Tưởng nhớ Phan Anh (Phần 1)

Thứ bảy - 20/07/2019 08:56
Sau những năm các phong trào thanh niên cách mạng bùng nổ, 1929-31, chính quyền thuộc địa thấy cần phải nới rộng trung học và đại học tại Đông Dương. Dân ta hiếu học, đã hưởng ứng ngay.
Tại Hà Nội, các trường công tư đào tạo từng lớp thanh niên đủ kiến thức tài năng để dự học các trường đại học : khoa Y, khoa Dược và khoa Luật. Kết quả là kề trước cuộc đại chiến 1939 tại Âu Châu và nhất là cuộc đại chiến Thái Bình Dương, tại nước ta sẵn có một thế hệ thanh niên trí thức, có đủ tài cán chuyên nghề, nhiều lòng muốn phục vụ tổ quốc. Họ sau nầy sáp nhập với nhóm cách mạng bấy giờ hoặc đang bị giữ trong lao tù, hoặc đang náu tiếng với nhân dân, để gây một phong trào yêu nước vô song, từ bàn tay trắng mà chống nổi mọi cuộc ngoại xâm.
    Chính Phan Anh thuộc thế hệ ấySau khi tốt nghiệp luật khoa tại Hà Nội, Anh đã tới Paris, soạn các đề án về luật hiến pháp và ngoại giao, để tính đường tương lai giảng dạy luật khoa. Nhưng năm 1939, tình hình Âu Châu thành nguy ngập. Anh cùng các bạn du học phải trở về nước. Chẳng bao lâu, nhân Pháp bị bại trận, Nhật Bản tăng áp lực đối với Đông Dương. Chính quyền ở đây muốn lấy lòng trí thức, phải cho người bản xứ hành nghề luật sư. Nhờ vậy Phan Anh mới vào tập sự nghề luật sư tại một phòng cạnh nhà lao Hoả Lò, khá gần nhà tôi.
    Tôi thuộc vào lớp hơi sớm hơn Anh. Năm 1936, tôi đã từ Pháp về dạy khoa toán tại Trường Bưởi, trường mới được mang huy hiệu " Lycée ". Bấy giờ hiếm giáo sư, cho nên tôi phải phục vụ nhiều lớp, nhiều trường. Chung quy tôi không có thời giờ tiếp xúc nhiều với thế hệ Phan Anh. Vả tình hình chiến tranh tại Âu Châu, tư thế quân đội Nhật bản tại Đông Dương thúc giục tôi phải để tâm hoàn thành và công bố công trình mà tôi đã ôm ấp trong gần mười năm : DANH TỪ KHOA HỌC. Bấy giờ lòng ái quồc nồng nàn của nhân dân, nhất là của thanh niên, đã bộc lộ. Một hôm Phan Anh tới tìm tôi và bày tỏ ý kiến của một nhóm trí thức trẻ muốn ra một tờ báo nguyệt san, đặt tên là THANH NGHỊ (1), hỏi ý tôi nên bàn luận thế nào và nhờ tôi cộng tác. Tôi đã đáp rằng:
« Bây giờ trăm mắt đổ xô vào hành động của thanh niên trí thức ta : quốc dân, chính quyền, thực dân Pháp và cả quan sát nhân Nhật. Tuy trong thực tế mình không có quyền chính trị, nhưng hãy cứ tự coi mình như con dân một nước độc lập. Đối với mọi việc đáng suy nghĩ, thì cứ nêu lên mà bàn với tư tưởng mới, thực tế. Chắc rằng toà kiểm duyệt cũng không cấm viết, mà độc giả sẽ dần quen với những suy nghĩ đứng đắn và trách nhiệm (Phan Anh rất đồng ý). Ví như tôi, tôi nghĩ một dân tộc độc lập phải có đủ danh từ để biểu diễn mọi ý về văn hóa. Vì lẽ ấy, tôi đã soạn một tập DANH TỪ KHOA HỌC và đang bàn, với anh em khoa học cho ra một tạp chí KHOA HỌC, nó bổ túc cho báo THANH NGHỊ của các anh. Nhưng cũng vì thế mà tôi không có thời giờ viết thường xuyên giúp Anh về khoa học. Trái lại, sở thích riêng của tôi là sử và cổ văn. Tôi nhận thày có nhiều khả năng góp phần mới. Nếu tôi có những điểm mới thuộc các đề tài ấy tôi sẽ đăng vào tạp chí của các anh » (2).
Từ đó, chúng tôi thành bạn thâm giao ; một lẽ nữa là các nội nhân chúng tôi là đôi bạn đồng môn và đồng nghiệp. Trong hơn bốn năm liền, thỉnh thoảng tôi rảo bước trên phố Trường Thi, quay sang phố Quán Sứ, đến góc phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, nhìn xuống một cửa sổ dưới thấp ; nếu thấy một cái đầu tóc cắt vuông đang cúi xuống bàn trên các hồ sơ, thì biết đó là Phan Anh đang làm việc. Tôi xuống, gõ cửa bước vào. Anh đứng dậy, mắt cười, rồi chúng tôi bàn tán chuyện nước nhà và chuyện thế giới. Mà thực vậy ! Tương lai chúng ta chắc chắn đổi nhiều ! Thế Pháp đã tàn. Thế Nhật đầu bùng sau xẹp. Đức chắc sẽ thua ; Mỹ đã tiến dần về phía tây, chiếm lại Phi-lip-pin, chắc chẳng bao lâu nữa sẽ đổ bộ vào đất ta. Các nước thực dân cũ trên Đông Nam Á, như Anh, Mỹ, Hà Lan đều đã hứa độc lập cho các thuộc quốc mất vào tay Nhật. Nhờ hiệp ước " Cùng bảo-vệ Đông Dương " ký vào giữa năm 1941, mà hai quân đội Nhật và Pháp vẫn dung nhau trên đất nước ta. Tổng thống Mỹ doạ cất quyền của Pháp sau khi giải phóng Đông Dương. Trong những lúc được mời tiếp xúc hoặc với toàn quyền đô đốc Decoux, hoặc với thủ lĩnh kháng Nhật trung tướng Mordant, tôi chỉ nghe họ khuyên trí thức ta đừng nghe những lời hứa Anh Mỹ. Trong lúc ấy, họ không giấu nổi sự dự bị đón tiếp quân đồng minh. Phan Anh và tôi cùng nhau phân tích quân đội Pháp và quân Mỹ có thể đổ bộ cứu quân Pháp ở đây. Nếu quân Pháp không được cứu, thì chắc rằng Nhật sẽ đem Kì Ngoại Hầu Cường Để từ Nhật Bản về và đảng Ngô Đình Diệm sẽ cáng đáng lâm thời vận mệnh nước trước lúc hoà bình. Nhưng nếu Mỹ đổ bộ cứu Pháp thì ắt Nhật ở đây sẽ thua. Bấy giờ cơ cấu thuộc quốc vẫn nguyên, mà mình không vũ lực, thì sẽ mất một cơ hội độc lập như đã mất cơ hội đại chiến trước : cuộc khởi nghĩa Duy Tân hỏng vì nội phản, việc tiếp nhập Phục Việt hỏng vì bất lực ; còn bản yêu sách độc lập của Nguyễn Ái Quốc trước nhân viên Hội Nghị Hoà Bình Versailles thì cũng chỉ có tính cách tượng trưng ". Trong phòng giấy nhỏ ở cạnh Hỏa Lò, tôi đã ngỏ những thắc mắc lo lắng ấyVào cuối năm 1944, tại.thành phố Hà Nội đã có những việc rải truyền đơn, hô khẩu hiệu cách mạng, kêu gọi dân đánh Nhật, đánh Pháp; ngoài đường lại có một vài vụ phá cột đèn, phá điếm điện thế. Tôi lại bảo Phan Anh:
    « Mặc dầu Pháp đàn áp, nhưng đảng cách mạng vẫn còn tổ chức. Nghe nói Liên Hợp Quốc Cộng Trung Quốc và cố vấn Mỹ cung cấp vũ khí cho ta để đánh Nhật; nếu sự ấy là thật, thì may gì ta cũng sẽ dự phần chiến thắng Nhật, và có cơ đòi lại độc lập cho ta. Trong nhóm Thanh Nghị, nghe nói có người trong đảng. Vậy, ngoài tuyên truyền, mặc dầu là vũ trang. Cách mạng có thực lực cơ bản gì không ? »
Phan Anh chỉ cười mà đáp rằng : « Tôi cũng nghe như vậy ! »
    Chúng tôi chẳng lấy làm lạ khi nghe tiếng súng nổ suốt đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945, và rạng ngày sau các đài truyền thanh cho hay rằng quân đội Pháp tại Đông Dương đã bị Nhật giải giáp. Sự lạ là không thấy Mỹ phản ứng giúp Pháp và Nhật không đưa Cường Để về. Trái lại, chính phủ Nhật sai sứ thần tới Huế chuyển lời chính phủ Nhật Bản cho vua Việt Nam rằng chính quyền thuộc địa Pháp đã bị khử trừ, và nếu Việt Nam tuyên bố độc lập, thì chính phủ Nhật Hoàng thừa nhận. Hơn một tuần sau, chúng tôi mới được tin rằng Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập, quyết định tự cầm quyền với tôn chỉ " DÂN VI QUÍ " (3) và kêu gọi tất cả nhân dân hỗ trợ.
Ngày 23 tháng ấy, một viên lãnh sự Nhật tới đưa tôi ba bức thư, một gửi cho tôi ; hai thư kia nhờ tôi chuyển hộ. Những thư này do văn phòng vua ở Huế, nhờ sứ quán Nhật chuyển mời Vũ Văn Hiền, Phan Anh và tôi vào Huế để bàn cùng Bảo Đại nên thực hiện độc lập tương lai cho nước bằng cách nào. Sau khi gặp nhóm Thanh Nghị, Hiền và Anh bằng lòng cùng tôi đáp lời mời và cùng đi. Bấy giờ ở Huế, cũng như khắp nước, lòng ái quốc của nhân dân lên cực độ. Cho đến nhà Vua, cũng chịu ảnh hưởng chung. Vậy đã có thư mời nhiều trí thức, nhiều chính khách có tiếng, ngoài những người đang bị lao tù. Riêng được mời một số nhân vật mà quân đội Nhật đã giấu để khỏi bị công an thực dân bắt, nhất là Trần Trọng Kim và Ngô Đình Diệm. Nhưng quân đội Nhật không chuyển thư mời cho Diệm, vì Diệm chủ trì đưa Cường Để thay Bảo Đại, mà Nhật lại không muốn có chuyện xáo lộn trên đất Việt Nam. Tuy vậy, Kim, Hiền, Anh và tôi đồng ý rằng : " Thế Nhật Bản chỉ còn đứng được hơn một năm là cùng. Chính phủ nào bắt đầu từ bây giờ cũng chỉ có chừng nấy để củng cố thế độc lập của nước ta mà thôi. Vậy nên khuyên Vua mời Ngô lập chính phủ vì y được người Nhật tin và nhóm nhân dân " thân Nhật " ủng hộ ". Không ai bảo ai, những người được mời đều khuyên Bảo Đại như vậy. Đổng lý văn phòng vua bấy giờ là Phạm Khắc Hoè, tuy thuộc quan trường bảo hộ, nhưng có " óc tân tiến ", lại là dây liên lạc giữa Bảo Đại với thanh niên và nhiều chính khách yêu nước ở Huế. Hoè lại viết thư cho Diệm, nói Vua mời về lập nội các. Lần nầy Nhật chịu chuyển thư, nhưng Diệm từ chối, lấy cớ bệnh không về. Cuối cùng Trần Trọng Kim, tuy còn ốm, phải nhận lời Bảo Đại nằn nì tha thiết lập một chính phủ cách tân, trong ấy Phan Anh phụ trách bộ Thanh niên để tránh tiếng bộ Quốc phòng, vì ta chưa có bộ đội và không muốn để ai hiểu lầm và lợi dụng. Còn mục tiêu chung thì gấp rút trong khoảng một năm, tập cho quốc dân quen với tính cách độc lập tự tin, để đến khi hoà bình trở lại, Đồng minh không có cớ đặt ách ngoại trị vào cổ dân ta. Trong khoảng ba tháng, Phan Anh đã lập được tại nhiều tỉnh những thanh niên đoàn học tập vũ nghệ, và nhất là lập được tại Huế một trường võ bị cao cấp, gọi là trường THANH NIÊN TIỀN TUYẾN để một số sinh viên đại học cũ tập thành sĩ quan. Chính phủ lại yêu cầu quân đội Nhật trả lại những khí giới họ đã tịch thu, và thả ra những quân nhân người Việt, để họ huấn luyện thanh niên học tại các trường võ bị.

(Còn nữa)

Tác giả bài viết: GS. Hoàng Xuân Hãn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm94
  • Hôm nay24,874
  • Tháng hiện tại1,090,945
  • Tổng lượt truy cập28,391,419
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây