Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Nam Định năm 2015-2016

Thứ ba - 30/07/2019 05:22
BBT website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng các Thầy - Cô giáo và các em học sinh: Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Nam Định năm 2015-2016

Phần I: Trắc nghiệm (2,0 điểm)

Trong 8 câu hỏi sau, mỗi câu có 4 phương án trả lời A, B, C, D; trong đó chỉ có một phương án đúng. Hãy chọn phương án đúng viết vào tờ giấy làm bài.

Câu 1: Từ nào dưới đây là từ ghép?

A. Lành lạnh                                                          C. Lấp lánh        

B. Cỏ cây                                                               D. Xôm xốp

Câu 2: Trong câu thơ “Vầng trăng đi qua ngõ.”, tác giả Nguyễn Duy sử dụng biện pháp tu từ:

A. So sánh.                                                             C. Ẩn dụ.   

B. Hoán dụ.                                                            D. Nhân hóa.

Câu 3: Câu văn “Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó.” (Lê Minh Khuê) có mấy cụm động từ?

A. Hai                                                                     C. Bốn         

B. Ba                                                                       D. Năm

Câu 4: Câu “Vâng, cháu cũng nghĩ như cụ.” có sử dụng:

A. Thành phần gọi – đáp.                                     C. Thành phần phụ chú.

B. Thành phần tình thái.                                       D. Thành phần cảm thán.

Câu 5: Thành ngữ “Nói có sách, mách có chứng” liên quan đến phương châm hội thoại nào?

A. Phương châm quan hệ.                                 C. Phương châm về chất.

B. Phương châm cách thức.                               D. Phương châm về lượng.

Câu 6: Trong câu “Điều này ông khổ tâm hết sức.” (Kim Lân), ngoài thành phần chính còn có:

A. Thành phần trạng ngữ.                                 C. Thành phần phụ chú.            

B. Thành phần khởi ngữ.                                  D. Thành phần gọi - đáp.                       

Câu 7: Các câu “Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tùy ý.” (Nguyễn Thành Long) đã sử dụng phép liên kết:

A. Phép lặp từ ngữ.                                    C. Phép thế.     

B. Phép nối.                                                D. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa.

Câu 8: Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu “Anh mong được nghe một tiếng “ba” của con bé, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi.” (Nguyễn Quang Sáng) thuộc kiểu câu:

A. Câu đơn.                                                C. Câu ghép.    

B. Câu đặc biệt.                                          D. Câu rút gọn.

Phần II: Đọc-hiểu văn bản (3,0 điểm)

Em hãy đọc đoạn văn sau:

Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán - Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của, chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường thấp kém...

Và trả lời các câu hỏi dưới đây:

a/ Đoạn văn trích trong văn bản nào? Của ai? (1,0 điểm)

b/ Phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn là gì? Xác định nội dung chính của đoạn văn? (1,0 điểm)

c/ Trình bày suy nghĩ của em về tác dụng của việc đọc sách. (1,0 điểm)

Phần III: Tập làm văn (5,0 điểm)

          Về Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, có ý kiến cho rằng: Tác phẩm không chỉ phản ánh số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến mà còn khẳng định vẻ đẹp truyền thống đáng quý của họ.

          Theo em, ý kiến trên thể hiện như thế nào qua nhân vật Vũ Nương?

______________HẾT______________


Đáp án đề thi
Phần I: Tiếng Việt
 
1. B
2. D
3. B
4. A
5. C
6. B
7. B
8. C
 
Phần II : Đọc hiểu văn bản
Câu 1:
Đoạn văn trên trích trong tác phẩm ” Bàn về đọc sách ” tác giả Chu Quang Tiềm
 
Câu 2:
Phương thức biểu đạt : Nghị Luận
Nội dung chính của đoạn văn : Tầm quan trọng của sách và phương pháp đọc sách.
Câu 3: Trình bày suy nghĩ của em về việc đọc sách ( Tham Khảo )
Đọc sách là một vấn đề đã được rất nhiều người bàn đến, em cũng đã từng đọc khá nhiều sách nhưng còn tùy tiện trong việc lựa chọn sách. Chỉ đến khi đọc bài viết của Chu Quang Tiềm trong đó tác giả có bàn về phương pháp đọc sách: ” Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”. Em mới vỡ lẽ ra rất nhiều điều về cách chọn sách, cách đọc sách, con đường đi đúng đắn để chiếm lĩnh tri thức văn hóa nhân loại.
Thế nào là đọc tinh, đọc kĩ? Vấn đề tưởng là hai mà thực chất là một. Không thể đọc kĩ tất cả mà phải chọn những cuốn thật sự có giá trị. Chọn được cuốn có giá trị mà đọc kĩ còn hơn là đọc nhiều cuốn mà chỉ lướt qua. Tóm lại, điều chủ yếu, quan trọng nhất của việc đọc sách không phải là đọc nhiều sách mà là phải biết chọn sách có giá trị và đọc lại nhiều lần để suy ngẫm đó là phương pháp đọc đúng.
Xã hội càng phát triển khiến con người ta buộc lòng chấp nhận việc tiếp thu thông tin bằng cách nghe và nhìn. Động thái đó cũng đồng nghĩa với việc con người đã vô tình từ chối quyền được trau dồi khả năng đọc hiểu sách vốn dĩ vô cùng quan trọng. Cuộc sống sẽ thật thảm hại nếu thiếu đi sự cân bằng. Cách tiếp nhận thông tin cũng vậy, khi bạn quá đề cao kỹ năng nghe nhìn mà coi nhẹ việc đọc sách bằng mắt, bạn đã tự tước bỏ cơ hội được phát triển toàn diện của bản thân.
Còn nhiều ảnh hưởng không tốt khác nữa mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến. Xin được dẫn ra ở đây câu nói của M. Gor-ki: “Mỗi cuốn sách là những bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất… Hãy yêu sách! Nó là nguồn tri thức”. Khi những trang văn của “Bàn về đọc sách” đã khép lại, em mới thực sự tỉnh táo để biết được rằng: sách là tài sản tinh thần vô giá của nhân loại, muốn có học vấn thì cần thiết đến việc đọc sách.
Sách cũ trăm lần xem chẳng chán,
Thuộc lòng ngẫm nghĩ một mình hay.
 
Phần III: Tập Làm Văn ( Các em có thể bám sát theo nội dung dàn ý để nhận xét phân tích)
Dàn bài
* Mở bài:
Giới thiệu khái quát về giá trị nhân đạo của tác phẩm ” chuyện người con gái Nam Xương”- Nguyễn Dữ.
* Thân bài:
Ý 1. Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của con người qua vẻ đẹp của Vũ Nương
– Vũ Nương có đầy đủ vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam:
+ Ngay từ đầu tác giả đã giới thiệu nàg là cô gái xinh đẹp, vì xinh đẹp nên nàng đựoc Trương Sinh yêu mến và cưới làm vợ
+ thuỳ mị, nết na, kéo léo: biết chồng là người đa nghi nàng luôn giữ gìn khuôn phép không để xảy ra bất hòa, lời lẽ tiễn đưa chồng ra lính rất dị dàng và ân cần
+ nàng còn là người phụ nữ đảm đang, hiếu thảo, thủy chung: Đối với chồng rất mực dịu dàng, đằm thắm thuỷ chung; đối với mẹ chồng rất mực hiếu thảo, hết lòng phụ dưỡng; đối với con rất mực yêu thương.
Dẫn chứng: ” Mỗi khi thấy bướm lượn đày vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngân được”-> nỗi mong nhớ chồng da diết”
Lời nói của bà mẹ trước khi qua đời đã khẳng định về phẩm chất hiếu thảo của Vũ Nương ” Xanh kia quyết không phụ con, cũng như con đã không phụ mẹ” ( Chú ý phân tích quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong xã hội Pk để làm tăng thêm ý nghĩa của câu nói)
+ Vũ nương là người phụ nữ trong sáng, có tấm lòng bao dung độ lượng: Khi bị vu oan, nàng đã dùng cái chết để tự minh oan cho mình và chứng minh tấm lòng trong sạch của nàng, khi trở về trên kiệu hoa nàng k một lời oán trách Trương Sinh mà còn rất ân tình ” Đa tạ tình chàng thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”
Ý 2. Tác giả bày tỏ niềm cảm thông trước số phận bất hạnh của người phụ nữ, mà đại diện là Vũ Nương
– Vũ Nương đẹp người, đẹp nết mà lại phải chịu bi kịch gia đình. Nàng phải chịu tiếng đời nhuốc nhơ. Nàng cố minh oan với chồng, nhưng sự độc đoán của Trương sinh- lễ nghi phong kiến đã không cho nàng lên tiếng. Thất vọng và đau đớn nàng đã phải tìm đến cái chết để minh oan cho mình.
– Ngòi bút của tác giả đã lột tả hết sự đau đớn tột cùng của Vũ Nương khi tìm đến cái chết. Phải chăng tác giả hiểu thấu nỗi đau đó, cảm thông với nỗi bất hạnh đó của Vũ Nương ?
Ý 3. Vì cảm thông với Vũ Nương, tác giả đã lên tiếng bênh vực cho người phụ nữ, tố cáo xã hội phong kiến bất công với chế độ trọng nam khinh nữ, một chế độ bất công cướp đi quyền sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ.
+ tác giả cho ta thấy bộ mặt của xã hội PK, của chế độ gia trưởng độc đoán mà đại diện là Trương sinh- một kẻ ghen tuông mù quáng.
+ chính sự độc đoán của Trương Sinh đã đẩy Vũ Nương đến cái chết. Qua cái chết của Vũ Nương, tác giả lên án chế độ trọng nam khinh nữ của XHPK.
* Kết bài: Khẳng định ý nghĩa giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây