Tổ chức Gặp mặt 70 năm QĐND Việt Nam

Thứ hai - 22/07/2019 09:09
Thực hiện kế hoạch tổ chức kỉ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức buổi Gặp mặt trang trang trọng và ấm áp, để lại nhiều cảm xúc cho toàn thể CBGV và học sinh.
Đến dự buổi lễ có đại diện BCH Hội Cựu chiến binh huyện Đức Thọ, đại diễn lãnh đạo Phòng GD&ĐT Đức Thọ, toàn thể BCH Hội Cựu chiến binh xã Tùng Ảnh, đại biểu Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, đại biểu Huyện đoàn Đức Thọ và Ban thường vụ Đoàn xã Tùng Ảnh.
 

Cô giáo Đặng Thị Trâm đọc lời chào mừng và giới thiệu đại biểu


Tiết mục Cô gái mở đường (6A)

      Sau lời phát biểu chào mừng của cô giáo Đặng Thị Trâm – Phó Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường, buổi Gặp mặt bắt đầu với màn văn nghệ chào mừng bằng hai ca khúc cách mạng của giáo viên và học sinh. Thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền mở đầu với bài Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Phạm Minh Tuấn), bài hát viết về số phận gian nan, lam lũ nhưng kiên cường, bất khuất, có sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, của Mẹ Việt Nam. Sau Đất nước, tốp ca học sinh lớp 6A thể hiện tiết mục Cô gái mở đường (Xuân Giao). Qua giọng hát trong trẻo hồn nhiên của các em, người nghe không chỉ được nghe những giai điệu tự hào mà còn được sống lại những năm tháng thế hệ trẻ Việt Nam, không kể gái trai, sẵn sàng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
 

Bác Phan Đăng Duyến nói chuyện truyền thống


Thầy Hiệu trưởng cảm ơn và tặng hoa chúc mừng bác Duyến

 
      Tại buổi gặp mặt, với thời gian khoảng một giờ, bác Phan Đăng Duyến – BCH Hội Cựu chiến binh huyện Đức Thọ đã nói chuyện truyền thống cho toàn thể CBGV, thanh niên cùng hơn 700 học sinh trường THCS Hoàng Xuân Hãn. Ngược dòng lịch sử, bác Phan Đăng Duyến kể về thời kì dân tộc Việt Nam sống trong đêm trường nô lệ, một cổ hai tròng áp bức; về những phong trào đấu tranh cứu nước lần lượt thất bại; về quá trình Bác Hồ tìm đường cứu nước và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong lãnh đạo mọi giai cấp, tầng lớp theo con đường cách mạng vô sản; về quá trình vận động cách mạng từ khi Đảng ra đời... Mốc sự kiện được bác Phan Đăng Duyến nhấn mạnh đó là sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vô cùng gian lao và oanh liệt với những mốc son không thể nào quên được bác Duyến kể lại bằng vốn kiến thức lịch sử và thơ ca cách mạng rất phong phú. Sự có mặt của bác Phan Đăng Duyến, nhân chứng từng đi quan những cuộc chiến hào hùng, làm cho buổi gặp mặt ngày truyền thống Quân đội càng thêm ý nghĩa.
 

Nhà trường trao quà cho cán bộ giáo viên từng tham gia quân ngũ,
các giáo viên là con liệt sĩ, con TB 1/4, vợ quân nhân tại ngũ

 
      Chương trình gặp mặt Ngày truyền thống Quân đội tiếp nối với phần trao quà của nhà trường cho các cán bộ giáo viên là cựu quân nhân, là con liệt sĩ, là con thương binh ¼, là vợ của quân nhân tại ngũ. Món quà tinh thần của nhà trường bày tỏ sự tri ân với những đồng nghiệp đã đóng góp phần tuổi trẻ của mình cho quân đội rồi trở về cầm phấn tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, những người chịu nhiều mất mát thiệt thòi cho sự bình yên của toàn dân tộc trong thời chiến cũng như thời bình!
 

Tiết mục Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây

 
      Nội dung rất được chờ đợi trong buổi Gặp mặt truyền thống là phần giao lưu văn nghệ đặc sắc. Phần giao lưu được bắt đầu với ca khúc Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật, nhạc Hoàng Hiệp) do thầy Nguyễn Công Anh và cô Nguyễn Thị Huyền biểu diễn. Đường Trường Sơn, rừng Trường Sơn suốt thời kỳ chống Mỹ là nơi thế hệ trẻ Việt Nam thể hiện tình yêu, niềm tin, ý chi cách mạng, là nơi thử lửa của triệu triệu tấm lòng vàng yêu nước. Thi sĩ Phạm Tiến Duật của Trường Sơn huyền thoại đã viết nên những trang thơ thần diệu và nhạc sĩ Hoàng Hiệp dệt thêm cho bản tình ca Trường Sơn bằng những giai điệu tuyệt vời.
      Phần giao lưu lắng lại khi cảm xúc về nỗi đau chiến tranh được nhắc đến. Những cảm xúc nhân văn cao đẹp thấm đẫm trong những giọt nước mắt thơ của nhà thơ áo lính Hữu Loan. Bạn Diễm Quỳnh (học sinh lớp 9A) đã đọc lên thi phẩm Màu tím hoa sim nổi tiếng.
 

Tiết mục Lời ru trên nương

      Nói về truyền thống Quân đội nhân dân, không thể không nhắc đến hình ảnh những người mẹ kháng chiến. Đó là những người mẹ chiến sĩ, những người mẹ nuôi dấu cán bộ, mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội, mẹ gửi vào con những giấc mơ hòa bình đẹp tươi no ấm. Song ca Thu Trang – Thảo Nguyên (9B) với chất giọng mượt mà, lắng sâu tha thiết đã đem đến cho buổi Gặp mặt tiết mục Lời ru trên nương (thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhạc Trần Hoàn) rất đặc sắc.
 

Tiết mục đọc thơ Khoảng trời - hố bom

      Nhà thơ Vương Trọng có lần viết “Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi/ Còn hương nữa hãy dành phần cho đất/ Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/ Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc...”. Để những con đường ra trận “khỏi bị thương”, biết bao máu xương của các anh chiến sĩ, các chị Thanh niên xung phong đã đổ. Những sự hy sinh đó mãi mãi được tổ quốc ghi công, mãi mãi còn in đậm trong những trang thơ... Khoảng trời – hố bom của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những bài thơ bất tử hóa hình tượng nữ thanh niên xung phong trong văn học. Bạn Hoàng Thùy Dung (học sinh lớp 7B) đã đọc lên thi phẩm này. Giọng đọc của bạn đã truyền tải được tinh thần của thi phẩm đến người nghe.
 

Tiết mục Kim Đồng

      Chiến tranh gắn với những chiến công. Nhưng cũng chẳng ai quên những hy sinh mất mát. Những hy sinh mất mát đã truyền cảm hứng và ý chí cho những người ở lại, để những người ở lại quyết làm nên những chiến công thắm đỏ. Bài hát viết về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nông Văn Dền – người anh hùng hy sinh ở tuổi thiếu niên - của nhạc sĩ Phong Nhã ngợi ca một trong những tấm gương hy sinh như thế. Bằng giọng hát và phong cách thể hiện tự nhiên, bạn Nguyên Hoàng (lớp 6B) đã gây ấn tượng cho toàn trường với ca khúc Kim Đồng.
 

Tiết mục đọc thơ Nghe tắc kè kêu trong thành phố

      Nguyễn Duy là nhà thơ áo lính, nổi tiếng với những bài thơ thể hiện những suy tư sâu sắc của người lính, nhất là những suy tư ở giai đoạn vừa ra khỏi chiến tranh. Cùng với Ánh trăngĐò Lèn, Nguyễn Duy còn được nhớ đến với bài thơ Nghe tắc kè kêu trong thành phố. Tại buổi giao lưu, bạn Hà Giang (lớp 9C) đã đọc bài thơ này.
 
      Người trực tiếp tổ chức thành lập, giáo dục và rèn luyện quân đội là Bác Hồ kính yêu. Nói về truyền thống quân đội, ta luôn nhớ đến Bác. Nhớ Bác, ta lại nhớ những tình cảm Bác dành cho thiếu niên nhi đồng cũng như tình cảm thiếu niêm nhi đồng đối với Bác. Tốp ca lớp 6D đã gửi tình cảm ấy qua chương trình giao lưu bằng bài hát Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (Phong Nhã).
 
      Tại phần giao lưu, tập thể Cựu chiến binh xã Tùng Ảnh đóng góp bài hát Vì nhân dân quên mình (Doãn Quang Khải).
 

Thầy Hiệu trưởng chúc mừng thầy giáo Trịnh Hồng Mạnh

      Trong buổi gặp mặt này, thầy giáo Trịnh Hồng Mạnh vừa tham dự với tư cách là đại biểu Phòng GD&ĐT vừa với tư cách một cựu quân nhân. Thầy Trịnh Hồng Mạnh là bộ đội làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa những năm 1989 – 1992. Đến với phần giao lưu, thầy Trịnh Hồng Mạnh đã kể ngắn gọn với toàn thể học sinh những kỉ niệm thời lính của thầy và góp vui bằng tiết mục ngâm thơ qua bài thơ Núi Đôi của nhà thơ quân đội Vũ Cao.
  

Trao giải Nhất


Trao giải Nhì


Trao giải Ba

      Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường. Nhân buổi gặp mặt này, trường tổ chức trao thưởng cho các học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba. Phần trao thưởng khép lại chương trình gặp mặt, giao lưu ấm áp, trọn vẹn – một buổi sinh hoạt truyền thống giàu ý nghĩa!

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập123
  • Hôm nay28,632
  • Tháng hiện tại119,337
  • Tổng lượt truy cập29,820,625
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây