Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Cuộc hội ngộ của thầy Lê Bá Khánh Trình sau 40 năm

Thứ ba - 23/07/2019 05:02
TS Lê Bá Khánh Trình đã rất xúc động khi kể lại cuộc hội ngộ bất ngờ với người chấm giải đặc biệt cho mình với lời giải độc đáo và ngắn gọn ở kỳ thi cách đây 40 năm.

Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 60 vừa diễn ra ở thành phố Bath, Vương quốc Anh đã dẫn đến cuộc hội ngộ kỳ thú của hai nhân vật trong một sự kiện thú vị xảy ra cách đây 40 năm.

Ngày 18/7 tại Vương quốc Anh, TS Lê Bá Khánh Trình, Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế năm 2019 đã có cuộc hội ngộ với GS Tony Gardiner, vị giám khảo cũ trong kỳ thi năm 1979.

Cách đây đúng 40 năm ở London, thủ đô nước Anh, Lê Bá Khánh Trình đã đoạt Huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này.

Chàng học sinh "vàng" thuở ấy tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy toán, tại khoa Toán - Tin học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM). Nhiều năm nay, TS Trình là một trong những người dẫn đội tuyển Việt Nam đi tham dự các kỳ thi Olympic Quốc tế.

GS Tony Gardiner giờ đây đã nhiều tuổi nhưng vẫn tham gia chấm hình học ở bài 2 đề thi năm nay. Còn cậu học sinh 17 tuổi ngày ấy giờ đã là vị phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự IMO.

Cuộc hội ngộ bất ngờ của thầy Lê Bá Khánh Trình sau 40 năm
TS Lê Bá Khánh Trình tại sân bay Nội Bài trưa 23/7. Ảnh: Thanh Hùng

Sáng 23/7, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với ông về kỷ niệm đáng nhớ này ngay sau khi đoàn Việt Nam đặt chân xuống sân bay Nội Bài trở về từ kỳ Olympic Toán quốc tế năm 2019:

Phóng viên: Thưa ông, khi gặp lại GS Tony Gardiner - vị giám khảo cũ trong kỳ thi năm 1979, tức là sau đến 40 năm, ông có cảm xúc như thế nào?

TS Lê Bá Khánh Trình: Ở chuyến đi năm nay, có 2 sự việc gợi lại những kỷ niệm đẹp trong tôi. Đầu tiên đó là việc gặp lại vị giáo sư, tôi rất bồi hồi và cảm động bởi quãng thời gian 40 năm là không ít. 2 con người gặp lại đúng nơi mà đã xuất phát câu chuyện khi mái tóc đã cùng bạc hết rồi. Tôi nghĩ trong bối cảnh đó thì ai cũng sẽ xúc động.

Chúng tôi đã chào nhau rất thân tình và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Sau cuộc gặp đó, nhiều đêm tôi suy nghĩ không ngờ bản thân lại may mắn đến vậy khi được gặp lại người mà trước đây mình đã từng ít nhiều có duyên nợ.

Nhưng chưa hết, tôi còn được gặp lại một người bạn nữa cùng đi thi vào năm đó và bây giờ là Trưởng đoàn của đội tuyển Ireland. Qua hỏi thông tin, ông ấy đã chủ động đi tìm tôi và rồi chúng tôi đã cùng nhau tay bắt mặt mừng. Như vậy, ở nước Anh năm nay ít nhất cũng đã có 3 người cũ được gặp lại nhau.

- Sau 40 năm, vị giám khảo quyết định “chấm” cho ông là thí sinh có lời giải đẹp có thay đổi nhiều?

Thú thực, hồi đó tôi không được biết thầy Tony Gardiner. Bởi GS chỉ chấm bài và GS cũng không biết mà chỉ thấy tôi khi lên nhận giải. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất vui mừng khi thấy ông vẫn mạnh khỏe dù năm nay đã 82 tuổi. Ông vẫn đang tham gia giảng dạy ở một trường đại học. Dù nay đã cao tuổi nhưng ông vẫn rất thích chấm thi Toán. Ông ấy vẫn hoạt động khá rộng và quan tâm đến một phong trào tổ chức thi Toán cho học sinh, sinh viên nữa.

- Ông và vị giáo sư người Anh đã trò chuyện với nhau về những gì?

Tôi cũng không ngờ gặp được ông ấy, bởi bối cảnh gặp nhau là khi đó tôi đi chấm thi. GS Tony Gardiner có thể biết đoàn Việt Nam sẽ đi qua khu vực đó nên đã đứng lại ở trước phòng chấm và chờ. Và có thể ông thấy tôi là người lớn tuổi nhất trong đoàn nên đã đến gặp tôi.

Sau đó, ông nhắc đến bài toán năm xưa. Ông cũng nhắc cả đội tuyển Việt Nam dạo đó nữa. Ông nói rằng: "Tôi nhớ bài của cậu gây ấn tượng bởi không ngờ lại có thể ngắn gọn đến như vậy. Chính vì cái bất ngờ đó đã tạo tiền đề để ban giám khảo đề nghị trao giải đặc biệt".

Sau đó, chúng tôi hỏi thăm nhau về sức khỏe và tôi cũng có tặng cho ông ấy một món quà nhỏ. Khi đó, tôi đã để quên cái áo khoác ở trong phòng và rồi người ta cầm ra thì tôi mới nói đùa với ông ấy rằng: “Tôi hy vọng cứ để áo đây 40 năm sau tôi quay lại lấy áo khoác cũng được. Và sẽ lại được gặp ông”.  

- Ông có lời mời vị giáo sư tới Việt Nam hay hẹn gặp lại ông ấy ở đâu đó trên thế giới?

Lúc đó tôi chưa kịp nói điều đó. Nói chung quá bất ngờ và xúc động nên chỉ kịp nhắc lại những kỷ niệm.

- Ông còn nhớ tại sao lúc đó mình lại có thể nghĩ ra lời giải đặc biệt không?

Sở dĩ có lời giải ngắn vậy là do trước đó tôi đọc nhầm dẫn đến hiểu sai đề. Đề cho là 2 đường tròn quay cùng chiều hay ngược chiều gì đó nhưng tôi đã đọc ngược. Sau đó tôi đã làm ra nhưng khi còn khoảng nửa tiếng đồng hồ thì mới phát hiện ra ngược đề nên trong lúc nguy cấp có thể đã tạo cho tôi một động lực để tìm cách làm gọn nhất. Và rồi xuất thần tôi cũng đã giải được.

GS Tony Gardiner cũng có kể lại cho tôi, ngày đó ban giám khảo đã tính hết các nước cho lời giải bài hình. Do đó khi đội chấm xem một lời giải quá ngắn thì đội chấm đều cười và nói rằng chắc chắn lời giải sai. Ai cũng nghĩ chắc là học sinh này làm bậy làm bạ. Nhưng sau khi xem kỹ thì họ bất ngờ và dần hiểu rằng không thể tìm ra chỗ sai. Điều mà ông ấy ấn tượng và nhớ nhất là chỗ đó. Khi đó GS Tony Gardiner là một thành viên trong nhóm chấm hình học. Và sau khi kiểm tra kỹ ông ấy đã đề xuất trao giải đặc biệt cho lời giải này.

- Nhiều năm dẫn đoàn Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế và thực tế Việt Nam cũng nhiều lần đạt kết quả tốt, có khi nào ông cảm thấy mọi thứ đã quá trở nên quen thuộc, nhàm chán hay không?

Thực ra cũng hơi cảm thấy mệt mỏi vì tuổi tác, nhưng không hề nhàm chán. Bởi mỗi năm một khác và cũng chưa năm nào tôi thấy hoàn chỉnh trọn vẹn, năm này được cái này thì chưa được cái kia, hơn đội này thì lại thua đội kia. Do đó vẫn khiến mình muốn cố gắng để năm sau sẽ làm tốt hơn năm trước. Chưa kể mỗi học sinh một vẻ và có những khả năng khác nhau và tôi cũng muốn được đi cùng với các em để cảm nhận sức trẻ trong tinh thần và ý chí.

- Ngoài quyết tâm để mang về những kết quả tốt hơn mỗi năm, ông có suy nghĩ và kỳ vọng mang đến sự phát triển cho đất nước từ các thế hệ mà mình ươm mầm?

Tôi cũng có suy nghĩ đó nhưng một mình tôi chưa chắc đã có thể làm được. Nhưng đơn giản đó là việc tạo nên một làn gió, động lực nào đó để có thể động viên các học sinh càng nhiều càng tốt.

- Giới quan sát gần đây nhìn nhận rằng, phong trào bồi dưỡng toán học mũi nhọn của các nước châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn như lần này đội tuyển Thái Lan còn xếp hạng cao hơn Việt Nam, hay trong 10 năm gần đây số năm Thái Lan vào tốp 5 các kỳ thi còn nhiều hơn Việt Nam. Ông có suy nghĩ gì về xu hướng này?

Các nước khu vực Đông Nam Á cạnh tranh nhau để vươn lên giành những vị trí cao rất khốc liệt. Bởi học sinh của họ cũng giỏi, phong trào đầu tư học sinh giỏi rất mạnh mẽ, mà họ cũng không muốn thua kém các nước khác.

Thực tế mà nói trước năm 2012 là Việt Nam thua Thái Lan về xếp hạng. Nhưng từ năm 2012 đến trước năm 2019 thì chúng ta không thua nước bạn. Kết quả năm nay kém hơn cũng là động lực đề các thầy và các học trò cùng nhau cố gắng.

- Điều gì khiến ông đến nay vẫn say sưa với sự nghiệp bồi dưỡng học sinh giỏi?

Có thể phần nào từ sở thích là trong công việc, tôi luôn muốn tìm ra những cái gì hay, sáng tạo, những gì mà khi truyền đạt cho các em cảm thấy phấn khởi, say mê. Mà học sinh hưởng ứng, say mê thì cũng khiến mình phấn khởi mà say mê theo. Chứ những điều mình truyền đạt mà học sinh chán ngán, thờ ơ hay không hợp tác thì cũng chỉ một hai năm là hết niềm say mê.

Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc cũng sẽ theo đuổi sự say mê khoảng một vài năm nữa để nhưỡng chỗ cho các lớp trẻ. Tôi cảm thấy cần dừng lại đúng lúc. Song tôi rất tự tin vào đội ngũ kế cận. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ chỉ nhìn ở Đông Nam Á để cạnh tranh nhau mà cần nhìn ra xa hơn với các cường quốc trên thế giới.

- Ông có thường xuyên liên lạc, kết nối với các thế hệ học sinh dự Olympic Toán học quốc tế hằng năm và đánh giá chung về sự nghiệp sau đó của các thành viên ra sao?

Tôi cũng giữ liên lạc và nói chung sự nghiệp sau này của các em tốt. Không chỉ môn Toán mà các học sinh là thành viên đội tuyển các môn khác thì khi ra làm việc tôi thấy đều tốt hết. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất phấn khởi bởi các em phát triển toàn diện và có thể tham gia vào nhiều công việc, lĩnh vực chứ không chỉ với lĩnh vực mình dự thi.

- Hầu hết các thí sinh dự các kỳ thi Olympic quốc tế của Việt Nam sau đó đều có ước mơ đi du học và rồi đa số ở lại và công tác ở nước ngoài. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ không có gì đáng phải lo ngại bởi ở đâu các em cũng làm việc và có cơ hội cống hiến. Chưa kể đó là một tương lai lâu dài, có thể 5, 10 năm chưa về nhưng 15 năm sau lại về nước. Tôi tin chắc chắn sau này nhiều em cũng sẽ trở về bởi nhận thấy điều kiện làm việc trong nước cũng tốt. Ngoài ra các em cũng có thể cống hiến, giúp đỡ cho nước nhà bằng cách này hoặc cách khác.

Tuy nhiên, cũng cần có những chính sách làm sao để các em thấy có sự đãi ngộ công bằng và cơ hội phát triển. Quan trọng làm sao để các em thấy có được sự thoải mái nhất trong công việc của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập398
  • Hôm nay41,717
  • Tháng hiện tại1,325,912
  • Tổng lượt truy cập39,797,059
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây