Làm thế nào để học môn Lịch sử trở nên thú vị, hiệu quả
Thứ ba - 08/10/2019 03:43
Ban biên tập website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng bạn đọc bài thuyết trình chủ đề "Làm thế nào để học môn Lịch sử trở nên thú vị, hiệu quả" của em Nguyễn Thị Hằng Vy, Lê Phan Mai Linh lớp 8B tại Lễ chào cờ tuần thứ 6 năm học 2019 - 2020
Bác Hồ từng nói “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thế nhưng, thực trạng việc học lịch sử hiện nay trong nhà trường phổ thông đang trở thành một vấn đề “nóng”, nhận được sự quan tâm của xã hội. Tại sao lại thế ?
Chúng ta hãy thực hiện một cuộc khảo sát ngắn. Nếu bạn đến bất kì một lớp học nào trong giờ lịch sử, bạn sẽ thấy tình trạng học uể oải, không tập trung, ghi chép cho có, không nghe và nhớ được cô giáo đang giảng gì là khá phổ biến. Thậm chí ta còn nghe không ít những lời phàn nàn theo kiểu “Chán như con gián”, “Tiết học gây mê”, “Ma trận của những con số bất quy tắc không tài nào nhớ nổi”… Và thường thì đi kèm với những lời than phiền cũng là những mong ước vô cùng thực tế: Giá như học sử cũng được xem phim như cổ trang Trung Quốc; giá như học sử không chỉ là những con số, giá như lịch sử được tái hiện qua những câu chuyện, giá như…vv. Và từ thực trạng trên ta được nghe những thông số giật mình nhưng không bất ngờ: Điểm thi môn lịch sử ở các trường THPT trong năm 2019 có 70 % bài thi dưới điểm trung bình, số học sinh điểm liệt lên đến 395 thí sinh; điểm trung bình môn lịch sử kì thi THPT năm 2018 là 3,79. Thực trạng trên khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: “Tại sao học sinh lại quay lưng với môn lịch sử như vậy ?”.
Theo tôi, trước hết chúng ta phải xem xét cách nhìn của xã hội, nhất là của các bậc phụ huynh về việc học các môn xã hội nói chung và việc học lịch sử nói riêng. Theo quan niệm của đa số phụ huynh, việc học gắn liền với việc chọn nghề, tìm việc làm. Mà học các môn xã hội, học lịch sử lại quá ít cơ hội cho việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Vì thế nên họ chỉ đầu tư cho con học toán, lý, tiếng anh, v.v… theo quy luật thi gì học nấy mà không quan tâm đến việc học môn lịch sử.
Mặt khác một thực tế khách quan đến từ cuốn sách giáo khoa lịch sử hiện hành ở tất cả các cấp học là quá đặt nặng kiến thức với đầy ắp các sự kiện, các con số, các mốc thời gian… nên thiếu sức hấp dẫn, thú vị, không thu hút được sự quan tâm của học trò.
Và một nguyên nhân quan trọng khiến học sinh không thiết tha với việc học lịch sử, thậm chí bài xích việc học môn này do quá chán. Mà đã chán thì kéo theo lười, phá rối, nói chuyện riêng…dẫn đến không có gì trong đầu về lịch sử, dẫn đến tạo áp lực cho giáo viên giảng dạy bộ môn này.
Nguyên nhân tiếp theo có lẽ đến từ cách lên lớp môn lịch sử. Một thực tế đang diễn ra khá phổ biến là việc giảng dạy môn lịch sử hiện nay chỉ mới theo hướng tiếp cận nội dung chứ không phải bằng phương pháp tiếp cận năng lực người học cùng với việc ứng dụng những hình thức dạy học hiện đại cũng như tiếp cận các phương tiện công nghệ hiện đại. Việc học lich sử chỉ mới là cung cấp những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, yêu cầu về việc học thuộc, ghi nhớ chứ không phải theo tư duy logic…Những điều này có lẽ cũng khiến cho không ít bạn thấy giờ học lịch sử là những tiết gây mê dài dằng dặc.
Vậy vấn đề của chúng ta đặt ra là làm thế nào để việc học lịch sử trở nên thú vị, hiệu quả ?
Theo tôi, sự thay đổi bắt đầu từ bản thân của chúng ta! Trước hết ta hay thay đổi quan niệm của bản thân, cố gắng tìm hiểu và phát hiện ra những điều thú vị từ việc học lịch sử, bởi, không có bất kì môn học nào là nhàm chán cả. Này nhé! Lịch sử giúp ta hình dung về những điều diễn ra trong quá khứ với bao sự kiện, câu chuyện, điển tích…; lịch sử kết nối quá khứ với hiện tại, là điểm tựa cho hiện tại và tương lai…Khi xác định được những điều bổ ích từ việc học, biết lịch sử sẽ là tiền đề cho việc học lịch sử trở nên thú vị.
Mặt khác, tại sao bạn không thay đổi cách học môn lịch sử nhỉ? Hãy thử làm thế này xem! Khi học lịch sử, thay vì cứ chăm chăm cố nhớ mấy con số khô khan, bất quy tắc, bạn hãy gắn cho những con số, những địa danh, những sự kiện với các câu chuyện, các bộ phim tư liệu.. cụ thể. Ví dụ như khi bạn phải nhớ mốc thời gian năm 1258- cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông- Nguyên lần thứ 2, bạn hãy tìm đọc những câu chuyện xung quanh sự kiện đó như chuyện Trần Hưng Đạo viết Hịch tướng sĩ, rồi Hội nghị Diên Hồng, hay Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Trần Quốc Toản…Hay khi bạn học về trận Điện Biên Phủ thì còn gì thuyết phục hơn nếu bạn sưu tầm và xem bộ phim tài liệu về chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu..v..v.. Bạn có thể hỏi tôi những tư liệu đó ở đâu, xin thưa trên In-ter-net. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, nếu chúng ta biết ứng dụng các trang mạng xã hội phục vụ cho việc học thì chắc chắn học tập sẽ trở nên hiệu quả hơn nhiều.
Một cách nữa để học lịch sử hiệu quả là học theo sơ đồ tư duy. Thay vì nhớ các sự kiện, mốc thời gian một cách máy móc, riêng rẻ, chúng ta hãy kết nối chúng với nhau theo một chuỗi nhất định, rồi lập bản đồ tư duy như sơ đồ cây, sơ đồ cột….từ đó phân tích, nhận xét, đánh giá…và rút ra ý nghĩa, bài học.
Và song song với sự thay đổi nhận thức, cách học của chúng ta, mong muốn rằng, từ phía các nhà soạn sách sẽ cố gắng biên soạn được những cuốn sách lịch sử một cách khoa học hơn, thú vị hơn, tránh ôm đồm quá nhiều kiến thức trong những trang sách dày đặc số và chữ. Cùng với sự thay đổi của sách giáo khoa, chúng em cũng mong muốn các thầy cô dạy môn lịch sử sẽ áp dụng thêm những phương pháp dạy học hấp dẫn, mới mẻ, kích thích hứng thú cho giờ học. Chúng em cũng rất mong muốn được thầy cô hướng dẫn, tư vấn cho chúng em tìm tòi thêm những kiến thức thú vị trên các trang mạng…để việc học của chúng em sẽ thêm tích cực và hiệu quả. Và nếu có thể, thầy cô cũng có thể rút gọn bài học thật khoa học, chặt chẽ để vừa đảm bảo được kiến thức, vừa dễ nhớ, dễ thuộc.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về cách học lịch sử để môn học trở nên thú vị .. Các bạn hãy thử làm theo, tôi nghĩ những tiết học lịch sử sẽ là những tiết học vui vẻ và hiệu quả.
Từ việc trình bày những giải pháp, đề xuất để việc học lịch sử trở nên thú vị, theo tôi, nó không chỉ được áp dụng cho môn lịch sử mà cũng có thể được áp dụng cho những môn học khác. Và việc học của chúng ta không phải chỉ diễn ra trong một chặng đường, theo một mốc thời gian cụ thể mà được thực hiện suốt đời như Lenin từng nói “Học, học nữa học mãi”. Hưởng ứng việc phát động phong trào học tập suốt đời, chúng ta, những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ cố gắng chăm chỉ tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng, hoàn thiện nhân cách. Và việc học của chúng ta không chỉ học ở trường từ thầy cô mà còn là chặng đường tự học từ bạn bè, từ sách vở, từ cuộc sống. Tôi tin, khi chúng ta hiểu ý nghĩa của việc học tập suốt đời là chúng ta đang tạo tiền đề cho những thành công trong tương lai.
Nguyễn Thị Hằng Vy - 8B
Lê Phan Mai Linh - 8B
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hằng Vy, Lê Phan Mai Linh - 8B