Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

BBT website giới thiệu cùng bạn đọc, bài giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh lịch sử cùng dân tộc” do em Trần Thị Phương Nhiên lớp 6C trình bày.

Xem tiếp...

Chuyện về Nguyễn Du: Đâu cần phải đến 300 năm

Thứ bảy - 20/07/2019 09:02
Trong kiệt tác thơ chữ Hán, Nguyễn Du có câu bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Ba trăm năm nữa ai đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?) (Bài Độc tiểu thanh ký) Thông điệp nhân văn của Nguyễn Du về nỗi buồn, nỗi đau nhân thế.
Nhưng có lẽ cũng thể tất cho một cách hiểu về đại lượng thời gian 300 năm. Ba trăm năm, một con số ước lệ, một vòng của một triều đại, một biến thiên lịch sử rằng sau 300 năm có ai còn khóc ( còn nhớ) đến Nguyễn Du?
Chả đợi chả cần đến 300 năm...
Nhiều lắm những khám phá và lan tỏa liền sau thời điểm ra đời Truyện Kiều. Hậu sinh Đại Việt mới đầu thế kỷ XX đã có không ít những  thư tịch, văn bản  về năm sinh của đại thi hào Nguyễn Du tựu trung ở hai năm 1765 và 1766. Vậy thực tế Nguyễn Du sinh năm nào?
Theo Giáo sư Nguyễn Lộc “Từ điển Văn học” (tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1984, trang 54, 55): “Nguyễn Du (03.1.1766? - 16.IX.1820). Có tài liệu ghi ngày sinh của Nguyễn Du là 23 tháng Mười một, tính ra Dương lịch là 03.1.1766.
Trong tác phẩm “Truyện Kiều và Chủ nghĩa hiện thực”, GS Lê Đình Kỵ viết: “Nguyễn Du sinh ngày 3 tháng giêng năm 1766 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1766 là giả thuyết được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận. Nhưng năm 1765 lại được nhiều người công nhận hơn. Ví như Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế trong “Từ điển Nhân vật lịch sử” (NXB Văn hóa Thông tin, 1999, trang 508) viết: “Nguyễn Du (Ất.dậu 1765 – Canh.thìn 1820)  (về năm sinh, năm Ất.dậu là 1765, nhưng có sách ghi ngày 23 tháng 11 âm lịch: 3/1/1766 mới đúng).
Chính sử đều nhất trí Nguyễn Du hiệu là Tố Như, Thanh Hiên, con của Tể tướng Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775) , quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Nghệ Tĩnh). Văn chương vượt hẳn bạn bè, nhưng học vị chỉ là Tam trường (Tú tài). Nguyễn Du gặp nhiều khó khăn hồi còn thanh niên vì sớm mồ côi cha và mẹ nên ăn nhờ ở đậu: hoặc ở nhà anh ruột (Nguyễn Khản), nhà anh vợ (Đoàn Nguyễn Tuấn), có lúc làm con nuôi một võ quan họ Hà, và nhận chức nhỏ: Chánh thủ Hiệu úy. Do tình hình đất nước biến động, chính quyền Lê Trịnh sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn Tiên Điền cũng sa sút tiêu điều: “Hồng Linh vô gia, huynh đệ tán”. Nguyễn Du trải qua 10 năm gió bụi. Năm 1802, ra làm quan với triều Nguyễn được thăng thưởng rất nhanh, từ tri huyện lên đến tham tri (1815), được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc (1813). Ông mất vì bệnh thời khí (dịch tả), không trối trăng gì, đúng vào lúc sắp sửa làm chánh sứ sang nhà Thanh lần thứ hai.
Nhà lưu niệm Nguyễn Du được xây dựng ở làng quê ông xã Tiên Điền. Trường Viết văn để đào tạo những cây bút mới được mang tên ông.
GS Nguyễn Lộc (sđd, trang 455) viết: “Đoạn trường tân thanh... là một truyện thơ Nôm viết bằng thể lục bát, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc gồm 3.254 câu thơ. Có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-20). Có thuyết nói Nguyễn Du viết trước khi đi sứ,
Trong Lời đầu sách “Từ điển Truyện Kiều” (1974), GS Đào Duy Anh viết: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ Việt Nam đã trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc... Nguyễn Du sinh quán ở Thăng Long, tổ quán ở Nghệ Tĩnh, mẫu quán ở Bắc Ninh, đã nhờ những điều kiện ấy mà dựng lên được một ngôn ngữ có thể nói là gồm được đặc sắc của cả ba khu vực quan trọng nhất của văn hóa nước ta thời trước”.
Mộng Liên Đường Chủ Nhân (1820) theo bản dịch của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, bình luận: “...Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột... Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trong thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ sut cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Nhưng nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã kịch liệt phê phán Thúy Kiều:
“...Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm/Bán mình trong bấy nhiêu năm/Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai/Nghĩ đời mà ngán cho đời”.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1905) đã Tống vịnh nàng Kiều rằng:
“...Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi/Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi”.
Nhà thơ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (1916) tiếc thương:
“...Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan/Trơ trơ nắm đất bờ sông nọ/Hồn có xa nghe mấy tiếng đàn”
Nhà thơ Tố Hữu đồng cảm:
“...Tiếng thơ ai động đất trời/Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du/Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.
Và Chế Lan Viên khẳng định: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”.
GS Nguyễn Lộc nhận định: “Có thể tìm thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du từ Thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, Văn chiêu hồn. Nguyễn Du trở thành vĩ đại chính vì Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa. Mặc dù xuất thân từ giai tầng quý tộc, nhưng Nguyễn Du lăn lộn nhiều trong cuộc sống của quần chúng, đã lắng nghe được tâm hồn và nguyện vọng của quần chúng...Thơ Nguyễn Du dù viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán đều đạt đến trình độ điêu luyện.
Trong “Nguyễn Du toàn tập” (tập 1, NXB Văn học, 1996) GS Mai Quốc Liên viết Người nào không đến được với Nguyễn Du, người ấy chắc sẽ thiệt thòi rất nhiều. Nhưng tôi muốn nói thêm rằng, bên cạnh Truyện Kiều, còn có một tòa lâu đài nữa mà bạn cần tìm hiểu để yêu Nguyễn Du hơn. Đừng vì đã có Truyện Kiều mà ra lòng “rẻ rúng” thơ chữ Hán, xem nó là phần “phụ lục”.
…Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa”
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ về việc người hâm mộ tác phẩm Kiều.
Truyện Kiều được coi như cuốn thánh kinh của người Việt. Mặc dù truyện Kiều dựa trên một tác phẩm văn xuôi của tác giả người Trung Quốc nhưng khi Nguyễn Du chuyển nó sang tiếng Việt bằng chữ Nôm với thể thơ dân tộc là lục bát thì có thể nói nó là tác phẩm được lưu truyền hơn cả. Nó thỏa mãn được những người học thức, nhà nho cho đến những người dân quê không biết đọc không biết viết không biết chữ, nhưng vẫn thuộc  Kiều. Từ tác phẩm cụ thể hơn 3000 câu thơ nó đã sản sinh ra văn hóa Kiều.
Bằng những câu chữ đó người ta thấy như ma lực để giám định tương lai của con người. Có thể nói giùm nói hộ mọi cảnh ngộ cảnh quan tâm trạng con người: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên lạy tiên Thúy Kiều” sau những lễ khấn ấy có thể cho con xin 4 chữ cho con xin 4 câu hay cho con xin 10 câu. Từ trên xuống, từ dưới lên. Từ bên phải hay từ bên trái về tình duyên về sức khỏe, về nhà cửa về công danh sự nghiệp”.
Và mới nhất là cảm nhận của ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh  trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du (ngày 8/8/2015).
Một câu hỏi lớn thường được đặt ra: Vì sao di sản của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều, có sức sống lâu bền và đi vào lòng người sâu rộng đến vậy? Sáng tạo của Nguyễn Du là sáng tạo gắn liền với sự chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống, về những số phận, những kiếp người. Nguyễn Du khóc thương cho những thân phận khổ đau, đặc biệt là số phận của người phụ nữ, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người... Đó không phải là sự thương vay, khóc mướn của người ngoài cuộc mà là sự cảm thông đứt ruột của một thi nhân, một con người bị quăng quật, giằng xé bởi những “đoạn trường” thời thế, gia thế và số phận mình. Vì vậy, nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, số phận con người, về những cảnh huống của đời người.
Đó không phải là những vấn đề của một thời mà của nhiều thời. Đó không phải là những vấn đề của một quốc gia, một cộng đồng, một con người mà là của toàn nhân loại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập425
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm424
  • Hôm nay84,044
  • Tháng hiện tại1,482,228
  • Tổng lượt truy cập42,054,301
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây