Tây Sơn bi hùng truyện

Thứ tư - 24/07/2019 23:36
Phàm là một người người ham mê lịch sử và văn chương, cầm cuốn sách này khó có thể dứt ra được. Rất giống cảm giác thuở học trò đọc Tam quốc diễn nghĩa hay Thủy hử, bạn sẽ bị cuốn sách lôi cuốn ngay cả khi đang ăn hay trước lúc đi ngủ. Sẽ rất nhiều người mải theo cách dẫn dắt của tác giả mà quên khuấy cả giấc ngủ trưa, thậm chí cho qua cả một đêm trắng.
Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh mô phỏng cách viết chương hồi của La Quán Trung, Thi Nại Am và những tiểu thuyết gia Trung Quốc xưa, một cách kể chuyện như lùa người đọc vào hết mê hồn trận này đến những bí sử kia, mang đến cho người đọc cái không gian, thời gian, những sự kiện lịch sử, những chân dung tiêu biểu… làm nên gương mặt xã hội Việt Nam đầy biến động và bi thương, hiển hách và bi tráng suốt nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. 

Khác với tiểu thuyết  Sông Côn mùa lũ, tác phẩm của nhà văn Việt Kiều Nguyễn Mộng Giác, tái hiện khá thành công người anh hùng áo vải Tây Sơn và cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc, từng in ở Mỹ và mới in lại ở Việt Nam, Lê Đình Danh viết về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ với một bối cảnh rộng lớn hơn, đặt các nhân vật của Tây Sơn trong mối quan hệ trực diện, đối nghịch, một mất một còn với chúa Nguyễn Đàng Trong, chúa Trịnh Đàng Ngoài và Vương quốc Đại Thanh thời vua Càn Long hùng mạnh. 

Không phải ngẫu nhiên mà thoạt đầu tác giả đặt cho bộ tiểu thuyết hai tập hơn nghìn trang in với 5 phần 70 chương của mình cái tựa đề  Nhị Nguyễn tranh hùng mà hai nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm là Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh. Có thể nói đó là hai nhân vật lịch sử, có vai trò cực kỳ quan trọng quyết định sự thành bại của hai dòng Nguyễn Tây Sơn và dòng Nguyễn thế gia vọng tộc Đàng Trong, quyết định khuynh hướng và bước ngoặt phát triển của dân tộc Việt từ đầu thế kỷ XIX. Đặt nhân vật Nguyễn Huệ vào trong bối cảnh chế độ phong kiến do các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã kiến lập hơn hai trăm năm, kể từ khi người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Hoàng nhận ra dã tâm của Trịnh Kiểm, đã mang thân quyến và bộ hạ vào lánh nạn ở Thuận Quảng năm 1558, cho đến khi lộng thần Trương Phúc Loan lợi dụng sự mọt ruỗng của triều Nguyễn Đàng Trong định tiếm quyền, gây cho muôn dân lầm than cơ cực… mới thấy tài năng và sự xuất chúng tột bậc của người anh hùng áo vải trẻ tuổi. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1773) do Nguyễn Nhạc khởi xướng, nếu không có Nguyễn Huệ, chắc chắn sẽ bị tiêu diệt từ trong trứng. Bởi khi ấy, mặc dù trong Nam, rường cột Chúa Nguyễn đã mục nát, nhưng lòng dân vẫn chưa hết ngưỡng vọng về một vương triều với 11 đời chúa kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng hơn hai trăm năm đã khai mở và củng cố đất Đại Việt suốt từ hận giới sông Gianh cho đến Sài Côn (Sài Gòn – Gia Định), Hà Tiên, Phú Quốc…, còn ở ngoài Bắc, mặc dù các chúa Trịnh tiếm quyền nhà Lê, dân tình cơ cực, nhưng hầu hết các sĩ phu Bắc Hà vốn ngu tín, ngu trung và muôn dân vẫn hướng về nhà Lê mà ánh hào quang Lê Lợi - Nguyễn Trãi suốt từ cuộc kháng chiến chống giặc Minh đầu thế kỷ XV vẫn còn tỏa sáng. Thu phục lòng dân đã khó, nhưng chiến thắng được hai thế lực phong kiến Nguyễn - Trịnh còn ngàn lần khó hơn. Vậy mà “Bốn lần vào Nam truy chúa Nguyễn; Ba lần ra Bắc diệt vương tông” với những trận đánh thần kỳ; rồi trận Rạch Gầm lừng danh phá năm vạn quân Xiêm, trận thắng Pháp đầu tiên trong lịch sử - đốt tàu chiến Pháp do Bá Đa Lộc trợ giúp cho Nguyễn Phúc ánh, và kỳ diệu nhất là trận đại phá 20 vạn quân Thanh, đánh bại ý đồ xâm lược của ngoại bang phương Bắc… thì quả là một thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới. Với tài năng và đức độ của Nguyễn Huệ, ông đã tập hợp quanh mình hàng loạt nhân vật kiệt hiệt nhất thời ấy, về văn có Trương Văn Hiến, Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Nguyễn Thung, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp…, về võ hàng loạt các đại tướng kiệt hiệt mà tên tuổi mãi lưu truyền sử sách như vợ chồng Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân, Đặng Văn Long, Đặng Xuân Phong, Đặng Xuân Bảo, Nguyễn Văn Tuyết, Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở, Võ Văn Nhậm, Vũ Văn Dũng, Võ Đình Tú… (Nhân đây xin lưu ý các nhà lịch sử và các cấp chính quyền thành phố Hà Nội nên đổi lại tên phố Đặng Tiến Đông (ở bên gò Đống Đa) thành phố Đặng Văn Long, vì trong chính sử cũng như trong tiểu thuyết Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh không hề nhắc đến Đặng Tiến Đông mà chỉ có tên Đô đốc tài danh Đặng Văn Long). 

Với Nguyễn Phúc Ánh (hay Nguyễn Ánh) dưới ngòi bút của Lê Đình Danh, cũng hiện lên như một anh hùng kiệt hiệt, 12 tuổi đã theo Võ vương Nguyễn Phúc Khoát “chống giặc Tây Sơn”, 16 tuổi khi quân Tây Sơn truy đuổi chúa Nguyễn ra cửa Hàm Luông, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị chết, chỉ còn duy nhất tiểu võ tướng Nguyễn Phúc Ánh một mình một thuyền đưa mẹ và em gái chạy trốn khỏi sự truy sát của Bùi Thị Xuân mà Nguyễn Phúc Ánh được bảo toàn mạng sống, trở thành chủ soái gánh vác cả cơ đồ nhà Nguyễn đang tưởng chừng tan thành mây khói dưới sự truy đuổi quyết liệt của Nguyễn Huệ. ở nhân vật này có dáng dấp của một tiểu Tào Tháo, đa mưu, túc kế, gian hùng. Từ một tiểu võ tướng, trở thành Nguyễn Vương, có lúc trong tay chỉ có vài trăm quân, phải lẩn trốn sang Xiêm quốc, rồi các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo, Nguyễn Phúc Ánh đã dần dần củng cố lại thế lực nhà Nguyễn, thu phục dưới trướng mình nhiều tướng tài như Nguyễn Huỳnh Đức, Tống Việt Phước, Tống Viết Khuông, Châu Văn Tiếp, Lê Chất, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Đặng Đức Siêu… 

Nhưng phải đến khi người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ bị gian thần Bùi Đắc Tuyên hãm hại, thì Nguyễn Phúc Ánh mới xoay chuyển được thế cờ. Cuộc trả thủ hèn hạ của Gia Long Nguyễn Ánh đối với hài cốt của Nguyễn Huệ và các bộ tướng Tây Sơn mãi mãi là vết nhơ trong lịch sử.

Tây Sơn bi hùng truyện thu hút người đọc không chỉ ở tư liệu lịch sử phong phú, kiến văn dồi dào, mà còn ở bút pháp dựng truyện, xây dựng nhân vật khá thành công. Ngoài hai nhân vật Nguyễn Huệ, Nguyễn Phúc ánh, hàng loạt các nhân vật thuộc các phe Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn và cả các tướng Mãn Thanh đều được tác giả phác họa khi thì bằng một vài chi tiết đặc sắc, khi kỳ công dẫn dắt qua hàng loạt các sự kiện, mối quan hệ đan xen phức tạp, ví như các nhân vật Ngô Thì Nhậm, Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm, Võ Tánh, Bùi Đắc Tuyên, Lê Văn Duyệt, Đặng Trần Thường, Vũ Tâm Can v.v… 

Đọc sách, mà như được xem một cuốn phim lịch sử đầy bi thương hùng tráng, được xúc động, yêu thương với người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ. Giá như, với công nghệ điện ảnh hiện thời, Tây Sơn bi hùng truyện được đưa lên màn bạc, tin rằng con em chúng ta sẽ thêm một lần được học những bài học lịch sử sống động, và mỗi chúng ta sẽ càng thêm yêu thương đất nước, cội nguồn. 

Xem tiếp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây