Phần I. Tiếng Việt (2,0 điểm)
Câu 1. (1,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Tôi là con gái Hà Nội (1). Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá (2). Hai bim tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn (3). Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!" (4).
(Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê)
a) Tìm lời dẫn trực tiếp.
b) Xác định khởi ngữ.
c) Chỉ ra hai phép liên kết và từ ngữ liên kết trong đoạn văn trên.
Câu 2. (1,0 điểm).
Trong các tổ hợp từ sau đây, những tổ hợp từ nào là thành ngữ? Giải thích ngắn gọn nghĩa của các thành ngữ đó.
a) Đi một ngày đàng học một sàng khôn
b) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
c) Nói như dùi đục chấm mắm cáy
d) Màn trời chiếu đất
e) Chó treo mèo đậy
Phần II. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng: Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi. Nền giáo dục của chúng ta đang bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt thì ngoài kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp. [..]
Trong những năm học vừa qua, rất nhiều em học sinh đã tham gia đội thanh niên tình nguyện để làm những công việc khác nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn... Chẳng hạn, họ làm vệ sinh các phòng ốc, sơn mới các bức tường, sửa chữa nhà ăn... Qua đó, họ đã thu hoạch được những bài học quý giá cho mình: họ biết tìm hiểu công việc và hỗ trợ lẫn nhau, biết cải tiến kĩ năng lao động. Qua những công việc mang tính phục vụ cộng đồng như vậy, mỗi cá nhân cảm thấy gắn bó và hòa đồng với tập thể của mình hơn và thương yêu nhau hơn... Thầy thấy những bài học như thế không có hoặc ít có trong các tiết học Toán, Lý, Tiếng Anh hay Sinh, ...
(Trích bài phát biểu của thầy Văn Như Cương nhân Lễ khai giảng
trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội,
theo VNEXPRESS, ngày 06/9/2015)
Câu 1. (0,5 điểm)
Theo tác giả, học sinh ngày nay muốn thành đạt cần chuẩn bị cho mình những hành trang gì?
Câu 2. (0,75 điểm)
Nêu những thông điệp được tác giả gửi gắm trong đoạn trích.
Câu 3. (0,75 điểm)
“Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi". Em có đồng tình với ý kiến trên hay không? Lí giải bằng 5-7 câu văn.
Phần III. Làm văn (6,0 điểm)
Câu 1. (1,5 điểm)
Nhà triết học Gớt từng cho rằng: “Lí thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Từ những gợi ý trong bài đọc hiểu cùng với những trải nghiệm của bản thân, em hãy trình bày quan điểm của mình về ý kiến trên bằng một đoạn văn (khoảng 20 dòng).
Câu 2. (4,5 điểm)
Người xưa có nói: “Thi trung hữu họa” (trong thơ có tranh).
Hãy phân tích hai đoạn thơ sau để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
(Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du,
Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện.
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải,
Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
---------HẾT---------
Dưới đây là đáp án đề thi văn vào 10 THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 2019 của Đọc Tài Liệu. Mời các em cùng tham khảo:
Phần I. Tiếng Việt (2,0 điểm)
Câu 1. (1,0 điểm)
a) Lời dẫn trực tiếp: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!
b) Khởi ngữ: Nói một cách khiêm tốn
c) Hai phép liên kết: lặp từ ngữ "tôi", "con gái - cô gái"
Phép nối: "còn"
Câu 2. (1,0 điểm).
Trong các tổ hợp từ sau đây, những tổ hợp từ là thành ngữ là:
d) Màn trời chiếu đất
e) Chó treo mèo đậy
- Thành ngữ là:
d) Màn trời chiếu đất: ý nghĩa nói về cảnh sống không nhà không cửa, phải chịu cảnh dãi dầu mưa nắng sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
e) Chó treo mèo đậy là một câu thành ngữ của nhân dân ta từ xưa, ý nói chúng ta phải biết cẩn thận, biết cách cất giữ đồ ăn thức uống trước những loài vật nuôi trong nhà. Nhà có chó thì phải treo thức ăn lên trên cao, vì chó không leo trèo lên cao được. Nhà có mèo thì phải dùng thứ gì đó che đậy thức ăn lại, vì mèo thì có thể leo trèo, nên không thể dùng cách treo thức ăn lên cao.
Phần II. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)
Câu 1. (0,5 điểm)
Theo tác giả, học sinh ngày nay muốn thành đạt cần chuẩn bị cho mình những hành trang: ngoài kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp
Câu 2. (0,75 điểm)
Những thông điệp được tác giả gửi gắm trong đoạn trích:
- Ngoài kiến thức sách vở chúng ta cần phải thành thạo các kĩ năng sống, kĩ năng xã hội
- Cần gắn bó và hòa đồng với tập thể của mình hơn và thương yêu nhau hơn
Câu 3. (0,75 điểm)
“Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi". Em có đồng tình với ý kiến trên hay không? Lí giải bằng 5-7 câu văn.
Gợi ý:
- Em đồng tình với ý kiến này.
- Bởi vì đây là một nhận định vô cùng sắc sảo và đúng đắn về sự nghiệp học hành của mỗi người. Việc học tập từ sách vở là vô cùng quan trọng. Thông qua sách vở, ta có thể nắm bắt được lịch sử của nhân loại, biết được cấu tạo và sự tiến hóa của loài người, nắm được cách tư duy, tính toán trong những lĩnh vực quan trọng… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần kiến thức nhỏ nhoi trong đại dương tri thức mênh mông mà thôi. Đó mới chỉ là phạm trù kiến thức vô cùng nhỏ bé, hạn hẹp trong đại dương mênh mông rộng lớn. Các bạn vẫn chưa nắm bắt được những tri thức, hiểu biết bất tận ngoài xã hội. Điều đó các bạn sẽ không thể chỉ học trong sách vở mà còn học ngoài cuộc sống, xã hội.
Phần III. Làm văn (6,0 điểm)
Câu 1. (1,5 điểm)
Nhà triết học Gớt từng cho rằng: “Lí thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Từ những gợi ý trong bài đọc hiểu cùng với những trải nghiệm của bản thân, em hãy trình bày quan điểm của mình về ý kiến trên bằng một đoạn văn (khoảng 20 dòng).
Gợi ý:
- Lý thuyết màu xám : có nghĩa là màu đen tối mờ mờ ảo ảo .
- Còn cây đời thì có màu xanh tươi mát
- Ý nghĩa: Đó là nguỵ biện thôi. Bởi con người ta không thể sống bằng lý thuyết mà là thực tế đủ các màu: xanh đỏ tím vàng và xám đen.
- Quan điểm đúng đắn: Phải biết cái lý thuyết chán ngắt đó vào một cuộc sống thật ở bên ngoài.
=> Mọi lý thuyết đều màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi ý nói việc học hành rất cực khổ, nhưng kết quả của nó rất có ích lợi vì đem kiến thức mà mình đã học được để phục vụ cho đời, làm cho cuộc đời mãi mãi tốt tươi. Câu này ý nghĩa giống như câu: việc học như cái cây rễ tuy đắng nhưng trái nó ngọt.
Câu 2. (4,5 điểm)
Các em có thể tham khảo mẫu dàn ý dưới đây:
Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề
+ Giới thiệu ý kiến của cổ nhân: “Thi trung hữu họa”
Thân bài:
*Giải thích
Cắt nghĩa ý kiến:
– Thi: thơ. Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm.
– Thi trung hữu họa: Trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh).
=> Ý kiến trên của người xưa nói đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh -> Ý kiến của cổ nhân hoàn toàn đúng đắn và xác đáng.
* Lí giải:
Thi trung hữu họa bởi vì: Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ ca phản ánh cuộc sống qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. Không ở thể loại văn học nào ta bắt gặp nhiều hình ảnh, biểu tượng (hình ảnh có ngụ ý), hình tượng (hình ảnh có ngụ ý xuyên suốt tác phẩm) nổi bật như thơ ca. Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa. Hình ảnh trong thơ nổi bật vì còn mang màu sắc của cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú.
* Chứng minh qua hai đoạn thơ
a. Trong đoạn thơ Truyện Kiều:
- Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Du đã vẽ nên khung cảnh tuyệt diệu của mùa xuân để lưu truyền cho muôn đời
- 2 câu đầu:
+ Hình ảnh “con én đưa thoi” gợi ra các cách hiểu khác nhau, có thể hiểu là những cánh cò chao liệng trên bầu trời như thoi đưa, bởi chim én là tín hiệu của mùa xuân. Hay ta còn có thể hiểu là thời gian trôi rất nhanh chẳng khác nào thoi đưa. Nếu hiểu theo cách hai thì câu thơ không chỉ đơn thuần là câu thơ tả cảnh mà ngầm chứa trong đó bước đi vội vàng của thời gian.
+ Cách hiểu này dường như rất lô gích với câu thơ tiếp theo: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Nhà thơ Nguyễn Du đã đưa ra những con số rất cụ thể. Mùa xuân có chín mươi ngày thì đã trôi đi quá nửa (đã ngoài sáu mươi). Câu thơ ẩn chứa sự nuối tiếc khôn nguôi của con người trước sự chảy trôi của thời gian.
- 2 câu sau: miêu tả thời gian thì hai câu sau nhà thơ tập trung miêu tả cảnh sắc:
+ “Cỏ non xanh tận chân trời", ông đã đem đến cho người đọc cảm nhận về hình ảnh, màu sắc, đường nét, sức sống của cỏ... Tất cả đều hài hòa, lắng đọng trong chiều sâu câu thơ 6 chữ tạo nên nét xuân riêng rất Nguyễn Du.
+ Miêu tả những bông hoa lê trắng trong, tinh khiết, nhà thơ không viết là “điểm trắng” mà sử dụng đảo ngữ “trắng điểm" khiến cho màu trắng càng được nhấn mạnh. Chỉ “một vài bông hoa” nhưng cũng đủ làm nên thần thái của bức tranh xuân.
b. Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp trong tưởng tượng của tác giả;
+ Hình ảnh vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế được khắc họa qua: hoa tím, sông xanh, bầu trời cao rộng
+ Âm thanh tiếng chim chiền chiện báo xuân về như kết tinh thành “từng giọt long lanh”
+ Vẻ đẹp của mùa xuân thể hiện qua góc nhìn của tác giả cũng như tấm lòng trân trọng của tác giả trước thiên nhiên, cuộc đời
+ Lời trò chuyện thân mật cùng tự nhiên và sự trân trọng sự sống được thể hiện qua hành động “đưa tay hứng” của tác giả
+ Giọt long lanh được hiểu theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, từ chỗ âm thanh được cảm nhận bằng thính giác chuyển sang cảm nhận bằng thị giác và xúc giác “đưa tay hứng”
→ Tác giả say đắm trong mùa xuân của thiên nhiên đất trời với tâm thế đón nhận trân trọng.
Các em có thể tham khảo bài văn: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
* Đánh giá, nâng cao vấn đề
– Khẳng định câu nói của cổ nhân là hoàn toàn đúng với thơ ca và được minh chứng rõ qua hai đoạn thơ trong Truyện Kiều và Mùa xuân nho nhỏ.
– Hai đoạn thơ đều giàu chất họa, thể hiện tài năng của hai nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ nghệ thuật.
– Bài học cho người nghệ sĩ và người tiếp nhận.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn