CLB "Hoạt động trải nghiệm sáng tạo Văn học dân gian"

Thứ ba - 23/07/2019 06:09
Hòa chung không khí sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017)
Chiều thứ ba, ngày 14/11/2017 tại nhà đa năng trường THCS Hoàng Xuân Hãn, tổ Văn – Sử – GDCD – Mĩ thuật đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo Văn học dân gian”. Buổi sinh hoạt có sự tham dự của chị Lê Thị Huyền Trang – Phó Bí thư Huyện đoàn Đức Thọ; thầy Nguyễn Thanh Truyền – Chuyên viên Phòng GD-ĐT Đức Thọ; thầy Dương Thế Vinh – Bí thư Chi bộ trường THCS Hoàng Xuân Hãn; các thầy cô giáo là Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó tổ XH của các trường THCS trong toàn huyện, cùng tất cả các CBGV và các em học sinh khối 6, 7 trong toàn trường.
      Văn học dân gian là cái nôi văn hóa, là nguồn cội, gốc rễ của tinh thần Việt, tâm hồn Việt. Hoà trong dòng chảy không ngừng nghỉ, Văn học Dân gian đã phát triển bền vững qua thời gian và để lại những giá trị to lớn. Không chỉ mang vẻ đẹp mộc mạc, tươi mát nơi thôn quê đồng nội mà hơn thế nữa, nó đã khơi dậy sức sống mạnh mẽ trong những tâm hồn thuần khiết Việt Nam, nó như dòng sông mãnh liệt cuộn chảy, không ngừng đón nhận phù sa từ mọi nguồn sông suối khác, cuối cùng vẫn hòa vào với biển cả văn hóa của dân tộc. Nhằm giúp học sinh hiểu được vị trí, tầm quan trọng cũng như thấy được cái hay cái đẹp của văn học dân gian, tổ Văn – Sử – GDCD – Mĩ thuật đã quyết định lấy bộ phận văn học này làm chủ đề cho buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Hi vọng buổi sinh hoạt câu lạc bộ hôm nay không chỉ là một ngày hội vui của các em, mà còn là niềm khích lệ cho các em tiếp tục học tập bằng tất cả niềm say mê của mình.
      Mở đầu chương trình là hát vè đồng giao do tốp học sinh nam nữ thể hiện. Đồng giao, hát đố ca dao là một bộ phận trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam. Đồng dao bao gồm những bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em...
      Sau tiết mục hát vè đồng giao là trích đoạn kịch “Nỗi oan hại chồng” thể hiện sự xung đột chủ yếu qua hai nhân vật: Sùng bà và Thị Kính. Có thể nói, nhân vật Sùng bà được xây dựng rất sống. Ngôn ngữ của mụ độc địa, mụ cũng ví von, cũng sử dụng tục ngữ ca dao, mụ cũng nói chữ, cũng chửi mắng, mạt sát rất thậm tệ. Mụ tìm cách dựng chuyện không đâu vào đâu, rất vu vơ để vu oan cho Thị Kính âm mưu hại chồng, đang tâm và tàn nhẫn đuổi Thị Kính về nhà bố mẹ đẻ. Nhân vật Thị Kính rất đáng thương. Nhờ có nhan sắc, tuy nhà nghèo mà Thị Kính lấy được chồng là một nho sinh, con nhà giàu có. Thị đã hành xử một cách tùy tiện, bởi suy nghĩ của rất đơn giản. Vì thương chuồng muốn làm đẹp nên khi thấy sợi râu mọc ngược ở dưới cằm Thiện Sỹ, Thị lấy dao để cắt đi. Không ngờ ý nghĩ tốt đẹp của Thị lại trở thành nỗi oan không hóa giải được…. Nỗi oan hại chồng là tiếng kêu thương, đau khổ của người phụ nữ nghèo hèn trong xã hội cũ. Bị vu oan, vùi dập, bị xua đuổi, sống trong đau khổ. bế tắc. Trích đoạn kịch đầy nước mắt và tiếng kêu thương, giàu tình cảm nhân đạo.
      Hát lý là nghệ thuật ứng khẩu mang tính đối đáp nhanh, thấu tình đạt lý, nó phức tạp sâu lắng về ý tứ, cô đọng về tính chất, thâm thúy về nội dung. Hò khoan bắt nguồn từ lao động sản xuất, con người cần có sự hợp lực với nhau tạo thành sức mạnh để chống chọi với thiên nhiên, cùng nhau sản xuất, sự nhịp nhàng, mạnh mẽ hay khoan thai tùy từng hoàn cảnh, có lúc lay lắt xót xa, thương yêu nhớ nhung xa cách … Hát lý, hát Hò khoan là những câu hò, điệu Lý… với những dư vị ngọt ngào, sâu lắng qua cách thể hiện sôi động và hồn nhiên của học sinh với bài “Lý cây bông – Dân ca Nam bộ” và “Hò bơi thuyền – Dân ca Nghệ Tĩnh” đã mang đến cho CLB những bản sắc riêng và để lại nhiều cung bậc cảm xúc khó phai trong lòng các em.
      Tiếp theo chương trình là tiểu phẩm kịch “Ếch ngồi đáy giếng” được chuyển thể từ truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”. Ếch cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng cái vung vì nó sống lâu ngày trong một cái giếng, xưa nay chưa từng ra khỏi giếng. Ếch thấy mình oai như một vị chúa tể vì ở trong giếng không có kẻ nào mạnh hơn nó, xung quanh chỉ có vài con nhái, con ốc, con cua bé nhỏ sợ sệt. Tiếng kêu nó vang động cả giếng càng khiến cho các con vật kia khiếp sợ. Sở dĩ ếch suy nghĩ chủ quan, kiêu ngạo và hành động lố bịch như vậy là do ếch không nhận thức được hoàn cảnh sống hạn hẹp của mình. Tiểu phẩm tuy ngắn nhưng đã phê phán một cách nhẹ nhàng, hài hước những con người có tầm nhìn hạn hẹp nhưng lại huênh hoang, ngạo mạn, luôn cho mình là nhất. Đồng thời khuyên nhủ mọi người phải luôn luôn trau dồi kiến thức, mở mang hiểu biết của mình, không nên chủ quan vì kiến thức là vô tận, không bao giờ có thể học hết được. Câu truyện ngụ ngôn được Nguyễn Duy Khoái sáng tác thành bài hát “Ếch ngồi đáy giếng” do tốp ca học sinh nữ lớp 6B trình bày.
      Tiểu phẩm kịch “Thầy bói xem voi” được chuyển thể từ truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”Thầy bói xem voi kể về cuộc xem voi của năm thầy bói mù và nhận xét của từng người về con voi. Sự khác biệt trong nhận thức về hình dáng con voi giữa các thầy bói dẫn đến cuộc tranh luận bất phân thắng bại, thậm chí dẫn tới ẩu đả. Thầy bói xem voi khá ngắn gọn nhưng rất hấp dẫn bởi hàng loạt các yếu tố đặc biệt của nó: tình huống đặc biệt, nhân vật đặc biệt, sự vật đặc biệt và cách cảm nhận sự vật của mỗi người lại càng đặc biệt. Có thể coi truyện ngụ ngôn này là một tiểu phẩm hài kịch nhỏ có đủ hoàn cảnh, nhân vật và mâu thuẫn kịch. Màn hài kịch chứa đựng một bài học bổ ích. Người xưa muốn thông qua hình ảnh các thầy bói  để nhắc nhở mọi người khi giao tiếp, vấn đề nào tìm hiểu chưa thấu đáo thi không nên thể hiện quan điểm của mình vì không thể nào có được một nhận xét đúng đắn về thực tế xung quanh (hiện tượng, sự việc, sự vật, con người) nếu chưa tìm hiểu đầy đủ, kĩ càng. Muốn kết luận đúng về sự vật thì phải xem xét nó một cách toàn diện. Những hiểu biết hời hợt, nông cạn, những suy đoán mò mẫm thiếu thực tế… chỉ dẫn đến nhận thức lệch lạc, sai lầm mà thôi. 
      Trong nền Văn học Việt Nam có cả kho tàng truyền thuyết thiêng liêng hóa nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử. Những câu chuyện truyền thuyết luôn gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, đặc biệt là ở thời đại Hùng Vương. Và, nó trở thành nét đẹp Văn hóa truyền thống bao đời của người dân Việt vào dịp Tết đến xuân về. Vừa thể hiện lòng biết ơn Tổ tiên, coi trọng nghề nông vừa là để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc Văn hóa dân tộc.
                        “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ
                     Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
“Trải nghiệm gói bánh chưng” nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa, tết cổ truyền của dân tộc và khả năng khám phá, phát huy năng lực bản thân, nêu cao tinh thần đoàn kết tập thể với mục đích mang đến cho các em học sinh một sân chơi lành mạnh, những kiến thức lịch sử bổ ích của người Việt Nam. Đồng thời  giúp các em hiểu được những giá trị, phong tục cổ truyền ngày tết của dân tộc để các em tiếp tục gìn giữ và phát triển, bên cạnh đó trang bị cho các em một số kỹ năng sống cần thiết để các em có đủ tri thức, sự tự tin trong học tập và cuộc sống.
      Khép lại chương trình là tiết mục dân gian đương đại ”Bánh trôi nước” do tốp học sinh nữ lớp 9A thể hiện. Với trang phục áo yếm đậm chất truyền thống của Việt Nam, các em đã tạo dấu ấn vô cùng đặc sắc trong mắt người xem. Vũ điệu hiện đại kết hợp với nền nhạc "Bánh trôi nước" khiến màn biểu diễn trở nên đặc biệt trong lòng mọi người.
      Dư âm của buổi sinh hoạt này chắc chắn sẽ đọng lại trong sâu thẳm tâm tư, tình cảm của nhiều học sinh. Dấu ấn của nó có thể sẽ là hành trang trí tuệ dân gian vào đời của không ít học sinh, có thể sẽ là sự hướng tới cái Chân - Thiện - Mỹ, cái giá trị nhân văn muôn thưở của truyền thống dân tộc, của nhân dân Việt Nam…
      Câu lạc bộ thông qua chủ đề “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo Văn học dân gian” trong chương trình Ngữ văn 6 đã nâng cao hiểu biết cho học sinh về văn học dân gian, hình thành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tham gia và tổ chức hoạt động tập thể cho học sinh. Đồng thời, bồi dưỡng năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, giao tiếp, hợp tác cho học sinh. Học sinh được bồi dưỡng thái độ tôn trọng các giá trị văn hóa của dân tộc, biết yêu thương con người, có sự rung cảm trước những tác phẩm văn học dân gian.

Một số hình ảnh


                                Cô Nguyễn Nữ Thanh Huyền - khai mạc câu lạc bộ


                                                               Toàn cảnh tại CLB


                                                            Toàn cảnh tại CLB


                                 Em Nguyễn Mai Linh lớp 7A - dẫn chương trình


                               Một cảnh trong trích đoạn "Nỗi oan hại chuồng"


                            Một cảnh trong trích đoạn "Nỗi oan hại chuồng"


                                Một cảnh trong trích đoạn "Nỗi oan hại chuồng"


                                Một cảnh trong trích đoạn "Nỗi oan hại chuồng"


                                   Một cảnh trong trích đoạn "Nỗi oan hại chuồng"


                                           Hát "Lý cây bông" - Dân ca Nam bộ


                                         Hát "Hò bơi thuyền" - Dân ca Nghệ Tĩnh


                                    Một cảnh trong tiểu phẩm "Ếch ngồi đáy giếng"


                                  Một cảnh trong tiểu phẩm "Ếch ngồi đáy giếng"


                                             Ca khúc "Ếch ngồi đáy giếng"


                                    Một cảnh trong tiểu phẩm "Thầy bói xem voi"


                                Một cảnh trong tiểu phẩm "Thầy bói xem voi"


                                                   Trải nghiệm gói bánh chưng





                                                Tiết mục múa "Bánh trôi nước"

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập155
  • Hôm nay32,151
  • Tháng hiện tại1,031,619
  • Tổng lượt truy cập29,556,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây