Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Điện Biên năm 2013-2014

Thứ ba - 30/07/2019 05:25
BBT website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng các Thầy - Cô giáo và các em học sinh: Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Điện Biên năm 2013-2014

I. Trắc nghiệm

1. Các văn bản nhật dụng ở lớp 8 và lớp 9 đã đề cập tới những vấn đề nào trong các vấn đề sau đây ? Khoanh tròn vào đáp án đúng.

A. Môi trường

B. Văn hoá

C. Dân số và tương lai loài người

D. Quan hệ giữa con người và thiên nhiên

E. Giáo dục

G. Quyền sống của con người

H. Bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh

I. Hội nhập thế giới và giữ gìn bản sắc dân tộc

K. Danh lam thắng cảnh

2. Hội nhập với thế giới và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là nội dung của văn bản nhật dụng nào ?

3. Điền từ còn thiếu vào chỗ trống để hoàn chỉnh kết luận về thể loại của văn bản ”Đấu tranh cho một thế giới hoà bình” :

“Về thể loại, văn bản này thuộc loại …………………………………………”.

4. Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em được công bố vào ngày, tháng, năm nào ?

II. tự luận

Có rất nhiều bạn nhỏ bằng tuổi em nhưng phải rời nhà ra kiếm sống ở các thành phố. Suy nghĩ của em về vấn đề này ?

 


Đáp án đề thi

I. trắc nghiệm

Câu 1: A, C, G, H, I

Câu 2: Văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh”.

Câu 3: Nghị luận.

Câu 4: 30 – 9 – 1990

II. tự luận

Dàn bài

Mở bài :

Tình trạng nhiều thiếu niên phải sớm rời mái nhà của mình để đến những thành phố kiếm sống đã trở thành tình trạng phổ biến.

Thân bài :

1. Số lượng trẻ em từ nông thôn đến thành thị kiếm sống hiện nay là rất nhiều. Các em thuộc đủ mọi lứa tuổi, làm nhiều công việc khác nhau. Cuộc sống của các em rất vất vả, khó nhọc.

2. Nguyên nhân khiến các em phải rơi vào tình trạng này thì rất nhiều nhưng nhiều nhất vẫn là do cái nghèo. Cái nghèo làm nảy sinh nhiều cảnh ngộ, chịu thiệt thòi nhiều nhất từ những cảnh ngộ đó là những đứa trẻ… Bên cạnh đó còn do sự thiếu quan tâm của người lớn…

3. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường, không chỉ đối với xã hội mà đối với trước hết là bản thân các em. Sống xa gia đình, trong một môi trường phức tạp, tuổi lại còn nhỏ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít tới tâm hồn, nhận thức của các em. Từ đó mà sẽ có tác động ngược lại của các em đối với môi trường chung của xã hội.

4. Cần phải có những biện pháp, những giải pháp để giảm thiểu và dần dần xoá bỏ tình trạng này. Đó cũng là cách để xã hội góp tay thực hiện vấn đề quyền trẻ em một cách thiết thực nhất.

Kết bài:

Tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống ở thành phố là nỗi nhức nhối chung của cả xã hội. Xã hội sẽ văn minh hơn, công bằng và tiến bộ hơn nếu ở đó mọi trẻ em đều được hưởng những quyền mà các em có.

Bài viết tham khảo

Trẻ em là tương lai của thế giới. Trẻ em sinh ra phải được chăm sóc, nuôi dưỡng, được yêu thương, bảo vệ và học tập đầy đủ. Đó là quyền mà bất kì đứa trẻ nào cũng được hưởng. Thế nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Có rất nhiều bạn nhỏ khi lớn lên đã phải sớm rời bỏ mái nhà để tìm đến kiếm sống ở những thành phố, những khu đô thị xa lạ. Hiện tượng này không còn là cá biệt mà đã trở thành một tình trạng phổ biến, một vấn đề của cả xã hội.

Đặt chân đến bất kì thành phố, khu đô thị dù lớn, dù bé nào người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ lang thang đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Đó là những cô bé, cậu bé tuổi còn rất nhỏ, tâm hồn còn rất ngây thơ, non nớt. Các em đáng lẽ phải đang ở nhà và cắp sách đến trường như bao bạn nhỏ cùng trang lứa khác, nhưng lại phải một thân một mình bươn chải kiếm sống. Các em tìm đến thành phố với mục đích lớn nhất là kiếm tiền để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Mỗi em tự tìm cho mình một công việc : em đánh giày, em bán báo, em đi làm người giúp việc trong các gia đình, các quán ăn… Bất cứ việc gì làm được và có người cần các em đều có thể làm. Việc ít, người nhiều – nhiều khi phải tranh cướp, giành giật mới kiếm được miếng ăn ít ỏi.

Một mình giữa nơi đông đúc, không có người thân thích bên cạnh, các em phải tự lo cho mình mọi chuyện, từ ăn uống đến chỗ ngủ qua đêm rồi khi ốm đau bệnh tật. Cuộc sống của các em rất bếp bênh và khổ cực, có biết bao nhiêu cay đắng, rủi ro rình rập theo mỗi bước chân của những đứa trẻ này. Nhìn khuôn mặt của các em, người ta thấy hiện rõ sự mệt mỏi, cái già dặn trước tuổi bên cạnh chút hồn nhiên, non nớt của tuổi thơ còn sót lại. Đấy là điều khiến chúng ta, bạn và tôi, những đứa trẻ  may mắn đang được che chở dưới mái ấm gia đình và ngày ngày cắp sách đến trường, không thể không suy nghĩ.

Đứa trẻ nào cũng muốn được yêu thương, được chăm sóc, được sống giữa vòng tay gia đình và bạn bè. Thế nhưng, tại sao vẫn có nhiều bạn nhỏ phải tự bước vào đời kiếm sống sớm đến vậy ? Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này vẫn là do cái nghèo. Nơi các bạn nhỏ này bước chân ra đi đều là những vùng nông thôn xa xôi. Gia đình có mỗi một nghề làm ruộng, đất thì ít, anh chị em thì đông, đến ngày mùa đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn. Không có tiền đi học, các bạn nhỏ ở nhà rồi rời nhà đi kiếm sống để bớt gánh nặng cho gia đình. Cũng có khi là do cảnh cha mẹ không hoà hợp, suốt ngày cãi cọ, không để ý đến con cái, các em cũng tự bỏ nhà lên phố… rồi cha mẹ li thân, li dị, hay do mất cha, mất mẹ khiến các em không còn chỗ dựa. Nói chung, có trăm nghìn lí do đẩy các bạn nhỏ vào cảnh tha phương. Đằng sau tất cả những lí do đó vẫn phải khẳng định một điều đó là sự thiếu quan tâm của người lớn. Nếu các bậc làm cha, làm mẹ biết nghĩ cho các em nhiều hơn thì chắc chắn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng sẽ không để cho con em mình vào đời bươn chải vật lộn với miếng ăn khi còn quá nhỏ dại như vậy. Sống trong cảnh thiếu thốn, cảnh không yên ổn của gia đình đã là một thiệt thòi, giờ phải rời mái nhà đang che chở cho các em, một thân một mình mưa nắng chốn xa lạ, đó là lời cảnh báo cho cả xã hội về vấn đề đảm bảo những quyền lợi chính đáng cho tất cả mọi đứa trẻ.

Tình trạng trẻ em từ nông thôn ra thành phố kiếm sống đã và đang để lại rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng. Sống trong một môi trường đua chen phức tạp, tiếp xúc với đồng tiền, với cơ chế thị trường quá sớm khiến nhận thức, nhân cách, tâm hồn của các em phát triển một cách lệch lạc, không tự nhiên và thiếu lành mạnh. Thật khó mà dám khẳng định là tất cả những đứa trẻ đó sẽ có một tương lai bình thường và và tốt đẹp. Bị ép phải già trước tuổi, phải từ giã tuổi thơ khi còn quá nhỏ, phải sống trong cô đơn ghẻ lạnh, không có một bàn tay vỗ về chăm sóc, không có người chỉ đường dẫn lối… ai dám đảm bảo rằng, tất cả những em nhỏ đó sẽ đều trở thành những công dân lương thiện và có ích. Thực tế cho thấy nhiều đứa trẻ trong số đó đã trở thành tội phạm trước khi trở thành một công dân. Chúng móc túi, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, sa vào các tệ nạn xã hội và trở thành gánh nặng của cộng đồng. Đa phần các em nhỏ khi mới rời nhà đi đều là những đứa trẻ hiền lành, ngây thơ, chỉ sau một thời gian đã trở thành những đứa trẻ hoàn toàn khác. Lối sống nơi đô thị đã làm mất đi ở các em bản tính trong sáng, hồn nhiên, vô tư. Đó là những di chứng tinh thần rất có hại cho các em khi đến tuổi trưởng thành.

Như vậy, tình trạng trẻ em rời nhà đến kiếm sống ở các thành phố sẽ tạo nên những hậu quả khôn lường đối với chính những đứa trẻ và với toàn xã hội. Cần phải làm gì để xoá bỏ tình trạng này để trẻ em tất cả mọi vùng miền đều được hưởng những quyền chính đáng mà các em có. Đây là trách nhiệm không của riêng ai. Sự quan tâm là điều đầu tiên cần phải có. Và trước hết phải là từ gia đình, cha mẹ và những người thân của các em. Tạo dựng cho các em một mái ấm bình yên, cho các em một môi trường trong lành để các em được lớn lên, được trưởng thành một cách tự nhiên, lành mạnh là điều các bậc làm cha, làm mẹ phải làm. Mỗi địa phương cũng cần có những biện pháp cụ thể để giúp những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt giải quyết những khó khăn vướng mắc. Ví như giúp các em có việc làm ngay trên quê hương mình, hỗ trợ để các em có đủ điều kiện đến trường và rộng hơn là cả xã hội. Dành cho các em một cái nhìn độ lượng, nhân ái, một cử chỉ quan tâm dù là rất nhỏ bé, là mỗi người đã và đang góp phần đem đến cho mỗi số phận tội nghiệp đó những giá trị rất lớn lao.

Nhà nước đã có nhiều hành động cụ thể để giải quyết vấn đề này. Như giao cho các tỉnh, các địa phương đưa các em trở về, tạo công ăn việc làm, giúp các em ổn định cuộc sống tại quê nhà, được học tập, vui chơi như mọi đứa trẻ khác. Việc làm này bước đầu đã tạo nên những biến đổi rất tích cực, rất nhiều bạn nhỏ đã yên tâm trở về, lao động và sinh hoạt trên quê hương mình, tìm thấy niềm vui mới. Sự quan tâm của Nhà nước là rất kịp thời và thiết thực. Tuy nhiên, để chấm dứt hẳn tình trạng này thì cần có thời gian và sự quan tâm hơn nữa của tất cả mọi người trong cộng đồng.

Một xã hội không thể coi là văn minh, là công bằng và tiến bộ khi mà ở đâu đó vẫn có nhiều đứa trẻ bị đẩy ra đường kiếm tiền thay cho việc đến trường đi học. Cho các em một quá khứ êm đềm, một hiện tại bình yên hạnh phúc và một tương lai được đảm bảo, đó cũng là cách để tạo dựng một thế giới tốt đẹp cho tất cả mọi người.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây