảm kích hơn cả, là với sự nhạy cảm riêng có của người nghệ sĩ, ông họa sĩ già đã nhận ra tâm trạng của cô, động viên khích lệ mà như gieo vào lòng cô định hướng, lẽ sống và niềm tin. Ông già vui tính ấy đã diễn tả một cách thanh thoát bằng lời những cảm nghĩ mơ hồ và lả tả mà cô đã cố gắng vẫn không thể định hình được. Đối với một người khao khát trời rộng, sự dứt bỏ một tình yêu nhiều khi lại nhẹ lòng. Đó là một chân lí thật giản dị, người ta phải biết quên đi những niềm vui, nỗi buồn, những ham thích nhỏ mọn để vươn tới những chân trời rộng mở, biết quên đi những cái nhỏ nhen, ích kỉ để hòa mình vào cuộc sống lao động và cống hiến vô tư, đẹp đẽ, không vụ lợi.
Cô đã cảm tình ngay với anh thanh niên làm công tác khí tượng bởi sự tương đồng trong lẽ sống mà cả hai đã lựa chọn. Nếu như lời giới thiệu của bác tài mới đủ gieo vào lòng cô một nỗi tò mò, thích thú, hoài nghi về một anh thanh niên với biểu hiện "thèm người" kì lạ thì vườn hoa, bó hoa anh tặng đã khiến cô dâng lên niềm yêu mến, cảm phục. Tình cảm ấy càng ngày càng tăng tiến khi cô bước chân vào căn nhà sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt, một giá sách với nhiều sách quý. Rất thường có người lên đây thăm mà anh phải chuẩn bị tươm tất đến vậy? Không hề, bởi anh đã thổ lộ một cách hồ hởi, chân thành niềm vui như con trẻ: Tôi không biết kỉ niệm thế nào cho thật long trọng ngày hôm nay. Bác và cô là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ Tết. Và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay. Để rồi, khi lắng nghe câu chuyện giữa người thanh niên và ông họa sĩ già, cô mới nảy ra một ý định táo bạo. Cũng như anh thanh niên, cô muốn tặng cho chàng trai kia một món quà làm kỉ niệm cho lần gặp gỡ. Bởi cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm nảy nở trong cô "một ấn tượng hàm ơn khó tả". Không phải chỉ vì bó hoa rất to sẽ đi theo cô trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên mà anh cho thêm cô. Và vì một cái gì đó nữa mà lúc này cô chưa kịp nghĩ... Chiếc khăn mùi xoa cố tình bỏ lại đã bị anh thanh niên vô tình mang trả. Dự định gửi lại "một cái cỏn con gì rồi ra có thể biến thành một chút dịu dàng, một chút xíu dũng cảm trong cuộc sống" cho anh thanh niên đã vô tình đổ bể. Cái nắm tay cuối cùng của họ nói lên nhiều điều, trong sự òa vỡ của hai tấm lòng đồng điệu. Đó không phải là một sự từ biệt đơn thuần, trong cái hành động chìa tay ra của cô gái, cả hai trái tim trong trắng ấy đều hiểu ra rằng, trong cái nắm tay cẩn trọng, rõ ràng, họ đã nói với nhau tất cả trong im lặng. Tình cảm mà họ vừa kịp nhen lên trong lòng kia sẽ không bùng cháy, nó sẽ ấp iu như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm lòng người trong những đêm núi rừng tê lạnh. Đó là ngọn lửa của lòng cảm thông, sự sẻ chia, của những trái tim cùng chí hướng đang vươn lên giữa cuộc đời này.
      Để đến được niềm vui nho nhỏ, thậm chí cuối cùng phải trốn chạy, không dám đối mặt với niềm vui quá lớn và đột ngột, khi không dám đưa tiễn hai người bạn mới xuống tận dưới xe dù giờ "ốp" chưa đến, anh thanh niên đã phải biết bao lần cố gắng. Có thể coi sự rung động trong lòng cô gái và những ý nghĩ nảy nở trong đầu ông họa sĩ là món quà quí giá bù đắp cho lòng nhiệt thành, sự chân tình và những khát vọng tưởng chừng như vô cùng lạ lẫm mà hết sức con người của anh thanh niên. Thèm người, bác lái xe đã nhấn mạnh vào đặc điểm "kì dị" nhất ấy của anh ta khi giới thiệu cho ông họa sĩ già và cô gái trẻ. Nhưng cái đặc điểm dị kì ấy lại có một sức hút đặc biệt. Bởi nó đáng yêu, thậm chí, phần nào đó đáng thương. Ai lại không thể dâng lên niềm xót thương một thanh niên phải vần cả khúc cây ra chặn đường hòng kiếm cớ dừng xe cho có người nói chuyện, cho được nghe thấy những tiếng người, nhìn thấy những con người đang hoạt động, huyên náo? Song nếu đó mới chỉ là dấu ấn để người ta phải "xúc động, tò mò" thì những cử chỉ khi anh xuất hiện khiến người ta cảm mến ngay được. Đó là sự chu đáo, chỉ nghe thấy bác tài bảo bác gái ốm anh đã đi đào tam thất mang biếu; vẻ hồn nhiên, mừng quýnh khi nhận sách bác tài mua hộ mà vẫn không quên tranh thủ ngắm nhìn hành khách cho đỡ nhớ người; rồi cả thẹn, đỏ mặt luống cuống khi bác tài giới thiệu và gợi ý anh mời hai người bạn mới lên thăm nhà.
      Sau phút ban đầu bỡ ngỡ ấy, nếu vườn hoa của anh tạo được cảm tình với cô gái trẻ thì cái cách nói chuyện như báo cáo công việc để tranh thủ thời gian của anh lại tạo được cảm tình sâu đậm trong lòng người họa sĩ già. Ngay sau cái phút báo cáo liến thoắng ấy, câu chuyện bỗng nhiên chững lại. Một cảm giác mới mẻ, lạ lẫm xâm chiếm tâm hồn người họa sĩ từng đã tưởng dạn dĩ với cuộc đời. Nguyễn Thành Long đã lẩy ra những câu văn thấm thía: Anh thanh niên đang nói, dừng lại. Và tại sao họa sĩ cảm giác mình bối rối? Vì nhác thấy người con gái nhỏ nhẻ, e lệ, đứng giữa các luống dơn, không cần hái hoa nữa, ôm nguyên bó hoa trong tay, lắng tai nghe? Vị họa sĩ già đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ khẳng định tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.
      Cái bừng ngộ của nghệ thuật là khi ấy. Cũng có thể coi đấy là cái bừng ngộ của tâm hồn. Khi người ta nhận ra được chân lí cao vời của nghệ thuật, nhận ta được vẻ đẹp giản dị và đằm thắm của lòng người. Anh thanh niên đã sống say mê một đời sống cống hiến vô tư, không toan tính. Anh đã sống một cuộc sống giản dị nhưng cao đẹp từ việc chiến thắng các thói quen lười nhác của chính bản thân mình. Cuộc sống lao động của anh trên đỉnh Yên Sơn cần một kỉ luật lao động nghiêm ngặt và anh đã thực hiện nó nghiêm túc như một thói quen sống. Đó là lối sống của anh, trách nhiệm và niềm vui của anh. Người ta bảo anh cô đơn nhất thế gian, rằng anh "thèm người" đến não nề, anh chứng minh cho mọi người rằng thực tế không phải thế. Rằng chỉ những ngày đầu anh cảm thấy thế thôi chứ sau này anh ngẫm nghĩ ra thì không hẳn sự thực đã là như vậy. Công việc của anh gắn kết với biết bao nhiêu người. Bạn bè của anh là biết bao cây cối xung quanh, bao người bạn bất ngờ trong trang sách. Nhưng không vì thế mà anh không cần đến những con người thực, những người thỉnh thoảng ghé qua Yên Sơn này thăm anh. Anh không thèm người, mà anh thèm lòng người, những tấm chân tình của con người với con người. Đó là điều mà anh đã tâm niệm, đã suy nghĩ và muốn bộc bạch: Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mết. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ "ốp" là cháu xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: cái nhớ xe nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng...
      Hóa ra, vẻ trẻ trung và cả thẹn của chàng thanh niên chỉ là vẻ bề ngoài, ẩn giấu trong hình hài non tơ ấy là một tâm hồn già dặn. Nó làm lóe lên trong trí não người họa sĩ già ước mong được vẽ tác phẩm cho cả cuộc đời mình. Bởi cùng với khát vọng khắc họa chân dung anh thanh niên, chính những phát hiện về con người anh khiến ông phát hiện ra những chân lí về nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật đối với ông là để "yêu thêm cuộc sống", là để "đặt chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức tranh". Nghệ thuật phải giao cảm với cuộc đời. Mà sự thật là như thế, nét bút của ông chỉ có thần khi thấu thị tấm lòng của anh thanh niên. Anh ta càng khiêm tốn bao nhiêu, càng không đặt mình là tâm điểm cuộc sống nơi này bao nhiêu thì vẻ đẹp của anh ta càng ngời rạng trong bức chân dung của người họa sĩ. Tất cả làm cho ông họa sĩ, từ việc sáng tạo của mình, nhận ra quy luật của cuộc sống; từ bàn tay cầm cọ của mình, hiểu thấu được cái lẽ huyền diệu của đấng sáng tạo mà bấy lâu ông từng ngộ nhận. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng. Ví dụ như quan niệm về cái đất Sa Pa mà ông quyết định sẽ chỉ đến để nghỉ ngơi giai đoạn cuối trong đời, mà ông yêu nhưng vẫn còn tránh. Hóa ra, Sa Pa không lặng lẽ. Sa Pa sục sôi bởi cuộc sống và khát vọng của con người.
Có thể nói, trong cái lặng lẽ của mây trời Sa Pa, Nguyễn Thành Long đã vẽ nên chân dung của những niềm yêu sống, luôn rạo rực, luôn sinh sôi. Anh thanh niên làm công tác khí tượng, cô kĩ sư trẻ, ông họa sĩ già, cả bác lái xe, đều là những con người hạnh phúc. Họ hạnh phúc bởi họ được làm những việc mà họ yêu thích, tiếp xúc với những con người mà họ cảm mến, phấn đấu cho lí tưởng mà họ lựa chọn. Cả tác phẩm là một niềm vui, cái lặng lẽ của thiên nhiên cũng như cái im lặng của con người không khuất lấp được niềm vui rạo rực, sinh sôi ấy. Ngược lại, chính trong cái lặng lẽ tưởng như đang bao trùm, cái mạch sống tươi mới càng có cơ hội vươn lên, rì rào trỗi dậy. Sẽ có người hoài nghi về sự thật được thể hiện trong tác phẩm, sẽ có người cho rằng Nguyễn Thành Long đã lí tưởng hóa cuộc sống. Cuộc sống có nhiều âu lo và khúc mắc hơn thế, đâu dễ dàng gì mà người ta có thể vui tươi mà vượt qua khó khăn một cách dễ dàng như vậy. Nhưng phải đặt tác phẩm vào trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ mới thấy hết được sức sống kì vĩ đến ngạc nhiên của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.
      Lặng lẽ Sa Pa được sáng tác năm đầu thập kỉ 70 của thế kỉ trước, khi mà cả miền Bắc đang hồ hởi trong không khí xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Tất cả cho tiến bộ xã hội, tất cả cho miền Nam ruột thịt không chỉ là những khẩu hiệu cổ vũ, hô hào chung chung, nó ngấm vào trong ý thức của từng người dân, nhất là thế hệ trẻ. Nếu bạn đọc để ý, sẽ thấy tác phẩm hai lần nhắc đến tư cách đoàn viên của hai kĩ sư trẻ. Một lần là cô gái, trong tâm niệm của mình, khẳng định ý hướng sẵn sàng đi công tác ở bất kì nơi đâu. Bởi cô nghĩ mình là đoàn viên, mang trong mình ý thức của thanh niên xung kích. Lần thứ hai là chàng trai, trong lời hỏi thăm cô gái: Cũng đoàn viên, phỏng? Bởi với họ, đã là đoàn viên, đã là thế hệ tuổi trẻ của đất nước thì họ tự hào, vinh dự được đứng đầu sóng, ngọn gió, được đến mọi miền Tổ quốc phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc. Đấy là lí tưởng sống của một thời, là phút thăng hoa của những tâm hồn chân chất, giàu ước mơ, khát vọng và ý thức trách nhiệm. Ngày nay, có thể vì hoàn cảnh sống đã thay đổi, người ta không phải sống trong những áp lực khắc nghiệt của đời sống chiến tranh, nên ý thức xả thân vì cộng đồng có giảm nhẹ và đòi hỏi về cá nhân có phần trội át. Song không vì thế mà ý thức tự nhiệm ấy mất đi, nó phát triển theo một đường hướng khác, tuy không tạo thành những cơn phấn khích tập thể như trước, nhưng âm thầm bộc lộ trong ý thức phấn đấu phát triển trọn vẹn tất cả năng lực của mình. Vấn đề chính với thanh niên hiện nay nằm ở chỗ phải nhân rộng những ý thức chiếm lĩnh như thế. Thanh niên Việt Nam phải biết nhìn về quá khứ, ở thế hệ của những chàng trai, cô gái kĩ sư trẻ kia, những con người gối đầu lên những trang sách nóng bỏng ý chí cống hiến, hy sinh. Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người... Câu nói của Pavel Corsaghin ngày nào, giờ đây đang cần chính các thanh niên viết tiếp: sự nghiệp phát triển trọn vẹn các năng lực người, vì hòa bình, công lí và tiến bộ xã hội. Nó làm thành tương lai cho thanh niên Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam.
      Đọng lại khi đọc Lặng lẽ Sa Pa là niềm vui đang cựa mình trỗi sống, là khát vọng được cống hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước, bằng sự nghiệp giản dị mà cao cả của mình. Hạnh phúc nảy mầm mỗi khi con người ý thức được phận vị của mình và hoạt động tự giác, hăng say với tất cả những khả năng mà mình có được. Qua một cảnh ngộ gặp gỡ, với mấy con người giản dị, trong truyện ngắn lãng mạn diệu kì, Nguyễn Thành Long đã khơi gợi trong lòng người đọc biết bao suy nghĩ. Lặng lẽ và thâm trầm, hào hứng và sôi nổi, ngỡ ngàng và lắng đọng, truyện ngắn đã gieo vào lòng người đọc cảm nhận sâu sắc về hạnh phúc. Và sự lan tỏa của hạnh phúc.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập134
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay29,245
  • Tháng hiện tại740,298
  • Tổng lượt truy cập28,040,772
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây