Tình bà cháu trong thơ hiện đại Việt Nam học ở THCS

Thứ sáu - 18/10/2019 23:24
Ban biên tập website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng bạn đọc bài thuyết trình chủ đề "Tình bà cháu trong thơ hiện đại Việt Nam học ở THCS" của em Phan Ngọc Hiệp – 9C tại Lễ chào cờ tuần thứ 7 năm học 2019 - 2020
      Mỗi sáng tác viết về bà đều rưng rưng xúc động, ở đó có khung trời của kí ức thơ trong sáng hồn nhiên tinh nghịch hay gian khó nhọc nhằn, có những kỉ niệm chứa chan về tình bà cháu để rồi mỗi lúc đi xa ta thường cất lên hai tiếng “Bà ơi” với biết bao cung bậc tình cảm từ lòng tự hào biết ơn vô hạn. “Bếp lửa” của Bằng Việt và ‘Tiếng gà trưa ” của Xuân Quỳnh là những bài thơ như thế.
      “Bếp lửa” được viết năm 1963 khi tác giả đang du học ở UCRAINA (Liên Xô cũ) . Trong hoàn cảnh đó, nhà thơ  nhớ về những thói quen của bà năm xưa, những kỉ niệm tuổi thơ được sống bên bà như một cuộn phim cứ từ từ hiện lên trước mặt. Bài thơ thể hiện sự biết ơn trân trọng và yêu kính bà qua những hoài niệm về một tuổi thơ nhọc nhằn gian khó.
      “Bếp lửa” là hình ảnh bình dị của mỗi gia đình Việt Nam. Đó cũng là nguồn cảm xúc  khơi gợi cho tác giả nhớ về những tháng  năm bên bà. Cuộc sống “nhọc nhằn”: đó là bóng đen ghê rợn của nạn đói năm 1945, đó là những năm “đói mòn đói mỏi”. Bà trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi che chở cưu mang . Nhớ về bà kỉ niệm cũ sống dậy “ Chỉ nhớ khói nhèm mắt cháu/ Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. Cay vì khói hay cay vì xúc động?
      Những câu thơ là kỉ niệm của một tuổi thơ được lớn lên bên bà. Bà vừa là bà,vừa là cha, vừa là mẹ, là người thầy - “ Bà dạy cháu làm bà chăm cháu học”. Bà là người đã nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp thêm nguồn tri thức cho cháu.bà cũng chính là người đã chăm sóc dạy dỗ nuôi nấng cháu nên người .
      Từ sự hồi ức về kỉ niệm , giọng thơ lắng dần theo suy ngẫm của người cháu khi hướng về bà. Bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người giữ lửa và truyền lửa - ngọn lửa của niềm tin hi vọng. Suốt đời vất vả tần tảo nhưng bà vẫn sống mạnh mẽ vẫn “đinh ninh”. Mặc “giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi” nhưng “Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh/Bố ở chiến khu bố còn việc bố? Mày có viết thư chớ kể này kể nọ/Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên”.Hình ảnh bà thật cao cả biết bao!
      Bà không chỉ giữ “thói quen dậy sớm” với đức hi sinh thầm lặng, với sự tảo tần chịu thương chịu khó mà hơn thế đó còn là một thói quen hay nói đúng hơn là sự biểu hiện thường nhật của một tâm hồn ấm áp, giàu tình yêu thương. Bà không chỉ là người nhóm bếp mỗi buổi sớm mai còn là nhóm dậy cả trong tâm hồn cháu biết bao ước mơ hoài bão.  Những câu chuyện bà kể, những lời bà khuyên, những việc bà làm đã nhẹ nhàng  đến với tâm hồn trẻ thơ trong sáng của cháu, được bà bồi đắp dần và lắng đọng thành những dấu ấn không dễ nguôi quên. Phải chăng bà là “ người thầy đầu tiên” giúp cháu lớn lên về trí tuệ, tâm hồn.
      Từ sự hồi ức về kỉ niệm rồi  suy ngẫm về bà, mạch thơ dần lắng lại như một sự thủ thỉ tâm tình với chính mình. Lòng tự dặn lòng hay đang hướng về bà nơi xa cách: “ Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu/ Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả/ Ngưng vẫn chắng lúc nào quên nhắc nhở/- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...” Điệp từ “trăm” mở ra một không gian rộng lớn với bao điều mới lạ. Nhờ bà cháu đên được một chân trời rộng mở và cũng nhờ bà cháu biết được nhiều điều thật lớn lao, mới mẻ. Niềm hạnh phúc mà cháu đang thụ hưởng chính là cả “ một mùa hoa thơm quả ngọt” mà tay bà đã vất vả vun trồng. Ở nơi xa cháu vẫn luôn khắc khoải, băn khoăn, lo lắng về bà. Trong tâm khảm của cháu bếp lửa hiện diện như  tình bà ấm nóng và bà - hình  ảnh cháu luôn nhớ mong, tha thiết hướng về. “Sớm mai này bà nhóm lửa lên chưa?” Câu hỏi tu từ cuối bài thơ là lời tự nhắc nhở hay là lời tri ân mà cháu muốn gửi về bà?
      Như vậy, với “Bếp lửa” của Bằng Việt bài thơ đã khai thác vẻ đẹp của tình bà cháu thông qua hình ảnh bếp lửa “chờn vờn sương sớm”- chập chờn trong kí ức. Nó là hình ảnh khơi nguồn cảm xúc và cũng là một cái cớ để cháu bày tỏ sự yêu kính, trân trọng và biết ơn trước sự tảo tần và đức hi sinh thầm lặng của bà.
      Với “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã mở ra cho người đọc bao cảm xúc. Trên con đường hành quân đi chiến đấu, trong những giây phút dừng chân nghỉ ngơi, người chiến sĩ bỗng nghe thấy âm thanh tiếng gà trưa - âm thanh gần gũi, quen thuộc với mỗi làng quê Việt Nam. Tiếng gà “cục cục tác cục ta” đã kéo về trong cảm xúc của người chiến sĩ một khung trời thơ mộng mà ở đó có tình yêu thương, sự tần tảo và đức  hi sinh thầm lặng của một người bà. Trong rất nhiều những kỉ niệm hồn nhiên của tuổi thơ  xoay quanh hình ảnh ổ trứng hồng và đàn gà đẹp như trong tranh có hình ảnh của người bà nghiêm khắc và đôn hậu.
      “Tiếng gà trưa” đã gọi về trong kí ức của người cháu- người chiến sĩ một không gian quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam, với tiếng quát mắng của bà khi cháu tò mò nghịch dại “Gà đẻ mà mày nhìn/ Rồi sau này lang mặt”. Đó là tình yêu thương bà dành cho cháu theo đúng  nghĩa “ thương cho roi vọt”.Tiếng quát, la rầy có  thể sẽ nhanh chóng qua đi còn sự nghiêm khắc, tận tâm rèn dạy cháu thì vẫn còn ở lại để mỗi lần nghĩ về cháu  lại có thể cười một mình về tuổi thơ ngây ngô, khờ dại...
      Nhắc đến “ Tiếng gà trưa ” có lẽ cảm động nhất vẫn là khi người chiến sĩ hồi ức về đức hi sinh và sự tần tảo của bà. Cuộc sống  luôn bộn bề với bao vất vả, khó khăn nhưng dù khó khăn đến đâu bà vẫn luôn dành cho cháu những gì tốt đẹp nhất. Bên canh hình ảnh”ổ trứng hồng”, đàn gà “mái mơ mái vàng” là hình ảnh của người bà vừa gần gũi vừa chân thực. Gần gũi bởi cứ chiều chiều bà cháu lại quấn quýt bên nhau cùng ngắm nghía đàn gà với nụ cười hồn nhiên trong trẻo của cháu, nụ cười đôn hậu của bà. Chân thực bởi trong điều kiện sống  còn nhiều khó khăn bà luôn tằn tiện “Dành từng quả chắt chiu” để nhen nhóm niềm hi vọng  “Để cuối năm bán gà cháu được quần áo mới”. Đó là món quà tuy nhỏ nhưng trong đó chứa đựng bao mồ hôi công sức cũng như tình yêu thuong vô bờ của bà. Thật giản đơn thế sao mà xúc động!
      Hình ảnh người bà trong “Bếp lửa”của Bằng Việt  và “ Tiếng gà trưa”  của Xuân Quỳnh  dù lấp lánh vẻ đẹp riêng nhưng cũng đủ sức khơi gợi  phổ quát về hình ảnh người bà, người phụ nữ Việt Nam  truyền thống nói chung. Đó là những con người giàu đức  hi sinh, sống gần gũi tình nghĩa, nhân ái bao dung.
      Cả hai thi phẩm  đều thể hiện vẻ đẹp  của tình bà cháu thắm thiết, sâu nặng nhưng mỗi bài vẫn có sức hấp dẫn riêng. Bài “Bếp Lửa” có sự đan xen hòa quyện giữa tình bà cháu. Hình ảnh người bà xuyên suốt bài thơ cung hình tượng bếp lửa gợi cho tác giả bao cảm xúc. Từ tình cảm cụ thể - tình bà cháu , Bếp Lửa còn khơi gợi một tình cảm rộng lớn hơn- tình yêu quê hương, đất nước.  Với bài “ Tiếng gà trưa” ngoài hình ảnh người bà và kỉ niệm gắn với bà “Tiếng gà trưa” còn mở ra và kéo về trong tâm trí người đọc cả một khung trời kỉ niệm. Tình cảm trong bài thơ ở phần cuối đi từ khái quát đến cụ thể : “Cháu chiến đấu hôm nay/Vì lòng yêu Tổ quốc/Vì xóm làng thân thuộc/Bà ơi, cũng vì bà/Vì tiếng gà cục tác/Ổ trứng hồng tuổi thơ”. Chính tình yêu gia đình và  những gì bình dị thân thuộc của cuộc sống đã làm sâu sắc thêm tình yêuquê hương đất nước.
      Từ những thi phẩm về hình ảnh người bà có thể chúng ta đã bắt gặp mình ở trong đó. Có người đã sống với bà từ nhỏ đến lớn, đã quen với những lời ru à ơi, những câu chuyện cổ tích gắn liền với thời thơ ấu. Thuở nhỏ chúng ta đã được bà nuôi dưỡng, chăm sóc nên người ... Khi nhìn lại chỉ thấy bà buồn,  bà vất vả  mà chúng ta có lẽ đã vô tâm không nhìn thấy được sự lặng lẽ hi sinh của bà...  Để rồi “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi” ( Đò Lèn - Nguyễn Duy) Câu thơ chứa bao nỗi niểm.... Như một lời hối lỗi, ăn năn muộn màng vì thương nhớ đến bà ...Đọc những tác phẩm viết về bà  tôi lại nghĩ đến người bà hiền hậu của mình. Bà đã tần tảo, nuôi nấng chị em tôi trong những ngày bố mẹ đi làm xa... Tôi tự nhủ sẽ giúp đỡ bà nhiều hơn, thường xuyên chia sẻ những tâm sự cùng bà để bà sống vui hơn, vơi bớt sự lo âu, vất vả hơn.. để sống mãi với chúng tôi.
      Hình ảnh bà mãi mãi là hình ảnh đẹp khơi nguồn sáng tạo cho thơ ca.  Viết về bà với những cảm xúc chân thành thiết tha đó là điều các tác giả muốn bày tỏ, kính dâng lên bà yêu kính.

 

Tác giả bài viết: Phan Ngọc Hiệp - 9C

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập130
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm128
  • Hôm nay16,425
  • Tháng hiện tại778,071
  • Tổng lượt truy cập29,303,445
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây