Câu 1. (3,0 điểm)
Đọc kỹ đoạn thơ và trả lời câu hỏi:
"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu..."
(Ngữ văn 8, tập 2, NXBGD 2005, trang 9)
a) Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
b) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.
c) Trong số các từ sau, những từ nào cùng trường từ vựng?
giấy, đỏ, mực, thuê
d) Hai câu cuối của đoạn thơ trên sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của cách sử dụng biện pháp tu từ đó?
Câu 2. (3,0 điểm)
Viết một đoạn văn phân tích khổ thơ sau:
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân..."
(Viễn Phương, Viếng lăng Bác, Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD 2006, trang 58)
Câu 3. (4,0 điểm)
..."Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh. Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con, không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chới với. Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to:
- Thu! Con.
Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh. Anh vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con. Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động. Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ. Với vẻ mặt xúc động ấy và hai tay vẫn đưa về phía trước, anh chầm chậm bước tới, giọng lặp bặp run run:
- Ba đây con!
- Ba đây con!
Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: "Má! Má!". Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy."
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD 2006, trang 195, 196)
Cảm nhận của em về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích trên.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn