Kính thưa các thầy cô giáo!
Thưa các bạn học sinh thân mến!
Hình ảnh người mẹ là nguồn mạch cảm xúc cho sáng tạo nghệ thuật. Từ xa xưa hình ảnh người mẹ đã được cha ông ta đúc kết thành những vần ca thật ngọt ngào và lắng sâu, để mỗi một người con đều biết kính yêu và nhớ đến công lao trời biển của cha mẹ.
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng hiểu được rằng người mẹ đã trải qua không biết bao đau đớn nhọc nhằn của những tháng ngày mang nặng đẻ đau và hi sinh thật nhiều trong cuộc sống để nuôi nấng bảo bọc những đứa con nên người. Tình mẹ bao la không thể đo đếm, giống như dòng nước nguồn tinh khiết không bao giờ bị vơi đi mà cha ông ta đã mượn để so sánh với công lao to lớn của người mẹ:
“Công cha như như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..”
Từ thuở bé thơ, khi mới lọt lòng mỗi người con đã được đón nhận suối nguồn yêu thương từ những lời ru ầu ơ của mẹ, ta cuộn tròn trong lòng mẹ ngủ thật sâu nhưng chưa thấu hiểu những lời ru ngọt ngào ấy là tình yêu con vô bờ là sự sẵn sàng hi sinh cho đứa con thơ:
“ Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh”
Ôi! Tha thiết làm sao, ấm áp và cũng thật xúc động làm sao một lời ru ngọt ngào của mẹ! Mẹ “thức đủ năm canh” để nâng niu giấc ngủ con thơ, mẹ hạnh phúc khi con lớn lên mỗi ngày song trong chuỗi ngày nuôi con khôn lớn đầy vất vả đó là khi con ốm con đau, những lúc ấy lòng mẹ bất an:
“Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi.”
Sự so sánh lòng mẹ với bình nước sôi khi con sốt thật cụ thể giúp cho chúng ta hiểu được rằng khi thấy con đau ốm, mẹ cũng đau đớn theo, có khi còn hơn con gấp trăm lần. Người mẹ kính yêu chỉ mong con có thể vui vẻ, khỏe mạnh và bình an, dù cho phải đánh đổi bằng tất cả những gì mẹ có, bằng những gì mẹ có thể làm được cho đứa con yêu dấu của mình.
Thưa các bạn ! Chúng ta lớn lên không phải sống trong cảnh bần hàn, đói ăn thiếu mặc và vì thế nói đến sự vất vả thiếu thốn đến cùng cực trong cuộc sống chúng ta có thể khó thể hình dung, sự hi sinh đến nhói lòng vì con của người mẹ ngày xưa cũng khó hình dung. Nhưng khi đọc những vần ca dao về sự hi sinh của mẹ trong cuộc sống thường nhật sẽ khiến chúng ta rưng rưng:
“Nuôi con chẳng quản chi thân
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”.
Vâng! Chúng ta cứ hình dung ngoài trời, mưa thì cứ tuôn từng cơn xối xả,và bên trong căn nhà nhỏ ấy những hạt mưa vẫn cứ thế chảy xuống bên chiếc chõng tre. Thế nhưng, bên dột mẹ nằm, còn bên khô mẹ dành chỗ cho đứa con của mình. Chắc hẳn ai ai rồi cũng sẽ thấu hiểu và cảm động đến rơi nước mắt trước tình mẫu tử thiêng liêng này. Đọc những câu ca dao này ta liên tưởng đến những vần thơ đầy xúc động về sự hi sinh của mẹ và lòng hiếu thảo của thi sĩ tài hoa Nguyến Duy:
Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta- chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...
Nói đến mẹ là nói đến nguồn suối mát của tình yêu thương. Lòng thương con đầy ân tình mật ngọt ấy người mẹ đối với con qua đôi mắt của người thi sĩ bình dân được thể hiện bàng những hình ảnh thật cụ thể, quen thuộc, rất sinh động và dung dị:
Lòng mẹ như chuối ba hương
Như xôi nếp mật như đường mía lau
Vai trò của người mẹ trong cuộc đời mỗi người con vô cùng quan trọng . Trên mỗi bước đường con đi đều có mẹ bên cạnh che chở dìu dắt soi đường để con có thể vững tin vào cuộc sống:
Mẹ già như ánh trăng khuya
Dịu dàng soi tỏ bước đi con hiền.
Thư thầy cô và các bạn!
Công lao của mẹ khó có thể nói hết thành lời. Cả đời mẹ đã âm thầm hi sinh cho chúng ta và mẹ chúng ta ngày một già yếu sẽ không tránh được quy luật sinh-lão-bệnh-tử cũng sẽ đến với người mẹ của chúng ta: “ Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi”. Vậy nên với mỗi người con phải biết tỏ lòng kính yêu, hiếu thuận với mẹ nhiều hơn để không bao giờ phải hối hận khi không còn mẹ.
Với các bạn mình muốn chúng ta phải luôn luôn nhớ: Không có gì là yêu thương quá đủ và không có một ngày nào là duy nhất để thể hiện biết ơn và yêu kính mẹ mình!