Bước đường cùng_Nguyễn Công Hoan

Thứ sáu - 02/08/2019 04:33
Nguyễn Công Hoan (6 tháng 3 năm 1903 tại Hưng Yên - 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (thời ấy thuộc tỉnh Bắc Ninh)

Ông sinh trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này. Ông có ba người em trai là Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương), Nguyễn Công Bồng và Nguyễn Công Mỹ.

Cuốn "Bước đường cùng" dày hơn 200 trang, ông hoàn thành trong có hai tuần. Tiểu thuyết gắn liền với số phận của anh Pha. Một người Mỹ đọc tác phẩm này đã nói rằng "Tôi rất thích những nhân vật nông dân Việt Nam như anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Đọc Bước đường cùng tôi rất xúc động. Tôi hiểu hơn về những khó khăn chồng chất của người nông dân".

Bước đường cùng đánh dấu đỉnh cao về tư tưởng của nhà văn Nguyễn Công Hoan và là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng.

Pha, một nông dân nghèo bị Trương Thi – người hàng xóm không tốt bỏ bã rượu vào ruộng rồi báo Tây đoan về bắt. Nhưng Thi bỏ lầm vào ruộng Nghị Lại, một địa chủ lớn trong vùng. Pha thoát nạn. Nghị Lại xúi Trương Thi kiện Pha, rồi lại xúi Pha kiện Trương Thi, hứa cho cả hai người vay tiền lo kiện và nói lót với quan cho cả hai! Pha lên huyện hầu kiện, bị lính lệ hạch sách, đánh đấm, cướp giật, lại bị quan ra lệnh tống giam vì không mang tiền “lễ”. Đến khi vợ đem tiền đến, anh mới được tha về. Nghị Lại đến dụ dỗ, Pha lại phải vay thêm lão hai chục để “tạ quan”! Bá Tân, người anh vợ có chữ nghĩa của Pha, bàn với Pha tìm cách trả kỳ được món nợ của Nghị Lại. Nhưng lão đã có chủ ý, nhất định chưa nhận. Vụ thuế đến, lính cơ về làng, tróc nã, bắt trói, cùm kẹp; Quan huyện về đốc thuế, đem lính vào từng nhà, cướp trâu, vơ vét đồ đạc, tiền bạc...! Sau vụ thuế, nhiều gia đình nông dân khánh kiệt, trong khi Nghị Lại và bọn kỳ hào kiếm hàng trăm. Vợ chồng Pha phải đến làm thuê cho Nghị Lại, vất vả quần quật mà cơm độn cà thiu không đủ no. Chị Pha về ốm nặng, Pha lại phải đến vay thóc Nghị Lại để ăn. Vợ anh vẫn ốm, không có tiền mua thuốc, chỉ uống mấy thứ lá linh tinh, rồi lễ bái, chạy mồ... Anh phải đến phục dịch nhà Nghị Lại, rồi bị đòn, bị đuổi oan ức. Nước sông lên to, Pha và hàng trăm nông dân phải đi hộ đê, trong khi vợ con nhịn đói. Rồi nạn dịch tả. Chị Pha chỉ vì không chịu tiêm chủng đã chết về dịch. Đã thế, Pha còn bị “làng” bắt vạ vì cho rằng anh “hỗn xược với thần” để làng bị dịch! Đứa con của anh cũng chết nốt, chỉ còn mình anh trơ trọi, túng đói...

 

Nguyễn Công Hoan sinh ngày 06 tháng 3 năm 1903 (8 tháng 02 năm Quý Mão). Quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tỉnh Hưng Yên.

Nhà văn đã từng là giám đốc Trường Văn hóa Lý Thường Kiệt, chủ nhiệm tờ Quân nhân học báo, Biên tập viên tờ Vệ quốc quân (báo Quân đội Nhân dân ngày nay). Khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch Hội, kiêm Chủ nhiệm Tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ bây giờ).

Truyện ngắn đầu tiên “Quyết chí Phiêu lưu”, ông viết năm 17 tuổi; tập truyện ngắn đầu tay “Kiếp hồng nhan” xuất bản năm 1923 (20 tuổi). Những truyện ngắn đăng thường xuyên trong "Xã hội ba đào ký" và tiểu thuyết "Những cảnh khốn nạn", tập I, dày 218 trang in, xuất bản năm 1932, viết trong thời gian ông dạy học ở Lào Cai, đã báo hiệu con đường văn độc đáo của ông sau này đi tới trọn đời.

Nguyễn Công Hoan mất ngày 06 tháng 6 năm 1977.

Tổng số đầu sách của nhà văn đã được xuất bản (1977 - 1996): 33 cuốn (trong đó có cuốn gồm 4 tập).

Tác phẩm chính:

- Tiểu thuyết:

Cô giáo Minh (1936); Tắt lửa lòng (1936); Tấm lòng vàng (1937); Tơ vương (1938); Bước đường cùng (1938); Lá ngọc cành vàng (1939); Tay trắng, trắng tay (1940); Chiếc nhẫn vàng (1940); Nợ nần (1940); Trên đường sự nghiệp (1941)…

- Truyện ngắn:

Kép Tư Bền (1935), Hai thằng khốn nạn (1937), Đào kép mới (1937); Sóng vũ môn (1938); Người vợ lẽ bạn tôi (1939), Ông chủ báo (1940)…

Sách chia hai phần: tác phẩm và lời bình. Trong phần lời bình có những tác giả nổi tiếng như: Nam Mộc, Trương Chính, Tô Hoài, Hoàng Hữu Các, Nguyễn Hoành Khung,...

"Tư tưởng và văn phong Nguyễn Công Hoan, từ sáng tác đầu tiên tới tác phẩm sau cùng, xuyên suốt một nét. Tác phẩm Nguyễn Công Hoan đã tới với người đọc, gây phản ứng và tác động mạnh mẽ đến độ nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra. Một đời viết, tác phẩm chồng lên hàng trăm, hàng trăm tác phẩm trải 4 trận phê bình ra trò, mỗi cuộc một nội dung khác nhau đã có thể thấy ngòi bút nhà văn lực lưỡng, dũng khí, lạ lùng...". (Tô Hoài).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây