Tết Trung Thu thời Lý

Thứ bảy - 20/07/2019 07:11
Tấm bia chữ Hán tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi, Hà Nam lập năm 1121, cách nay ngót 9 thế kỉ, đã miêu tả tết Trung Thu thời đó được Hoàng đế Lý Nhân tông tổ chức thật là tưng bừng, hoành tráng với những màn biểu diễn đặc sắc, nhộn nhịp tại Thăng Long. Văn bia dành một đoạn dài viết (dịch):

Trung Thu cảnh đẹp, muôn việc rảnh rang. Với lòng hiếu thành mở ra mà dọn cỗ bàn, cùng lễ lạt  bày lên mà cúng dâng hoàng khảo.

Lúc mặt trời ba tầm sào buổi sáng, liền tưng bừng mà khởi động xe vua. Thắng ngựa báu ra ngoài điện tía, lên xe châu ruổi dọc  đường  vàng. Quạt lông trĩ buộc ở hai bên, dây nạm bạc néo từ bốn phía. Trời biếc lọng vàng, cờ màu nắng tuệ. Tinh tú giong bờ liễu, bắc đẩu chuyển đường hoa.

Xuôi Trường Lô dòng xanh, ngự Linh Quang điện báu. Nghìn thuyền đi chớp giật giữa dòng, muôn trống dội sấm vang dậy nước.

Dưới hiên ngọc  thết quan xa về hội, trong thềm son tấu chương biểu sứ tiên.

Dập dờn lòng sóng, thả rùa vàng đội ba ngọn núi, thung dung mặt nước, phô giáp vằn lộ bốn cột chân. Hướng mắt rùa nhìn bờ, há miệng ngao phun bến; ngước trông ấy mặt rồng, nghiêng đầu kìa trời thẳm; ngó vách đá cheo leo, tấu nhạc thiều réo rắt; đôi cánh cửa động lặng mở, các  vị  thần tiên hiện ra. Ấy là dáng phong tư thượng giới, há  đâu vẻ kiều diễm trần ai. Uốn tay thon hiến khúc Hồi phong, díu mày biếc ca lời thịnh trị. Chim quý họp bầy, thảy đua dáng lượn bay; hươu lành thành đội, tự sắp hàng vờn nhảy.

Cho đến  khi : Bóng ác về tây, kiệu xe sắp lại. Đến giữa đường bằng phẳng, ở ngoài cõi Quảng thiên. Dõi đài cao mà về bờ đất, xoay lưng rùa để đội ba non; đến trước mâm son mà cất cái đầu, đem thân tình mà lê đuôi ngắn. Chim xuyên mây mà ríu rít, hổ xuống núi mà oai phong. Trổ tài dũng mãnh, thú nhỏ xé nhai. Hội ngự lâm đệ tử, cầm lọng trĩ cán son; hô vang mà tiến đến trước vua, quây bãi rộng làm trường săn bắn; cung giương chân chạy, kiếm tuốt ngựa giong; thoăn thoắt người khoe dũng, thoăn thoắt kẻ tranh hùng.

Mến lân bang nên bồng trẻ dắt già; gọi quan xa mà băng sông vượt núi; căng mắt ánh trời, thỏa lòng mong gặp.

 Nơi nơi đều trang hoàng gấm vóc, năm năm cùng hòa mục ba ngày. Đưa người đời lên chốn hồ thiên, đặt muôn dân vào miền lạc quốc.

Đó là bệ hạ rộng trông mà sáng chế rùa vàng vậy”.

Với thể văn biền ngẫu trùng điệp và rộn rã, đoạn văn bia như một bài phú trác tuyệt tả quang cảnh Trung Thu chốn kinh kỳ do nhà vua tổ chức.

Mở đầu, tác giả giới thiệu Trung Thu cảnh đẹp và mục đích tổ chức tết là để báo hiếu cha mẹ vua. Ta nhớ tài liệu khả tin nhất là Đại Đường Tây Vực kí (giữa thế kỉ VII) của Huyền Trang cho rằng, Trung Thu là ngày cuối của ba tháng an cư kết hạ, tức cũng là ngày Mục Liên cúng dường 500 mâm lễ cho chư tăng mười phương để giải thoát cảnh khổ địa ngục cho mẹ mình, tỏ lòng hiếu phục, tức là lễ vu lan (sau này, người ta tổ chức vào rằm tháng bảy, rồi thành lệ nhiều vùng).

Đoạn hai là cảnh nhà vua rời cung điện ra khai mạc lễ và cảnh lính tráng, cờ quạt của cuộc nghinh rước ra sông Hồng, xuống thuyền. Vua ngự điện báu, quan lại triều đình tụ họp dâng tấu chương trang nghiêm.

Tiếp đó là cảnh con rùa vàng (kim ngao) đội ba quả núi to lớn và tráng lệ mà nhà vua đã sáng chế, vừa là nhân vật chính lại cũng vừa chính là của sân khấu múa rối vĩ đại trên sông. Tiếng nhạc thiều vang lên, trên núi  giả các con rối diễn cảnh tiên cung với tiên nữ múa dâng thánh thượng, há người hạ giới mà được như vậy. Đường Minh hoàng chơi cung quảng chăng? Chim, hươu  (bằng con rối) bay chạy thành hàng.

Khi mặt trời xế bóng, cuộc biểu diễn chuyển cảnh. Chim bay vào mây. Hổ xuất hiện vồ thú. Những nhân vật trong vai tráng sĩ ngự lâm quân diễu võ giương oai, thoăn thoắt nhịp nhàng múa điệu đánh hổ. Ngày nay là múa lân chăng?. Tiếp theo màn trên là màn nghênh tiếp sứ thần, thổ quan tiến cống, tôn thêm uy vũ nhà vua.

Kết thúc, là cảnh muôn dân trang hoàng lụa là, ba ngày vui chơi hòa mục. Nhà vua bằng ân đức, công lao của mình đưa đất nước lên chốn thái bình thịnh trị.

 Đoạn bia là một tư liệu lịch sử quý giá, không những cho ta thấy cảnh tết Trung Thu xa xưa, nghệ thuật biểu diễn sân khấu rối nước, rối cạn phát triển rực rỡ dưới  thời Lý… mà khi so sánh chủ đề, văn phong, cấu trúc nghệ thuật , ta thấy không thua kém tác phẩm Vu lan bồn phú nổi tiếng của Dương Quýnh, một trong  “Tràng An tứ kiệt” vào đầu thời đại nhà Đường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay31,746
  • Tháng hiện tại1,097,817
  • Tổng lượt truy cập28,398,291
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây