Truyện Kiều - một tác phẩm Việt Nam

Thứ bảy - 20/07/2019 06:09
TS. Vũ Cao Phan, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Phượng Hoàng (Hồng Kông) có nói, vấn đề hàng đầu của quan hệ Việt Trung hiện nay là sự hiểu biết thấu đáo lẫn nhau giữa nhân dân hai nước: về lịch sử, về địa lý, về chính trị, văn hóa và văn học…
Như vấn đề truyện Kiều của Nguyễn Du là sáng tạo trên nền tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân hay là tác phẩm dịch tưởng vô cùng đơn giản vậy mà vẫn có nhầm lạc ở cấp độ chuyên gia. Câu chuyện này không còn mới nhưng trong bối cảnh hiện nay vẫn mang tính thời sự. Vì vậy, được sự đồng ý của PGS – TS Nguyễn Khắc Phi, vanvn.net giới thiệu bài viết của ông với tinh thần vì một quan hệ Việt Trung thấu hiểu nhau…

Cách đây không lâu, Chiết Giang cổ tịch xuất bản xã đã cho ra mắt bạn đọc một cuốn sách quý và khá đồ sộ, bao gồm 435 bài viết (không kể phần Phụ lục) của 121 nhà nghiên cứu về hầu hết các tác phẩm lớn nhỏ của tiểu thuyết Minh - Thanh, trong đó có bài Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thành. Bài viết có những kiến giải hoặc đúng hoặc sai về hai nhân vật Từ Hải và Thúy Kiều, về Từ Hải thì là thương nhân khởi nghĩa, về Thúy Kiều thì “trượng phu” khiến nghìn người lu mờ thấy sắc (v.v...) nhưng xin chưa bàn ở đây. Điểm rất đáng lưu ý trong bài viết của Đổng Văn Thành là nhận định của nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đổng Văn Thành viết: “Kim Vân Kiều truyện là một bộ tiểu thuyết có ảnh hưởng quốc tế. Ảnh hưởng đối với văn học Việt Nam là lớn hơn cả. Kim Vân Kiều truyện được nhà thơ Việt Nam Nguyễn Du dùng hình thức thể thơ lục bát trường thiên cải dịch, được tôn vinh là Hồng lâu mộng của Việt Nam, cũng được tôn vinh là tác phẩm văn học nổi tiếng của phương Đông cổ đại, thực tế chẳng qua chỉ là dùng thể thơ Việt Nam dịch một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc mà thôi” (sđd, tr. 512 – N. K. P nhấn mạnh).

Có thể chưa tán đồng cách dùng thước đo Trung Quốc (tác phẩm Hồng Lâu Mộng) để đánh giá một hiện tượng văn học Việt Nam, song không thể phủ nhận ý định đề cao, thậm chí rất cao Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên, ngay sau đó, rõ ràng là bất ổn khi tác giả quan niệm Truyện Kiều của Nguyễn Du chẳng qua chỉ là một tác phẩm dịch từ một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc! Thật ra, luận điểm bất ổn này không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên và xuất hiện lần đầu ở các bài viết của Đổng Văn Thành. Trong bài viết “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” gồm phần I và phần II đăng trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, tập 4 (1986) và tập 5 (1987), trên thực tế, Đổng Văn Thành đã coi Truyện Kiều của Nguyễn Du là bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tai hại hơn nữa, do không biết tiếng Việt, để đánh giá “bản dịch” của Nguyễn Du, để so sánh “bản dịch” ấy với nguyên tác, Đổng tiên sinh lại hoàn toàn căn cứ vào “bản dịch lại” Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Trung văn hiện đại của GS Hoàng Dật Cầu, một bản dịch mà với tất cả tâm huyết, công phu, Hoàng giáo sư cũng chỉ mới dám coi là “bản dịch sơ bộ” và tự đánh giá là “còn những chỗ cực vi diệu, khúc chiết của nguyên thi đương nhiên chưa có khả năng thực hiện việc truyền đạt như thật được” [3] . Chủ yếu vì hai lý do trên, Đổng tiên sinh không những không thấy được sáng tạo thiên tài của Nguyễn Du mà còn đi đến những kết luận thiếu khoa học và nhận xét thiên lệch: “Nhìn tổng thể, tôi cảm thấy Truỵên Kiều của Nguyễn Du bất luận về nội dung hay về nghệ thuật đều không vượt được trình độ của Truyện Kiều Trung Quốc là bản gốc mà nó mô phỏng” [4] .

PGS Phạm Tú Châu đã chỉ ra một cách khá chi tiết những chỗ bất ổn trong bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Trung văn hiện đại của GS Hoàng Dật Cầu và với tiêu đề bài báo giàu hình ảnh “Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch”, [5] tác giả cho rằng những chỗ dịch chưa đạt, thậm chí dịch sai của bản dịch nói trên là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những quan niệm sai của Đổng Văn Thành cũng như của một số độc giả khác ở Trung Quốc. Chúng ta đã có khá nhiều bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp, trong đó có một số bản dịch khá thành công. Lẽ nào chúng ta – hoặc tự làm hoặc hợp tác với bạn – lại không thể có được một bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn tốt hơn bản dịch của GS Hoàng Dật Cầu?

Phê phán quan niệm cho Truyện Kiều là dịch từ Kim Vân Kiều truyện không khó, một vài người đã bước đầu làm việc đó [6] . Tuy nhiên, về những điểm dị đồng giữa hai tác phẩm, ý kiến của các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ khác nhau. Một trong những nguyên nhân tạo ra tình trạng này là phần lớn các nhà nghiên cứu chỉ so sánh từng phần khi cần thiết, bài viết tập trung so sánh một cách tương đối toàn diện của Nguyễn Thạch Giang cũng chỉ có một tiêu đề khiêm tốn: “Một số nhận xét…”, bảng so sánh thống kê ở đây khá công phu song về cơ bản cũng chỉ mới mang tính định lượng, chưa làm nổi rõ được sự khác nhau về chất giữa hai tác phẩm. Dĩ nhiên phải từ nhiều hướng tiếp cận để khám phá thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du, tuy nhiên, so sánh một cách nghiêm túc, toàn diện, triệt để chỗ dị đồng giữa hai tác phẩm là một đột phá khẩu quan trọng. Đối với những người không đọc trực tiếp nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì việc có một bản dịch thật đầy đủ, chuẩn xác tác phẩm này – trước hết là bản chi tiết đầu tiên in dưới triều Thuận Trị nhà Thanh – ra tiếng Việt là một điều kiện tiên quyết. Rất tiếc là chúng ta chưa có điều kiện ấy vì cả hai bản dịch hiện nay đều chưa thật tốt. Cụ Nguyễn Đức Vân – Nguyễn Khắc Hanh là nhà Hán học uyên thâm, song lúc sinh thời, vì cụ đã dịch từ một bản chép tay nên bản dịch Kim Vân Kiều truyện của cụ do Nhà xuất bản Hải Phòng in năm 1994 – nghe đâu đang chuẩn bị tái bản – chưa hoàn chỉnh, nhất thiết phải dịch bổ sung.

Đọc bài viết của Đổng Văn Thành, do còn băn khoăn nhiều điểm, chúng tôi thử tìm đọc lại nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân [7] . Cũng vì bài viết của Đổng tiên sinh tập trung vào hai nhân vật Thúy Kiều và Từ Hải nên chúng tôi đã đọc trước, đọc kỹ hồi 17 là hồi có nhiều chi tiết liên quan đến hai nhân vật này. Riêng hồi 17, đối chiếu nguyên bản tiếng Trung Quốc với bản dịch của cụ Nguyễn Đức Vân, chúng tôi thấy bản chép tay mà cụ Vân dựa vào để dịch đã bị lược đi một nửa, trong đó có những chi tiết rất quan trọng cho phép ta thấy rõ hơn những cải biến, sáng tạo của Nguyễn Du.

Về tính chất thương nhân của Từ Hải, quả chỉ có một câu mà cụ Vân cũng đã dịch: “Tảo niên tập nho bất tựu, khí nhi vi thương…” (Lúc trẻ học tập chẳng đỗ đạt nên bỏ đi buôn…). Chỉ có thế thôi thì ngay nói Từ Hải xuất thân thương nhân cũng chưa ổn chứ nói gì đến “sự phản kháng của tầng lớp thương nhân”, đến sự phát triển của “mầm mống tư bản chủ nghĩa”! Phải chăng “chuyện bé xé ra to” hay nhà nghiên cứu đã đem lịch sử áp đặt vào văn chương?

Trong khi Đổng tiên sinh nhận xét: “Dưới ngòi bút Nguyễn Du, ưu thế áp đảo tuyệt đối quân đội triều đình của Từ Hải (trong nguyên bản – N. K. P thêm) giảm nhẹ rất nhiều” [8] , thì Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương, hai cán bộ của Viện Nghiên cứu Văn học của Trung Quốc đã có những nhận xét thỏa đáng hơn rất nhiều về nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều: “Miêu tả nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều, rõ ràng là Nguyễn Du đã không câu thúc trong khuôn khổ những nét có thực của nhân vật lịch sử mà nhà thơ đã sáng tạo ra một nhân vật mới (N.K.P nhấn mạnh)”, “nhà thơ đã hoàn toàn gạt bỏ việc Từ Hải câu kết với bọn cướp biển nước ngoài, việc Từ Hải làm tổn thất đến sinh mệnh, tài sản của nhân dân, qua đó có thể thấy nhà thơ sáng tạo nên một nhân vật như thế, không những để miêu tả chuyện thuyền quyên sánh với anh hùng, mà còn là mượn một số nét đã khẳng định nào đó của nhân vật này để ca tụng những nhân vật được mệnh danh là anh hùng thảo dã trong thời đại phong kiến” [9] .

Có lẽ nói thế này thì chuẩn hơn: Nguyễn Du đã không câu thúc trong khuôn khổ những nét tiêu cực của Từ Hải như “làm tổn thất đến sinh mạng tài sản của nhân dân” mà ngay trong Kim Vân Kiều truyện cũng có miêu tả. Rất tiếc những đoạn này đã bị lược trong bản chép tay làm chỗ dựa cho bản dịch đã nêu.

Nét tiêu cực ở Từ Hải, nói chính xác hơn là của đội quân khởi nghĩa do Từ Hải cầm đầu ở nguyên bản, có tác dụng làm nổi bật hơn một số nét trong tính cách của Thúy Kiều. Những nhận định của Đổng tiên sinh về tính cách Thúy Kiều nói ở phần trên rất dễ gây phản cảm đối với độc giả Việt Nam. Quả là nhà nghiên cứu đã có phần quá đà khi ca ngợi cả “phẩm chất sát phạt quyết đoán” ở “một nữ anh hùng của cuộc khởi nghĩa”, tuy nhiên, nhận định về khí chất “đại trượng phu” ở Thúy Kiều thì rất đáng tham khảo bởi vì khẳng định được điều đó, ta lại có thêm cơ sở để xác định tính sáng tạo của Nguyễn Du cũng như cá tính của nhân vật Thúy Kiều Việt Nam. Bản dịch của cụ Vân chỉ giữ được từ “khí khái hiệp nghĩa” khi Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả Thúy Kiều, còn tất cả những tình tiết nói lên tính cách “đại trượng phu” của Thúy Kiều đều không có do bản chép tay đã bị giản lược.

Sau khi Thúy Kiều và Từ Hải “hai bên ý hợp tâm đầu”, Từ Hải đã làm một bài bát cú Đường luật biểu lộ “chí anh hùng” của bậc “trượng phu” và hỏi ý kiến Thúy Kiều. Thúy Kiều vừa khen vừa chê: “…Hùng tắc hùng mỹ, khả tích thiểu liễu tá vương khí” (Hùng thì hùng thật đấy, đáng tiếc là thiếu chút hào khí của bậc đế vương – N. K. P nhấn mạnh). “Từ Hải bảo: “Có thể nói khanh đã hiểu lời ta. Tuy nhiên trong lòng cũng chưa dám kỳ vọng trở thành đế vương” (sđd, tr. 163). Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta chỉ thấy Từ Hải chê Thúy Kiều “sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình” chứ làm gì có chuyện Thúy Kiều dám chê Từ Hải là “thiếu hào khí đế vương”.

“Sau ba năm (Từ Hải) bặt vô âm tín. Một hôm bỗng nghe quân giặc ồ ạt kéo đến, cư dân trốn chạy sạch…Thúy Kiều hạ lệnh cho tướng sĩ (của Từ Hải): “Cư dân vùng này đều là láng giềng của ta, không được chiếm đoạt lục soát, không được cướp bóc giết chóc, không được hiếp dâm đốt nhà. Ai không theo lệnh sẽ chém đầu thị chúng”. Ba quân nghiêm chỉnh tuân lệnh, cả một cõi được bình yên, dân không bị sát hại đều là nhờ ân đức của Vương phu nhân” (sđd, tr. 163 - 164).

Nói là “nghiêm chỉnh tuân lệnh” song chắc hành động nhũng nhiễu dân chúng của đội quân Từ Hải vẫn tiếp tục nên cả sau khi Từ Hải, Thúy Kiều “cùng nhau… dan tay về chốn trướng mai tự tình” rồi, Vương phu nhân vẫn phải “nhân đó khuyên Từ Hải ngừng việc thiêu hủy nhà dân, hãm hiếp phụ nữ, giết bừa người già, con trẻ”. “Minh Sơn (tức Từ Hải – N. K. P thêm) nghe theo. Từ đó quan đi đến đâu cũng liền hạ lệnh ngăn cấm việc hãm hiếp giết chóc, ấy là nhờ ân huệ của phu nhân vậy” (sđd, tr. 165).

PGS Phạm Tú Châu cũng là người đã tiến hành so sánh tính cách Thúy Kiều Trung Quốc và Thúy Kiều Việt Nam. Theo tác giả, “tính cách khác nhau” giữa hai nhân vật cùng tên là do “qua ngôn ngữ thơ và những cải biến sáng tạo” mà “nàng Kiều khuê các khờ dại cả tin (của Nguyễn Du)… giành được mối đồng cảm sâu sắc nơi bạn đọc hơn một cô Kiều sắc sảo khôn ngoan trong nguyên tác văn xuôi rất nhiều” [10] . Chắc chị chưa có điều kiện so sánh toàn diện, nếu chú ý cả những đoạn như đã dẫn trên trong nguyên tác thì nhận định về sự khác nhau giữa hai nhân vật Thúy Kiều sẽ được toàn diện hơn.

Nếu về mặt quan điểm chính trị - xã hội, Thúy Kiều có những yếu tố vượt trội hơn Từ Hải (kể cũng lạ!) thì trong quan điểm về số mệnh, Từ Hải lại có những điểm vượt Thúy Kiều. Nhân đây, xin được bàn qua về ý kiến cho rằng Nguyễn Du đã cải tạo tư tưởng “tình” – “khổ” ở Kim Vân Kiều truyện thành tư tưởng “tài” – “mệnh”. Ngay trong nguyên tác, vấn đề đặt ra không phải chỉ có chuyện “hồng nhan bạc mệnh”. Ở Thúy Kiều, cái sắc luôn đi với cái tài, và cái tài cũng là một nhân tố khiến cho nàng càng dễ bị lôi cuốn vào vòng tai vạ. Tuy nhiên, như một nhà nghiên cứu đã nói, “tài mệnh tương đố” đã từng là vấn đề chung thường được đặt ra trong các tiểu thuyết tài tử giai nhân, và ở đây “tài mệnh tương đố” không hoàn toàn là sáo ngữ” [11] . Chính vì vậy, ngay ở Kim Vân Kiều truyện, vấn đề “tài” – “mệnh” không chỉ đặt ra với Thúy Kiều mà cả với Từ Hải. Trong Kim Vân Kiều truyện, đây là lời nói, cũng có thể xem là lời tuyên bố đầu tiên của Từ Hải ngay khi vừa xuất hiện: “Thiên sinh ngố tài, tất hữu ngô dụng. Hữu tài vô dụng, thiên phụ ngã hĩ. Thiết nhược hoàng thiên phụ ngã, ngã diệc khả dĩ phụ hoàng thiên. Đại trượng phu xử thế, đương lỗi lỗi lạc lạc, kiến bất hủ ư thiên nhưỡng, an năng tùy nhục thực giả lão tử dũ hạ. Túng hữu tài vô mệnh, anh hùng vô dụng vũ chi địa, lưu phương bách thế, diệc đương tự ngã tạo mệnh” (Trời sinh ra cái tài của ta tất có chỗ dùng của ta. Có tài mà không dùng là trời phụ ta đó. Giả như trời phụ ta thì ta cũng có thể phụ trời. Kẻ đại trượng phu ở đời cần đường hoàng lỗi lạc, lập công bất hủ giữa trời đất, sao có thể theo đuôi bọn ăn thịt chết già dưới song cửa. Nếu có tài mà không có mệnh, anh hùng không có đất dụng võ để lưu tiếng thơm trăm đời thì tự ta cũng phải tạo ra mệnh của chính mình – sđd, tr. 161 - 162). Lời lẽ đơn giản mà vấn đề đặt ra thật rõ ràng, thái độ cũng dứt khoát, tưởng không cần bình luận gì thêm.

Tất cả hành động, ngôn ngữ của Thúy Kiều, Từ Hải đều nằm gọn trong hồi 17 của nguyên tác. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã có thể gợi cho ta nhiều điều suy nghĩ lý thú.

Từ những điều đã trình bày, chúng tôi đi tới kết luận ngắn gọn:

Trong lúc chưa có đầy đủ các dị bản Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, chưa xác định được khi sáng tác Truyện Kiều Nguyễn Du đã dựa vào văn bản nào, chúng ta đành bằng lòng sử dụng bản Kim Vân Kiều truyện do Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ của Trung Quốc xuất bản để so sánh với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên muốn so sánh đạt kết quả tối ưu, cần phải so sánh một cách toàn diện, cụ thể, không nên bỏ qua một chi tiết nào. Đó là cách làm tốt nhất để bác bỏ quan niệm cho Truyện Kiều là bản dịch của Kim Vân Kiều truyện, cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để khám phá thiên tài sáng tạo Nguyễn Du.

 

La Trường Sơn (1938 – 2003) là học giả Trung Quốc xứng đáng được xem là một nhà Việt Nam học thực thụ. Khác với Đổng Văn Thành, La Trường Sơn lại khẳng định rằng Nguyễn Du đã “cấu tứ lại”, “sáng tác lại” Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Lòng yêu mến, quý trọng cũng như sự am hiểu đất nước - con người - văn hoá Việt Nam của ông thể hiện một cách sâu sắc và tập trung trong công trình Văn học dân gian và văn hóa truyền thống Việt Nam đã được xuất bản ở Trung Quốc. Lòng yêu mến, quý trọng cũng như sự am hiểu ấy đã hiện lên một cách sinh động qua Mơ và tỉnh, tập thơ đã được giới thiệu trên báo Thừa Thiên - Huế năm 2002, gồm 67 bài thơ tiếng Việt hầu hết làm theo thể lục bát, trong đó có không ít câu đọc lên nghe phảng phất như ca dao Việt Nam:

…Tình yêu là hát chiêu hồn,
Ru trăng trăng ngủ, ru cồn cồn mê.
Tình yêu đâu phải tiếng ve,
Hè sang rền rĩ, đông về bặt hơi.
Tình yêu là miếng trầu hôi,
Vôi hăng lá chát thích rồi cũng say…
(Tình yêu. Nam Ninh, 1996).

Hiếm thấy một nhà Việt Nam học của Trung Quốc có những dịch phẩm và công trình nghiên cứu đa dạng như La Trường Sơn. Ông đã dịch rất nhiều thơ, truyện ngắn, kí, tuỳ bút đăng trên tờ tuần báo Văn Nghệ của Việt Nam trong khoảng thời gian từ1964 đến 1975. Ông đã dịch, chủ thích và bình chú gần như toàn bộ thơ Hồ Xuân Hương. Công trình nghiên cứu và dịch thuật độc đáo này đã được Nhà xuất bản Thế giới của Việt Nam xuất bản năm 2001. Ông cũng đã dịch toàn bộ thơ Bà Huyện Thanh Quan và một số bản dịch đã được giới thiệu trên số 99 tờ Thiếu nhi dân tộc, phụ san của báo Thiếu niên tiền phong năm 2001. 

Trên nhiều tờ tạp chí của Quảng Tây và của trung ương, ông đã dịch hàng chục truyện ngụ ngôn và cổ tích, hàng trăm câu ca dao và tục ngữ của Việt Nam. Ông đã dịch các phần nói về khoa cử và võ nghệ trong cuốn Phong tục Việt Nam của Phan Kế Bính, các phần nói về Chầu văn, Chèo, Rối nước và Văn hoá lễ hội trong các công trình nghiên cứu của Toan Ánh và Lí Khắc Cung, về trang phục cổ truyền các dân tộc của Ngô Đức Thịnh, đặc biệt là đã trích dịch một tài liệu công cụ rất quan trọng đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu văn hoá truyền thống của Việt Nam là Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp.

Nhờ đọc nhiều công trình nghiên cứu của Việt Nam và có trình độ khoa học cao, La Trường Sơn đã biên soạn được nhiều tài liệu có tính tổng hợp, giới thiệu với bạn đọc Trung Quốc gần như mọi mặt về đời sống văn hoá truyền thống Việt Nam. Trong lúc giới thiệu những vấn đề này, ông rất chú ý sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, những chỗ sáng tạo độc đáo của dân tộc Việt Nam. Chỉ xin nêu vài ví dụ nhỏ.


Chế độ thi cử của Việt Nam xưa có không ít điểm giống ở Trung Quốc song La Trường Sơn đã chỉ rõ, về nội dung thi cử có những điểm khác khá cơ bản, trong đó, việc thi tam giáo (Nho, Phật, Đạo) trong suốt các triều đại Lý, Trần, Lê là một điểm nổi bật. Theo ông, hiện tượng đó “chủ yếu là do những điều kiện bên trong của xã hội phong kiến Việt Nam quyết định”, vì vậy nó biểu hiện một khuynh hướng “Việt Nam hoá rõ rệt” và đồng thời “cũng phản ánh tính khoan dung và năng lực dung hợp của nền văn hoá Việt Nam” (Toàn cảnh Đông Nam Á, số 2 – 1993, trang 28 – 31). 

Với thái độ khoa học khách quan nghiêm nhặt, ở không ít chỗ ông đã không ngần ngại đối thoại về mặt khoa học với các học giả Việt Nam, không ngại nêu những dẫn chứng có phần nhạy cảm như trích dẫn câu “đánh cho dài tóc” (vị trường phát nhi chiến), “đánh cho đen răng” (vị hắc xỉ nhi chiến) trong lời kêu gọi đánh bại quân xâm lược của Nguyễn Huệ khi giới thiệu về phong tục nhuộm răng và kiểu tóc của đàn ông Việt Nam ngày xưa…

Một người am hiểu đất nước - con người - văn hoá Việt Nam như thế không thể không yêu mến, quý trọng Truyyện Kiều, đỉnh cao và là hiện tượng tích tụ mọi tinh hoa văn hoá, văn học Việt Nam thời trung đại. La Trường Sơn không thể không biết Nguyễn Du đã tiếp thu được những gì trong kho tàng văn hoá quý báu của Trung Quốc, song điều quan trọng và đáng quý hơn, như ta đã thấy qua những công trình dịch thuật, biên soạn và nghiên cứu nói trên, La Trường Sơn còn có điều kiện và khả năng chỉ ra một cách chuẩn xác, sòng phẳng những gì là sáng tạo đích thực của Nguyễn Du.


Đầu năm 2000, khi nhờ tôi chuyển công trình dịch thuật và nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương cho NXB Thế giới để xuất bản, La tiên sinh có đưa cho tôi xem một đoạn dịch thử Truyện Kiều và bày tỏ ý định cũng như quyết tâm dịch xong tác phẩm lớn ấy trong thời gian một vài năm. Hình dung rõ công việc không hề đơn giản, tiên sinh rất muốn có sự giúp đỡ và cộng tác của các nhà khoa học Việt Nam. 

Tôi đã hứa sẽ mời một số bạn bè am hiểu Hán Nôm và vốn đã quen La tiên sinh như anh Kiều Thu Hoạch, chị Phạm Tú Châu cùng góp phần nâng cao chất lượng của bản dịch cũng như tạo điều kiện cho bản dịch ra mắt độc giả Việt Nam và Trung Quốc càng sớm càng tốt. Tiếc thay, khi công trình dịch thuật và nghiên cứu đặc biệt có ý nghĩa này chưa thực sự hoàn thiện, tiên sinh chưa kịp viết phần Dịch hậu kí, chưa kịp gửi bản thảo sang cho chúng tôi để lấy ý kiến thì tiên sinh đã qua đời! 

Dẫu sao, cũng có một niềm an ủi và khích lệ chung: Sau khi dịch xong văn bản Truyện Kiều, tiên sinh đã kịp tự tay chú thích những chỗ cần thiết và viết Lời nói đầu dưới dạng một bài nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Tạm gác sang một bên việc đánh giá chất lượng bản dịch Truyện Kiều của La Trường Sơn mà tôi tin chắc là ít nhất cũng đạt tiêu chuẩn “ tín” cao hơn tất cả các bản dịch khác do các học giả Trung Quốc dịch (kể cả một số bản dịch của Hoa kiều hải ngoại), chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài nội dung cơ bản trong ý kiến của La Trường Sơn khi đánh giá giá trị tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du thể hiện qua Lời nói đầu đặt ngay trước bản dịch mang tựa đề Đại thi hào Nguyễn Du và “Kim Vân Kiều truyện”. 

Lời nói đầu này đã được Phó Giáo sư Phạm Tú Châu - người đã có dịp góp ý với La Trường Sơn về một số câu chữ trong một vài đoạn dịch thử Truyên Kiều - dịch ra tiếng Việt và đã được in trong cuốn Truyện Kiều SONG NGỮ VIỆT – HOA do NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh liên kết với Công ty Văn hoá Phương Nam in năm 2006. 

Cũng với quan điểm và phương pháp đánh giá các hiện tượng văn hoá và văn học truyền thống của Việt Nam như ta đã thấy ở trên, La Trường Sơn đã nhận định khái quát về giá trị Truyện Kiều như sau: “Truyện Kiều tuy lấy đề tài từ một tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, tình tiết chủ yếu về đại thể cũng tương đồng với nguyên tác song tuyệt đối không phải là phiên bản của nguên tác. 

Ông đã cấu tứ lại nguyên tác, sáng tác lại nguyên tác (NKP nhấn mạnh), cố gắng làm sao cho mỗi một nhân vật, mỗi một tình tiết đều thể hiện được chính xác và sinh động ý tưởng giá trị thẩm mĩ của mình. Chẳng hạn, đối với những đoạn miêu tả sắc tình, tình dục kích thích cảm quan trong nguyên tác, tác giả nhất luật dùng thủ pháp lược bỏ hoặc làm mờ nhạt đi: lược bỏ tình tiết Sở Khanh dụ Thuý Kiều đi trốn sau đó lại gian dâm với cô, lược bỏ hết nội dung cụ thể hết sức ô uế trong đoạn mụ chủ nhà chứa Tú Bà truyền dạy Thuý Kiều các cách kĩ nữ tiếp khách, chỉ dùng “bảy chữ, tám nghề” để lướt qua. 

Ngược lại, đối với những tình tiết mang sắc thái bi kịch, có thể cho thấy sâu sắc hơn tính cách của nhân vật điển hình thì tác giả lại tô đậm thêm: khi thuật tới tình tiết Từ Hải bị lừa rồi bị giết, tác giả đã dùng liên tiếp những dòng thơ đầy bi phẫn, buồn bã, trước hết miêu tả cụ thể cảnh bi tráng Từ Hải sau khi chết xác vẫn đứng nguyên không đổ để ngợi ca khí khái anh hùng khi tráng chí chưa được thực hiện nên chết rồi mà vẫn không chịu khuất phục; tiếp đó miêu tả Thuý Kiều muôn phần hối hận, sụp xuống khóc lạy, đập đầu xuống đất, quyết chết theo chồng… 

Phải nói rằng qua những xử lí nghệ thuật tương tự như thế chẳng những làm tăng thêm sức truyền cảm nghệ thuật của tác phẩm, khiến cho ngụ ý của tư tưởng chủ đạo trở nên phong phú, sâu sắc hơn, mà đồng thời còn nâng cao trình độ văn hoá tư tưỏng của tác phẩm”.

Tuy La Trường Sơn không trực tiếp bác bỏ quan điểm cho rằng Truyện Kiều chẳng qua chỉ là một bản dịch cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân song chỉ vài ý kiến vừa nêu trên cũng đã đủ đánh đổ nhận định hoang đường đó.

La Trường Sơn hiểu rõ, một trong những điểm then chốt chứng tỏ Nguyễn Du đã “cấu tứ lại”, “sáng tác lại”Kim Vân Kiều truyện là ở chỗ: khác với Kim Vân Kiều truyện viết bằng văn xuôi lấy đối tượng của trọng tâm trần thuật là các sự kiện bên ngoài, truyện thơ “Truyện Kiều” chuyển trọng tâm trần thuật vào thế giới nội tâm. Yếu tố tự sự dĩ nhiên vẫn còn nhưng thành phần trữ tình cơ hồ đã lấn át. Điều đó đã kéo theo sự thay đổi toàn bộ hệ thống ngôn từ, giọng điệu tác phẩm. 

Không phải ngẫu nhiên trong bản dịch của mình, La tiên sinh đã dùng đến 395 dấu chấm than và 169 dấu hỏi, một hiện tượng không thể tồn tại ở một cuốn tiểu thuyết chương hồi như Kim Vân Kiều truyện (nếu bản phiên âm buộc phải dùng dấu chấm câu). Là người đã dịch hàng trăm câu ca dao và tục ngữ của Việt Nam, hẳn La tiên sinh cảm nhận được mối liên hệ máu mủ giữa những câu thơ trong Truyện Kiều với “lời nói của những người trồng dâu đay” (tang ma ngữ) ấy; mặt khác, là một học giả trung thực của Trung Quốc, La tiên sinh lại càng có điều kiện nhận biết sự tiếp biến diễn ra trong quá trình sáng tạo cũng như trong văn bản Truyện Kiều cái vốn thơ ca trữ tình đồ sộ, phong phú của Trung Quốc mà Nguyễn Du đã tiêu hoá được. 

Chỉ riêng việc tồn tại những âm vang ngữ liệu của thơ ca, từ khúc Trung Quốc trong Truyện Kiều cũng là một căn cứ có trọng lượng để bác bỏ quan điểm cho rằng Truyện Kiều chỉ là một bản dịch. Điều đáng quý là khi nói tới mối quan hệ văn hoá này, La tiên sinh bao giờ cũng làm nổi bật sự chủ động, sự sáng tạo của Nguyễn Du, nêu rõ chính điều kiện xã hội Việt Nam, cơ tầng văn hoá của Việt Nam đã chi phối, quy định mối quan hệ đó.

La Trường Sơn giới thiệu cho bạn độc Trung Quốc thấy rõ, một mặt, về “đề tài” và “tình tiết”, Nguyễn Du đã “cấu tứ lại nguyên tác”, “sáng tác lại nguyên tác”, mặt khác, “là một nhà văn kiệt xuất và một đại sư về nghệ thuật ngôn từ, thông thái về văn học cổ điển Trung Quốc, cống hiến trác tuyệt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều còn biểu hiện ở một đặc điểm nữa là khéo biết tiếp thu chất dinh dưỡng phong phú trong văn học và văn hoá Trung Quốc để phục vụ việc làm phồn vinh cho sáng tác văn học Việt Nam”.

“Khi đưa vào những điển cố và những câu thơ, từ, khúc nổi tiếng của Trung Quốc, Nguyễn Du không tiện tay nhặt lấy rồi dịch, chuyển nguyên xi mà căn cứ vào nhu cầu khác nhau của chủ thể sáng tác và sàng lọc kĩ càng, tinh tế, vận dụng thủ pháp nghệ thuật khác nhau để chắt lọc và sáng tác lại lần nữa, sau đó mới hoà chúng vào tình tiết có liên quan, khiến chúng và tác phẩm trở thành một chỉnh thể hữu cơ máu thịt liền nhau, không còn vết nối, hơn nữa tác giả còn cho  bạn đọc thấy diện mạo ngôn ngữ thi ca Việt Nam đã được dân tộc hoá tới mức phi thường”. 

Trong Lời nói đầu, có đến hai lần La Trường Sơn chỉ ra rằng, khi xây dựng hình ảnh 2 nhân vật chủ yếu là Thuý Kiều và Từ Hải, Nguyễn Du đã sử dụng “nhiều thủ pháp nghệ thuật truyền thống”, “những đặc điểm sáng tác như yếu tố kì lạ, mộng ảo, ước lệ, tượng trưng, lãng mạn trong truyền thống văn học Việt Nam” mà những phần tương ứng trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân không hề có. 
        
Người viết bài báo này không trực tiếp phê phán quan điểm cho rằng Truyện Kiều căn bản chỉ là một bản dịch, một quan điểm không chỉ tồn tại trong một số nhà học giả ở nước ngoài mà cũng từng xuất hiện loáng thoáng đâu đó ở Việt Nam, mà chỉ trình bày một cách khách quan sự khác nhau trong cách đánh giá tác phẩm Truyện Kiều của hai học giả Trung Quốc để bạn đọc tự rút ra kết luận cần thiết.

Sự khác biệt giữa quan điểm, ý kiến của Đổng Văn Thành và La Trường Sơn không chỉ quanh vấn đề Truyện Kiều có phải chỉ là một bản dịch hay không mà còn ở sự đánh giá có tính so sánh về giá trị nội dung và nghệ thuật, nói cụ thể hơn, về ý nghĩa hiện thực, tinh thần nhân đạo, giá trị văn chương của tác phẩm đó nữa. 

Cám ơn cố học giả La Trường Sơn đã đánh giá cao, rất cao giá trị toàn diện của Truyện Kiều, thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập280
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm278
  • Hôm nay84,523
  • Tháng hiện tại1,887,726
  • Tổng lượt truy cập44,757,373
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây