Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Nguyễn Du trên quê hương Khuất Nguyên

Thứ bảy - 20/07/2019 09:10
Nguyễn Du đi qua nước Sở, quê hương Khuất Nguyên nhiều lần. Năm 1788- 1790 trong thời tuổi trẻ đi giang hồ Trung Quốc lượt đi và về và năm 1813-1814 làm Chánh Sứ sang Bắc Kinh ...
Nguyễn Du đi qua nước Sở, quê hương Khuất Nguyên nhiều lần. Năm 1788- 1790 trong thờituổi trẻ đi giang hồ Trung Quốc lượt đi và về và năm 1813-1814 làm Chánh Sứ sang Bắc Kinh lượt đi và về đều đi theo sông Tương từ Quảng Tây qua Động Đình Hồ đến Hán Dương vàngược lại.Khuất Nguyên sống thời Chiến Quốc (390-278 trước Công nguyên) khi 12 nước lớn thời Xuân Thu đã hợp thành 7 nước lớn, tranh chấp quyền bính nhằm thống nhất Trung Quốc. Nước Sở của Khuất Nguyên, từng là một xứ sở hùng mạnh đang bước vào thời kỳ suy vong. Khuất Nguyên nhà tư tưởng và chính trị lớn đương thời được Sở Hoài Vương trọng dụng phong làm TảĐồ, một chức quan thân cận với nhà vua nắm quyền Thủ Tướng, nhưng các chủ trương cải cách chính trị ông ngày một mâu thuẩn với quyền lợi các quan đại thần trong triều: Thượng quan đại phu Cần Thương, Lệnh doãn Tử Lan, Tư mã Tử Tiêu, Nam Hoàng hậu của Hoài Vương Trịnh Tụ.. lập mưu dèm pha Khuất Nguyên hiểm độc. Vua Sở Hoài Vương ngu muội và bất lực dần dần xa lánh Khuất Nguyên, thậm chí còn bắt ông đi đày. Trải qua 20 năm phiêu bạt. Khuất Nguyên vẫn trung thành với lý tưởng của mình, không khoan nhượng, thoả hiệp với gian thần. Ông cũng không rời xa tổ quốc nước Sở, ngược lại ông ngày càng tha thiết với nguyện vọng, nỗi khổ nhân dân. Thi ca ông thoát lên tận đáy lòng, nỗi khổ đau của đất nước và nỗi bất hạnh của mình, nhìn đất nước ngày một suy sụp lụn bại. Từ khi bị triều đình ruồng bỏ ông viết Ly tao, Cửu chương, Cửu ca, Thiên vấn.. Những vần thơ hùng tráng tuyệt tác Ly tao dài 373 câu, 2473 chữ là thiên trường ca đầu tiên lớn nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ly Tao là tác phẩm tiêu biểu của Khuất Nguyên. Ban Cố đời Hán giải thíchxxx xxx: Ly là gặp phải, Tao là lo âu. Tư Mã Thiên cũng nói Ly Tao là ly ưu. Thơ Ly Tao mở đầu cho loại Sở từ cho các tác giả nối theo Khuất Nguyên như Tống Ngọc, Cảnh Sai, Đường Lặc.. Nếu Khuất Nguyên không bị đi đày thì ông sẽ không viết thơ Ly tao nối theo Kinh Thi, Quốc phong thời Xuân Thu do Khổng Tử san định. Mã Mậu Nguyên gọi đây là ngọn hải đăng rực rỡ rọi sáng con đường phát triển thi ca Trung Quốc hai ngàn năm nay. Vua Sở Hoài Vương bị nhà Tần dụ dỗ bắt làm tù binh, chết trong nhà tù nước Tần. Con trai Sở Hoài Vương là Khoảnh Tương Vương kế vị lại còn ngu muội hơn cha, năm 278 trước Công nguyên, đại tướng Bạch Khởi nhà Tần chỉ huy công phá Sính đô, kinh thành nước Sở, thiêu hủy lăng mộ các triều đại nước Sở, cơ đồ nước Sở hoàn toàn sụp đổ. Lúc này Khuất Nguyên 62 tuổi, trước quang cảnh đất nước điêu linh, ông trút niềm uất hận vào bài Ai sinh và trước khi chết lại viết Hoài sa. Ngày mùng năm tháng năm 278 trước Công nguyên nhà thơ Khuất Nguyên tự vẫn, cột đá trầm mình trên dòng sông Mịch La thuộc tỉnh Hồ Nam vào giữ trưa giờ ngọ. Từ đó nhân dân tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5, dân chúng có phong tục bơi thuyền rồng trên sông, ném bánh gói lá xuống sông mong giao long ăn bánh mà chớ rỉa xác Khuất Nguyên. Khuất Nguyên được xem là thủy tổ của văn học chữ Hán. Ly Tao trở thành tiếng gọi chung của thi ca. Khuất Nguyễn được tôn vinh là nhà văn lớn nhất trong 10 nhà văn lớn Trung Quốc. Năm 1953 kỷ niệm 2230 ngày mất Khuất Nguyên, Hội Đồng Hòa Bình Thế Giới đã thông qua quyết nghị xác định Khuất Nguyên là Nhân Vật Văn Hóa Thế Giới và kỷ niệm ông.
Nguyễn Du có nhiều bài thơ nhắc đến Khuất NguyênTrong Bắc Hành tạp lục có bài :
Tương Đàm điếu Tam Lư Đại Phu (2 bài)
Tương Âm dạ
Phản Chiêu Hồn
Bác Giả Nghị
Trường Sa Giả Thái phó.
Ngũ nguyệt quan cạnh độ
Thương Ngô crúc chi ca.
NGUYỄN DU ĐẾN TƯƠNG ĐÀM VIẾNG TAM LƯ ĐẠI PHU
Nguyễn Du đến huyện Tương Đàm thuộc tỉnh Hồ Nam thời đi giang hồ năm 1789 vào tháng 5, lúc có đua thuyền kỷ niệm tết Đoan Ngọ và lúc đi sứ năm 1813 lại qua đây vào tháng 7, bài thơ Đến Tương Đàm viếng Tam Lư Đại Phu có câu: Chỉ thấy gió thu thổi lá rụng trên sông Nguyên Tương, chứng tỏ bài thơ này làm vào mùa thu lúc đi sứ năm 1813.. Nơi đây Nguyễn Du làm thơ điếu Khuất Nguyên. Tam Lư Đại Phu, chức chưởng quản các quan thuộc vương tộc nước Sở (họ Cảnh, họ Chiêu, họ Khuất). Khuất Nguyên cũng là người của vương tộc nưóc Sở. Khuất Nguyên là bậc hiền lương, hiếu tu nhân, người sửa sang các đức tính tốt. Đã hai nghìn năm bậc hiền lương đã qua đời. Đất này còn thoang thoảng mùi hoa lan, hoa chỉ. Bị đuổi xa tổ quốc ba năm đau buồn. Muôn đời Sở Từ của ông vẫn là áng văn chương tuyệt tác. Trên sông đầy cá rồng, nắm xương tàn không còn nữa. Bên bãi cỏ sông chòm đỗ nhược có thêm những giống hoa thơm. Nhìn hết tầm mắt đau lòng vì chẳng biết dấu tích cũ nơi nào. Chỉ thấy gió thu thổi lá rụng trên sông Nguyên Tương.
Hồn oan người nước Sở chôn vùi tại chốn này đây. Trông vời khói sóng mênh mông, chẳng biết bờ bến. Ví ông được vua Sở Hoài Vương tiếp tục trọng dụng ban hiến lệnh trong thiên hạ. Thì làm gì có tác phẩm Ly Tao của ông nối tiếp Kinh Thi. Nghìn xưa có ai thương người tỉnh táo. Bốn phương có chốn nào gửi lòng cô trung. Đời nay trang phục ham điều lạ, có đeo hoa tiêu, hoa lan nhưng chẳng giống ông chút nào.
ĐẾN TƯƠNG ĐÀM
VIẾNG TAM LƯ ĐẠI PHU
I
Hai nghìn năm khuất bậc hiền nhân, 
Thoang thoảng nơi này hương chỉ lan. 
Tổ quốc ba năm buồn bị đuổi, 
Sở từ vạn thuở tiếng văn chương. 
Cá rồng sông đó xương tàn mất 
Đỗ nhược bên bờ cỏ vẫn thơm. 
Hút mắt lòng đau nhà chẳng thấy 
Gió thu lá rụng vượt Nguyên Tương. 

 

I I
Nước Sở hồn oan tán giữa dòng, 
Mắt mòn trông khói sóng mênh mông. 
Ví ban được lệnh trong thiên hạ, 
Nào có Ly tao nối Quốc phong ? 
Nghìn thuở ai thương người một tỉnh. 
Bốn phương ai gửi nỗi lòng trong. 
Đời nay trang phục ham điều lạ 
Đeo một cành lan chẳng giống cùng.

Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TƯƠNG ĐÀM ĐIẾU TAM LƯ ĐẠI PHU
I
Hiếu tu nhân khứ nhị thiên tải, 
Thử địa do văn lan chỉ hương. 
Tông quốc tam niên bi phóng trục, 
Sở từ vạn cổ thiện văn chương. 
Ngư long giang thượng vô tàn cốt, 
Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương. 
Cực mục thương tâm hà xứ thị, 
Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương.

I I
Sở quốc oan hồn tán thử trung, 
Yên ba nhất vọng diểu hà cùng. 
Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ, 
Hà hữu Ly tao kế Quốc phong ? 
Thiên cổ thùy nhân liên độc tỉnh, 
Tứ phương hà xứ thác cô trung ? 
Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục, 
Sở bội tiêu lan cánh bất đồng.

Sông Tương, chi nhánh chính của sông Trường Giang (Dương Tử) dài 856 km phát nguồn từLâm Quý huyện Hưng An tỉnh Quảng Tây, chảy về phía bắc đến huyện Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam, có sông Tiêu, chảy vào nên gọi là sông Tiêu Tương, chảy về đông bắc hợp với sông Chung ( Liên Thủy), ở huyện Hành Dương thành sông Chung Tương, lại chảy về bắc, khúc hạ lưu hợp với sông Nguyên mà thành sông Nguyên Tương, chảy ra Hồ Động Đình cả ba gọi là Tam Tương. Sông Tương là con đường thủy tiện lợi đi từ Quảng Tây đến Hồ Động Đình vào Trường Giang. Kinh Thi có câu: Quân tại Tương giang đầu,Thiếp tại Tương giang vĩ, Tương giang bất tương kiến, Đồng ẩm Tương giang thủy. Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương, Sông Tương không gặp mặt, Cùng uống nước sông Tương. Sông Tương là nguồn cảm hứng cho nhiều thi ca Trung Quốc và Việt Nam. Có nhiều thành phố lớn trên con đường này: Toàn Châu, Vĩnh Châu, Lỗi Châu, Hành Dương, Trường Sa, Tương Âm, Nhạc Dương, Vũ Hán..Các sứ đoàn Việt Nam triều cống thường dùng con sông này đi một mạch vào Hồ Động Đình rồi lại theo đường sông Trường Giang(sông Dương Tử) đến sông Giang Hán, nếu đi Tràng An thì ngược sông Hán. Thành phố Vũ Hán thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ( ngày nay hơn 9 triệu dân) Sông Dương Tử và sông Hán, chia thành phố làm 3 khu: Vũ Xương, Hán Khẩu, Hán Dương, nơi đây có Hoàng Hạc Lâu. Ngày xưa chưa có xây cầu, đi đường thủy tiện lợi, khỏi chuyển vận đồ cống phẩm xuống sông đi thuyền rồi lại lên xe ngựa, mỗi lần qua sông là mất cả ngày. Đi xuôi dòng sông Tương, chèo và buồm đi theo dòng nước, nhưng đi ngược dòng thì chèo vất vả, đó là lý do ngày xưa đi sứ từ Nam Quan, ở lại Bắc Kinh chỉ 20 ngày mà Nguyễn Du mất 12 tháng rưỡi.. Đi đường Bắc Kinh từ Vũ Hán phải đi đường bộ phải qua sông Hoàng Hà, sông Dịch Thủy... Hoặc phải đi xuôi dòng sông Hán bắt đường Kênh Đại Vận Hà từ Hàng Châu đến Thiên Tân, Bắc Kinh thủy trình dài 1800 km. Trên sông Tương và kênh Đại Vận Hà từ thế kỷ thứ 5, thuyền buôn tấp nập. Khi đi giang hồ Nguyễn Du đã thành nhà sư Chí Hiên, đội mũ vàng đi nhờ các thuyền buôn : Giang Nam, Giang Bắc nhất nang không Giang Bắc, Giang Nam một túi không; Lữ thực giang tân hựu hải tân, Hết ở ăn nhờ biển đến sông; Vạn lý hoàng quan tương mộ cảnh, Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế( bài Mạn Hứng). Đến nơi có chùa, thắng cảnh Nguyễn Du xin vào trú tạm và tụng Kinh Kim Cương làm công quả để được bữa ăn rau đậu nhàchùa. Ngã độc Kim Cương thiên biến linh. Tôi tụng Kinh Kim Cương nghìn lượt. (bài Phân Kinh thạch đài) Mỗi ngày tụng một lần Nguyễn Du đã tụng kinh Kim Cương trong ba năm..
Bài Tương Âm dạ, Đêm ở Tương Âm, một huyện thuộc tỉnh Hà Nam quảng sông Tương này gần với sông Mịch La nơi Khuất Nguyên trầm mình, Nguyễn Du nhớ đến Khuất Nguyên: Đầy mắt toàn là sắc thu, khắp sông nơi nào cũng ánh trăng sáng. Đêm nay vời trông khung cảnh hiu quạnh. Chạnh nhớ Khuất Nguyên người xưa bị giáng chức lưu đày. Nước thu từ phía Tây đổ lại. Mênh mang thông với Hồ Động Đình. Đêm yên tỉnh thôi đừng ngâm nga nữa, chớ làm cho loài giao long kiếp sợ nhốn nháo khiến cho hồn Khuất Nguyên không yên được.
ĐÊM Ở TƯƠNG ÂM
Sắc thu đầy đôi mắt, 
Khắp sông ánh trăng đầy. 
Đêm quạnh hiu cảnh vắng, 
Nhớ người xưa lưu đày. 
Nước thu hướng Tây đến, 
Mênh mang thông Động Đình. 
Đêm quạnh đừng ngâm nữa, 
Kẻo kinh hồn giao long.

Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TƯƠNG ÂM DẠ
Mãn mục giai thu sắc, 
Mãn gian giai nguyệt minh. 
Tịch liêu kim dạ vọng, 
Thiên trích cổ nhân tình. 
Thu thủy tòng tây lai, 
Mang nhiên thông Động Đình. 
Tỉnh dạ túc ngâm khiếu, 
Vô sử giao long kinh.

NGUYỄN DU BÁC BÀI CHIÊU HỒN CỦA TỐNG NGỌC
Tống Ngọc là học trò Khuất Nguyên người nước Sở thời Chiến Quốc, đẹp trai, lãng mạn và đa tình viết: Chiêu hồn, Đại chiêu, Cửu biện, Đang đồ tử hiếu, Sắc phú, Cao đường phú.. Trong Kiều có câu Sớm đưa Tống Ngọc sớm tìm Tràng Khanh. Tràng Khanh là Tư Mã Tương Như. Tương truyền một lần vua Sở hỏi Tống Ngọc:
-" Tiên sinh hẳn có khuyết điểm trong tính hạnh nên trong nước không mấy người khen, phải thế chăng ?". Tống Ngọc đáp
-" Trong nước không có ai khen, hạ thần thực lấy làm vẻ vang. Khi xưa ở kinh đô có một nhà ca nhạc trứ danh (Sư Khoáng). Buổi đầu hát "Hạ lý bá nhân" cả thiên hạ đều nức nở khen hay. Rồi đến khúc "Dương a hệ lộ" thì người khen chỉ còn vài trăm. Lại hát khúc "Dương xuân bạch tuyết" thì chỉ còn mười người bằng lòng. Vì khúc hát càng hay, người hiểu càng ít. Chim phụng hoàng giương cánh bay chín tầng mây, dọc ngang trong cõi mênh mông vô tận, chim én đậu ở hàng rào, không cùng đi không biết đất trời rộng thế nào nên chê chim phụng là ăn nói lung tung. Cá côn dậy sớm ở Côn Lôn, trưa nằm vườn non Kiệt Thạch, tối bơi tới biển Mạnh Trư. Cá chép ở chốn ao tù không cùng cá côn biết sông biển rộng lớn thế nào nên chê cá côn là hiếu sự. Người tài, tư tưởng càng cao, tính hạnh càng quý, thì càng ít người biết đến. Cho nên lời chê trong thiên hạ, hạ thần xin nhận và mong thiên hạ ngày càng chê thêm mãi lên."
Chiêu hồn là một bài từ của Tống Ngọc, làm để viếng Khuất Nguyên. Trong bài tựa có nói Tống Ngọc thương Khuất Nguyên hồn phách sắp tiêu tan, nên làm bài Chiêu Hồn để gọi hồn về.
"Hồn hỡi hồn về đây đừng ra bể Đông. 
Ở đó hàng chục mặt trời làm chảy đá, chảy kim loại. 
Hồn sẽ tiêu tan thành nước, đừng tin cậy vùng đó. 
Hồn hỡi hồn về đây, đừng đi về hướng Tây. 
Cát mềm ngàn dậm sa mạc mênh mông. 
Ngũ cốc không mọc, sông hồ cạn queo. 
Hồn sẽ bị đốt chóng khô, nên tránh hướng đó. 
Hồn hỡi hồn về đây đừng lên miền Bắc, 
Băng giá như núi, tuyết phủ ngàn dậm, 
Hồn hỡi hồn về đây đừng xuống phương Nam, 
Đó là xứ rắn mãng xà vương khổng lồ, 
Bọn xâm trán, bọn răng đen sẽ ăn thịt, 
Hồn để cúng tế, nấu xương hồn làm canh."

Nguyễn Du từ xứ " Nam Di ", nơi " xâm mình, và ăn trầu, răng đen, giết người hồn để cúng tế, nấu xương làm canh ?" đọc bài phú Tống Ngọc hẵn phải bật cười. Nguyễn Du làm bài Phản Chiêu Hồn để bác lại bài của Tống Ngọc, khuyên hồn Khuất Nguyên không nên trở về cõi trần đầy kẻ gian ác. Người đời sau đầy Thượng Quan, đâu cũng là sông Mịch La. Nguyễn Du viết : Hồn ơi hồn, sao hồn không về. Đông, Tây, Nam, Bắc không có nơi nào nương tựa. Lên trời xuống đất đều không được. Còn trở về thành Yên, thành Dĩnh (hay Sính) để làm gì ! Thành quách vẫn như cũ nhưng nhân dân đã khác rồi. Bụi cuốn mịt mù bẩn cả quần áo. Khi đi ra đường thì giong ruổi xe, khi ngồi trong nhà thì vênh váo. Họ đứng ngồi bàn tán như ông Cao, ông Quì . Cao Dao và Quì hai vị hiền thần đời vua Ngu Thuấn. Họ che giấu nanh vuốt và nọc độc. Nhưng cắn xé người ngọt xớt như đường. Hồn không thấy mấy trăm châu ở Hồ Nam đó sao ? Chỉ có những người gầy gò không ai béo tốt. Hồn ơi hồn ơi nếu cứ theo đường đó. Thì sau Tam Hoàng ( Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế) ba vị vua cổ nhất Trung Quốc không còn hợp thời nữa. Hãy sớm thu tinh thần trở lại cõi Thái Cực, cõi cùng cực vũ trụ bao la. Đừng trở về đây nữa mà người ta mai mỉa. Đời sau người đời đều là Thượng Quan. Quan Ngân Thượng kẻ dèm pha Sở Hoài Vương dèm bỏ Khuất Nguyên. Mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La. Cá rồng chẳng nuốt, thì hùm sói cũng ăn. Hồn ơi, hồn ơi, hồn làm thế nào ?
Bài này Nguyễn Du làm lúc đi giang hồ năm 22 tuổi, nhà thơ mang tâm sự đi xa Thăng Long, không nơi nương tựa, chưa muốn về chốn cũ, vì chưa biết tin anh Nguyễn Nể. Cảnh và người từ sau khi nhà Lê, Trịnh sụp đỗ năm 1786 đã đổi khác. Hai anh Nguyễn Khản, Nguyễn Điều mất. Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn về một thời làm mưa làm gió, bị Vũ Văn Nhậm phanh thây. Nguyễn Du sau khởi nghĩa cùng Nguyễn Đăng Tiến tại Tư Nông, Thái Nguyên thất bại, được tướng Tây Sơn Vũ Văn Nhậm tha chết, đi Vân Nam rồi đi giang hồ Trung Quốc.. Tình hình Trung Quốc cũng chẳng yên. Do cuộc chiến tranh, để cung ứng gần 300 ngàn quân Tôn Sĩ Nghị, dân chúng Trung Quốc phải đóng góp thóc lúa, nuôi ngựa, nuôi lính viễn chinh, nên đời sống cơ cực nghèo đói gầy gò, phả iăn phân nửa cám, không ai béo tốt. Thời thế trong giai đoạn này từ Việt Nam sang đến Trung Quốc, Nguyễn Du thấy đâu đâu cũng là sông Mịch La. Khi làm quan dưới triều Gia Long thời thế đã ổn định, kỷ cương, Nguyễn Du ra làm quan thăng tiến nhanh chóng, được trọng dụng, Nguyễn Du hẳn sẽ không viết : thấy mặt đất nào đâu đâu cũng làsông Mịch La.
PHẢN CHIÊU HỒN
Sao không về hỡi hồn ! ơi hồn!. 
Đông, Tây, Nam, Bắc không nơi tựa. 
Lên trời xuống đất không xong nữa. 
Thành Yên, thành Sính về làm chi. 
Lòng dân đã khác thành nguyên y, 
Bẩn cả áo quần mờ mịt bụi, 
Nhà ngồi vênh váo, xe rong ruổi., 
Lên mặt Cao, Quỳ, bàn đứng ngồi. 
Họ che nanh vuốt nọc độc thôi. 
Cắn xé thịt người nhai ngọt xớt, 
Hồ Nam trăm châu thấy có được ? 
Người sống gầy gò ai béo phì ? 
Hồn ơi cứ theo đường ấy đi. 
Sau Tam Hoàng thói đời chẳng hợp, 
Hãy sớm thu hồn vô thái cực. 
Đừng về đây nữa người mỉa mai. 
Thượng Quan một lũ đời tương lai. 
Mặt đất, đâu đâu cũng sông Mịch. 
Hùm sói chẳng ăn, rồng cá nuốt 
Hồn ơi, hồn ơi làm thế nào ?

Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
PHẢN CHIÊU HỒN (NGUYỄN DU)
Hồn hề ! hồn hề ! hồ bất qui ? 
Đông, Tây, Nam, Bắc vô sở y. 
Thướng thiên há địa giai bất khả, 
Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi ? 
Thành quách do thị, nhân dân phi. 
Trần ai cổn cổn ô nhân y. 
Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa. 
Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quì. 
Bất lộ trảo nha dữ giác độc, 
Giảo tước nhân nhục cam như di ! 
Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu. 
Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì. 
Hồn hề! hồn hề! suất thử đạo, 
Tam hoàng chi hậu phi kỳ thì. 
Tảo liễm tinh thần phản thái cực, 
Thận vật tái phản linh nhân xi. 
Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan, 
Địa địa xứ xứ giai Mịch La. 
Ngư long bất thực, sài hổ thực, 
Hồn hề ! hồn hề nại hồn hà ?

NGUYỄN DU BÁC BỎ LUẬN ĐIỂM GIẢ NGHỊ
Giả Nghị (200-168 trước công nguyên) người Lạc Dương (nay thuộc Hà Nam). Là một nhà từ phú và chính luận nổi tiếng thời Tây Hán. Ngoài hai mươi tuổi làm Bác Sĩ (người thông hiểu sử sự cổ kim, làm quan cố vấn cho nhà vua) không đầy một năm, thăng lên làm Thái Trung Đại Phu (đảm nhiệm chức quan nghị luận, ngự sử). Nhân đó nhiều lần dâng vua nghị luận chính trị đương thời, đề xuất chủ trương cải cách, bị các quý tộc, đại thần bài xích, bị biếm đẩy ra khỏi triều đình làm Thái Phó Trường Sa, sau chuyển làm Thái Phó Lương Hoài. Bất đắc chí chết năm 33 tuổi. Ông giỏi từ phú, sành tản văn, nổi tiếng nhất có bài Quá Tấn luận. Khi qua sông Tương ông có làm bài phú viếng Khuất Nguyên. Trong bài phú có câu: Lịch cửu châu nhi tướng quân hề, hà tất hoài thử đô dã.(Trải chín châu mà tìm vua, hà tất ôm lấy cố đô ấy) . Có ý chê Khuất Nguyên. Nguyễn Du bác ý ấy của Giả Nghị cho rằng: trung thần không thờ hai vua, liệt nữ không thờ hai chồng, lẽ đâu đi tìm vua ở chín châu. Nguyễn Du tự cho là mình là người nghìn năm sau hiểu rõ lòng Khuất Nguyên hơn Giả Nghị. Do quan điểm này tôi cho rằng Nguyễn Du viết bài này khi đi giang hồ năm 1789 khi đi qua sông Tương. Lúc đó Nguyễn Du còn mơ tưởng đến nhà Lê và không cộng tác với nhà Tây Sơn. Nhưng khi gặp vua Lê Chiêu Thống bị nhà Thanh bạc đãi tại Bắc Kinh và Nguyễn Du hoàn toàn thất vọng. Trở về Thăng Long với anh Nguyễn Nể đang được vua Quang Trung trọng vọng, nhưng lúc đó Nguyễn Du có mối tình với Xuân Hương Hồ Phi Mai, nên chỉ đi hái sen và câu cá và chú tâm đến việc diễn ca Đoạn Trường Tân thanh, nên hoàn toàn lơ là với công danh, trong các buổi yến tiệc tại dinh Kim Âu, nơi gặp gỡ các quan tướng nhà Tây Sơn, Nguyễn Du chỉ đứng trong bóng tối nghe cô Cầm đàn bài nhạc cũ cung vua Lê. Sau khi vua Quang Trung mất năm 1792, Nguyễn Du không thấy chính nghĩa nơi Thái sư Bùi Đắc Tuyên, hay tướng Vũ Văn Dũng trong triều Tây Sơn đang tranh chấp quyền lực, mà chính anh Nguyễn Nể phải hai lần tránh xa: lần thứ nhất xin ra trấn đóng thành Bình Định và nhận làm Hành Khánh Sứ nhân lễ nhường ngôi cho con của vua Càn Long năm 1795 và lần thứ hai năm 1797 Nguyễn Nể xin ra xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An. Nguyễn Du lúc đó đã tìm thấy minh chúa nơi chúa Nguyễn Ánh, nên năm 1796 đã toan trốn vào Nam. Khi vua Gia Long ra Bắc, Nguyễn Du đã tổ chức thủ hạ binh lương tiếp đón, từ Quỳnh Hải đi đến Sơn Nam Thượng gặp nhà vua tại huyện Phù Dung, nên được phong ngay làm tri huyện Phù Dung. Sự việc giống như Phi Tử đời Chiến Quốc dâng ngựa cho vua Chu Hiếu Vương được phong chức Phụ Dung, nên Nguyễn Du có danh hiệu là Phi Tử. Cuộc đời làm quan Nguyễn Du được thăng quan tiến chức nhanh chóng, được trọng vọng cùng Ngô Thời Vị. Năm 1813, Nguyễn Du làm Chánh Sứ đi sứ. Từ năm 1796 cho đến cuối đời 1820, Nguyễn Du hoàn toàn theo vua Gia Long, và không có tâm sự hoài Lê gì cả.
BÁC GIẢ NGHỊ
Không qua đường Hồ Nam, 
Sông Tương sâu sao biết ? 
Chẳng đọc phú Hoài sa, 
Lòng Khuất Nguyên sao hiểu ? 
Lòng Khuất Nguyên nước sông Tương, 
Nghìn thu vạn thu trông đến đáy. 
Kim cổ ai đồng tâm. 
Bài thơ Giả sinh vô nghĩa lý. 
Liệt nữ không ai lấy hai chồng ? 
Sao tìm vua khác trong chín cõi. 
Chắc gì người xưa biết đến ta, 
Trước mắt sông Tương trôi mãi mãi.

Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
BIỆN GIẢ
Bất thiệp Hồ Nam đạo, 
An tri Tương thủy thâm ? 
Bất độc Hoài sa phú, 
An thức Khuất Nguyên tâm ? 
Khuất Nguyên tâm, Tương giang thủy. 
Thiên thu vạn thu thanh kiến để. 
Cổ kim an đắc đồng tâm nhân, 
Giả sinh nhất phú đỗ vi nhĩ. 
Liệt nữ tòng lai bất nhị phu, 
Hà đắc thê thê "tướng cửu châu ". 
Vị tất hữu nhân tri hữu ngã, 
Nhãn trung Tương Thủy không du du !

Nguyễn Du viết không đọc Hoài sa phú (Nhớ Trường Sa) thì không biết nỗi lòng Khuất Nguyên. Hoài Sa phú là tên một thiên trong Cửu Chương gồm : Quất tụng, Tích tụng, Trừu tư, Tư mỹ nhân, Bi hồi phong, Thiệp giang, Ai sinh, Hoài sa, Tích vãng nhật. Khuất Nguyên nói lên nỗi lòng bi phẩn của mình sinh không gặp thời, ví mình như ngọc tốt mà không có kẻ dùng, chỉ có chết mới mong kết thúc được nỗi đau vô hạn. Tư Mã Thiên trong Sử Ký cho rằng Hoài Sa là tuyệt mệnh từ trước khi gieo mình xuống sông Mịch La. Đời Thanh, Tưởng Ký trong Sơn đáicác chú Sở từ cho rằng Hoài Sa là hoài niệm Trường Sa, Trường Sa gọi tắt là Sa. Trường Sa là đất phong đầu tiên của tổ tiên Sở Vương. Bài thơ này làm vào tiết mạnh hạ tháng 4, cách ngày Khuất Nguyên tự tử một tháng, không thể xem là tuyệt bút. Ông này cải bướng, viết di chúc tuyệt mệnh trước một tháng hay một năm là chuyện bình thường, điều quan trọng là nội dung thơ viết, chứ không phải vừa viết xong, nhảy xuống sông mới là tuyệt bút. Hoài Sa phú Khuất Nguyên viết như thế nào, chúng ta thử đọc bài Hoài sa phú để tìm hiểu nỗi lòng Khuất Nguyên. (Khuất Nguyên, Sở Từ. nxb Văn Học Hà Nội 1974. Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch và chú thích)
Tiết đầu hè nóng bừng, cây cỏ tươi tốt xanh mượt. Lòng cứ tưởng nhớ thương xót mãi. Rảo bước nhanh về phương Nam, trông vời mù mịt, bốn bề lặng im phăng phắc. Uất ức rồi đau, chỉ thấy lòng sầu khổ mà khốn hoài. Suy tình xét chí. Oan khuất mà tự dằn lòng. Chỉ vì mình ngay thẳng không thể đẻo vuông ra tròn, biết sự phải lòng không thể thay đổi. Đổi đầu bỏ gốc, người quân tử lấy làm hổ thẹn. Vạch rõ đúng mực, ý trước sau cũng không đổi. Tính tình trong dày thẳng thắng, bậc đại nhân ưa thích. Lòng như gỗ thẳng, thợ khéo không cần đẽo, ai xét được làthẳng cong. Màu sắc không thể nhìn thấy trong bóng tối. Người mù bảo rằng không đẹp, lim rim đôi mắt. Kẻ loà bảo rằng mắt anh ta không sáng. Không thể lấy trắng làm đen, lấy trên làm dưới. Phượng hoàng bị nhốt trong lồng, để gà vịt múa may. Ngọc lẫn với đá, không thể cùng sánh nhau. Nghĩ người bè đảng, chật hẹp ngoan cố, chẳng biết lòng ta như thế nào ?. Lòng như gánh nặng chỡ nhiều nên sa lầy không qua được. Mang ngọc cẩn, cầm ngọc du không biết giơ lên để ra hiệu lệnh cho ai. Chó trong ấp sủa cả bầy, vì con này sủa con khác cũng sủa. Sủa vì thấy quái dị. Chê tuấn ngờ kiệt vốn là thói của kẻ hèn. Văn thì sơ mà chất thì chắc, chúng chẳng biết tài vẻ lạ của ta. Tài năng bỏ xó vì chúng không biết ta có gì. Ta trọng nhân theo nghĩa, lấy cẩn thận trọng hậu làm sự giàu có. Ta chẳng gặp được minh quân như vua Thuấn, ai biết được ta ung dung đúng đắn. Thánh hiền xưa nay vốn chẳng sánh cùng nhau. Há biết là vì cớ gì. Vua Thang, vua Vũ đã xa từ lâu. Xa xôi rồi không ai mến biết tài ta, nên ta nuốt tủi nhịn hờn, tự gắng dằn lòng. Gặp đau khổ chẳng thay đổi. Nguyện ý chí làm mẫu mực. Đường tiến về Bắc, ngày xâm xẩm tối rồi, khuây buồn thương nguôi. Đời có hạn ở cái chết. Nhìn mênh mông sông Nguyên Tương, cuồn cuộn sóng dồi, khúc cuối sông chia hai nhánh chảy vào Động Đình Hồ. Đường dài tối tăm, nẻo xa mù tít mù. Mang tâm sự một mình, cô đơn chẳng thổ lộ cùng ai. Bá Nhạc đãmất, ngựa ký chạy ngàn dậm ai xem được. Đản sinh đều có mệnh, mỗi người yên một chỗ. Lòng vững chí rộng ta có sợ hãi gì. Sau cứ xót thương nhiều than thở mãi.. Đời đục ngầu chẳng ai biết đến ta. Lòng người không thể phó cho thiên hạ. Biết chết mà không thể tránh được. Nguyện chớ yêu tiếc thân mình. Các bậc quân tử sáng suốt. Ta lấy làm mẫu mực.
HOÀI SA (KHUẤT NGUYÊN)
Đầu hạ chừ nóng ran, 
Cây cỏ xanh rờn. 
Đau thương chừ không ngớt, 
Rảo vội bước về Nam. 
Trông vời chừ mênh mông, 
Bốn bề lặng lẽ, 
Uất ức chừ quặn lòng. 
Nỗi sầu bi vướng mãi. 
Xét chí chừ suy tình. 
Oan khuất thôi đành vậy, 
Chuốt vuông chừ cho tròn, 
Tính ta chẳng đổi thay. 
Theo đời chừ lìa gốc, 
Quân tử tính không thích, 
Mực thước chừ thẳng ngay, 
Giữ lề dù có rách, 
Lòng trung chừ chính trực, 
Thánh nhân mới dùng, 
Thợ khéo chừ không đẽo, 
Ai biết thẳng cong ! 
Sắc màu không trong tối, 
Kẻ mù bảo không đẹp. 
Ly Lâu chừ lim dim. 
Mù bảo mắt không sáng, 
Lấy trắng chừ làm đen, 
Đảo trên làm dưới. 
Phượng hoàng nhốt trong lồng, 
Gà vịt khoe múa lông, 
Ngọc chừ lẫn với đá, 
So nhau một lứa, 
Bè đảng chừ ghét ghen, 
Biết gì lòng ta đó. 
Lòng nặng chừ chỡ nhiều, 
Sa lầy qua khó. 
Mang châu chừ cầm ngọc, 
Cùng ai tỏ ra. 
Bầy chó chừ sủa la, 
Sủa vì thấy quái 
Chê tuấn chừ ngờ kiệt, 
Kẻ hèn thói hẹp, 
Văn ta chừ chắc chắn, 
Cao đẹp ta ai tường. 
Tài năng chừ bỏ xó, 
Của riêng ta ai màng ? 
Đầy nhân chừ nặng nghĩa, 
Thận trọng mà giữ đức. 
Vua Thuấn chẳng gặp được, 
Ai biết ta trung trực ? 
Thánh hiền chừ không cùng thời ! 
Há biết vì cớ gì, 
Vũ Thang chừ xa vắng, 
Để lòng ta ước chi. 
Nén tủi chừ nuốt hờn, 
Dằn lòng mà gắn sức, 
Gặp khốn chừ chẳng buông, 
Nguyện chí làm mẫu mực. 
Đường đi chừ về Bắc, 
Ngày xâm xẩm tối rồi, 
Khuây sầu chừ thương nguôi, 
Đời cũng đến chết thôi. 
Mênh mông Nguyên Tương, 
Cuồn cuộn chừ sóng dồi, 
Đường xa man mác, 
Ngất tạnh chừ mù khơi. 
Ôm tình giữ chí, 
Đành phải lẻ loi. 
Bá Nhạc đã mất, 
Ngựa ký chừ ai coi ? 
Nhân sinh có mệnh, 
Đều đã chừ định rồi. 
Vững lòng, rộng chí chừ ta chẳng sợ. 
Xót thương chẳng dứt chừ mãi than thở. 
Đời đục ngầu không biết ta. 
Lòng người chừ khó qua. 
Biết chết không tránh được, 
Nguyện chừ không tiếc đời, 
Thánh hiền minh chính, 
Ta mong chừ theo đòi.

Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
HOÀI SA
Thao thao mạnh hạ hề, 
Thảo mộc mụ mụ. 
Thương hoài vĩnh ai hề, 
Cốt tư Nam thổ, 
Thuấn hề diểu diểu, 
Khổng tỉnh u mặc. 
Uất kết vu chẩn hề, 
Ly mãn nhi trường cúc. 
Phủ tình hiệu chí hề, 
Oan khuất nhi tự ức, 
Ngoan phương dĩ vi viên hề. 
Thường độ vị thế. 
Dịch sơ bản dịch hề, 
Quân tử sở bỉ. 
Chương hoạch chí mặc hề. 
Tiền đồ vị cải, 
Nỗi hậu chất chính hề. 
Đại nhân sở thịnh. 
Xảo thùy bất trác hề. 
Thục sát kỳ bát chính, 
Huyền văn sử u hề, 
Mông tẩu chi vi bất chương. 
Ly lâu vi đệ hề, 
Cổ dĩ vị vô minh, 
Biến bạch dĩ vi hắc hề, 
Đảo thượng dĩ vi hạ. 
Phượng hoàng tại nô hề, 
Kê vụ tường vũ. 
Đồng nữu ngọc thạch hề, 
Nhất khái nhi tương lượng, 
Phù duy đảng nhân chi bỉ cố hề. 
Khương bất trí dư chi sở tàng. 
Nhiệm trọng tái thịnh hề, 
Hãm trệ nhi bất tế. 
Hoài cẩn ác du hề, 
Cùng bất tri sở thị. 
Ấp khuyển chi quần phệ hề, 
Phệ sở quái giã. 
Phi tuấn nghi kiệt hề, 
Cố dung thái giã, 
Văn chất sơ nội hề. 
Chúng bất tri dư chi dị thái, 
Tài phác ủy tích hề, 
Mạc tri dư chi sở hữu. 
Trọng nhân tập nghĩa hề, 
Cẩn hậu dĩ vi phong. 
Trùng hoa bất khả ngỗ hề, 
Thục tri dư chi thung dung. 
Cổ cố hữu bất thịnh hề. 
Khởi tri kỳ hà cố giả. 
Thang vũ cửu viễn hề, 
Mạc nhi bất khả mộ giã. 
Trừng vi cải phấn hề. 
Ức tâm nhi tự cường. 
Ly mãn nhi bất thiên hề, 
Nguyện chi chi hữu tượng. 
Tiến lộ Bắc thứ hề, 
Nhật muội muội kỳ tương mộ. 
Thư ưu ngu ai hề, 
Hạn chi dĩ đại cố. 
(Loạn viết) 
Hạo hạo Nguyên Tương, 
Phân lưu cốt hề, 
Tu lộ u tế, 
Đạo viễn cốt hề. 
Hoài chất bảo tình. 
Độc vô thất hề. 
Bá Nhạc ký một, 
Ký yên trình hề. 
Dân sinh bẩm mệnh, 
Các hữu sở thố hề. 
Định tâm quảng chí, dư hà sở úy cụ hề. 
Tăng thương viên ai, vĩnh than khoái hề. 
Thế hỗn trọc mạc ngô tri, 
Nhân tâm bất khả vị hề. 
Tri tu bất khả nhượng. 
Nguyện vật ái hề. 
Minh hạo quân tử, 
Ngô tương dĩ vi loại hề.

Bài Giả Thái Phó ở Trường Sa. Giả Nghị là bậc hiền tài, muốn cải cách nhưng gặp bọn võ tướng nắm giữ triều chính chẳng biết gì, nhà vua Hiếu Văn, tính cũng ngại mọi sự đổi thay nên Giả Nghị bị đày ra làm Thái Phó Trường Sa . Được ba năm, bất đắc chí vì tài không chổ dùng ông chết năm 33 tuổi. Nguyễn Du so sánh Giả Nghị với Khuất Nguyên hai người ở cách nhau ngàn năm, nhưng Tương Đàm và Trường Sa cách nhau không xa mấy. Hai người cùng gặp gỡ nhau chổ này. Nguyễn Du viết Giáng Hầu (tước Chu Bột) và Quán Anh đều là võ tướng, có công khai quốc nhà Hán được Hán Văn Đế trọng dụng, nhưng là bọn võ biền chẳng biết gì. Vua Hiếu Văn tức Hán Văn Đế Lưu Hằng (179-159 trước CN) tính đạm bạc nên ngại mọi sự thay đổi. Đứng mà luận bàn không thể bày tỏ hết cái học một đời mình. Lo tròn chức phận có hại gì mà đến nỗi phải nhận cái chết đáng thương tâm (Giả Nghị bất đắc chí chết năm 33 tuổi). Do câu thơ khen Giả Nghị: Cố nhân sự nhất chức, khởi cám cấu nhiêu vi nghĩa là người xưa giữ chức vụ gì không dám làm cẩu thả .Trời ban cho tài lạ mà không có chổ dùng. Trong bóng chiều tà có lúc chim lạ đến. Giả Nghị ở Trường Sa ba năm, một hôm có con chim lạ đến đậu chỗ ngồi, lòng rất lo, cho là điềm gỡ. Tương Đàm với đây gần nhau chỉ trong gang tấc. Sống cách nhau nghìn năm, gặp nhau hai bên không có gì trái nhau. Bài thơ này theo tôi Nguyễn Du làm lúc đi giang hồ năm 22 tuổi lúc đi qua Trường Sa năm 1789 : vì có câu " tài lạ trời ban không có chỗ dùng ”. Năm 1813, Nguyễn Du làm Chánh Sứ ngày 18 tháng 7 năm Quý Dậu đi qua Trường Sa, lúc đóNguyễn Du được vua Gia Long trọng dụng tất không còn mối ưu tư đó.
GIẢ THÁI PHÓ Ở TRƯỜNG SA
Giáng, Quán võ biền có biết chi, 
Hiếu Văn tính chẳng đổi thay gì. 
Đứng bàn không hết tài văn học, 
Chức phận lo tròn, chết thảm thay. 
Tài lạ trời ban không đất dụng. 
Chiều hôm cú đến điềm không may. 
Tương Đàm gang tấc duyên gần gủi, 
Gặp gỡ nghìn năm một nỗi này.

Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TRƯỜNG SA GIẢ THÁI PHÓ
Giáng, Quán vũ nhân hà sở tri, 
Hiếu văn đạm bạc đạn canh vi. 
Lập đàm bất triển bình sinh học, 
Sự chức hà phương chí tử bi. 
Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ, 
Nhật tà dị vật hữu lai thì. 
Tuơng Đàm chỉ xích tương lân cận, 
Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi.

THÁNG 5 XEM ĐUA THUYỀN
Bài Ngũ Nguyệt Quan Cạnh Độ. Nguyễn Du viết khi đi giang hồ năm 1789, ngày mùng 5 tháng 5 Ất Dậu. Trên khắp sông Tương ngày này có tổ chức đua thuyền, và ném bánh lá tro xuống sông. Khi đi sứ Nguyễn Du đi qua nước Sở từ 18-7 đến 30 tháng 7 năm Quí Dậu (1813). Ngày mùng 5 tháng 5, Nguyễn Du còn ở thành phủ Ngô Châu. Đợt về thì Nguyễn Du đến Trấn Nam Quan ngày 29-3 năm Bính Tuất, do đó không thể dự tết Đoan Ngọ tại sông Tương.
Hoài Vương vua nước Sở không nghe lời can của Khuất Nguyên cứ đi hội với vua Tần, bị Tần bắt giữ lại, sau khi chết mới được đưa về nước Sở chôn. Trương Nghi là nhân vật thuyết khách chủ trương thuyết " liên hoành " liên kết sáu nước Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Ngụy để phò Tần chống thuyết " hợp tung " sáu nước hợp thành một để đánh Tần của Tô Tần. Trương Nghi từng làm tướng quốc nhiều nước, từng sang Sở mua chuộc các đại thần và Trịnh Tụ, vợ yêu của Sở Hoài Vương, dèm Khuất Nguyên để Khuất Nguyên bị đi đày và hắn ta làm tướng quốc. Sau bị lộ mưu, chạy về Tần rồi sang Ngụy, chết ở Ngụy. Sau khi vua Sở Hoài Vương được đưa về nước Sở chôn, và Trương Nghi chết. Nước Sở nhớ Khuất Nguyên người cài lan xưa. Ngàn thuở gọi hồn nhưng hồn chẳng bao giờ trở lại. Đầy sông đua tranh thuyền nhưng chẳng có nghĩa lý gì. Trong khói sóng mênh mông, lòng ta luống những đau thương và oán giận. Hàng năm chiêng trống chỉ để vui chơi, nô đùa. Hồn có về thì cũng không có nơi chốn để nương tựa. Rắn rồng quỉ quái ở khắp nhân gian.
THÁNG NĂM XEM ĐUA THUYỀN
Hoài Vương qui táng, Trương Nghi chết, 
Nước Sở nhớ người cài hoa lan. 
Ngàn thuở chiêu hồn không trở lại, 
Đầy sông bơi chải khéo trò nhàn. 
Mênh mông khói sóng lòng căm giận, 
Chiêng trống hàng năm chỉ giởn càn. 
Hồn có trở về không chốn tựa ; 
Rắn rồng quỉ quái khắp nhân gian.

Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt.
NGŨ NGUYỆT QUAN CẠNH ĐỘ
Hoài Vương qui táng, Trương Nghi tử, 
Sở quốc từ nhân ký bội lan. 
Thiên cổ chiêu hồn không bất phản, 
Mãn giang tranh cạnh thái vô đoan. 
Yên ba điểu điểu không bi oán, 
La cổ niên niên tự tiếu hoan ; 
Hổn nhược qui lai dã vô thác, 
Long xà quỉ vực biến nhân gian.

Chú Thích:
Hoài Vương: vua nước Sở không nghe lời can Khuất Nguyên cứ đi hội với vua Tần
Bài Thương Ngô Trúc Chi Ca, bài thứ XI. Nguyễn Du viết lúc đi giang hồ 1787-1790 có nói đến đua thuyền nhân ngày tết Đoan Ngọ tại Quế Lâm. Có lẽ lễ hội đua thuyền này được phổ biến rất nhiều vùng kể cả Đông Nam Á, nơi có người gốc Nam Trung Quốc, nước Sở cũ trú ngụ. Mười chiếc thuyền rồng bày hàng chữ nhất. Khua thanh la, đánh trống viếng Linh quân. Cô gái cài hoa cúc mải xem cuộc vui. Nhảy ra đầu thuyền không tránh người lên xuống. Đua thuyền có khắp vùng Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Tại đền Angkor có những bức điêu khắc quân đội Chiêm Thành đi thuyền tấn công Chân Lạp. Điều thú vị, năm 2012 khi thăm viếng Angkor, tôi nhận ra trên các điêu khắc, đồng phục quân lính Chiêm Thành, chính là đồng phục những người đua thuyền, và hát hò bá trạo tại các tỉnh miền Trung từ Phan Thiết đến Quảng Nam. Nón vải hình lá sen, quần áo màu xanh lá cây, vàng, đỏ. Một tư liệu quý cần thiết cho điện ảnh khi làm những bộ phim lịch sử về Đại Việt và Chiêm Thành.
CA ĐIỆU TRÚC CHI
KHI QUA ĐẤT THƯƠNG NGÔ
Mười chiếc thuyền rồng bày chữ nhất, 
Khua thanh la trống viếng Linh Quân. 
Gái cài hoa cúc xem vui hội, 
Nhảy đứng đầu thuyền chắn bước chân.

Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay30,029
  • Tháng hiện tại1,314,224
  • Tổng lượt truy cập39,785,371
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây