Bác bảo vệ trường tôi

Thứ tư - 31/07/2019 05:54
Một lần - khi học buổi chiều, tôi đi qua cầu thang và sững sờ khi nhìn thấy bác Thọ đang quét vỏ hạt dưa. Lần đầu tiên tôi thấy thương bác. Hóa ra lâu nay tôi đã quá hững hờ với người luôn bảo vệ, giữ gìn mái nhà chung cho chúng tôi. Tôi nấp vào một góc nhỏ, lặng lẽ nhìn bác.
Tuổi học trò chúng ta gắn bó với mái trường. Ở nơi đây, chúng ta có tình thầy trò, bè bạn. Nhờ đó, dưới mái nhà thứ hai này, chúng ta được biết thêm nhiều bài học trong sách vở cũng như trong đời sống. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta vô tâm không nhận ra những điều rất ý nghĩa từ một thành viên vô cùng thân thiết - đó là bác bảo vệ.

       Một lần - khi học buổi chiều, tôi đi qua cầu thang và sững sờ khi nhìn thấy bác Thọ đang quét vỏ hạt dưa. Lần đầu tiên tôi thấy thương bác. Hóa ra lâu nay tôi đã quá hững hờ với người luôn bảo vệ, giữ gìn mái nhà chung cho chúng tôi. Tôi nấp vào một góc nhỏ, lặng lẽ nhìn bác. Tôi nhận ra mái tóc bác đã điểm bạc, và đôi mắt lộ rõ nét u sầu, buồn bã... Có lẽ bác rất buồn vì những hành động thiếu ý thức của học sinh. Ánh mắt ấy cứ in sâu vào tâm trí tôi, mỗi lần nhớ đến, có một nỗi buồn cứ xâm chiếm lòng tôi. Dường như trong đôi mắt bác bảo vệ có một lớp sương mù bao phủ. Có phải vì thế mà bác ít tiếp xúc với đám học trò chúng tôi? Nhìn từng giọt mồ hôi lăn trên gò má, tôi nhận thấy rõ hơn sự mệt mỏi trên gương mặt bác. Tôi thầm trách những học sinh chỉ biết xả rác bừa bãi. Họ đâu biết đằng sau việc làm đó là sự mệt mỏi của đôi bàn tay sớm tối dọn dẹp khi ngôi trường thân yêu đi vào yên ắng. Tôi thấy các bạn học sinh thật ích kỉ khi chỉ vì ý thích riêng của mình mà không quan tâm đến suy nghĩ và việc làm của người khác. Bác Thọ là người góp phần giữ gìn và chăm sóc cho ngôi trường sạch đẹp nhưng sau lưng bác nhiều học sinh thốt lên những lời lẽ rất khó chịu. Phải chăng những gì bác đã làm và những gì bác nhận lại tỉ lệ nghịch với nhau?

       Có một lần khác - vào thứ Bảy, khi các thầy cô đang hội ý cuối tuần, tôi cùng một bạn đuổi nhau làm ồn ào. Khi thấy bác Thọ phải đứng ở hành lang để nhắc nhở các học sinh không chạy nhảy, đùa nghịch quá đà, tôi bỗng giật mình, thấy mình có lỗi. Tôi rất hối hận và gọi bạn mình lại xin lỗi bác Thọ. Nhưng khi tôi gọi thì bạn tôi nói: "Ông Thọ chỉ là một ông bảo vệ thôi, có gì đâu mà phải xin lỗi!". Câu nói của bạn làm tôi hơi sững lại. Tôi cố nài nỉ, thuyết phục: "Nhưng mình làm sai thì mình phải xin lỗi...". Bạn tiếp lời: "Tao không rảnh mà đi làm cái việc vô nghĩa ấy!". Sự lạnh lùng ấy khiên tôi lặng người đi. Tôi kinh ngạc, nhìn bạn, rồi bỏ đi. Tôi tức giận không chỉ vì bạn tôi không biết tôn trọng người lớn mà còn vì bạn ấy vô tâm trước không gian sạch đẹp mình hưởng thụ mỗi ngày. Qua lời nói của bạn, tôi nhận thấy một sự thật đáng buồn: các bạn biết thể hiện sự tri ân các thầy cô, biết thân thiện yêu quý bạn bè... nhưng lại chưa biết yêu cái hình ảnh thân thiết, gần gũi với tuổi học trò như bác bảo vệ trường. Tôi tự hỏi liệu cái tình cảm mà các bạn dành cho thầy cô, bè bạn có còn giữ nguyên giá trị không khi họ chỉ biết yêu những người họ cảm thấy có công lao, trực tiếp giúp đỡ mình mà không biết có bàn tay vẫn lặng lẽ dọn dẹp, khắc phục những vô tâm thiếu ý thức của chính mình?! Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định xuống xin lỗi bác Thọ. Nghe tôi trình bày xong, bác dịu dàng nói: "Không sau đâu cháu ạ!". Tôi lấy hết dũng khí nhìn vào đôi mắt ông. Giờ đây, lớp sương mù bàng bạc buồn bã không còn. Có niềm vui ánh lên ở đó.

       Từ một vài kỉ niệm rất nhỏ của riêng mình với bác bảo vệ trường, tôi thấy thấm thía một điều: biết yêu những gì giản dị và quen thuộc quanh ta, cuộc sống sẽ đẹp tươi thêm biết mấy! Khi chúng ta hướng cái nhìn trở lại với những gì thân quen để biết sẻ chia, chắc chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn thế. Có thể mỗi học sinh chúng ta hãy bắt đầu từ những việc làm hết sức cụ thể để giảm đi sự vất vả của bác bảo vệ mỗi ngày, việc làm ấy sẽ còn góp phần làm đẹp ngôi nhà chung của chính chúng ta...

                                                                                                   Tháng 1/ 2013

Tác giả bài viết: Phạm Quỳnh Trang (7C)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay41,564
  • Tháng hiện tại1,104,586
  • Tổng lượt truy cập29,629,960
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây