Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Cà Mau năm 2015-2016

Thứ ba - 30/07/2019 05:31
BBT website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng các Thầy - Cô giáo và các em học sinh: Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Cà Mau năm 2015-2016

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn theo phép lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp (khoảng 2/3 trang giấy thi) nêu những suy nghĩ và cảm nhận của em về quê hương.

Câu 2. (3,0 điểm)

Hãy trình bày suy nghĩ của em về câu chuyện sau đây:

Biểu giá cho tình mẹ

    Người mẹ đang bận rộn nấu bữa cơm tối dưới bếp, bất ngờ cậu con trai bé bỏng chạy vào và đưa cho mẹ một mẩu giấy nhỏ. Sau khi lau tay, người mẹ mở tờ giấy ra và đọc:

– Cắt cỏ trong vườn: 5 ngàn

– Dọn dẹp phòng của con: 2 ngàn

– Đi chợ cùng với mẹ: 1 ngàn

– Trông em giúp mẹ: 1 ngàn

– Đổ rác: 1 ngàn

– Kết quả học tập tốt: 5 ngàn

– Quét dọn sân: 2 ngàn

– Mẹ nợ con tổng cộng: 17 ngàn

 Sau khi đọc xong, người mẹ nhìn con trai đang đứng chờ với vẻ mặt đầy hy vọng. Bà cầm bút lên, lật mặt sau của tờ giấy và viết:

– Chín tháng mười ngày con nằm trong bụng mẹ: Miễn phí.

– Những lúc mẹ bên cạnh chăm sóc, lo lắng mỗi khi con ốm đau: Miễn phí.

– Những giọt nước mắt con làm mẹ khóc trong những năm qua: Miễn phí.

– Tất cả những đồ chơi, thức ăn, quần áo mà mẹ đã nuôi con trong suốt mấy năm qua: Miễn phí.

Và giá trị hơn cả chính là tình yêu của mẹ dành cho con: Cũng miễn phí luôn con trai ạ.

Khi đọc những dòng chữ của mẹ, cậu bé vô cùng xúc động, nước mắt lưng tròng. Cậu nhìn mẹ và nói: “Con yêu mẹ nhiều lắm!”. Sau đó, cậu đặt bút viết thêm vào tờ giấy dòng chữ thật lớn: “Mẹ sẽ được nhận lại trọn vẹn”.

                        (Trích Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ, năm 2008)

Câu 3. (5,0 điểm)

Hình ảnh ánh trăng trong hai bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Ánh trăng của Nguyễn Duy.

— HẾT —


Đáp án đề thi

Câu 1. ( 2 điểm)

Ví dụ:

Nếu bạn đã từng đến thăm Hải Phòng thì tôi đoán chắc rằng bạn sẽ tận hưởng được thời tiết đó. Cái nắng gay gắt, chói chang của mùa hè, những cơn mưa rào chợt đến rồi lại chợt đi, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Trái với thời tiết của mùa hè là mùa đông. Mùa đông có lá rụng, có cái rét căm căm đến cắt da cắt thịt, cái nắng yếu ớt trên bầu trời phủ đầy sương…

Câu 2.

Giải thích ý nghĩa câu chuyện:

– Qua câu chuyện, chúng ta hiểu rằng, tình cảm mẹ con là tình cảm thiêng liêng, cao quý. Biết đón nhận tình thương, sự quan tâm của mẹ thì phải biết ơn và cũng biết mang đến cho mẹ niềm vui, niềm hạnh phúc.

– Câu chuyện mang đến một bài học về “cho” và “nhận” trong cuộc sống.

Suy nghĩ về vấn đề mà câu chuyện đặt ra:

– Phải biết “cho” mọi người những điều tốt đẹp thì sẽ “nhận” được những điều tốt đẹp.

– Nhưng có những “cho – nhận” đáng ca ngợi, lại có những “cho – nhận” đáng lên án:

+ “Cho – nhận” sự quan tâm, lo lắng, tình cảm bao dung, nhân ái. Đó là hành động “cho – nhận” đáng ca ngợi, cần được nhân lên.

+ Kẻ “nhận” mà không “cho” là kẻ ích kỉ, đáng lên án.

Bài học và liên hệ bản thân:

– Bài học: Trong cuộc sống, cần biết yêu thương, san sẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh. Với ông bà, cha mẹ, cần yêu thương, kính trọng, biết ơn, chăm sóc, hiếu thảo.

– Liên hệ bản thân

Câu 3. Hình ảnh ánh trăng trong hai bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Hướng dẫn:

–  Chính Hữu và bài thơ “Đồng chí”:

+ Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Thơ ông mang cảm xúc chân thành, mãnh liệt, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng điệu phong phú.

+ Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, được in trong tập “Đầu súng trăng treo” và là một trong những thi phẩm thành công nhất của Chính Hữu, tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).

– Nguyễn Duy và bài thơ “Ánh trăng”:

+ Nguyễn Duy là một nhà thơ quân đội, đã được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ 1972 – 1973, một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước.

+ Bài thơ “Ánh trăng” nằm trong tập thơ cùng tên – tập thơ được tặng giải A của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1984. Tác phẩm có ý nghĩa triết lý sâu sắc, là lời nhắc nhở về lối sống nghĩa tình, thủy chung với quá khứ gian lao, với thiên nhiên, đất nước và đồng đội.

– Trong cả hai bài đều có hình ảnh trăng nhưng mỗi bài lại có những sáng tạo đặc sắc riêng.

+ Phân tích, so sánh làm sáng tỏ vấn đề:

– Điểm giống nhau:

– Trong cả hai bài, trăng đều là hình ảnh thiên nhiên đẹp, trong sáng, bay bổng, lãng mạn.

– Đều là người bạn tri kỉ với con người trong chiến đấu và trong sinh hoạt hàng ngày.

Điểm khác nhau:

* Trăng trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

– Được đặt trong thời gian, không gian: rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo. Trăng xuất hiện trong giờ khắc trước một trận chiến đấu mà mất mát, hi sinh là những điều không thể tránh khỏi.

– “Đầu súng trăng treo“: Hình ảnh trăng treo trên đầu súng vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có tính biểu trưng của tình đồng đội và tâm hồn bay bổng lãng mạn của người chiến sĩ. Phút giây xuất thần ấy làm tâm hồn người lính lạc quan thêm tin tưởng vào cuộc chiến đấu và mơ ước đến tương lai hoà bình.

=> Ý nghĩa:

– Trăng là biểu tượng đẹp của tình đồng chí gắn bó, keo sơn trong cuộc chiến đấu gian khổ ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

– Trăng là hình tượng hiện thực và lãng mạn, là biểu tượng cho cuộc sống hòa bình, là hình ảnh của quê hương đất nước.

– Trăng còn là vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ lạc quan, lãng mạn.

* Trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy:

– Trăng trong quá khứ:

“Hồi chiến tranh ở rừng 

Vầng trăng thành tri kỉ

Ngỡ không bao giờ quên

Cái vầng trăng tình nghĩa”

Trăng khi đó là ánh sáng trong đêm tối chiến tranh, là niềm vui bầu bạn của người lính trong gian lao của cuộc kháng chiến – vầng trăng tri kỉ. Nhân vật trữ tình gắn bó với trăng trong những năm dài kháng chiến. Trăng vẫn thuỷ chung, tình nghĩa.

– Ánh Trăng hiện lên đáng giá biết bao, cao thượng vị tha biết chừng nào:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Đủ cho ta giật mình”

Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.

Đánh giá chung:

– Với sự sáng tạo tài tình của các nhà thơ, hình ảnh trăng trong hai tác phẩm thật sự là những hình ảnh đẹp, để lại trong lòng độc giả những cảm xúc dạt dào, sâu lắng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây