Chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều

Thứ bảy - 20/07/2019 09:00
Năm 2015 lễ vinh danh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du sẽ diễn ra trên phạm vi toàn thế giới nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào. Xin mạo muội biên lại vài chuyện gần đây kịp hầu bạn đọc nhân ngày lễ trọng về đại thi hào Nguyễn Du

Ngày 25/10/2013  tại kỳ họp thứ 37 ở Paris, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần đầu tiên thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Du là nhà văn hóa kiệt xuất. 

Nghị quyết cũng chỉ rõ, năm 2015 lễ vinh danh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du sẽ diễn ra trên phạm vi toàn thế giới nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 3 danh nhân văn hóa được UNESCO tôn vinh: Nguyễn Trãi (năm 1980), Hồ Chí Minh (1990) và Nguyễn Du (2013).

Người viết bài này xin mạo muội biên lại vài chuyện gần đây kịp hầu bạn đọc nhân ngày lễ trọng về đại thi hào Nguyễn Du.

 


 Đầu thế kỷ 20 và có lẽ trước nữa, chính sử cũng như các tài liệu biên khảo  chưa thấy đề cập đến một cuộc kỷ niệm nào về năm sinh năm mất của thi hào Nguyễn Du tại địa phương phường hội cũng như ở một tầm cấp quốc gia? Cho mãi đến mùa thu năm 1924…

Số là ông Phạm Quỳnh (Phạm Quỳnh, (1892 -  1945)  nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn, quan đại thần triều Nguyễn. Người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu- XB) thời điểm ấy đương chủ trì Nam Phong Tạp chí đã đề nghị Hội Khai Trí Tiến Đức (AFIMA -l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites- là một hiệp hội tự lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyên thống Việt Nam. Hội thanh lập ngày 2/5/1919 do học giả Phạm Quỳnh làm Tổng thư ký- XB).

… Hội gửi hơn một nghìn giấy mời đến khắp cả hội viên. Hội còn thông báo cho nhân dân biết.

Tối hôm ấy, tám giờ, cửa Hội mới mở được vài phút, đã có đến hơn hai nghìn người vào chật khắp trong sân, ngoài vườn, dưới nhà, trên gác, đâu đâu cũng chật ních những người. Hội viên các tỉnh về dự cũng đông. Các bà, các cô trong thành phố Hà Nội đến cũng nhiều. Hội viên là người Pháp và các bà vợ ước chừng ba bốn chục người. Có cả mấy bà giáo mới ở Pháp sang, cứ khẩn khoản xin được dự để tận mắt thấy “người An Nam tôn trọng một bậc danh sĩ trong nước thế nào”.

Trên bệ cao cuối vườn, có đặt cái kỷ, bày một lư đồng lớn. Bên trên là chiếc đèn giấy kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”, tựa dáng bức hoành phi đề mấy chữ nho Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh kỷ niệm nhật(Tức: Ngày kỷ niệm Tiên sinh họ Nguyễn Tiên Điền). Hai bên là đôi câu đối bằng chữ Nôm:

Trăm năm để tấm lòng, còn nước, còn non, còn truyền cổ lục,

Tấc thành dâng một lễ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay.

Trong buổi lễ, Phạm Quỳnh đọc hai bài diễn văn. Một tiếng ta, một tiếng Pháp. Rồi Trần Trọng Kim “diễn thuyết về lịch sử cụ Tiên Điền và văn chương Truyện Kiều”. Kế đó là phần biểu diễn của kép Thịnh và đào Tuất, thuộc rạp Sán Nhiên Đài, nổi tiếng đương thời là người kể Truyện Kiều hay. Cuối cùng là một cô đào đứng hát Bài ca kỷ niệm do Nguyễn Đôn Phục soạn.

Sau đây xin trích giới thiệu diễn văn của ông Phạm Quỳnh.

... Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy đến thế nào?

Than ôi! mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng sốt, rụng rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ nhịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai,

Hay là:
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì,

Bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!...

Có nghĩ cho xa xôi, cho thấm thía, mới hiểu rằng truyện Kiều đối với vận mệnh nước ta có một cái quí giá vô ngần.

Một nước không thể không có quốc hoa, truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, truyện Kiều là quốc hồn của ta.

 Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như một giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn tự, văn khế, phân minh, chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng. Mãi đến thế kỷ mới rồi mới có một đấng quốc sĩ, vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực, “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân ông một cõi sơn hà gấm vóc.
Đấng quốc sĩ ấy là ai? Là Cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì? Là quyển truyện Kiều ta vậy.
Gẫm trong người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!

Báu ấy mà lọt đến tay ta, thật cũng là một cái phúc duyên cho ta, nhưng báu ấy ở trong tay Cụ lại chính là một cái túc duyên của Cụ. Thiên văn tự tuyệt bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết tinh lại mà thành ra, những khi đêm khuya thanh vắng vẫn thường tỉ tê thánh thót trong lòng ta, như
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà

Truyện Kiều có thể sánh với những áng thi văn kiệt tác của Pháp quốc, như một bi kịch của Racine hay một bài văn tế của Bossuet vậy. Còn về đường tinh thần thời trong văn học Pháp có hai cái tinh thần khác nhau, là tinh thần cổ điển và tinh thần lãng mạn. Tinh thần cổ điển là trọng sự lề lối, sự phép tắc; tinh thần lãng mạn là trọng sự khoáng đãng, sự li kỳ. Truyện Kiều gồm được cả hai cái tinh thần ấy, vì vừa có cái đạo vị thâm trầm của Phật học, vừa có cái nghĩa lý sáng sủa của Nho học, vừa có cái phong thú tiêu dao của Trang Lão, lấy lẽ phải ông Khổng mà chế lại sự thần bí của nhà chùa, sự khoáng dật của hai họ. 

Nhưng mà ngay trong văn chương nước Pháp tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như truyện Kiều, vì truyện Kiều có một cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự “phổ thông”. Phàm đại văn chương, không những ở nước Pháp, ở nước nào cũng vậy, chỉ có những người thượng lưu học thức mới thưởng giám được, kẻ bình dân không biết tới.
Người Pháp không phải là ai ai cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Người Nam thời ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, “lẩy” Kiều để ứng dụng trong sự ngôn ngữ thường, kẻ thông minh hiểu cách thâm trầm, kẻ tầm thường hiểu cách thô thiển, nhưng ngâm nga lên thảy đều lấy làm vui tai, sướng miệng, khoái trí, tỉnh hồn.

Thử hỏi cổ kim Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa? Tưởng dễ chỉ có một truyện Kiều ta là có thể tự cao với thế giới là văn chương chung của cả một dân tộc 18, 20 triệu người, già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều biết hay cả.

Như vậy thì truyện Kiều, không những đối với văn hóa nước nhà, mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quí.

Văn chương ta chỉ có một quyển sách mà sách ấy đủ làm cho ta vẻ vang với thiên hạ, tưởng cũng là một cái kỳ công có một trong cõi văn thế giới vậy.

Cái kỳ công ấy đột nhiên mà khởi lên, trước không có người khai đường mở lối, sau không có kẻ nối gót theo chân, đột ngột giữa trời Nam như cái đồng trụ để tiêu biểu tinh hoa của cả một dân tộc. Phàm văn chương các nước, cho được gây nên một nền thi văn kiệt tác, phải bao nhiêu nhà thơ, bao nhiêu nhà văn, trong bao nhiêu năm lao công lục lực, vun trồng bón xới mới thành được. 

Nay bậc thi bá nước ta, đem cái thiên tài ít có trong trời đất, đúc cái khí thiêng bàng bạc trong non sông, một mình làm nên cái thiên cổ kỳ công đó, dẫu khách thế giới cũng phải bình tình mà cảm phục, huống người nước Nam được trực tiếp hưởng thụ cái ơn huệ ấy lại chẳng nên ghi tạc trong lòng mà thành tâm thờ kính hay sao?

Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái cảnh mộ Cụ Tiên Điền ta; lại có các quí hội viên Tây và các quí quan đến dự cuộc là để chứng kiến cho tấm lòng thành thực đó. Nhưng còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sĩ.
Thác là thể phách, còn là tinh anh

 Áng tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, chập chừng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây.

Thề rằng:  “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước 
ta còn”

Còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”
(Trích dẫn theo Tạp chí Nam Phong số 86, 1924)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập230
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm214
  • Hôm nay28,910
  • Tháng hiện tại1,094,981
  • Tổng lượt truy cập28,395,455
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây