"Đối chiến" bước chuyển mới của văn học về đề tài chiến tranh

Thứ sáu - 19/07/2019 23:36
Nhà văn Khuất Quang Thụy có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. “Đối chiến” là cuốn tiểu thuyết thứ 5 của anh vừa được xuất bản đã có nhiều ý kiến khác nhau và chúng tôi coi đó là dấu hiệu đáng mừng của văn học
 

Một lý do nữa để Văn nghệ mời các nhà văn nhà phê bình tham dự cuộc tọa đàm nho nhỏ hôm nay, là chúng ta sắp kỷ niệm 36 năm Ngày 30 – 4, ngày kết thúc cuộc chiến tranh ác liệt lâu dài; đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, tìm kiếm những dấu mốc trong quá trình văn học đồng hành cùng sự kiện vĩ đại này. Trong lời dẫn cuộc tọa đàm, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng biên tập báo Văn nghệ đã nói như vậy. Và ông mời nhà văn Khuất Quang Thụy phát biểu trước...

Bàn tròn văn học về cuốn tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy, NXB Quân đội Nhân dân, HN 2010

Khuất Quang Thụy:  Trước hết, có lẽ tất cả các anh đều biết đến ngày hôm nay tôi vẫn đang mặc áo lính. Tôi nhập ngũ tháng 3-1967, đến nay đã gần 45 năm phục vụ trong quân đội, trong đó có trọn vẹn 9 năm tham gia chiến đấu tại các chiến trường, và đặc biệt, 9 năm đó tôi chỉ phục vụ tại sư đoàn 320, một trong những sư đoàn cơ động quan trọng nhất của quân đội ta. Nhà văn Nguyễn Minh Châu khi đọc những trang viết của tôi đã nói rằng: “Các cậu có cái may mắn lớn là được nhìn chiến tranh bằng “mắt thường” chứ không phải qua cặp kính của nhà văn đi thực tế. Cậu sẽ còn viết được nhiều vì vừa đi đánh nhau, vừa biết xem người ta đánh nhau; chứ tớ với ông Khải là đi xem người ta đánh nhau, còn một số người lại chỉ biết đánh nhau chứ không biết xem, cũng khó viết hay”. Nếu có sự khác biệt giữa trang sách của lớp nhà văn chiến sĩ chúng tôi với các nhà văn viết về chiến tranh lớp đàn anh thì có lẽ đây là lí do xác đáng nhất để lí giải.

Độ lùi của thời gian đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong chiến tranh, trong đó có cả nhận thức về hình thái cuộc chiến được thể hiện trong từng giai đoạn. Độ lùi thời gian đã giúp tôi có điều kiện tìm hiểu kĩ càng những gì đã xảy ra ở bên kia chiến tuyến khi Mỹ tiến hành chiến lược Việt Nam hóa, thời gian cũng giúp tôi hiểu rõ hơn về những người lính phía bên kia, được người Mỹ dùng để “thay màu da cho các xác chết” trên chiến trường. Độ lùi thời gian cũng đã giúp tôi có cái nhìn bĩnh tĩnh khách quan hơn về những con người được coi là đối thủ của mình trên chiến trường; hiểu rõ hơn những vấn đề có tinh xã hội học chiến tranh và nhất là thời gian đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những con người bị cuốn vào vòng xoáy từ hai phía của chiến tuyến. Cùng với độ lùi thời gian, tôi còn có những mảng kí ức lạ lùng  trong chiến tranh, mà có lẽ chỉ có trong cuộc  chiến ở Việt Nam. Đó là năm 1973, khi Hiệp định Pari về chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam có hiệu lực, trên chiến trường Tây Nguyên những người chỉ huy quân đội từ hai bên đối chiến đã nghĩ ra cách lập ra tại những khu giáp ranh một “Nhà hòa hợp”, là nơi để binh lính, sĩ quan hai bên hàng ngày gặp gỡ nhau, tiếp xúc với nhau, cùng trao đổi, trò chuyện để xây dựng niềm tin, tạo nền tảng cho một quá trình “hòa hợp dân tộc” mà tôi được cử ra trực nhà hòa hợp gần thị xã Pleyku. Đó là những ngày tôi có cơ may được trò chuyện, được quan sát những binh lính, sĩ quan phía bên kia khi họ vẫn còn đầy đủ danh dự sĩ quan, danh dự người lính của một quân đội đối địch, chứ không phải khi họ đã trở thành tù binh. Tôi đã ghi chép được rất nhiều, trong đó có không ít những câu chuyện họ kể về gia đình, làng xóm, hậu phương, kể về các trận đánh của họ, kể về các sĩ quan và nhất là được nghe họ nói rất thật về thái độ của họ với nước Mỹ, người Mỹ, quân đội Mỹ, về các tướng tá và cả các chính khách của chính quyền  Sài Gòn  nữa. Là các sĩ quan được đào tạo “rất Mỹ”, nên họ rất tự do, họ nói thẳng, nói hết những ý nghĩ của họ, những phẫn nộ của họ về cuộc chiến, không hề có sự nghi ngại, cảnh giác, đắn đo “uốn lưỡi ba lần trước khi nói” như thói quen của chúng ta. Tôi đã ghi được hàng trăm trang về những cuộc trò chuyện ấy và nó giúp tôi viết “Đối chiến.” Giờ sách đã xuất bản, hay dở tùy các anh phán xét. Nếu có phần nào chưa thể thở phào nhẹ nhõm là còn một thực tế hết sức đáng buồn là cho đến tận ngày hôm nay giữa  những con người từng ở hai bên chiến tuyến dù không khác nhau nhiều như chúng ta tưởng, nhưng đến hôm nay vẫn tồn tại những cuộc “đối chiến” về tinh thần, tư tưởng mặc dù trên lí thuyết cuộc “đối chiến” ấy đã ngã ngũ, đã có kẻ thắng người thua  từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Văn Chinh: Cái khía cạnh xã hội của cuộc chiến tranh mà ông tìm được là đặc biệt quan trọng, nó là cơ may của hết thảy chúng ta. Khi chiến tranh chỉ được phản ánh từ góc nhìn chính trị, nó sẽ bầy ra những thiên kiến, nó đơn giản hóa chiến thắng cũng như cả cái ác cái thiện; nó cắt nghĩa tại sao văn học của ta thì ta tốt nó xấu, ta thắng địch thua còn ở miền Nam trước 1975 thì có hình tượng nổi tiếng “người khổng lồ không tim.” Nhưng cái góc xã hội ông nói nó còn giúp cho nhân vật bên kia trong “Đối chiến” có hậu phương của nó; có gia đình, người yêu hay thậm chí có cả những màn kịch đàn “em gái nhỏ hậu phương”kỳ thực là gái điếm được trực thăng Mỹ đổ xuống nơi đóng quân. Hiệu quả là các nhân vật bên kia hiện ra là gần với chính họ hơn. Có thể ví dụ mối tình không thể nói là không đẹp của Út Cúc với đại úy Huỳnh Xuân Thời được báo chí Sài Gòn phong thành “Anh hùng Mũ Đỏ.” Cúc yêu Thời bất vụ lợi dù biết anh đã có vợ con, là dân ruộng còn cô là nữ sinh Huế con nhà giầu; cô cũng bất chấp ý anh trai không tiếc lời miệt thị Thời, giữ bằng được cái thai nhi dù tương lai của nó là khá mịt mờ. Trong mối tình có cả thách đấu với ít nhiều phim cao bồi miền Tây này, đối sánh với mối tình của Nhài – Đông khá thú vị: Nhài cũng yêu Đông dù biết anh đã có vợ con, cô cũng khư khư giữ cái thai như Cúc; chỉ khác ở chỗ Nhài không dám công khai vì sợ “ảnh hướng” đến bước đường tiến bộ của Đông và đó là khác về mặt xã hội học. Cái chết của Đông và Thời về sau cũng để lại nhiều ẩn dụ.

Khuất Quang Thụy: Đông muốn bảo vệ tù binh – thương binh của đối phương nên bị một tù binh sát hại còn Thời thì chết như một người lính tại trận. Xét về kiểu chết, Đông cũng thua Thời. Đông không dám công khai mối tình, vì nếu công khai, anh ta sẽ bị kỷ luật và sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chiến. Đó là những ứng xử mang tính xã hội học.

Văn Chinh: Như đã thua Thời ở tính mạch lạc trong tình yêu và nhờ vậy, thằng con trai duy nhất của anh ta có tên bố trong giấy khai sinh. Còn đứa con của Nhài, chẳng nói thì ai cũng rõ, nó sẽ chịu quá nhiều thiệt thòi, bị ghẻ lạnh dẫu là con liệt sỹ đích thực. Về điểm này, nếu Đông quả có nghĩ như anh Thụy nói, chứ không “bỏ của chạy lấy người” thì cần gộp cả vào cái giá để chiến thắng.

Đọc “Đối chiến” tự nhiên cứ thấy một so sánh: Các nhân vật Huỳnh Xuân Thời, Ngô Thanh Vân, đại tá Sơn Đường cứ nổi trội hơn Đông, Dân, Thịnh, Tiên…của bên ta. Nếu đó là thật, thì nó cho thấy yếu tố lạ trong nghệ thuật quan trọng nhường nào.

Quan sát văn học đề tài chiến tranh, thấy nó đã chững lại sau thời kỳ nở rộ sau 1975 nhưng tôi thấy thêm thế này: Có lúc chúng ta phê phán tiểu thuyết tả trận mà không có sức khái quát phát hiện, tôi thì tôi hiểu rằng chúng ta đã tả trận chưa hay; chứ văn chương tả trận trong Tam quốc diễn nghĩa, trận Xích Bích chả cuốn hút chúng ta suốt tập 7 và nửa đầu tập 8 đấy ư? Trận Waterloo, trận Borodino trong Chiến tranh và hòa bình, mỗi trận chả trên dưới 200 trang đấy thôi, ta đã đọc không sót một chữ nào. Ý này tôi nghe được từ nhà văn Bùi Bình Thi – một nhà văn nói không hề dễ nghe.

Nguyễn Chí Hoan: Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung làm rõ điều anh Thụy vừa nói, đó là sự lựa chọn thời điểm có ý nghĩa của tiểu thuyết; câu chuyện diễn ra là năm 1971, năm Mỹ bắt đầu tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh. Tôi cũng thấy khác anh Văn Chinh, tiểu thuyết rất ít tả trận, mọi tình huống, sự kiện tác giả đề cập đều chỉ nhằm nêu bật con người. “Đối chiến” có cái mới là các nhân vật phía bên kia rất sống động, đặc biệt là thiếu tá Huỳnh Xuân Thời. Trong sổ tay tôi ghi được câu Thời nói có giá trị cắt nghĩa thực trạng tướng tá của Sài Gòn tại thời điểm này; đồng nghĩa với việc cắt nghĩa lý do chiến thắng của chúng ta. Thời nói: Sỹ quan của chúng ta bắn súng sáu không thạo, nhiều người không biết đọc bản đồ tác chiến. Có những tay rời cố vấn Mỹ ra không còn biết phải chỉ huy như thế nào.

Văn Chinh: Anh Hoan đã hiểu rất hay từ một nhận xét trung thực của Huỳnh Văn Thời. Đây cũng là điều làm mủi lòng, khiến liên tưởng đến thân phận kẻ lệ thuộc và có lẽ không chỉ ngụy quyền sài Gòn mới có nỗi niềm cay đắng ấy. Nhưng hình như anh Hoan hiểu khái niệm tả trận với nội hàm nào đó của một thời nên không thấy “Đối chiến” là tả trận chăng? Tôi thì tôi hiểu nó thậm chí chỉ tả một trận, là trận Đường 9 – Nam Lào mà bên kia gọi là chiến dịch Lam Sơn 719. Và qua trận đánh, các nhân vật cứ hiện dần lên, càng ác liệt càng bộc lộ tính cách, cá tính và trí lự của họ.

Nguyên An: Từ một cách nhìn khác về chiến tranh, tiểu thuyết đã có một tư tưởng nghệ thuật độc đáo. “Đối chiến” có cấu trúc chặt chẽ, có tính chất hô ứng quen thuộc của cấu trúc tiểu thuyết thuộc dòng sử thi truyền thống đã được chia thành bốn phần: Phần 1 – Điểm tạm dừng; Phần 2 -  Bãi đáp; Phần 3 – Đối chiến trên đường lửa; Phần 4 – Nghệ thuật giành chiến thắng. Nó không có sơ hở, dù xoay ngang xoay dọc và thử bỏ một khúc là lập tức khác biệt. Do nhà văn dày công nghiên cứu và có đời sống thực nên ngôn ngữ nhân vật của ai ra người nấy, không có kiểu chỉ là “mặt nạ” phát ngôn trực tiếp cho nhà văn. Tôi muốn nói gọn, như một ghi nhận về thành công đầu tiên của bút pháp thể loại khi mô tả chiến tranh ở tiểu thuyết này là: nhà văn đã làm chủ được ngòi bút. Khi thì tỉ mỉ, khi thì khái lược, nhiều trang như kí sự trực tiếp về diễn biến trận đánh của một phóng viên đang tường thuật tại chỗ, lúc khác lại chỉ kể và dựng, nhẩn nha, theo một giọng văn tỉnh táo, bình bình, có đoạn hơi đùa đùa nhộn nhộn mà người đọc tự hiểu ra nhân dạng nhân cách và cả ý nghĩa của mỗi hành động, mỗi lời nói tưởng như bột phát, song lại thể hiện thật rõ tầm vóc suy tư cùng sự cao đẹp của phẩm chất tâm hồn bên trong nhân vật… Nó đã tạo nên ba yếu tố khác biệt cho dòng văn học viết về chiến tranh:

1- Đặc sắc của tiểu thuyết “Đối chiến” là nhà văn đã dựng lên những cặp nhân vật đối xứng. Nếu như trong lực lượng quân giải phóng miền Bắc vào có tiểu đoàn trưởng Kiều Bá Thịnh, trung đoàn trưởng Đồng Duy Tiên, trưởng ban tác chiến Nguyễn Hải Đông, trợ lý tác chiến Lê Hoài Dân… thì phía đối phương có các đại úy Huỳnh Xuân Thời, đại úy Ngô Thanh Vân, trung úy Trần Thiện Khanh, các tướng Du Quốc Đống, Lê Quang Trưởng, rồi các đại tá Sơn Đường, Nguyễn Văn Thọ… Tất cả, hai dàn nhân vật này, ở mỗi người đều có cá tính và thói quen riêng; họ đều là người lính thực thụ, đều có những phẩm chất rất chuyên nghiệp như đã được đào tạo bồi dưỡng có bài bản, khả năng phán đoán tham mưu, vào trận thì vừa quả quyết như mãnh hổ, vừa thực sự linh hoạt uyển chuyển như báo như mèo. Chỉ có điều, các nhân vật bên ta bị quen, dù không giống với bất cứ nhân vật, chi tiết nào của ai hay của chính Khuất Quang Thụy; nhưng chúng vẫn bị quen. Còn các nhân vật phía bên kia thì lạ và sống động như Ngô Thanh Vân, Huỳnh Xuân Thời hay Sơn Đường.

2- Phải chăng góc nhìn xã hội học về cuộc chiến là khác với khía cạnh thuần chính trị?

Khuất Quang Thụy: Đúng thế. Lâu nay văn học ta mới chỉ quan tâm đến ý thức hệ, đến chính tà, sai đúng, dũng cảm hy sinh chứ chưa mấy chú ý đến yếu tố nền tảng làm nên số phận và tính cách nhân vật; có xã hội học thì chân dung tinh thần của thời đại mới ảnh xạ vào các nhân vật. Chẳng hạn khu gia binh quân đội Sài Gòn ngày nào cũng có tang ma lính chết trận mà tôi đã miêu tả trong sách. Cái đó tác động đến tinh thần của binh lính dai dẳng và âm thầm. Về điểm này khác hẳn với các trường hợp báo tử của chúng ta, kéo dài hàng năm và bao giờ cũng tính toán thời điểm - hoàn cảnh rất chi tiết khi tiến hành. Ca nhạc và văn chương cũng vậy. Một bên thì hùng dũng, hăng hái; một bên thì rên rỉ, ỉ eo, hờn oán. Trong một buổi trò chuyện với sỹ quan Sài Gòn ở ngoại ô thị xã Pleyku, tôi đã ghi đúng cái câu “chân dung tinh thần của thời đại”.

Nguyên An:  Nếu vậy, đây sẽ là một lý thuyết mới trong sáng tạo nghệ thuật, là cơ sở để mở ra các chiều kích khác cho văn học đề tài này.

3- Như các anh vừa nói, nhân vật phía bên kia sống động, nhờ sự hiểu biết dầy dặn của tác giả. Nhưng ở đây tôi ngờ ngợ: Phải chăng cái nhìn của nhà văn là tôn trọng người bên ta, cái đó thì đã đành; nhưng cũng còn tôn trọng người của bên kia nữa. Và nếu thế thì thật nhân văn, ta với họ dẫu sao cũng là tình nghĩa đồng bào.

Điều cuối cùng, tôi muốn coi “Đối chiến” là một đài tưởng niệm chiến công, thêm một sự chiêu tuyết cho những cái chết không đáng, dù có oanh liệt, của một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ. Và vì thế, tôi đang hình dung đến một mai không xa lắm, khi công chúng trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam có tâm thế đọc bình tâm hơn, thì chắc là tiểu thuyết này lại có dịp tái bản. ...


 

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập168
  • Hôm nay43,031
  • Tháng hiện tại898,637
  • Tổng lượt truy cập29,424,011
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây