Nhà thơ Quang Hoài “đỡ” sách ra đời

Thứ bảy - 20/07/2019 06:18
Từ ngôi nhà trên phố Vương Thừa Vũ, nhà thơ Quang Hoài ngày ngày rong xe máy trong phố Hà Nội. Ông đến NXB làm việc với biên tập viên, chuyển bản thảo hoặc nhận giấy phép xuất bản.

Ông hẹn gặp tác giả, chỉnh sửa tên sách, câu chữ, tính toán chi phí in ấn. Ông lại qua nhà in đặt hàng, theo dõi tiến độ và giám sát việc in ấn… Các buổi tối ông đọc bản thảo để góp ý, giúp tác giả trau chuốt cho những tập thơ, cuốn truyện sẽ ra mắt nay mai. Bạn bè văn thơ trêu ông đại tá đã về hưu: “Cái thân làm tội cái đời!”. Nhưng là trêu thế, còn thì vẫn động viên ông “gánh” cho trọn cái “nợ” đã chót đa mang từ một chọn lựa của chục năm trước.

Quá nửa đời binh nghiệp, gắn bó với công tác biên dịch, nghiên cứu khoa học, in ấn, xuất bản sách, tạp chí cùng nghiệp thơ sớm đeo bám, nên khi về hưu gần chục năm nay, ông vẫn vương vấn vào những công việc sách vở, giấy má. Tất nhiên, không có việc này thì làm việc khác, hay cứ chuyên chú thời gian rỗi rãi vào đọc sách, sáng tác, cũng vui. Nhưng không có ông, chắc cũng chẳng có mấy ai miệt mài cái việc gần như là “vác tù và” ấy! Đã làm thì mê mải, lòng nhiệt tình và niềm mong muốn nâng niu những sản phẩm tinh thần của những người làm văn chương khiến ông không quản thời gian, tuổi tác.

Hồi về hưu, nghĩ thế nào ông lên kế hoạch, mỗi tháng tự bỏ tiền hỗ trợ vào việc in một tập bản thảo nào đó khiến ông hứng thú. Ông quen biết các cơ quan như NXB Hội nhà văn, NXB Văn học, NXB Lao động…, lại nắm rành rẽ việc in ấn, biết các đầu mối trình bày sách, vẽ bìa, in với giá cả phải chăng, hữu nghị. Bởi thế, nhà thơ tự gánh lấy cho mình trách nhiệm phải giúp các tác giả vẫn thao thức ngày đêm mong cho đứa con tinh thần được ra đời một cách nhanh chóng và tiết kiệm nhất - bởi khách văn chương mấy ai giàu có! Từ ấy, ông trở thành một “con nợ”. Không phải nợ tiền nong hay tình cảm gì, mà nợ chính công việc trường kỳ, ròng rã này. Ông nợ những người tín nhiệm, tin cẩn, nhờ cậy “đỡ” cho đàn “con cái” của họ ra đời – món nợ mà ông tự nguyện nhận lấy!

Nhưng lương đại tá về hưu cũng không thể cho phép ông tự do mà hào hiệp mãi. Để giúp được người ta, nhà thơ cũng phải nghĩ đến vấn đề tái sản xuất sao cho vui vẻ cả đôi đường. Bởi thế, ngoài những chi phí tối thiểu mà tác giả phải trả cho giấy phép xuất bản, công thiết kế bìa, trình bày sách, giấy mực, công in, nhà thơ Quang Hoài chỉ lấy thêm một chút gọi là tiền xăng cộ. Đúng là xăng cộ, nước non… thôi, vì chúng rất nhỏ! Và nếu là người tính toán lãi lời thì nhà thơ đã lựa lựa mà rút lui từ sớm. Nhưng như trên đã kể, ông tự hứng thú, tự say mê với cái trách nhiệm tự mang này mất rồi!

Làm sách cho người này người khác được một thời gian, người ta truyền tai nhau với niềm tin, cứ gặp Quang Hoài, chuyển bản thảo và ung dung đợi ngày… nhận sách. Cho nên rất nhiều người đánh tiếng, hẹn gặp hay… ấn bản thảo vào tay nhờ ông lo lắng cho đầu ra của nó. “Qua tay” Quang Hoài đã có rất nhiều đầu sách. Ông cùng tham gia tuyển chọn, biên soạn 3 tập “Tinh hoa thơ Việt” 750 bài, 2 tập “Thơ Việt Nam 10 năm đầu thế kỷ 21”, cùng với các tập thơ, truyện, tuyển tập của tác giả là những người tên tuổi, cho đến người “nhỡ nhỡ, vừa vừa” và các tác giả trẻ náo nức bước vào nghề văn. Những cuốn sách tập hợp sáng tác của nhiều CLB thơ, nhóm thơ, Hội thơ làng Chùa, CLB VHNT Sài Sơn…, ông đều đã giúp hay phối hợp thực hiện. Người ta háo hức quá, mong mỏi quá, mình cũng phải xắn tay vào, ông tự “ru” mình như vậy!

 

Cứ thế, tháng ngày trôi, ông làm bạn với những cuốn sách của mọi người, từ trang viết tay có khi còn sai lỗi chính tả, từ trang đánh máy photo mờ chữ cho đến khi tập thơ, cuốn truyện nên vóc nên hình. Làm bạn cả với nỗi chờ đợi, niềm hân hoan khi các tác giả đợi sách, cầm sách trên tay với tất cả niềm cảm kích. Cảm kích thật sự, vì có lẽ chẳng thể tính được mấy ai lăn đi làm sách như nhà thơ Quang Hoài mà thù lao nhiều khi rất đỗi tượng trưng như vậy. Ông nhẩm tính, nếu tác giả tự lo, phải đến NXB nhiều lần. Người ở gần đã vậy, ở xa thì đi lại, ăn uống thật tốn kém! Nhỡ mà vui vẻ hẹn hò, mời nhau ra chén chú chén anh thì có khi một hai bận đã hết nửa cái số tiền in sách. Rồi thuê vẽ bìa, trình bày, dịch vụ in ấn…, nếu không biết thì dễ “nhảy” vào cái chỗ tốn gấp rưỡi, gấp đôi. Bao nhiêu thứ ấy nó đội lên, làm cho việc in một tập thơ, cuốn truyện… thành ra tốn kém lắm lắm! Mà những người viết lách vốn cũng không rành về trình bày, lắm lúc cứ nhìn thấy chữ nghĩa “dọn” ra đủ trên giấy, không sai chính tả là được, nên sau đó đành phải ngậm ngùi với những tập sách khổ chữ, khổ giấy, gáy, bìa, trình bày… không cân xứng, trông thậm xấu! Những việc ấy, ông có khung, có cỡ, có tính toán tỉ lệ cả, làm sách cũng đã quen, việc đến tay ông là trôi chảy, chóng vánh. Tính ông lại cẩn thận, chu toàn, luôn muốn quyển sách phải sáng sủa, trang nhã, dễ đọc. Và ông thường “rắp tâm”, không yêu cầu phải thật đẹp, thật ấn tượng, thật sang trọng như nhiều cuốn sách cao giá, nhưng đã làm cuốn này rồi, cuốn sau phải ưa nhìn hơn.

Bây giờ thật khó tưởng tượng bình thường giúp một tác giả in sách, ông chỉ lấy dăm ba trăm ngàn với chừng ấy việc đi lại, quán xuyến. Trừ các Mạnh Thường Quân hay những đơn vị, tổ chức có quỹ hỗ trợ sáng tác, chứ nếu làm dịch vụ để ăn lãi, chắc với mấy trăm nghìn ấy, người ta sẽ lắc đầu quầy quậy! Mà nhà thơ Quang Hoài, trong nhiều trường hợp biết tác giả khó khăn, ông còn không lấy công. Ông nghĩ, vui vẻ, ấm áp là chính. Ra được một cuốn là đã có đóng góp rồi, trước hết là cho tác giả và gia đình. Sau đó là tuỳ vào sức thuyết phục của tác phẩm mà cuốn sách ấy có ích cho bạn đọc đến mức nào. Tất nhiên, vui chứ không dễ dãi. Ông bảo: Nếu bản thảo kém quá, tôi không thể giúp được! Cùng với suy nghĩ ấy, trong Quang Hoài có cả một niềm hứng thú được làm sách cho những người giỏi, những tài năng mà trong đó nhiều người đã là bạn hoặc sau đều trở thành bạn hữu. “Những cuốn sách ấy ra đời, được công chúng đón nhận, báo chí và văn giới tôn vinh, tôi cảm thấy hân hạnh và hài lòng vì mình đã góp sức vào việc in ấn, xuất bản chúng”, ông bộc bạch. Quả đúng như vậy! Ngoài mấy bộ sách quan trọng đã kể, nhà thơ Quang Hoài đã làm sách cho nhiều người có tên hoặc sau khi ra sách thì cái tên tác giả ấy thêm phần nổi bật, được nhiều người đọc và bạn nghề yêu mến, trân trọng. Quang Hoài đã làm cho tập thơ “Có một mỉm cười” của nhà thơ, đạo diễn, tác giả sân khấu Lương Tử Đức. Rồi tập thơ “Hoan ca” của nhà thơ Đỗ Doãn Phương. Tập này được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Rồi tập thơ “Bầu trời không mái che” của nhà thơ Mai Văn Phấn. Mới đây, “Bầu trời không mái che” được dịch sang tiếng Anh, phát hành tại Anh, Mỹ, Canada với những phản hồi tích cực và những đón nhận hào hứng. Đầu năm 2012, nhà thơ Quang Hoài miệt mài với cuốn “Thơ Dương Kiều Minh”, tập hợp hầu hết những tập thơ trước nay của Dương Kiều Minh, người được đánh giá là góp phần khởi đầu chặng đường đổi mới thơ đầu những năm 90. Nhiều người coi đây là món quà ân tình, giúp ấm lòng nhà thơ Dương Kiều Minh trước khi ra đi. Cuốn sách giúp văn giới nhìn lại một tầm vóc Dương Kiều Minh trong mạch chảy thơ đổi mới, thời gian qua sách đã nhận Giải thành tựu thơ của Hội nhà văn Hà Nội. Những ghi nhận, trân trọng ấy của giới nghề với các tác giả, tác phẩm, khiến Quang Hoài càng phấn khởi, nhiệt tình hơn với việc làm sách cho những thi tài, văn tài. Có những cuốn nhiều ý hay, tứ lạ mà chắc chắn ông là độc giả đầu tiên, Quang Hoài lại vui mừng cầm một hai cuốn, giới thiệu, chia sẻ với người này người khác.

Nhưng mỗi tuổi cũng thấy sức mình có hạn. Giờ cũng khó “lăn lóc” như dăm năm trước được. Dù rất nhiều lời mời gọi, nhờ vả, nhưng nhà thơ Quang Hoài cũng phải “lắng nghe” những rung động của cơ thể. Thời gian này ông duy trì làm trung bình mỗi tháng 5 cuốn sách. Và ông cố gắng giúp làm những cuốn hay mà ông thích, ông đoán rằng khi in ra sẽ được nhiều người thích. Như thế cả năm đã là sáu chục cuốn rồi còn gì! Sáu chục niềm vui, sáu chục hy vọng và động lực cho hành trình sáng tác nhọc nhằn tiếp theo của những người mang nợ văn chương. Bây giờ, đều đặn, ông tham gia biên tập thơ cho tạp chí Tản Viên Sơn của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, biên tập thơ và lo in Bản tin dân tộc Hà Nội, ngày đi, đêm đọc và sáng tác. Bàn làm việc của ông với ngọn đèn nhỏ chồng nặng những cuốn sách và bản thảo. Giúp in sách cho bao nhiêu người, ông còn phải lo in sách cho mình nữa chứ! Bản thảo thơ của ông đã sẵn sàng rồi, nhiều người đã có ý mong đợi, ông chỉ đợi nhãng nhãng việc chung ra một chút thì sẽ làm cho mình thôi. Mà việc chung thì gần như chưa bao giờ giãn ra cả!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập131
  • Hôm nay42,731
  • Tháng hiện tại429,045
  • Tổng lượt truy cập28,954,419
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây