Hồ Xuân Hương và Phật giáo

Thứ bảy - 20/07/2019 07:15
Hồ Xuân Hương có một kiến thức khá rộng và uyên bác về Phật Giáo trong thơ chữ Hán, phản ánh trình độ chung về Phật pháp trong thời đại Lê Trịnh, đầu thời Nguyễn,điều đó phản bác những bài thơ gán cho Hồ Xuân Hương viết bởi người dốt đặc cán mai về Phật Giáo viết vào đầu thời Pháp thuộc

Điều nghịch lý trong thơ truyền khẩu gán cho Hồ Xuân Hương là Xuân Hương thường đi chùa, cuối đời có đi tu một thời gian, nhưng trong thơ lại «ghét» sư đến mức thậm tệ gọi sư là «lũ trọc đầu», « phúc đức như ông được mấy bồ ?», «hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo ?», sư «chái gió cho nên phải lộn lèo», thậm chí gán cho Hang Thánh hoá Chùa Thầy, thánh tích thiêng liêng của đồng bào Phật tử Việt Nam, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh cởi bỏ nhục thân để đầu thai thành Vua Lý Thần Tông là cái dương vật: «một đố dương ra biết mấy ngoàm », «một sư đầu trọc ngồi khua mõ, hai tiểu lưng tròn đứng giữ am».

Một Hồ Xuân Hương mắng bọn đốt đến cửa thiền, là «phường lòi tói », đề thơ dở làm dơ bẩn nhà chùa: «muốn sống đem vôi quét trả đền», mà lại đồng thời làm thơ bẩn, bôi nhọ nhà chùa, viết những câu thơ tối tăm, gượng ép: « đáo nơi neo», «trưa trật nào người móc kẻ rêu», một phụ nữ đến chùa mà mang «rượu lưng hồ» uống, một trong năm giới cấm nhà Phật.

Những câu thơ bẩn thỉu, hạ cấp, gượng ép, hiểu biết kém cỏi về Phật Giáo, chỉ biết đả kích Phật Giáo qua bề ngoài : «sư đầu trọc lóc», «áo không tà », « lần tràng hạt đấm lại đeo», «giọng hi ha»… hay kết án những điều vô chứng cớ : « vãi núp sau lưng sáu bảy bà ». Sư mà có đến sáu bảy bà vợ núp sau lưng mà làng xóm, đồng bào Phật tử để yên cho sao ?

Những bài thơ tệ hại ấy, những câu thơ nguyên tác bị sửa đổi, được gán cho Hồ Xuân Hương từ một thế kỷ nay, nhiều nhà văn học tiếng tăm cũng không dám suy xét, nguồn gốc từđâu, không ai dám đụng đến, mà còn say sưa ca tụng như những câu thơ « cách mạng » giải phóng phụ nữ, đập đổ tư tưởng phong kiến ? Có những câu thơ dỡ thậm tệ, không có gì là văn chương, nhưng chỉ vì được gán cho Hồ Xuân Hương, mà người đời cứ nhắm mắt khen hay !

Những khám phá các văn bản : Lưu Hương Ký, Hương Đình Cổ Nguyệt Thi tập, thơ Vịnh Hạ Long, thơ Vịnh Cảnh Đồ Sơn.. của các Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo Sư Trần Văn Giáp, Học Giả Trần Thanh Mại, cụ Cử Nguyễn Văn Tú tại các thư viện trong nước và ngoài nước đãđánh đổ những bài thơ ngụy tạo gán cho Hồ Xuân Hương nhằm đánh đổ Phật Giáo mới sáng tác vào đầu thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19 : Hang Thánh hóa, Chùa Quán Sứ, Vịnh ni sư, Chùa xưa, Hang cắc cớ, Sư bị ong châm, Sư bị làng đuổi…

Trái với những bài thơ ngụy tạo, dốt đặc cán mai về Phật Giáo, những bài thơ có chứng cớ tác giả Hồ Xuân Hương đề vịnh cảnh chùa ở Đồ Sơn cụ Trần Văn Giáp tìm thấy chép trong Phượng Sơn Từ Chí Lược, GS Cao Xuân Huy cũng tìm thấy trong thư viện Cao Xuân Dục, bài thơ đề Trấn Quốc Tự chép trong Hương Đình Cổ Nguyệt tìm thấy trong tủ sách gia đình cụ Trần Xuân Hảo ở xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Hà. Thơ Hồ Xuân Hương vịnh cảnh Hạ Long giáo sư Hoàng Xuân Hãn tìm thấy trong kho sách Hán Nôm thư viện Quốc Gia Paris.. cho ta thấy Hồ Xuân Hương là« một phụ nữ học rộng và thuần thục » như lời Tốn Phong viết bài tựa Lưu Hương Ký, bà tinh thông Nho, Phật, Lão, nhất là về Phật Giáo bà có một kiến thức khá rộng và uyên bác.

Tiêu biểu cho tư tưởng, kiến thức Hồ Xuân Hương về Phật Giáo là 9 bài thơ Vịnh Cảnh Đồ Sơn. Chín bài thơ này Hồ Xuân Hương làm trong khoảng thời gian 1816-1818 lúc chung sống với Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Hồ Xuân Hương đi thăm các thắng cảnh chùa Đông Sơn, thời ấy đã hoang tàn, do cuộc khởi nghĩa nhà sư Phạm Ngọc (1418-1420) chống nhà Minh đô hộ, cuộc khởi nghĩa này được sách sử nhà Minh chép nhiều (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc—Viêtnam thế kỷ XIV-XVII ,nxb Hà Nội 2011) ông Hồ Bạch Thảo, đã bỏ công tìm lục trong thư viện Hoa Kỳ, và dịch các đoạn Minh Sử sử liên hệ đến Việt Nam mà trong sử ta chỉ ghi vài dòng. Cuộc khởi nghĩa quy tụ hàng vạn người dựa thế Đồ Sơn, vịnh Hạ Long làm điêu đứng nhà Minh, nhưng rồi bị dập tắt trong máu lửa, chỉ còn lại các cảnh chùa trên núi Đông Sơn bị hoang tàn.

Truyền thống giữ nước của các nhà sư và Phật Tử Việt Nam, bắt nguồn từ những năm tháng đen tối thời Bắc Thuộc, chung một truyền thống với các phái thiền Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên để thư giản sau khi ngồi thiền các nhà sư luyện tập võ nghệ, nội công. Chùa Thiếu Lâm Tự nơi BồĐềĐạt Ma đếnhành đạo cũng là nơi phát xuất võ nghệ Thiếu Lâm, nguồn cội các phái võ nghệ. Các phái thiền truyền đến Việt Nam, chung truyền thống đó, các nhà sư Tây Trúc, Trung Quốc đến truyền đạo. Các phái võ truyền qua đệ tử hay gia đình, một người Việt Nam lý tưởng trong xã hội ngày xưa là« văn võ song toàn », các quan Việt Nam từ quan văn sang quan võ là chuyện bình thường. Thi hào Nguyễn Du, sau khi đậu Tam Trường, nhậm chức đầu tiên là chức quan võ : Chánh Thủ Hiệu Quân Hùng Hậu Hiệu, chỉ huy đội quân tinh nhuệ nhất trấn Thái Nguyên, đại diện cho binh quyền của anh, là Nguyễn Khản, Thượng Thư Bộ Lại kiêm trấn thủ Thái Nguyên, Hưng Hóa với sự trợ giúp của Cai Gia tức Nguyễn Đại Lang, nhân vật này có tên trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí.. Nguyễn Huy Tự tác giả Hoa Tiên, con rễ Nguyễn Khản, quan văn dạy học cho Thế Tử chúa Trịnh, chuyển sang quan võ làm quan Trấn Thủ Hưng Hóa. Tiến Sĩ Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Công Trứ từng giữ chức Binh Bộ Thượng Thư. Thi hào Cao Bá Quát, khi triều đình không xứng đáng đã dựng cờ khởi nghĩa « Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn, Mục Dã, Thanh Điền hữu Võ Thang ».Sách sử Việt Namít chép việc học tập võ nghệ, và nghề võ cũng như các nghề khác trong xã hội Việt Nam thường được giữ bí mật chỉ truyền cho đệ tử, hay con trai..Thời nhà Lê mới thấy xuất hiện Trường Giảng Võ và các kỳ thi Võ, trước đóchỉ thấy từ nhà chùa Việt Nam xuất hiện ra các đệ tử trở thành võ tướng, nhà sư lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng, trước cả Trung Quốc, sự kiện nhà sư Chu Nguyên Chương, lãnh đạo đánh đuổi Mông Cổ, nhà Nguyên lập ra nhà Minh( 1368-1566).Điều tất yếu của các võ tướng là phải rất giỏi võ, có sức mạnh hơn người, vàđọc sách binh thư : nhà chùa là nhà trường dạy người Việt biết đọc, dạy văn và dạy võ, từ nhà chùa đãđào tạo Lý Bí, Lý Phật Tử, nhà Tiền Lý (544-602) thành lập nước Vạn Xuân, riêng Lý Phật Tử cai trị trong 30 năm, nhà chùa đãđào tạo tướng quân Lý Công Uẩn thành lập nhà Lý (1010-1225) hai trăm năm văn minh rực rỡ, và đến nhà Trần,ông vua Phật Trần Nhân Tôn, ba lần lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân Mông Cổ, xâm lược từÁ sang Âu. Nhà chùa là trường học, nhân dân « phân nửa nước là sư sãi », có những chùa chứa đến 5, 10 ngàn người, họ không phải là « nông nô », thực sự là họ đến chùa học tập trong một thời gian, học văn, học võ, tự trồng trọt, cày cấy, tự nuôi sống…một sốít tiếp tục trở thành nhà sư, phần lớn trở về đời sống người thường. Khi chiến tranh, những đội quân đầu trọc ra chiến trận, nhưng khi thắng lợi không thấy họở lại để nhận danh lợi, chức tước, mà lui về đời sống tu hành, nhiệm vụ của họ là bảo vệ nền tảng đạo lý dân tộc, năm giới nhà Phật : « không giết người, không trộm cắp, không nói dối, không tà hạnh, không rượu chè » là nền tảng bảo vệ cho xã hội an lành, đạo đức, yểm trợ cho triều đại Lý, Trần « phòng bệnh » luật pháp, các tệ nạn xã hội, xem kỹ thì luật pháp ngày xưa cũng như ngày nay không ngoài năm điều phạm tội ấy. Chỉ thấy thời đại Lý Trần cất chùa mà không thấy xây nhà tù, đào tạo cai tù, hay dùng các hình phạt : tru di tam tộc, lăng trì, tứ mã phanh thây, chuồng cọp, vạc dầu.. cực kỳ hung ác như các thời đại khác. Thời đại Lý Trần đã lo việc phòng bệnh hơn là việc chữa bệnh, trừng phạt. Giai đoạn đất nước đô hộ nhà Minh trước cuộc khởi nghĩa Lê Lợi, có cuộc khởi nghĩa nhàsư Phạm Ngọc làm quan tướng cai trị nhà Minh điêu đứng.. Hồ Xuân Hương đã đến Đồ Sơn, nơi di tích cuộc khởi nghĩa nhà sư Phạm Ngọc.

Thời Pháp thuộc, ngay từ khi Pháp đánh Sài gòn năm 1862, hai mươi ngôi chùa Sài Gòn : Cây Mai, Khải Tường, Kiểng Phước.. đã trở thành « Chiến lũy chùa chiền ». Liên quân Pháp, Tây Ban Nha đãđem đại quân phá sạch. Các nhà sưđã làm gì mà người Pháp phải gọi đó là« chiến lũy » ?. Rồi tiếp đến đồng thời với cuộc khởi nghĩa các sĩ phu nho sĩ có các cuộc khởi nghĩa các tăng sĩ : Ngô Lợi (1831-1890), Mạc Đình Phúc (1849-1897), Nguyễn Văn Quý, Vương Quốc Chính(1898), Võ Trứ ( – 1898) Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí (1916). Các nhà sư làm gì mà người Pháp gọi là « giặc thầy chùa », « giặc đầu trọc », các nhà sư tham gia đông đảo thế nào mà người Pháp gọi là giặc, nhà sư bị bắt nhốt chật các khám đường, bị bắt hàng ngàn người, hàng chục ngàn người ?.. riêng vụ Phan Xích Long có 57 người bị bắn, 6 người tại trận và 51 người bịđem ra tử hình tại Sài Gòn (nhiều hơn cả cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930). Việc này liên quan đến Hồ Xuân Hương vìđó là thời điểm xuất hiện những câu thơ mạo danh Hồ Xuân Hương nhằm đánh đổ Phật Giáo, những câu thơ ngạo mạn khi nhìn thấy hàng ngàn nhà sư bị lùng bắt, có những nhà sư hiên ngang thú nhận tội chống Pháp và mắng chửi cho đến khi lên đoạn đầu đài : « Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu ? », « Hỏi thăm sư cựđáo nơi neo ? » sư « chái gió cho nên phải lộn lèo ? ». Những câu thơ đồng thời với Tôn Thọ Tường : « Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay » (con trẻđây là các sĩ phu Nho học) . Kho tài liệu Bộ Thuộc Địa tại Paris còn lưu trữ những tài liệu này đó là một đề tài sử học cho một thí sinh viết luận án tiến sĩ tương lai, làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử còn u tối.

Trái với quan điểm cho rằng thời Lê Trịnh đạo Phật đã suy vong cho nên Hồ Xuân Hương làm thơ kích bác đạo Phật. Tiến Sĩ Phạm Quý Thích, pháp danh Thảo Đường cư sĩ, trong Lập Trai Văn Tập đã cho rằng : « chưa bao giờ Phật Giáo thịnh như lúc này ». Thật vậy thời đại Hồ Xuân Hương đông đảo trí thức đã tham gia nghiên cứu đạo Phật. Tiến Sĩ Lê Quý Đôn viết Kinh Kim Cương chú giải, trở thành quyển sách yêu chuộng của sĩ Phu Bắc Hà thời bấy giờ. Nguyễn Du ba năm giang hồ Trung Quốc(1787-1790) mang theo quyển Kinh Kim Cương Chú giải bên mình, đi « Giang Bắc Giang Nam cái túi không » đi từ Vân Nam lên Trường An xuống Hàng Châu, đi muôn dậm (khoảng 5000km) « Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế », bằng cách đội mũ vàng nhà sư, mang pháp danh Chí Hiên,tụng Kinh Kim Cương làm công quả tại các chùa trên đường đi để kiếm bữa ăn rau đậu :« Tôi đọc kinh Kim Cương nghìn lượt », tụng Kinh Kim Cương trong ba năm. Tuy nhiên Nguyễn Du đã thích ứng với Pháp môn Thiền của ngài Huệ Năng hơn, « Lòng ta thường định chẳng xa thiền ». Ngô Thời Nhiệm (1746-1803) cuối đời đã trở thành Hải Lượng Thiền Sư viết sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, được xưng tụng là Trúc Lâm Đệ Tứ Tổ(Sau vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Phan Huy Ích (1751-1822) cũng tham gia soạn và viết tựa cho Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. Trong việc nghiên cứu kinh Phật trong thời đại này ta còn thấy những tên tuổi nổi danh Ngô Thì Hoành em ruột Ngô Thời Nhậm, phật hiệu Hải Huyền. Tiến Sĩ Vũ Trinh ( ? -1828) anh rễ Nguyễn Du, Phật hiệu Hải Âu Hoà Thượng. Nguyễn Đăng Sở (1753- ?) Phật hiệu Hải Hoà Tăng và Nguyễn Hành (Nguyễn Đàm) con trai thứĐiền Nhạc Hầu Nguyễn Điều, cháu Nguyễn Du, một trong 5 nhà thơ lớn đương thời,, pháp danh Hải Điền… Trong thời đại này những ngôi chùa lớn như chùa Tây Phương được xây dựng, và các ngôi chúa Trấn Quốc, Kim Liên, chùa Thầy, chùa Trăm Gian.. đều được trùng tu.(Xem Thơ Văn Ngô Thời Nhậm. Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. Nxb KHXH 1978)

Hồ Xuân Hương có một kiến thức khá rộng và uyên bác về Phật Giáo trong thơ chữ Hán, phản ánh trình độ chung về Phật pháp trong thời đại Lê Trịnh, đầu thời Nguyễn,điều đó phản bác những bài thơ gán cho Hồ Xuân Hương viết bởi người dốt đặc cán mai về Phật Giáo viết vào đầu thời Pháp thuộc. Tinh thần Phật Giáo trong Hồ Xuân Hương nhuần nhuyễn nên khi viết vềđảo núi Thầy Tăng Vịnh Hạ Long, Hồ Xuân Hương đã viết : « Phản phất vân đồi đầu ám điểm, Cao Tăng ưng hữu tọa đàm kinh ». (Phản phất mây buông trời sụp tối, Cao Tăng đâu đó tụng thời kinh). Khi Tham Hiệp Trần Phúc Hiển bị bắt năm 1818, Hồ Xuân Hương đi cầu cứu quan Tào Binh Bắc Thành Trần Quang Tĩnh, người bạn thơđã từng muốn ngỏ lời cưới bà, Trần Quang Tĩnh lánh mặt : Xuân Hương viết trong bài Bán chẩm thư hoài, Nỗi niềm gối lẽ : « Ngâm khách hữu thần lai sắc tướng, Tình ma vô lực khướt sầu binh » ( Ngâm khách thế thần đâu sắc tướng, Tình ma không sức đuổi sầu binh), đêm chữ sắc tướng nhà Phật, « sắc tức thị không không tức thị sắc », mà đối với chữ sầu binh, tình nàng như tình với ma nỗi buồn đến đông như một lũâm binh, thật là tuyệt diệu, phải là người thấm nhuần đạo Phật đến độ nào, trong đau thương mà vẫn viết được những câu như thế. Tiêu biểu cho kiến thức Hồ Xuân Hương về Phật Giáo là chín bài thơ Vịnh Tám Cảnh Đồ Sơn. (Còn nữa)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm141
  • Hôm nay24,809
  • Tháng hiện tại1,024,277
  • Tổng lượt truy cập29,549,651
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây