Chúng ta đều biết rằng vấn đề đánh giá trong lĩnh vực giáo dục mang tính đặc thù riêng, không giống với bất cứ một lĩnh vực khoa học nào. Bởi đánh giá trong giáo dục là quá trình thu thập và xử lý kịp thời có hệ thống những thông tin về hiện trạng, khả năng hay nguyên nhân của chất lượng và hiệu quả giáo dục trên cơ sở căn cứ vào mục tiêu môn học, mục tiêu giáo dục đào tạo để làm cơ sở cho những chủ trương và biện pháp giáo dục tiếp theo.
Trong công tác đánh giá, thì kiểm tra được xem là phương tiện và hình thức quan trọng nhất. Có thể có nhiều cách thức và phương tiện giúp cho việc kiểm tra đạt hiệu quả tốt, nhưng phương tiện hay công cụ) kiểm tra chủ yếu vẫn là thông qua hệ thống đề bài kiểm tra.
Đối với bộ môn Ngữ văn ở bậc THCS, tuy có vận dụng nguyên tắc “tích hợp” giữa 3 phân môn: Văn, tiếng Việt và Tập làm văn nhưng trong khung phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT cũng như phân phối chương trình chi tiết của Sở GD-ĐT các tỉnh thành trong cả nước thì đều có tiết kiểm tra riêng của từng phân môn, trong đó các bài viết Tập làm văn 2 tiết tại lớp có một vị trí quan trọng đặc biệt - quyết định kết quả học tập bộ môn Ngữ văn của học sinh . Đề bài là những câu hỏi hoặc bài tập đưa ra yêu cầu học sinh giải quyết bằng hình thức thông qua văn bản viết có quy định cụ thể về thời gian thực hiện. Qua đó, giáo viên xem xét đánh giá kết quả học tập bộ môn của từng học sinh.
Trong những năm gần đây, cấu trúc đề bài kiểm tra Ngữ văn bậc học phổ thông không còn là dạng đề truyền thống có tính chất mệnh lệnh hay áp đặt mà có sự thay đổi cả về nội dung và cấu trúc. Cụ thể là trong đề bài kiểm tra có phần câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận. Phần đề thi bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm còn nhiêu chuyện phải bàn. Giáo viên chúng ta chưa thực sự đổi mới tư duy ra đề bài kiểm tra nói chung và đề bài tập làm văn nói riêng mà việc ra đề xưa nay đều đang theo một motip cũ vừa rập khuôn vừa máy móc từ Bộ đến các Sở các phòng, từ đề thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đến thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10…tất cả đều có chung một cách thức ra đề giống hệt nhau. Đề bài chúng ta còn mang tính mệnh lệnh, áp đặt, bắt buộc, thường bắt đầu với đề ngữ quen thuộc như: Anh (hay) chị hãy, em hãy vv. Đó là mệnh lệnh đề, còn nội dung đề bài tập làm văn trong trường phổ thông chúng ta hiện nay chủ yếu còn nặng về kiến thức hàn lâm, hay thuần tuý những kiến thức văn học mà chưa đề cập đến những vấn đề, đề tài liên quan đến cuộc sống con người. Đó là thực tế của kiểu tư duy ra đề lạc hậu thiếu tính khoa học và nhân văn. Hay nói một cách cụ thể hơn là đề bài văn của chúng ta hiện nay là đã vô tình tách rời giá trị đích thực của văn chương với cuộc sống của con người…
Với cách ra đề như đã nói ở trên, đề bài văn của ta thực sự chưa tạo ra được hứng thú làm bài của học sinh và cũng đồng nghĩa là đề bài chưa dành cho các em khả năng độc lập sáng tạo trong quá trình tạo lập văn bản. Từ tình hình thực tế của việc ra đề như lâu nay, nên tháng 8-2008, Bộ GD-ĐT và Viện KHGD đã tổ chức tập huấn “Đổi mới PPGD và đổi mới PPĐG kết quả học tập môn Ngữ văn của học sinh THCS” với tinh thần và phương châm là …“Thay đổi cách ra đề Tập làm văn theo hướng “Mở” không trói buộc sự tưởng tượng và sáng tạo độc lập của học sinh. Theo đó, nội dung của đề bài không những có trong chương trình mà có thể mở rộng tới những vùng kiến thức, kỹ năng tương tự nằm ngoài chương trình, miễn sao những đơn vị kiến thức đó không quá xa lạ đối với học sinh”… Bên cạnh đó là sự điều chỉnh đổi mới khuynh hướng ra đề quá thiên về nghị luận văn học, hướng tới những dạng đề gắn với thực tiễn cuộc sống thiên nhiên và cuộc sống con người của chúng ta ngày nay. Xu hướng ra đề này đã được các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc…áp dụng từ khá lâu.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải nói thêm rằng các dạng đề bài tự luận truyền thống cũng có ưu thế khẳng định riêng không thể phủ định. Nhưng điều cần bàn là ra đề bài Tập làm văn theo hướng “mở. Như thế nào là “mở”? và mở ở mức độ nào để phù hợp với trình độ, đối tượng của học sinh ở tất cả các vùng miền.
Trước hết cần quan niệm như thế nào là đề “mở”. Một đề bài mở là một đề bài không có yêu cầu hay mệnh lệnh đề cụ thể mà người viết phải tự xác định nội dung, yêu cầu và thể loại để làm bài. Đề bài "mở" không phải là đề bài tự do, tuỳ hứng hay làm thế nào cũng được mà “Mở” có nghĩa là đề bài không đặt ra yêu cầu cụ thể, áp đặt theo ý định chủ quan của người ra đề mà để người viết độc lập sáng tạo chọn mình một phương pháp làm bài đạt kết quả tốt. Do vậy, đề bài mở có ưu thế là tạo cho học sinh có một không gian và khoảng trời độc lập sáng tạo trong quá trình tạo lập văn bản. Có như thế, học sinh mới có cơ hội bộc lộ những ý kiến, cảm xúc, suy tư rất cá nhân con người của mình. Và do đó mà bài viết của học sinh không bị lệ thuộc, bắt chước hay ám ảnh bởi các bài văn mẫu đang tràn lan trên thị trường sách hiện nay…Tư duy ra đề bài theo hướng “mở” thực ra không phải là một sự cách tân hay đổi mới mà thực ra là chúng ta đang trở lại cái “ngày xưa” ấy vì từ xưa các triều đại phong kiến, các vị Minh quân đã từng ra đề bài cho các sĩ tử trong các kì thi thi Hương, thi Hội, thi Đình để chọn ra những Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn. Xin dẫn lại 2 đề bài trong kỳ thi Đình của khoa thi 1442 và 1871 (Báo Văn nghệ đã đăng tải):
Đề thi Đình (năm 1442):
Trẫm nghĩ trị nước phải lấy nhân tài làm gốc. Thời Đường Ngu nhân tài có nhiều, nhưng các quan được dùng ngoài Tứ Nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục ra không thấy còn ai nữa: Sao nhân tài khó tìm vậy. Đến Đế Nghiêu sáng suốt hiểu người như thế mà trong triều vẫn còn tứ hung, sao tiền nhân khó biết vậy! Cái nạn Giáng Thủy, cái họa Hoài Sơn dân chúng thời ấy tai vạ thực không ít. Cổn trị thủy đến chín năm, gây biết bao tai họa cho dân, sao trừ bỏ tiểu nhân muộn vậy? Đời Chu được Kinh thi ca ngợi là kẻ sĩ đông đúc . Văn Vương dựa vào họ mà dẹp yên đất nước nhưng tới thời Vũ Vương chỉ còn thấy nhắc tới thập loạn. Như vậy, bảo là nhân tài khó kiếm, há chẳng phải đúng sao? Quản Thúc, Sài Thúc phao tin đồn nhảm, khiến Chu Công phải lận đận, Vương Thất suýt sụp đổ, sao bọn tiểu nhân nham hiểm đến thế, không thời đại nào là không có chúng. Đức Thái Tổ Cao Hoàng để ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai ứng tuyển, trong khi ấy thì bọn Xảo, bọn Hãn ngẫm nuôi mưu gian. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mờ, thăm thẳm. Bọn Ngân, bọn Sát lại gian ngoan chứa ác. Sao người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy?
Các người hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét.
Đề thi Đình (năm 1871):
Trẫm thường đọc sách Luận ngữ đến chỗ Tử Cống hỏi về chính sự, Khổng Tử nói rằng: “đủ lương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy” Nhân nghĩ công việc hiện nay, không gì quan trọng hơn điều đó, mà muốn thực hiện được điều đó thì sự lựa chọn người tốt lại quan trọng hơn cả.Trẫm từng đêm ngày lo nghĩ mà vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đông đảo kẻ sĩ các người lúc mới xuất thân ắt hẳn có cơ sở học kinh bang tế thế. Vậy thì những loại việc thiết thực như vậy, suy từ cổ chí kim, nghĩ thế nào, làm thế nào để có công hiệu, hãy nói hết với trẫm. Các người chớ lặp lại ý người khác, chớ bàn phù phiếm, trẫm cũng bất tất phải nói nhiều để các người có thời giờ rộng rãi, nói được hết ý nghĩa, xứng với ý muốn của trẫm.
Đọc lại các đề bài của cha ông ngày xưa, chúng ta cùng suy ngẫm thì nhận thấy rằng đề bài có tính độc lập rất cao, đòi hỏi người viết phải thực sự độc lập sáng tạo và có một năng lực lập luận và sức thuyết phục cao mới dành được kết quả.
Xem ra cái cách ra đề của chúng ta hiện nay nếu không nhanh chóng đổi mới tư duy thì chất lượng học tập bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông sẽ còn bị tụt hậu rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Đề bài là một phương tiện đồng thời là một phương pháp để kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh, đề bài cũng thể hiện một cách sinh động trình độ chuyên môn của người ra đề và không phải giáo viên nào cũng ra được đề, đối với môn Ngữ văn thì ra đề đã khó ra được đề hay lại càng khó hơn .
Một đề bài hay là một đề bài không quá khó đối với học sinh, huy động được nhiều đơn vị kiến thức nhưng lại vừa có tính khoa học, tính chính xác và tính hàm súc, khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Lâu nay trong suy nghĩ của số đông giáo viên chúng ta ra đề theo kiểu đánh đố xa rời với phạm vi kiến thức và cuộc sống của học sinh hoặc khai thác lại những đề bài của sách giáo khoa, sách tham khảo . Vì vậy, vô tình giáo viên đã tạo điều kiện cho học sinh làm theo hoặc chép lại mà không cần phải độc lập suy nghĩ, sáng tạo.
Đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn theo hướng ra đề mở có ý nghĩa tích cực trong việc phát huy tính tích cực, độc lập sáng tạo của học sinh. Song việc ra đề mở cũng cần chú trọng đến những tình huống trái ngược với ý tưởng của người ra đề. Vì vậy việc ra đề mở cần phải có tính định hướng, tính khoa học và tính tư tưởng nhất định.
Ra đề bài môn Ngữ văn theo hướng “mở” đòi hỏi giáo viên phải thực sự có trình độ chuyên môn tốt, phải thực sự say mê tìm tòi suy nghĩ. Ra đề bài là vấn đề quan trọng và nhạy cảm, có ý nghĩa quyết định trong công tác kiểm tra đánh giá. Việc ra đề đã khó, việc xây dựng đáp án cho một đề bài Ngữ văn theo hướng “mở” lại càng khó hơn.
Một số giáo viên quan niệm rằng: đề bài “mở” là những đề bài thuộc nghị luận chính trị xã hội. Thực ra, đề bài theo hướng “mở” là đề bài cho tất cả các lĩnh vực cuộc sống, văn học nghệ thuật và cả những vấn đề nhạy cảm và nóng hổi của cuộc sống hiện nay…; lại càng không nên thuần tuý ra đề ở một lĩnh vực nhất định, tránh những kiến thức “hàn lâm”, đơn điệu một chiều, nhưng phải tinh giản, đòi hỏi người làm bài phải xử lý các tình huống đề một cách chính xác và tối ưu nhất.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn