I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới.
Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới (1). Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót (2). Hạt nọ tiếp hạt kia đan xuống mặt đất (3)(...). Mặt đất đã kiệt sức bỗng thức dậy, đâu về đón lấy những hạt mưa ấm áp, trong lành (4). Đất trời lại dịu mềm, lại cần mẫn tiếp nhựa cho cây cỏ (5). Mưa mùa xuân đã mang lại cho chúng cái sức sống ứ đầy, tràn lên các nhánh lá mầm non (6). Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt (7)”.
(Tiếng mưa - Nguyễn Thị Thu Trang)
Câu 1 (0,5 điểm). Viết lại hai từ láy có trong đoạn trích trên.
Câu 2 (0,5 điểm). Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu văn sau: “Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới". Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn vừa phân tích thuộc kiểu câu nào?
Câu 3 (1,0 điểm). Câu văn số (7) được liên kết với câu văn số (6) bằng phép liên kết nào? Chỉ ra từ ngữ làm phương tiện cho phép liên kết ấy.
Câu 4 (1,0 điểm). Câu văn số (4) đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 5 (0,5 điểm). Mưa mùa xuân đã có tác động như thế nào đến vạn vật?
Câu 6 (0,5 điểm). Câu văn số (7) gợi cho em nhớ đến câu tục ngữ nào có nói về truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam?
II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn diễn dịch (8 đến 10 câu), trong đó có sử dụng thành phần biệt lập phụ chú (gạch chân thành phần phụ chú) với câu chủ đề:
“Học sinh cần nâng cao nhận thức về giá trị sống góp phần đẩy lùi bạo lực học đường”
Câu 2 (4,0 điểm).
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ...
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...”
(Viếng lăng Bác - Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2012)
Em hãy cảm nhận hai khổ thơ trên để thấy được tình cảm thành kính, xúc động của Viễn Phương dành cho Bác.
Lời giải đề thi Văn vào lớp 10 2019 Hưng Yên được biên soạn mang mục đích tham khảo:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1: Viết lại 2 từ láy có trong đoạn trích trên: xôn xao, phơi phới
Câu 2:
- Mưa mùa xuân (CN) xôn xao, phơi phới (VN).
- Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn vừa phân tích thuộc kiểu câu đơn
Câu 3: Câu văn số (7) được liên kết với câu văn số (6) bằng phép liên kết:
Phép thế: "mưa - mưa mùa xuân"
Phép lặp: "mưa"
Phép nối: Và
Câu 4. Biện pháp tu từ nhân hóa: mặt đất đã "kiệt sức" bỗng "thức dậy".
Tác dụng: làm cho cảnh vật, yếu tố thiên nhiên (ở đây là mặt đất) trở nên có sinh khí, có tâm hồn, gần gũi với con người.
Câu 5: Mưa mùa xuân đã mang lại cho chúng cái sức sống ứ đầy, tràn lên các nhánh lá mầm non
Câu 6: Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn hoặc Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
Câu 2:
Dàn ý tham khảo:
I. Mở bài
- Viễn Phương là một nhà thơ tiêu biểu của miền Nam. Tháng 4/1976 sau một năm giải phóng đất nước. Khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành, nhà thơ cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội vào lăng viếng Bác.
- Bài thơ Viếng lăng Bác được Viễn Phương viết với tất cả tấm lòng thành kính biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu.
II. Thân bài
1. Khổ thơ thứ nhất
- Tác giả đã mở đầu bằng câu thơ tự sự: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
+ Con và Bác là cách xưng hô ngọt ngào thân thương rất Nam Bộ. Nó thể hiện sự gần gũi, kính yêu đối với Bác.
+ Con ở miền Nam xa xôi nghìn trùng, ra đây mong được gặp Bác. Nào ngờ đất nước đã thống nhất, Nam Bắc đã sum họp một nhà, vậy mà Bác không còn nữa.
+ Nhà thơ đã cố tình thay từ viếng bằng từ thăm để giảm nhẹ nỗi đau thương mà vẫn không che giấu được nỗi xúc động của cảnh từ biệt sinh li.
+ Đây còn là nỗi xúc động của một người con từ chiến trường miền Nam sau bao năm mong mỏi bây giờ mới được ra viếng Bác.
- Hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và là một dấu ấn đậm nét là hàng tre quanh lăng Bác: Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
+ Hình ảnh hàng tre trong sương đã khiến câu thơ vừa thực vừa ảo. Đến lăng Bác, nhà thơ lại gặp một hình ảnh hết sức thân thuộc của làng quê đất Việt: là cây tre. Cây tre đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam.
+ Bão táp mưa sa là một thành ngữ mang tính ẩn dụ để chỉ sự khó khăn gian khổ. Nhưng dù khó khăn gian khổ đến mấy cây tre vẫn đứng thẳng hàng. Đây là một ẩn dụ mang tính khẳng định tinh thần hiên ngang bất khuất, sức sống bền bỉ của dân tộc.
2. Khổ thơ thứ hai
- Hai câu thơ đầu:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
+ Hai câu thơ được tạo nên với những hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi. Câu trên là một hình ảnh thực, câu dưới là hình ảnh ẩn dụ.
+ Ví Bác như mặt trời là để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu của Bác, giống như sự tồn tại vĩnh viễn của mặt trời tự nhiên.
+ Ví Bác như mặt trời là để nói lên sự vĩ đại của Bác, người đã đem lại cuộc sống tự do cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm dài nô lệ.
+ Nhận thấy Bác là một mặt trời trong lăng rất đỏ, đây chính là sáng tạo riêng của Viễn Phương, nó thể hiện được sự tôn kính của tác giả, của nhân dân đối với Bác.
- Ở hai câu thơ tiếp theo:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
+ Đó là sự hình dung về dòng người đang nối tiếp dài vô tận hàng ngày đến viếng lăng Bác bằng tất cả tấm lòng thành kính và thương nhớ, hình ảnh đó như những tràng hoa kết lại dâng người. Hai từ ngày ngày được lặp lại trong câu thơ như tạo nên một cảm xúc về cõi trường sinh vĩnh cửu.
+ Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác được tác giả ví như tràng hoa, dâng lên Bác. Cách so sánh này vừa thích hợp và mới lạ, diễn ra được sự thương nhớ, tôn kính của nhân dân đối với Bác.
+ Tràng hoa là hình ảnh ẩn dụ những người con từ khắp miền đất nước về đây viếng Bác giống như những bông hoa trong vườn Bác được Bác ươm trồng, chăm sóc nay nở rộ ngát hương về đây tụ hội kính dâng lên Bác.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn