Đáp án Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT, Hà Tĩnh 2020-2021

Thứ năm - 16/07/2020 03:56
Ban biên tập website giới thiệu cùng bạn đọc, các thầy cô giáo, các em học sinh: Đáp án Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT, Hà Tĩnh 2020-2021

Mã đề 1

Câu 1. (2.0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Mây tụ về rừng thầm
Suối lượn dưới thung xa 
Đồng xanh ôm núi biếc 
Trâu gặm chiều nhẩn nha

Đàn cò trắng về qua
Vẽ lên ngàn chớp sáng 
Những làng mạc an hòa
Bên núi sông bình lặng

Trích Nam thiêng Hồng lĩnh Trần Đức Cường, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh - Số 261, tháng 4 năm 2020)
 
a. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên.

b. Nêu nội dung của đoạn thơ.

c. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ có trong đoạn thơ.

Câu 2. (3,0 điểm).

Em hãy viết bài văn (khoảng 300 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về bài học cuộc sống gợi ra từ câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

Câu 3 (5.0 điểm)

Cảm nhận đoạn thơ sau

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.


Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái

Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.


Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, Ngữ Văn 9, Tập 1, Nxb Giáo Dục Việt Nam)

Mã đề 2

Câu 1. (2.0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Gió Lào đuổi theo trăng 

đầu tháng chị Hằng treo chót vót 

em nhìn lên trời sao vằng vặc 

Bắc Đẩu, Nam Vương, Hoàng Hậu đâu rồi

Trăng tháng Năm không giống tháng Mười 

thương nhà nông ra đồng lúc xẩm tối 

chị Hằng chong đèn tay cầm quạt thổi 

gặt đi anh lúa chín chờ người

(Trích Trăng tháng 5 – Ngô Đức Hạnh)

a. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên. 

b. Nêu nội dung của đoạn thơ.

c. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ có trong đoạn thơ.

Câu 2. (3.0 điểm)

Em hãy viết bài văn (khoảng 300 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về bài học cuộc sống gợi ra từ câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân.

Câu 3. (5,0 điểm)

Cảm nhận đoạn thơ sau: 

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.


Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái

Không có kính, ừ thì có bụi,

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.


Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, Ngữ Văn 9, Tập 1, Nxb Giáo Dục Việt Nam

Đáp án đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Hà Tĩnh 2020

Mã đề 1

Câu 1. (2.0 điểm)

a. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

b. Nội dung của đoạn thơ: miêu tả cảnh vật thanh bình của làng quê.

c. Biện pháp tu từ nhân hóa: Đồng xanh ôm núi biếc" đã gợi tả hình ảnh đồng xanh bao trọn ngọn núi biếc ở xa xa, càng làm nổi bật hơn sự rộng lớn, bao la của cánh đồng

Câu 2. (3,0 điểm).

Dẫn dắt vấn đề: 

- Bài học cuộc sống gợi ra từ câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao": tinh thần đoàn kết

- Câu tục ngữ như một lời khuyên cho những người nhụt chí và khuyến khích những người có ý chí mạnh mẽ.

- Đoàn kết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và đoàn kết tạo nên sức mạnh.

Bàn luận:

*Giải thích câu tục ngữ

“Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

- “một cây” thì không thể làm “nên non”

- “ba cây” gộp lại thì mới có thể làm nên núi cao

=>Thể hiện rằng một khi số lượng thay đổi thì chất lượng cũng thay đổi theo

- “chụm” từ được dùng để thể hiện sự đoàn kết

- “cây” đây là một biện pháp nhân hóa trở thành một biểu tượng sinh động thấm thía về tinh thần đoàn kết.

*Dẫn chứng tinh thần đoàn kết của dân tộc ta

- Trong thực tế lịch sử: Nhân dân ta đã một lòng đoàn kết để đánh đuổi giặc ngoại xâm, Bác Hồ có câu: “đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công”

- Trong đời sống hằng ngày: Nhân dân ta đoàn kết trong lao động sản xuất, họ cùng nhau góp sức đắp đê ngăn nước lũ để bảo vệ mùa màng... 

*Bài học kinh nghiệm: Đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch. Đoàn kết là yếu tố quyết định thành công. Bác Hồ từng khẳng định: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.

Bài học rút ra được từ câu tục ngữ: Là học sinh, em cùng các bạn xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau học tập và phấn đấu để cùng tiến bộ.

Câu 3 (5.0 điểm)

Tương tự câu 3 mã đề 2

Mã đề 2

Câu 1. (2.0 điểm)

a. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

b. Nội dung của đoạn thơ: hình ảnh vầng trăng tháng 5

c. Biện pháp tu từ nhân hóa "chị Hằng" làm tăng sức gợi hình, gợi cảm của câu thơ.

Câu 2. (3.0 điểm)

Giới thiệu vấn đề:  "thương người như thể thương thân" là một trong những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, là lối sống giúp con người có được cuộc sống tốt đẹp hưn.

Bàn luận vấn đề

*Giải thích câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân” nghĩa là gì?

- Thương người nghĩa là chúng ta phải luôn luôn mở rộng tấm lòng của mình để quan tâm, lo lắng cho những người xung quanh còn nhiều vất vả, khó khăn.

- Thương thân nghĩa là yêu thương chính bản thân chúng ta. Chúng ta luôn trân trọng, chăm lo đến bản thân rất nhiều và đó là điều tất yếu.

- Cả câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân mang đến cho chúng ta suy nghĩ rằng: chúng ta yêu thương, trân trọng, chăm sóc bản thân mình như thế nào thì hãy mở rộng tấm lòng của mình yêu thương những người xung quanh mình như thế đó.

*Những biểu hiện

- Yêu thương người khác đặc biệt là những người còn gặp nhiều khó khăn luôn là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta.

- Tình yêu thương, san sẻ với những mảnh đời bất hạnh xung quanh ta còn được nhân dân tôn vinh trong nhiều truyền thuyết xa xưa như: “Con rồng cháu tiên”, “Quả bầu mẹ”,..

- Trong ca dao, dân ca cũng có một số câu thể hiện tình yêu thương như: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng hác giống nhưng chung một giàn”,...

- Trong cuộc sống hằng ngày, ta dễ dàng bắt gặp những con người có lối sống đẹp như một con người luôn sống lành mạnh, chan hòa với cuộc sống, luôn tự vươn lên khi gặp khó khăn, vất vả.

- Hay những thanh niên, đoàn viên làm các công tác xã hội, những việc mà người dân cần như quét dọn sạch sẽ đường phố, nạo vét các kênh rạch bị nghẹt, tham gia các hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh,… Đó chính là một trong những biểu hiện của “sống đẹp”.

Phản đề: vần còn đâu đó những kẻ ích kỉ, sống vô cảm, thờ ơ với mọi ngưòi xung quanh

Kết thúc vấn đề

- Qua câu tục ngữ, bản thân là học sinh, tôi đã rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

- Đó là một câu tục ngữ rất hay và sâu sắc, thể hiện một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người.

Câu 3. (5,0 điểm)

Mở bài:

- Giới thiệu bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

- Dẫn dắt trích thơ: Hình ảnh những chiếc xe không kính và người lính lái xe

Thân bài

1. Hình ảnh những chiếc xe không kính

– Xưa nay, những hình ảnh xe cộ, tàu thuyền đưa vào thơ thì đều được “mĩ lệ hóa”, “lãng mạn hóa” và thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Người đọc đã bắt gặp chiếc xe tam mã trong thơ Pus-kin, con tàu trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ cùng tên của Huy Cận.

– Ở bài thơ này, hình ảnh những chiếc xe không kính được miêu tả cụ thể, chi tiết rất thực. Lẽ thường, để đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, cho hàng hoá nhất là trong địa hình hiểm trở Trường Sơn thì xe phải có kính mới đúng. Ấy thế mà chuyện “xe không kính” lại là môt thực tế, là hình ảnh thường gặp trên tuyến đường Trường Sơn.

– Hai câu thơ mở đầu có thể coi là lời giải thích cho “sự cố” có phần không bình thường ấy:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi.

+ Lời thơ tự nhiên đến mức buộc người ta phải tin ngay vào sự phân bua của các chàng trai lái xe dũng cảm. Chất thơ của câu thơ này hiện ra chính trong vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ.

+ Bằng những câu thơ rất thực, đậm chất văn xuôi, điệp ngữ“không”, cùng với động từ mạnh “giật”, “rung” -> Tác giả đã lí giải nguyên nhân không có kính của những chiếc xe. Bom đạn chiến tranh đã làm cho những chiếc xe trở nên biến dạng “không có kính”, “không có đèn”,”không có mui xe”,”thùng xe có xước”. Từ đó, tác giả đã tạo ấn tượng cho người đọc một cách cụ thể và sâu sắc về hiện thực chiến tranh khốc liệt, dữ dội, về cuộc chiến đấu gian khổ mà người lính phải trải qua.

=> Hình ảnh những chiếc xe không kính vốn chẳng hiếm trong chiến tranh, song phải có một hồn thơ nhạy cảm, có nét tinh nghịch, ngang tàn như Phạm Tiến Duật mới phát hiện ra được, đưa nó vào thơ và  trở thành biểu tượng độc đáo của thơ ca thời chống Mĩ.

2. Hình ảnh người lính lái xe

* Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi rõ hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiếu đi những điều kiện, phương tiện vật chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ khó khăn.

a. Vẻ đẹp của người lính lái xe trước hết thể hiện ở tư thế hiên ngang, ung dung, đường hoàng,tự tin, và tâm hồn lãng mạn, lạc quan, yêu đời

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời,nhìn thẳng.

+ Nghệ thuật đảo ngữ với từ láy “ung dung” được đảo lên đầu câu thứ nhất và nghệ thuật điệp ngữ với từ “nhìn” được nhắc đi nhắc lại trong câu thơ thứ hai -> nhấn mạnh tư thế ung dung, bình tĩnh, tự tin của người lính lái xe.

+ Cái nhìn của các anh là cái nhìn bao quát, rộng mở “nhìn đất”,”nhìn trời”, vừa trực diện, tập trung cao độ “nhìn thẳng”. Các anh nhìn vào khó khăn, gian khổ, hi sinh mà không hề run sợ, né tránh – một bản lĩnh vững vàng.

– Trong tư thế ung dung ấy, người lính lái xe có những cảm nhận rất riêng khi được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên bên ngoài:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái.

+ Sau tay lái của chiếc xe không có kính chắn gió nên các yếu tố về thiên nhiên, chướng ngại vật rơi rụng, quăng ném, va đạp vào trong buồng lái. Song, quan trọng hơn là các anh có được cảm giác như bay lên, hòa mình với thiên nhiên rồi được tự do giao cảm, chiêm ngưỡng thế giới bên ngoài.Điều này được thể hiện ở nhịp thơ đều đặn, trôi chảy như xe lăn với việc vận dụng linh hoạt điệp ngữ “thấy” và phép liệt kê. Có rất nhiều cảm giác thú vị đến với người lính trên những chiếc xe không có kính.

+ Các hình ảnh “con đường”,”sao trời”,”cánh chim”… diễn tả rất cụ thể cảm giác của những người lính khi được lái những chiếc xe không kính. Khi xe chạy trên đường bằng, tốc độ xe chạy đi nhanh, giữa các anh với con đường dường như không còn khoảng cách, chính vì thế, các anh mới có cảm giác con đường đang chạy thẳng vào tim. Và cái cảm giác thú vị khi xe chạy vào ban đêm, được “thấy sao trời” và khi đi qua những đoạn đường cua dốc thì những cánh chim như đột ngột “ùa vào buồng lái”. Thiên nhiên, vạn vật dường như cũng bay theo ra chiến trường. Tất cả điều này đã giúp người đọc cảm nhận được ở các anh nét hào hoa, kiêu bạc, lãng mạn và yêu đời của những người trẻ tuổi. Tất cảlà hiện thực nhưng qua cảm nhận của nhà thơ đã trở thành những hình ảnh lãng mạn.

b. Một vẻ đẹp nữa làm nên bức chân dung tinh thần của người lính trong bài thơ chính là tinh thần lạc quan, sôi nổi, bất chấp khó khăn, nguy hiểm

Không có kính, ừ thì có bụi,

…. 

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Những câu thơ giản dị như lời nói thường, với giọng điệuthản nhiên, ngang tàn hóm hỉnh, cấu trúc: “không có…”;”ừ thì…”, “chưa cần” được lặp đi lặp lại, các từ ngữ “phì phèo”,”cười ha ha”,”mau khô thôi”… làm nổi bật niềm vui, tiếng cười của người lính cất lên một cách tự nhiên giữa gian khổ,hiểm nguy của cuộc chiến đấu. Cài tài của Phạm Tiến Duật trong đoạn thơ này là cứ hai câu đầu nói về hiện thực nghiệt ngã phải chấp nhận thì hai câu sau nói lên tinh thần vượt lên để chiến thắng hoàn cảnh của người lính lái xe trong chiến tranh ác liệt. Xe không kính nên “bụi phun tóc trắng như người già” là lẽ đương nhiên, xe không có kính nên “ướt áo”, “mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” là lẽ tất nhiên. Trước mọi khó khăn, nguy hiểm, các anh vẫn “cười” rồi chẳng cần bận tâm, lo lắng, các anh sẵn sàng chấp nhận thử thách, gian lao như thể đó là điều tất yếu. Các anh lấy cái bất biến của lòng dũng cảm, của thái độ hiên ngang để thắng lại cái vạn biến của chiến trường sinh tử gian khổ, ác liệt. Đọc những câu thơ này giúp ta hiểu được phần nào cuộc sống của người lính ngoài chiến trường những năm tháng đánh Mỹ. Đó là cuộc sống gian khổ trong bom đạn ác liệt nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan, niêm vui sôi nổi, yêu đời. Thật đáng yêu và đáng tự hào biết bao!

Kết luận: Thử thách ngày càng tăng, nhưng mức độ và hướng đi không thay đổi.Vẫn là khẳng định tinh thần bất khuất, quyết thắng của quân đội ta, nhưng Phạm Tiến Duật đã đem lại nhiều hình ảnh mới và giọng điệu mới: trẻ trung, tinh nghịch, ngang tàn mà kiên định. Bài thơ đâu chỉ nói về tiểu đội xe không kính,nó phản ánh cả khí thế quyết tâm giải phóng miền Nam của toàn quân và toàn dân ta,khẳng định rằng ý chí của con người mạnh hơn cả sắt thép.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây