Nhà văn Tô Hoài - một cuộc đời lạ

Thứ bảy - 20/07/2019 07:30
Tô Hoài viết văn và làm báo. Điều ấy ai cũng biết. Nhưng viết văn như ông, cho đến bây giờ khi đã chín mươi tuổi vẫn còn hứng viết thì là cả một chuyện lạ.

Ông viết về Hà Nội sâu lắm, đừng tưởng những cái chuyện tưng tửng của ông trong Chuyện cũ Hà Nội, rồi thì Cát bụi chân ai, Mười năm... không gói ghém ý tứ sâu sắc bên trong. Cái câu văn cứ dẫn người ta đi như thế, nhưng cái ý tứ thì thâm trầm và nhiều ma mị.

Ông viết cái gì cũng hay. Sách của ông có cuốn được dịch rất nhiều... Nhưng ngoài đời ông hóm hỉnh và nhẹ nhàng. Tôi ngờ trong con người ấy, văn chương ấy đầy rẫy câu chuyện bi hài và vì thế tôi biết ông còn nhiều bí ẩn. Cách sống của ông, văn chương của ông hình như có gì đó bí ẩn. Không bí ẩn làm sao ông sống “ngon lành” trước những dòng xoáy của cuộc đời? Không bí ẩn làm sao ông viết trăm rưỡi cuốn sách , cuốn nào cũng có cái để đọc? Và nếu không vô tư, không có tâm thế, làm sao chín mươi rồi mà còn hứng viết? Cuộc đời tựa một dòng sông. Dòng sông trong trẻo đôi khi lại nhiều bí ẩn và đáng gờm hơn là những thác ghềnh.

Vâng! Với tôi, đến bây giờ, khi mừng ông đại thọ 90 mà hình như tôi chưa cắt nghĩa hết chuyện đời ông, chính cuộc đời ấy, có bí ẩn tài năng trong cái sự cần mẫn góp nhặt chữ nghĩa cho đời cùng quá nhiều mờ ảo hư thực như khói, như sương.

Tôi đến thăm Tô Hoài nhiều lần, nhưng chả có lần nào được ngồi riêng với tác giả Dế mèn... Cái lần gặp ông trên phố Đoàn Nhữ Hài, rồi mấy lần sau nữa, ông đều bận. Ngay hôm tại C3 Nghĩa Đô bữa ấy, khi nhà ông đang có Phạm Xuân Nguyên và Alec, phu quân của nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu. Ông lắm khách. Lần nào đến với ông, tôi cũng gần như thất vọng vì bị những cuộc viếng thăm của các đoàn khách cắt ngang.

Một cuộc đời “Cỏ dại” sang trọng

Thủa nhỏ, tên ông là Nguyễn Sen. Lớn lên, đi viết báo làm văn lấy bút danh Tô Hoài là ghép sông Tô, một con sông cổ chảy qua làng Nghĩa Đô với phủ Hoài Đức mà thành. Nhà văn Tô Hoài đã có một tuổi trẻ lam lũ khốn khó như bao người dân làng Nghĩa Đô quê ông. Học vừa hết tiểu học người đã phải vào đời đi làm với nhiều nghề để kiếm sống: thợ dệt, dạy học tư, bán hàng thuê, kế toán hiệu buôn...

Tô Hoài kể: “Tôi không được như một số nhà văn nhà thơ khác được học văn hóa cơ bản. Hầu hết cuộc đời là tự học, vừa đi học vừa đi làm. Thủa thiếu niên chỉ học đến tiểu học rồi đi bán giày ba ta ở Hàng Khay. Đi bán hàng thuê, tôi chịu khó đọc, đặc biệt tự học tiếng Pháp bằng cách mang tác phẩm của những tác giả tôi thích như Mopatxang, Đôđê vừa đọc vừa dịch hàng nghìn trang, nhờ đó mà tôi có vốn tiếng Pháp tự đọc được các cuốn sách. Rồi bước vào làng báo từ một sự tình cờ. Tháng tháng bán giầy được sáu đồng. Tôi muốn vào thư viện đọc sách nhưng ngặt nỗi không có bằng Thành chung. Tôi đến báo Hà Nội Tân văn do ông Vũ Ngọc Phan làm chủ bút để xin giấy vào thư viện. Thấy tôi ít tuổi mà đã là tác giả nhiều truyện như Nước lên; Sáng giăng suông nên bảo tôi đến nhà ông đọc sách. Ông Phan quý tôi nên đã trả tiền nhuận bút cho các truyện in của tôi.

Thời ấy thường nếu tác giả không được mời viết thì dù bài đăng vẫn không được trả nhuận bút. Tôi được trả mỗi truyện ngắn 5 đồng, trong khi lương tháng làm thuê cũng chỉ được 6 đồng. Thế là tôi đi viết văn... Lúc đầu tôi xác định nghề văn cũng như nghề đánh máy, nghề lao động chân tay chứ chẳng có gì cao quý đặc biệt. Chỉ phải cái phải khổ công rèn giũa cây bút và phải có chút năng khiếu... Năng khiếu nhiều khi chỉ là một phần thôi, còn vấn đề tự rèn luyện là trên hết... Lúc này Nhà Tân Dân muốn xuất bản một số sách cho thiếu nhi. Ông Vũ Ngọc Phan giới thiệu tôi cho Vũ Đình Long và ông Long “đặt hàng” tôi viết. Tôi bèn viết truyện Con dế mèn chỉ độ ba mươi trang đem đưa nhà xuất bản và không ngờ được in ngay.

Ông Vũ Đình Long trả tôi những hai mươi đồng và cổ vũ tôi: “Sách ông bán chạy lắm, ông viết nữa đi”. Thế là tôi mừng quá và lao vào viết tiếp Dế mèn phiêu lưu ký dài gấp đôi, dĩ nhiên số tiền ông Long trả cũng gấp đôi. Từ năm 1940 đến 1945 tôi viết khoảng hai mươi cuốn đưa in. Có tiền nhuận bút, tôi đi khắp nơi sang cả Lào, Campuchia... cóp nhặt vốn sống và viết... Sau cách mạng tôi làm phóng viên báo Cứu quốc. Trong lúc đó tôi được làm tờ Cứu quốc Việt Bắc viết tiếng Tày in ở Chợ Rã phát hành chủ yếu ở Cao - Bắc - Lạng. Báo ấy do tôi làm Chủ nhiệm, anh Nam Cao làm Thư ký Toà soạn...”.

Trong Cỏ dại và Tự truyện, nhà văn đã kể về cuộc đời rất... “cỏ dại” của mình. Vâng! ông đã lớn lên giữa cuộc đời như một sự xô đẩy nào đó, hồn nhiên và cũng bầm dập sống mà vươn lên như cỏ dại... Thế thì cần khẳng định cái phần năng khiếu và tự vượt lên của Tô Hoài là lớn lao. Và ông đã nuôi lớn tài năng bằng chính cuộc đời “cỏ dại” của mình. Trong hàng trăm cuốn sách, nhiều cuốn có tính tự truyện: những Cỏ dại, Tự truyện, Quê người, Mười năm, Quê nhà, và cả Ba người khác...

Điều bí ẩn ở chỗ là một người không học hành đỗ đạt mà vào đời văn tiếng tăm nổi như cồn. Viết đã thế, rồi ông đi làm Cách mạng, lên Việt Bắc làm báo và đi Tây Bắc, Việt Bắc viết thật hay về vùng đất, con người trên ấy. Hai cái mảng đề tài làm nên chân dung ông, đó là ngoại thành Hà Nội và Tây Bắc. Viết cho thiếu nhi, viết về Hà Nội và Tây Bắc cái nào cũng hay...

Viết nhiều khó ai bì kịp. Tôi khẳng định tài năng và chỉ có tài năng mới làm nên điều lớn lao ấy. Chả thế mà năm 1957, Hội Nhà văn thành lập, Tô Hoài đã là Tổng Thư ký, rồi ở trong Ban Chấp hành ngót ba mươi năm trước khi về làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội... Nhiều người chưa hiểu hết ông và cách sống của ông. Đó cũng là điều bình thường. Con người càng hoạt động mà sống giữa bao nhiêu biến cố lịch sử như thế và càng nổi tiếng thì có nhiều bí ẩn, thậm chí có điều khó hiểu. Chính những điều ấy làm ông lớn lao hơn, bất tử hơn chăng?

Và trong trẻo văn chương

Phần nhiều nhà văn lớn tuổi thì viết cũ, trong khi đó Tô Hoài càng viết càng hay, càng có cách nhìn, cách viết mới. Ông đã già từ khi thiếu niên, và về già thì lại trẻ lại. Đó là một sự lạ. Làm sao mà cầm bút trong bảy chục năm mà ngòi viết ấy không cùn đi mới lạ. Bao nhiêu người viết về sau nhìn lại, viết lại có khi nổi giận với quá khứ, hay chán nản việc đời hoặc già cả mà chểnh mảng viết lách. Tô Hoài từ trước đã chẳng thế, bây giờ dù đã qua “cửu thập” vẫn thản nhiên viết, thản nhiên trò chuyện với cuộc đời, lòng trong như nước... Đôi khi đem những chuyện cũ, chuyện mới nói lại cùng ông, xem thái độ phản ứng của ông thế nào, vẫn một câu: “Chẳng đáng gì”. Vâng! “Chẳng đáng gì”, âu là một cách nhìn cuộc đời bao dung hay là một cách “ngộ”. Có lẽ trải nghiệm nhiều mà nhà văn đã “ngộ” ra nhiều việc đời, lẽ đời... Trong cõi vô thường này, có lẽ chẳng có gì ghê gớm lắm.

Chẳng có gì đáng phải lớn tiếng, đáng phải ầm ĩ cả. Cái thản nhiên nơi ông đã làm cho ông sống thọ mà viết chẳng khi nào cạn dòng cảm xúc. Phải chăng cái lòng yêu cuộc sống, vốn nhiều biến động - đã tạo cho ông một tâm thế bình thường, thích nghi và vì thế không quá lý tưởng hoá cuộc đời, rồi đến lúc cuối đời ngẫm ngợi, giận hờn với đời mà bỏ bút như nhiều người. Tô Hoài vẫn viết. Chiều chiều ông vẫn viết. Vẫn cái giọng văn hóm mà sâu... Cái tài viết hồi ký của ông có thể nâng lên hàng bậc thầy về cách kể chuyện. Thực quá, đến nỗi cứ ngỡ hư cấu. Thực đến trần trụi mà vẫn làm say hồn người, gợi nhiều ngẫm ngợi về những cái đã qua.

Chuyện về bài thơ duy nhất: Bài ca trên núi

Lúc tôi hỏi về bộ phim Vợ chồng A Phủ, hình như Tô Hoài bừng tỉnh khi ông kể về những ngày trên Tây Bắc. Ông kể, ông từng đi Tây Bắc ở lại trên ấy năm sáu năm. Rồi lại đi Việt Bắc với cả Nguyên Ngọc. Tô Hoài kể chuyện ông viết lời cho bản nhạc phim Bài ca trên núi của Nguyễn Văn Thương gắn với bộ phim Vợ chồng A Phủ: Dạo ấy đoàn phim đi thực tế ở Sơn La, về nơi xuất xứ câu chuyện của tôi. Lần ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có người nhà vào vai phim A Phủ, nên anh ấy nhận lời viết nhạc phim.

Chuyến đi Tây Bắc ấy, anh Thương gợi ý tôi viết lời cho bài hát. Tôi không làm thơ nhưng câu chuyện của người Mông trên núi cứ ám ảnh tôi đến khi ngồi trên xe tôi buột miệng đọc: Đầu trời có sao chiều sao sớm/Đầu núi kia có hai người/ Trời chỉ có sao sớm sao chiều/Núi chỉ có hai người/Hai người yêu nhau... Dù đi cùng trời /dù đi khắp núi/Trời chỉ có sao sớm sao chiều... Hỏi rừng chiều có tiếng khèn ai đó/Khèn hát lên những lời mong chờ/ Đường đi về rừng đường đi xuống núi/ Trời chỉ có sao sớm sao chiều/Núi chỉ có hai người/ Hai người yêu nhau...

Vâng! Không làm thơ nhưng lời bài hát ấy với giai điệu dân ca Mông tuyệt hay. Và ca từ ấy đã là một bài thơ tình hoàn chỉnh, một bài thơ tình tuyệt bút. Bộ phim Vợ chồng A Phủ đã tròn 50 tuổi. Thế mà tác giả văn học vẫn còn nhớ như in những ngày đi thực tế viết văn làm báo và những chuyến về lại Hồng Ngài quê hương A Phủ. Tô Hoài đã có một phần đời gắn với núi cao và chính phần đời ấy góp phần quan trọng vào chân dung một nhà văn đi nhiều, viết nhiều vào bậc nhất ở Việt Nam...

Hình như trời sinh ra ông để làm nghề viết văn. Những độc đáo trong tính cách, trong số phận đã gắn ông với nghề viết. Ông vào đời và trôi theo dòng đời mà không hề chuẩn bị gì. Ông đã viết dư 70 năm, đã có trên 60 năm tuổi Đảng, đã được tặng Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt đầu năm 1991... Điều kỳ lạ và bí ẩn là cây đại thụ văn chương Tô Hoài vẫn còn ăm ắp cảm xúc và còn muốn viết nhiều nữa. Vâng! Ông còn đương viết những gì ấp ủ chưa viết ra, dù số tác phẩm với hơn 150 đầu sách, trong đó nhiều cuốn tái bản đạt hàng kỷ lục và số người đọc trong và ngoài nước đã đủ làm ông nổi tiếng. Ngồi bên ông, ngắm ông trong cái ghế bành kia, tôi bật cười nhớ chuyện nhà văn Hà Minh Đức ví Tô Hoài: “Anh như một con mèo đẹp dáng dấp nhẹ nhàng ngồi thu mình sưởi nắng và khi cần thì lao nhanh về phía trước hoà nhập vào giữa dòng đời...”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm146
  • Hôm nay19,622
  • Tháng hiện tại1,118,841
  • Tổng lượt truy cập28,419,315
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây