Đề thi Lịch sử vào lớp 10 THPT Chuyên Tp Hà Nội 2019-2020

Chủ nhật - 12/01/2020 18:01
Đề thi môn Sử vào 10 chuyên Hà Nội năm 2019 gồm 4 câu hỏi. Các kiến thức tập trung chủ yếu vào chương trình học môn Sử lớp 9 (THCS).

Câu 1(2,0 điểm)

Nêu những sự kiện lịch sử thế giới tác động đến cách mạng Việt Nam những năm 1930 - 1945. Theo em, sự kiện nào đã dẫn đến việc Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước? Giải thích tại sao ? 

Câu 2 (2,5 điểm)

Trình bày nội dung và nhận xét về Kế hoạch Na-va của Pháp - Mĩ. Tại sao Điện Biên Phủ trở thành điểm chính của kế hoạch Na-va ? 

Câu 3 (2,5 điểm)

Những điểm nào khẳng định sự đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Đảng trong việc đề ra chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam ? Trong thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, sự đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo đó tiếp tục được thể hiện như thế nào ? 

Câu 4 (3,0 điểm)

Tại sao từ liên minh chống phát xít, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ và Liên Xô chuyển sang tình trạng “chiến tranh lạnh”?

Nêu những biểu hiện và phân tích hậu quả của Chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á như thế nào ?

- Hết - 

Gợi ý đáp án trả lời các câu hỏi đề thi chuyên Sử vào 10 Hà Nội năm 2019

Câu 1:

1. Những sự kiện lịch sử thế giới tác động đến cách mạng Việt Nam những năm 1930-1945)

- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933:

+ Trong những năm 1929-1933, các nước tư bản lâm vào một cuộc khủng hoảng thừa” trầm trọng.

+ Cuộc khủng hoảng đã khiến thực dân Pháp thi hành chính sách bóc lột, trút gánh nặng khủng hoảng thuộc địa, gồm cả Việt Nam làm cho đời sống nhân dân thêm cực khổ, mâu thuẫn xã hội phát triển gay gắt, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn dân tộc => là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bùng nổ của phong trào cách mạng 1930-1931.

- Đại hội VI của Quốc tế cộng sản (7-1935):

+ Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã đưa tới sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới. Trước nguy cơ đó, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đã họp (7-1935) và xác định kẻ thù nguy hiểm trước mắt của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít, chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân ở các nước để tập hợp lực lượng dân chủ chống phát xít. Ở Pháp, Mặt trận Nhân dân Pháp thắng cử nghị viện, lên cầm quyền đã thi hành một số chính sách tự do, dân chủ ở thuộc địa.

+ Quyết định trên đã có tác động trực tiếp đến chủ trương đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị tháng 7/1936 đã dựa vào tình hình thế giới và tình hình cụ thể ở trong nước, quyết định tạm gác vấn đề độc lập dân tộc, cách mạng ruộng đất để tập trung vào nhiệm vụ trước mắt là chống phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Từ đó, dấy lên một cuộc vận động dân chủ mạng mẽ trong những năm 1936-1939.

- Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945):

+ Năm 1929, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và lan rộng ra toàn thế giới. Ở Đông Dương, thực dân Pháp ở thi hành chính sách cai trị cứng rắn, tăng cường bóc lột nhân dân Đông Dương để phục vụ chiến tranh. Tháng 9-1940, Nhật vào Đông Dương. Pháp- Nhật câu kết với nhau để bóc lột nhân dân Đông Dương khiến mâu thuẫn dân tộc phát triển gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra vô cùng cấp thiết.

=> Đảng Cộng sản Đông Dương phải chuyển hướng đấu tranh từ hội nghị tháng 11-1939 và hoàn chỉnh tại hội nghị tháng 5-1941, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và đề ra nhiều biện pháp để thực hiện nhiệm vụ đó.

+ Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, phe đồng minh phản công trên khắp các mặt trận. Ở Đông Dương, Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945). Kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Việt Nam lúc này chỉ còn phát xít Nhật. Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định phát động một “Cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa”.

+ Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc: Ngày 15-8-1945, Nhật Bản chính thức đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Cơ hội “ngàn năm có một” để nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền đã đến. Chớp thời cơ đó, Đảng cộng sản Đông Dương đã phát động nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền thắng lợi trong vòng 15 ngày và ít đổ máu.

2. Sự kiện Nhật đầu hàng đồng minh, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (15-8-1945) đã dẫn đến việc Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước do thời cơ cách mạng lúc này đã chín muồi...

- Nhật đầu hàng đồng minh khiến cho quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang => kẻ thù trực tiếp của nhân dân Việt Nam đã gục ngã. Điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã đến.

- Đảng Cộng sản Đông Dương và quần chúng đã sẵn sàng nổi dậy. Lực lượng trung gian đã ngã hẳn về phía cách mạng.

- Quân đội các nước đế quốc dưới danh nghĩa quân đồng minh vẫn chưa kịp vào Việt Nam để giải giáp vũ khí quân đội phát xít.

=> Đây là thời điểm thuận lợi nhất, thời cơ “ngàn năm có một” để nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.

Câu 2:

Trình bày nội dung và nhận xét về Kế hoạch Na-va của Pháp - Mĩ:

* Nội dung kế hoạch Nava:

- 7-5-1953, được sự thỏa thuận của Mĩ, chính phủ Pháp cử tướng Na-va sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Sau khi sang Đông Dương, Na-va đề ra kế hoạch quân sự mới, thông qua kế hoạch này với hi vọng trong vòng 18 tháng giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

- Kế hoạch Na-va chia làm hai bước:

Bước 1: từ thu - đông 1953 - xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, tấn công chiến lược để bình định trung Bộ và Nam Đông Dương, đồng thời mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh.

Bước 2: từ thu - đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quân sự quyết định buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng, nhằm kết thúc chiến tranh.

* Nhận xét:

- Kế hoạch Na-va thể hiện sự cấu kết chẽ của Pháp - Mĩ. Đây là kế hoạch toàn diện, có quy mô lớn, nên nó sẽ làm cuộc kháng chiến của ta gặp nhiều khó khăn mới. Trong đó trung tâm điểm của kế hoạch quân sự này là đồng bằng Bắc Bộ - nơi tập trung binh lực lớn nhất nhằm tạo ra một quả đấm thép nhằm nghiền nát bộ đội chủ lực của ta.

- Tuy nhiên, ngay từ đầu kế hoạch này đã bộc lộ những nhược điểm không thể khắc phục được, đó là: mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán - đây là điểm yếu nhất của kế hoạch này; giữa thế và lực của quân Pháp với mục tiêu chiến lược mà chúng đặt ra.

- Thông qua kế hoạch này, Mĩ can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Đông Dương và muốn mở rộng, kéo dài cuộc chiến tranh Đông Dương có lợi cho Mĩ.

Điện Biên Phủ trở thành điểm chính của kế hoạch Na-va vì:

- Do Pháp - Mĩ muốn cứu vãn sự phá sản của kế hoạch Nava:

+ Bản chất của kế hoạch Nava là tập trung quân để thực hiện tiến công chiến lược nhưng các cuộc tiến công trong Đông - xuân 1953-1954 của Việt Nam đã làm bước đầu phá sản kế hoạch Nava co

+ Để cứu nguy cho kế hoạch Nava, Pháp, Mĩ đã quyết định biến Điện Biên Phủ trở thành trung tâm của kế hoạch Nava, tập trung ở đây một lực lượng mạnh, thu hút bộ đội chủ lực của Việt Nam đến để tiêu diệt.

- Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược quan trọng và cách xa hậu phương của ta.

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn như đã trình bày ở trên, cách Hà Nội khoảng 300 ki lô mét đường chim bay, cách Luông Phra Băng khoảng 200 ki lô mét. Thung lũng này nằm gần biên giới Việt - Lào, trên một ngã ba của nhiều tuyến đường quan trọng, có sông Nậm Rốm chảy theo hướng nam - bắc đổ xuống sông Nậm Hu và có sân bay Mường Thanh được xây dựng từ năm 1889.

Theo đánh giá của Na-va và nhiều nhà quân sự Pháp thì Điện Biên Phủ “là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á – một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc”.

Đó là “một cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Myanma, Trung Quốc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp “có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của đối phương nếu họ đến đấy”.

- Điện Biên Phủ được Pháp xây dựng kiên cố

Điện Biên Phủ đã bị thực dân Pháp chiếm từ năm 1888 sau khi tên thực dân khoác áo nhà thám hiểm O-guyt-xtơ Pa-vi (Auguste Pavie) đã mò đến đây. Sau đó con đường mòn Lai Châu – Điện Biên Phủ được mang tên hắn - đường Pa-vi. Từ đầu thế kỷ XX, Điện Biên Phủ là “hạt nhân của đạo quan binh thứ 4” của Pháp ở Bắc Đông Dương.

Từ năm 1939, Điện Biên Phủ đã có một sân bay dã chiến. Trong cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, hàng ngàn quân Pháp đã qua con đường Lai Châu chạy sang Trung Hoa. Năm 1945, quân Nhật rồi quân Tưởng đã có mặt ở Điện Biên Phủ. Khi ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 với Pháp, Pháp đã yêu cầu được đưa hơn 800 quân trở lại vùng này để làm nhiệm vụ tiếp phòng quân Tưởng.

=> Với những lý do trên, từ chỗ không có trong kế hoạch Na-va, Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của kế hoạch Na-va.

Câu 3:

1. Trong chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam có những điểm nào khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và linh hoạt của Đảng là:

- Nhận định đúng thời cơ, tranh thủ thời cơ đánh nhanh, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa... linh hoạt trong khi thực hiện chủ trương, kế hoạch. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

- Kế hoạch giải phóng đề ra là hai năm, nhưng nếu thời cơ đến thì giải phóng sớm trong năm 1975. Bộ Chính trị cũng phân tích rõ sự cần thiết tranh thủ thời cơ đánh nhanh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa,… giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

2. Sự đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

- Đúng đắn trong việc chọn Tây Nguyên làm nơi mở đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975: Tây Nguyên có vị trí chiến lược cả ta và địch đều cố nắm giữ nhưng do nhận định sai hướng tiến công của ta, địch bố phỏng ở đây một lực lượng mỏng, có nhiều sơ hở.

=> Kết quả: chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã giải phóng được một vùng rộng lớn, chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

- Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh, hết sức thuận lợi, ngay khi chiến dịch Tây Nguyên còn đang tiếp diễn, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, trước tiên tiến hành chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng.

=> Kết quả: giải phóng được dải đất miền Trung, tạo ra thế ỉ dốc để tấn công vào Sài Gòn.

- Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận định “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”, từ đó đi đến quyết định “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mura (trước tháng 5-1975)”.

=> Kết quả: Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đã giải phóng được Sài Gòn, tạo điều kiện để các tỉnh còn lại nổi dậy giải phóng, đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ đến thắng lợi.

=> Như vậy theo kế hoạch ban đầu của Bộ Chính trị đề ra sẽ giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976 nhưng thực tế ta chỉ cần 2 tháng để hoàn thành kế hoạch. Điều này chứng tỏ sự đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị trong đánh giá tình hình thực tiễn, đề ra đường lối đấu tranh để đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Câu 4:

Nguyên nhân từ liên minh chống phát xít, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ và Liên Xô chuyển sang tình trạng chiến tranh lạnh:

- Do sự đối lập về mục tiêu và chiến lược giữa hai quốc gia: Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ thành quả của Chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới. Trong khi đó, Mĩ lại muốn đẩy lùi phong trào cách mạng thế giới để thực hiện mưu đồ bá chủ.

- Do tham vọng của Mĩ vấp phải sự cản trở của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa:

+ Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với tiềm lực kinh tế - quân sự hùng mạnh, Mĩ triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới.

+ Tham vọng của Mĩ lại vấp phải sự lớn mạnh của hệ thống Xã hội chủ nghĩa khi cách mạng dân chủ nhân ở Đông  u và cách mạng Trung Quốc thành công.

=> Từ liên minh chống phát xít, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ và Liên Xô chuyển sang tình trạng chiến tranh lạnh.

Những biểu hiện và hậu quả của Chiến tranh lạnh:

1. Biểu hiện:

* Mĩ và các nước đế quốc:

- Mĩ và đồng minh ráo riết chạy đua vũ trang, tăng cường ngân sách quân sự, thành lập các khối quân sự, xây dựng nhiều căn cứ quân sự  bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược.

- Liên tiếp gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược (Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Trung Đông...) hoặc can thiệp vũ trang (CuBa, Grê-na-đa, Pa-na-ma...).

- Bao vây kinh tế, cô lập về chính trị đối với Liên Xô và các nước XHCN, tạo ra sự căng thẳng phức tạp trong các mối quan hệ quốc tế.

* Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa: buộc phải tăng ngân sách quốc phòng, củng cố khả năng phòng thủ của mình.

2. Hậu quả:

- Thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng, có lúc đứng trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới mới.

- Các cường quốc phải chi một khối lượng khủng về tiền, của, sức người để sản xuất vũ khí hủy diệt, xây dựng căn cứ quân sự trong khi loài người vẫn phải chịu khó khăn do nghèo đói, ô nhiễm môi trường, bệnh tật gây ra...

Ảnh hưởng của chiến tranh lạnh đến tình hình khu vực Đông Nam Á

Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, ở Đông Nam Á đã diễn ra hai cuộc chiến tranh tiêu biểu:

* Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp: 

+ Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp quay lại tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Đông Dương. Cuộc chiến bùng nổ từ Sài Gòn (9/1945) rồi lan rộng trên toàn Đông Dương. Nhân dân ba nước Đông Dương đã tiến hành kháng chiến chống Pháp. 

+ Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (1949), cuộc kháng chiến của Việt Nam có điều kiện liên lạc và nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN. 

+ Từ 1950, Mĩ viện trợ cho Pháp và ngày càng can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương. Chiến tranh Đông Dương ngày càng chịu tác động của hai phe. 

+ Sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết (21/7/1954), buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương nhưng Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Hiệp định Giơnevơ đánh dấu sự thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương nhưng mặt khác cũng phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai phe. 

* Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ:

+ Sau Hiệp định Giơnevơ, Mĩ nhanh chóng hất cẳng Pháp lập nên chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mĩ.

+ Âm mưu của Mĩ đã vấp phải cuộc đấu tranh kiên cường, anh dũng của nhân dân Việt Nam. Mọi chiến lược chiến tranh của Mĩ tiến hành ở Việt Nam đều bị phá sản. Chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất phản ánh mâu thuẫn giữa hai phe. 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây