Những suy tư của người lính khi đi qua chiến tranh

Thứ tư - 31/07/2019 23:29
Ban biên tập website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng bạn đọc bài thuyết trình “Những suy tư của người lính khi đi qua chiến tranh” của em Phan Thị Thùy Trang - 9A tại Lễ chào cờ lần thứ 16 năm học 2018-2019
Viết về người lính là đề tài xuyên suốt nền văn học dân tộc. Người lính hiện lên qua văn chương với nhiều phẩm chất và thái độ sống đáng quý.Thể hiện khí phách kiên cường, hiên ngang bất khuất của người lính, Phạm Tiến Duật trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính ” đã từng viết: “Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim.” Thể hiện tình đồng chí đồng đội của những người lính, Chính Hữu cũng đã rất thành công với bài thơ “Đồng chí”: “Súng bên súng/ Đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ/ Đồng chí”. Cũng là người lính viết về người lính, thơ Nguyễn Duy cũng thấm đẫm màu sắc “lính tráng” và đồng thời thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc. Trong đó, những suy tư của người lính khi đi qua chiến tranh được thể hiện rõ qua bài thơ “Ánh trăng” và “Nghe tắc kè kêu trong thành phố”-một bài thơ quen thuộc và một bài thơ khá ít người biết đến.
      Trong tuổi thơ và chiến tranh, người lính gắn bó sâu sắc với thiên nhiên: “Hồi nhỏ sống với đồng/ với sông rồi với bể/ hồi chiến tranh ở rừng/ vầng trăng thành tri kỉ.” Trong khổ thơ, các hình ảnh hiện lên cứ dồn dập, chồng chất lên nhau, quá khứ đồng hiện làm cho tình cảm giữa con người với thiên nhiên hiện lên thêm gắn bó. Thiên nhiên là người bạn vô cùng thân thiết của con người, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở những làng quê. Rồi khoác ba lô vào chiến trận, với người lính, trong muôn vàn những hình ảnh thiên nhiên gần gũi, vầng trăng như một hình ảnh gần gũi nhất. “Trần trụi với thiên nhiên/ hồn nhiên như cây cỏ”, tình cảm người lính đối với trăng sâu sắc đến mức không thể thân thiết hơn, tưởng là vĩnh cửu “ngỡ không bao giờ quên/cái vầng trăng tình nghĩa”. Vầng trăng tình nghĩa đó là thiên nhiên, và cũng là biểu tượng của quá khứ tình nghĩa giữa người lính với đồng đội, với bè bạn, với nhân dân. Kỷ niệm chiến trường sâu sắc đến mức một tiếng “tắc kè kêu trong thành phố” cũng đủ khiến bao kỷ niệm vọng về từ rừng – vọng về cả quá khứ máu lửa“thăm thẳm núi non kia/dưới lá là hầm, là tăng, là võng/là cơn sốt rét rừng vàng bủng/là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn...”. Tất cả đều gợi nhắc cho người chiến sĩ về một quá khứ gian lao mà đầy tình nghĩa đã qua “đêm trăn trở đố nhau/ bao giờ về thành phố/ con tắc kè nghe, nhanh nhẩu nói : Sắp về!”. Cho nên, điểm khởi đầu của suy tư là hoài niệm. Những kỷ niệm ấu thơ, những kỷ niệm chiến trường, những kỷ niệm có thiên nhiên nhiên đất trời chứng giám kia của người lính chính là nguyên cớ, là chiều sâu của những suy tư.
      Thế nhưng, thời thế thay đổi khiến lòng người cũng đổi thay. Nó như một quy luật tất yếu mà rất đỗi đáng buồn của cuộc sống. Khi đau khổ, con người thường nhớ đến quá khứ hạnh phúc, nhưng khi sống suộc sống sung sướng, con người hiếm khi nhớ về quá khứ gian lao. Và người chiến sĩ trong “Ánh trăng” cũng vậy. Nguyễn Duy kể lại khoảng thời gian về thành phố với ngôn ngữ giản dị, giọng thơ bình thản nhưng chứa nhiều bất ngờ: “Hồi chiến tranh ở rừng/ vầng trăng thành tri kỉ/ ngỡ không bao giờ quên” ấy vậy mà “Từ hồi về thành phố/ quen ánh điện cửa gương/ vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường”. Người lính như đang tự ngẫm về sự thay đổi trong thâm tâm mà chính mình cũng không nhận ra.Vầng trăng từ tri kỉ bỗng trở thành người dưng, nó ngược hoàn toàn với quy luật phát triển của tình cảm. Tất cả những năm tháng chiến đấu gian khổ ấy chẳng còn đọng lại chút hình ảnh nào trong kí ức người lính.Con người vô tình, bội bạc với chính tri kỉ của mình. Ân nghĩa ở đời đôi lúc thật mong manh, vì sự ngẫu nhiên của cuộc đời mà đến, nhưng lại vì sự vô tình của con người mà đi. Sự vô tình đến nghiệt ngã của con người thật đáng trách và cần được thức tỉnh. May mắn thay, Nguyễn Duy không lấy những bộn bề của cuộc sống hay ánh sáng của những tòa cao ốc để bào chữa cho sự hờ hững đó. Ông tự cắt nghĩa, phơi bày sai lầm của bản thân như một cách thú tội. Đó một sự chân thành vô cùng đáng quý! Sự nghiêm khắc với bản thân như thế chính là một trong những vẻ đẹp đáng quý của anh bộ đội cụ Hồ.
      “Thình lình đèn điện tắt/ phòng buyn-đinh tối om/ vội bật tung cửa sổ/ đột ngột vầng trăng tròn.” Ở đây tác giả không gọi là phòng cao ốc mà thay vào đó là phòng buyn-đinh, như để nhấn mạnh sự lãng quên với quá khứ và chìm vào những giá trị Tây hóa của hiện tại, như để trách thêm cho cách ứng xử hời hợt của con người với quá khứ. Có lẽ khi mất điện, con người cũng chỉ mở cửa để đón lấy làn gió mát của thiên nhiên mà không nghĩ tới cái gì vẫn luôn đợi mình ở ngoài kia. Bởi vậy, sự xuất hiện đột ngột của vầng răng đã khiến con người ngỡ ngàng, giật mình như ngộ ra một điều gì đó: “Ngửa mặt lên nhìn mặt/ có cái gì rưng rưng/ như là đồng là bể/ như là sông là rừng.” Hai từ “mặt” thật đắt: “Ngửa mặt lên nhìn mặt”. Mặt trăng, mặt người cùng đối diện. Người lính đối mặt với vầng trăng như đối mặt với quá khứ tình nghĩa. Cái cảm giác rưng rưng ấy được tác giả so sánh với đồng, bể, sông, rừng; làm cho quá khứ cứ thế hiện về trong tâm tưởng người lính. Cuộc gặp gỡ tình cờ cùng sự xúc động rưng rưng ấy đã thôi thúc, dậy lên trong lòng người lính cảm giác tội lỗi, ăn năn hối hận cùng sám hối. Và ở khổ thơ cuối, sự hối hận đó như lớn hơn, cảm giác giật mình bừng tỉnh đưa bài thơ “Ánh trăng” lắng xuống bề sâu của suy tư: “Trăng cứ tròn vành vạnh/ kể chi người vô tình/ ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình.” Trăng vẫn tròn đầy tuyệt đối, viên mãn, đủ cho người ta nhận ra sự vô tình của chính mình. Vầng trăng chính là biểu tượng của quá khứ. Quá khứ luôn bao dung với con người. Nó luôn ở đó, vẫn vẹn nguyên, dù cho ta có đi đâu về đâu. Nhưng đôi lúc, sự vẹn nguyên, lặng lẽ đó khiến ta giật mình nhận ra lẽ sống đích thực của cuộc đời, rằng: “Ngày hôm nay được tạo ra từ ngày hôm qua.”  Bài thơ không dừng lại ở một câu chuyện riêng tư mà đã trở thành câu chuyện của mọi người. Mỗi người đều phải có, cần có, nên có những giây phút giật mình như thế, bởi, trong bộn bề của sống, có biết bao lần ta đã để ngày hôm qua trôi vào quên lãng? Cái giật mình ấy, ta cũng đã gặp trong bài “Nghe tắc kè kêu trong thành phố”“Tôi giật mình/ nghe/ trên cành me/ Góc đường Công Lý cũ/ Những âm thanh của rừng lạc vào thành phố.” Cái giật mình khi nghe tiếng tắc kè vọng về trong tâm tưởng khơi dậy nỗi nhớ đồng đội của người lính. Một lần nữa, quá khứ tình nghĩa lại hiện lên, nhắc nhở con người tìm lại tâm hồn trong sạch đã dần bị bào mòn bởi mải mê chạy theo những giá trị vật chất hiện tại. Sau ba năm đất nước thống nhất, cảm giác chiến thắng đã mờ nhạt đi, người lính mới nhận ra rằng mình đã ngủ quên trong cuộc sống đủ đầy tiện nghi của hiện tại mà vô tình quên đi quá khứ. Phải chăng ân nghĩa ở đời, cách sống đẹp, sống có tình nghĩa với quá khứ, với hiện tại là điều mà người lính luôn suy tư? Giống như Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc đã từng trăn trở: “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?/ Phố đông, còn nhớ bản làng/ Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”. Giữ mối liên hệ mật thiết, nâng niu, trân trọng quá khứ nghĩa tình là ứng xử cần có của bất cứ ai muốn sống tốt, sống đẹp, sống tử tế!
      Qua những suy của người lính trong những bài thơ ấy, chúng ta lại rút ra được cho mình những bài học mới. Đó như là câu chuyện chung cho tất cả mọi người. Những câu chuyện tâm hồn ấy cho ta bài học về ứng xử với thiên nhiên. Khi con người có thái độ sống thiếu tôn trọng với thiên nhiên, thiên nhiên nhất định sẽ giáng lại bằng những đòn đau đớn. Cùng với đó là những bài học ứng xử giữa con người với con người, ững xử giữa con người với quá khứ của chính mình. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi ta biết sống thủy chung, tình nghĩa, trân trọng và nâng niu quá khứ. Phải biết cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo, giữa cuộc sống tiện nghi với việc tân hưởng những vẻ đẹp nguyên sơ trong trẻo của tự nhiên, cần biết cân bằng giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Còn những người lính hôm nay, dù cho ở đất liền hay hải đảo, ở biên cương xa xôi hay trên mặt biển lênh đênh sóng nước, họ luôn kiên trung hướng về mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ luôn có được ý chí quyết tâm bền vững, luôn ghi nhớ và tự hào về lịch sử hào hùng và gian truân của dân tộc.
      Mag chở những suy tư về thiên nhiên, về quá khứ, về ân nghĩa thủy chung ở đời, ánh trăng tình nghĩa và tiếng tắc kè kêu trong thơ Nguyễn Duy như một thứ ánh sáng và vang âm, dẫn lối tới những góc khuất của tâm hồn con người, từ đó hướng con người tới những giá trị tình cảm tốt đẹp. Và, nhờ vậy, chúng ta – những thế hệ nối tiếp – vừa như tìm thấy ở những người lính xưa một điểm tựa vừa như có được một bệ phóng để sống mạnh mẽ, có lí tưởng, tràn trề nhiệt huyết yêu tin

Tác giả bài viết: Phan Thị Thùy Trang - 9A

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập297
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm296
  • Hôm nay47,794
  • Tháng hiện tại420,103
  • Tổng lượt truy cập30,121,391
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây