Trong nền văn học Mỹ, Francis Scott Fitzgerald (1896 -1940) là một tên tuổi chói lọi mà nghệ thuật và tài năng lại không được mấy ai cùng thời thấu hiểu và đánh giá đầy đủ. Cùng với Hemingway, ông là thành viên tiêu biểu nhất của “thế hệ lạc lõng”, thế hệ các nhà văn viết về lớp thanh niên Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất bị mất phương hướng trong cuộc sống, coi “mọi thánh thần đã chết cả, mọi cuộc chiến trận đã diễn ra xong, mọi niềm tin ở con người đã tan vỡ”. Fitzgerald là người chép sử của một thời đại mà chính ông đã đem lại cho nó cái tên “Thời đại Jazz” , ông mang trong mình những ước vọng và cả những mâu thuẫn của tâm hồn người Mỹ, và qua kiệt tác Gatsby Vĩ Đại (1925) đã phơi bầy một cách ngậm ngùi, đau xót sự hư trá của Giấc mơ Mỹ, những mộng tưởng ở nước Mỹ, bởi cả cuộc đời ông cũng là một chuỗi mộng tưởng, là chạy theo mộng tưởng để rồi trở thành nạn nhân của chính căn bệnh thời đại mà ông đã đưa vào các trang sách.
Gatsby Vĩ Đại đã vẽ ra một trong những bức tranh cô đọng nhất, sâu sắc nhất và giàu biểu tượng nhất về xã hội Mỹ với đủ các mặt tàn nhẫn, giả dối, bịp bợm và ích kỷ của nó và được chọn là một trong “10 tác phẩm lớn nhất của mọi thời đại” theo cuộc khảo sát ý kiến của 125 nhà văn nổi tiếng đương đại do tạp chí Time tổ chức năm 2007.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn