Nhà thơ Trần Chấn Uy

Thứ bảy - 20/07/2019 09:01
Sinh ngày: 20.7.1958. Quê quán: Đức Long - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hội viên Hội điện ảnh Việt Nam ...
Nhà thơ TRẦN CHẤN UY        
Bút danh khác: Trần Minh Hoàng
 
Sinh ngày: 20.7.1958          
Quê quán: Đức Long - Đức Thọ - Hà Tĩnh
Dân tộc: Kinh
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Hội viên Hội điện ảnh Việt Nam
 
* Vài nét về quá trình học tập, công tác:
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Hà Nội I.
Từ năm 1981 đến năm 1990 là giảng viên khoa Văn trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Từ năm 1990 đến nay là Biên kịch, Đạo diễn, Phó Giám đốc Trung tâm SXCT truyền hình Đài truyền hình Nha Trang; Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nha Trang – Khánh Hoà.
 
*  Tác phẩm chính đã xuất bản:
-     Mùa thu thành phố - Tập thơ (in chung với Đỗ Anh Tịnh) - Hội Văn nghệ Nha Trang 1984.
-      Tình ca hát một mình -Tập thơ - Hội Văn nghệ Khánh Hoà 1990.
-      Xin đừng quên tôi - Tập thơ- Nhà xuất bản văn học 1992
-      Chân trời khát - Tập thơ - Nhà xuất bản Văn học 1996
-      Nẻo về - Tập thơ (in chung với Giang Nam và Tôn Phong) – Nhà xuất bản Văn học 1999
-      Trăng lạnh xứ người - Tập thơ – Nhà xuất bản Văn học 2003
-      Giấc ngủ khuyết vầng trăng - Tập thơ – Nhà xuất bản Văn học 2005, tái bản lần thứ nhất 2007.
-      Bên dòng sông đa tình – Tập thơ – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012.
 
MONG MANH NHỮNG TÂM HỒN
  
Mỗi lần ra Hà Nội, bên cạnh nhà thơ Trần Chấn Uy không bao giờ thiếu cái dáng oai phong lẫm chẫm của nhà văn Ngô Xuân Hội. Họ cứ như hình với bóng suốt mấy chục năm nay cho dù khác nhau hoàn toàn từ hình thức đến nội dung.
        Nhà thơ Trần Chấn Uy cao một mét bảy lăm, trắng trẻo, hào hoa, dữ dội, bản năng, hoạt ngôn và tràn trề sức sống. Từ lúc còn trai trẻ cho đến nay, ở bất cứ đâu anh cũng được cả đám các bà, các cô săn đón. Nhà văn Ngô Xuân Hội thì ngược lại. Dù có cố ăn gian hay thiên vị đến mấy chăng nữa, anh cũng chẳng thể quá được khoảng một mét năm mươi, đã vậy lại dị tướng, nói năng như nhặt rau và nghịch ngầm đệ nhất thiên hạ. Chẳng cần nhìn mặt, chỉ nghe tên Ngô Xuân Hội, các bà, các cô lủi còn nhanh hơn cuốc.
        Hỏi Trần Chấn Uy vì sao anh hay đi cùng Ngô Xuân Hội? Hành trình của Don Quixote làm sao có thể thiếu Sancho! Ha ha ha…Dẫn hắn theo để làm nền cho anh mà. Ngô Xuân Hội liền trả đũa bằng cách ghé tai tôi thì thào rõ to: “Em đừng để hắn mê hoặc. Juy-liêng chính hiệu đấy. Hắn có hẳn một giáo trình tán gái rất oách”. Trần Chấn Uy lập tức cũng thì thào vào tai tôi còn to hơn: “Theo hắn đi, em sẽ tìm được sự bền vững. Ở đâu nghèo tình yêu, ở đó giàu lòng chung thủy. Ha ha ha…” Trần Chấn Uy và Ngô Xuân Hội luôn luôn vậy. Người này chỉ chực người kia sơ hở là ra đòn dìm nhau xuống tận bùn đen.
        Trần Chấn Uy thích làm đỏm, quần áo, giày dép lúc nào cũng sạch sẽ, trau chuốt, tóc tai bóng mượt và không bao giờ thiếu mùi hương X-MAN. Còn Ngô Xuân Hội nhỏ con nhưng lại ăn rất khỏe. Anh chẳng hề chú ý đến trang phục, quanh năm suốt tháng chỉ vận độc bộ đồ công nhân màu xanh bạc, chân xỏ giày Thượng Đình. Gặp lúc đang đói muốn đi ăn, thấy Trần Chấn Uy dềnh dàng lựa chọn quần áo, caravat, giày dép…là Ngô Xuân Hội buông ngay một câu: “Phường giá áo!”. Lúc ngồi vào bàn, nhìn Ngô Xuân Hội sì soạp húp bát phở, Trần Chấn Uy  phang luôn vế thứ hai của câu ngạn ngữ trên: “Phường túi cơm!”. Bánh phở, thịt bò, hành, nước, đủ thứ hầm bà lằng từ trong miệng Ngô Xuân Hội phun ra đầy mặt bàn. Thay vì thất kinh thì mọi người lại ôm bụng cười rũ rượi.
        Mấy chục năm rồi họ cứ chơi cái trò “ra đòn, trả đũa” không biết chán. Trần Chấn Uy kể: hồi anh còn là giảng viên  Đại học, Ngô Xuân Hội “thập diện mai phục” ở nhà anh suốt ngày đêm để tăm các em sinh viên. Trong đám học trò của Trần Chấn Uy cô bé tên Hường xinh nổi tiếng khoa văn và đương nhiên là Ngô Xuân Hội mê tít. Chẳng cần biết nhìn mình thế nào, mặc mọi người dèm pha dè bỉu, đúng bảy giờ tối anh lại lon ton chạy ra khu ký túc xá ngửa cổ lên tầng hai gọi Hường ới, Hường ời. Khổ nỗi chất giọng Nghệ An đặc sệt của anh khiến những cái tên có dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã hoặc không dấu cứ loạn xị ngậu hết cả lên. Khi anh gọi cô Hường thì cô Hương thở hồng hộc chạy xuống. Lúc anh gọi cô Hương, cô Hường lại ba chân bốn cẳng hạ thổ trình diện. Mặt Ngô Xuân Hội đần ra và ỉu như bánh đa nhúng nước, còn đám sinh viên nữ trên tầng hai thì khoái chí la ó, hò reo, huýt sáo ầm ĩ.
        Nhờ Trần Chấn Uy giúp đỡ sẽ rất dễ bị xỏ lá ba que, nhưng nếu muốn tránh sự chọc ghẹo của đám sinh viên quái quỷ, Ngô Xuân Hội không thể không nhờ. Cứ ngỡ Trần Chấn Uy chối phắt, chẳng ngờ anh lại nhiệt tình nhận lời ngay. Dù bận đến mấy, đúng bảy giờ tối Trần Chấn Uy cũng ghé ký túc xá ra lệnh cho học trò của mình đi chơi với bạn.
        Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Trần Chấn Uy, cuối cùng Ngô Xuân Hội cũng được đi dạo với cô bé Hường xinh đẹp. Song, dù gì thì anh cũng tự ti với ngoại hình của mình nên đi mãi với nàng mà chẳng dám đánh tín hiệu. Anh sợ tổn thương nếu bị cô bé từ chối. Vì vậy, tất tần tật, tuốt tuồn tuột từ việc tặng quà đến nói lời tỏ tình với nàng Hường đều do Trần Chấn Uy chịu trách nhiệm. Sau đó Ngô Xuân Hội tán cô Trinh, một cô gái Hải Phòng cao chừng một mét bảy, khá đẹp đã có hai con, vừa bỏ chồng. Hội mê cô này như điếu đổ nhưng hiềm một nỗi đã nhỏ con lại lùn nên đi bên nàng Trinh thì cứ lũm chũm như đôi đũa lệch nên mọi lời thổ lộ đến công việc của chim xanh, thậm chí đi dạo biển cũng phải có Trần Chấn Uy nữa thì nàng mới chịu đi.
        Làm cascadeur cho bạn cũng chả có gì mệt, thậm chí còn khoái là đằng khác. Tuy nhiên, gặp lúc bận rộn mà Ngô Xuân Hội cứ kèo nhèo nhờ giúp đỡ, Trần Chấn Uy cũng bực mình. Chiều Ba mươi Tết năm nọ, Trần Chấn Uy đang hối hả dọn dẹp nhà cửa thì Ngô Xuân Hội mang đến 5kg gạo nếp, một cây giò lụa, 2kg đường cát trắng tinh, một chiếc đồng hồ tên lửa của Liên Xô cũ và bó lay ơn tươi rói. Ngạc nhiên, cảm động trước sự rộng rãi bất thường của bạn, Trần Chấn Uy vội vàng rửa tay pha trà mời Ngô Xuân Hội. Cũng ngạc nhiên, cảm động chẳng kém, Ngô Xuân Hội vội xua xua: “Khỏi, khỏi, ông để việc nhà đấy chút về dọn sau, giờ mang giúp tôi đống quà này đến cho em Trinh”. Tức quá, Trần Chấn Uy chưa kịp phản ứng, Ngô Xuân Hội đã lẫm chẫm biến mất. Anh định bụng mặc kệ Ngô Xuân Hội, cứ chén hết đống quà dại gái của hắn cho bõ tức. Nghĩ một lúc, Trần Chấn Uy bật cười và dắt xe đạp ra, chất giỏ quà lên rồi guồng đến nhà cô Trinh.
        Mùng hai Tết, Ngô Xuân Hội lại oai phong lẫm chẫm đi gặp Trần Chấn Uy không phải để chúc tụng mà rủ anh đến nhà cô Trinh chơi. Suốt cả buổi chiều mùa xuân ấm áp, khuôn mặt nàng Trinh ửng hồng, mắt long lanh nhìn Trần Chấn Uy một cách đắm đuối, bơ Ngô Xuân Hội như củ khoai củ sắn, như con thằn lằn. Còn Trần Chấn Uy, mặc Ngô Xuân Hội đá chân, huých tay, nhăn mặt làm ám hiệu, anh cứ tỉnh rụi ngồi hót như khiếu.
        Dọc đường về, Ngô Xuân Hội gay gắt hỏi: chiều Ba mươi ông có chuyển quà của tôi đến cho nàng không hay tọng hết rồi? Trần Chấn Uy giả lả có chứ, có chứ. Tôi thi hành nhiệm vụ ngay sau khi ông đi. Chúng mình luôn là bạn tốt của nhau mà. Lúc đưa quà cho nàng ông nói sao? Tôi chẳng nói gì cả. Nghĩa là sao? Nghĩa là tôi im lặng đưa rồi về, không nói của ông nhưng cũng chả nhận của tôi. Trời ơi là trời! Sao ông đểu thế! Hèn gì tôi ngồi sờ sờ ở đó mà em coi tôi như chết rồi. Trần Chấn Uy sung sướng cười ha hả. Đó là chút mẹo cứt gà của quê choa.
        Thấm đòn dại gái Ngô Xuân Hội rỉ tai tôi: “Quân tử mười năm báo thù chưa muộn” em ạ. Sau này anh chơi hắn một vố còn đau hơn. Nói lời và giữ lời, Ngô Xuân Hội là vậy và nhờ vậy mà anh đã thanh toán được với Trần Chấn Uy một cách sòng phẳng.
        Chuyện là...hồi ấy Trần Chấn Uy sáng tác được cả tập thơ khá hay, cũng đã đăng nhiều báo nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn, tên tuổi. Trong khi đó Ngô Xuân Hội chơi gắn bó với Nguyễn Quang Hà từ thuở hàn vi, thế nhưng khi Nguyễn Quang Hà lên làm Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương ông không hề nhắc anh gửi bài, mà trong truyền thống Sông Hương luôn là một tạp chí mở. Quá lạ, Ngô Xuân Hội bèn nghĩ ra chiêu viết thư giục Trần Chấn Uy cộng tác với Sông Hương  kèm theo lời nhắn: “-Anh Hà bảo mày gửi cho anh ấy 10 bài thơ, 1 ảnh chân dung để anh giới thiệu tác giả trong số tới”, (vì Trần Chấn Uy cũng chơi gắn bó với Nguyễn Quang Hà). Sướng còn hơn bắt được của, Trần Chấn Uy cặm cụi thực hiện ngay. Ngày đó chỉ chép tay chứ đâu có sẵn desktop hay laptop như bây giờ để lưu file. Anh chong đèn cả tuần, cánh tay nhức buốt, tê dại nắn nót từng trang bản thảo rồi vội vã gửi đi. Thơ gửi rồi, người phấp phỏng chờ đợi. Một tháng, hai tháng, ba tháng trôi qua, Trần Chấn Uy đợi hoài, đợi mãi mà chẳng thấy thơ của mình được giới thiệu. Viết thư hỏi Ngô Xuân Hội, nửa tháng sau nhận được phúc đáp: “Thật không may, phòng biên tập bị cháy, bản thảo tiêu hết rồi. Thôi mày chịu khó chép lại rồi gửi gấp để kịp in số sau. Phải nhanh lên đấy nhé!”. Trần Chấn Uy lại chong đèn, tê tay suốt tuần, hối hả chạy ra Bưu điện tốn cả đống tiền gửi bảo đảm cho chắc ăn. Tiếp tục  ba tháng nữa, anh vẫn chả thấy bóng dáng một câu thơ nào của mình trên Tạp chí Sông Hương. Gửi hàng chục lá thư, Ngô Xuân Hội và Nguyễn Quang Hà không thèm hồi âm. Trần Chấn Uy tức phát điên mà chẳng biết làm sao. Một năm sau trong một lần ra Huế, Ngô Xuân Hội dẫn anh tới nhà ông Tổng Biên tập Sông Hương chơi, đến lúc ấy anh mới ngã ngửa người: Thơ và ảnh của anh đã nhanh chóng được Nguyễn Quang Hà cho vào sọt rác! Quá lạ, từ nhà Nguyễn Quang Hà trở về khách sạn Trần Chấn Uy phàn nàn với Ngô Xuân Hội thì chỉ thấy họ Ngô tủm tỉm cười: “-Tao với mày hòa một đều. Chấm dứt nợ nần”. Đến nước ấy thì Trần Chấn Uy chỉ có thể cười nụ cười của người trúng gió mà thôi.
          Có lần Trần Chấn Uy lấy tên một số tác phẩm của Ngô Xuân Hội cùng một số nhược điểm của họ Ngô để làm thơ về chân dung Ngô Xuân Hội kiểu thơ chân dung của Xuân Sách. Số là khoản gái gú Ngô Xuân Hội hơi kém cõi thuộc loại chưa đi đến chợ đã hết tiền nên Trần Chấn Uy viết:
                             Kêu ngày chưa đã lại kêu đêm
                             Phá thìu mở vỉa đến teo chim
                             Bảy bát miến gà chơi sạch bách
                             Giấu mặt làm sao cái túi cơm.
          (Ngô Xuân Hội có những tập sách: Những con chim kêu đêm. Đất luôn giấu mặt. Bình minh không tiếng chim…)
          Ngay sau đó Ngô Xuân Hội chơi ngay Trần Chấn Uy một bài chân dung khá thâm:
                             Trăng khuyết rồi trăng lại tròn
                             Ba lần lái gió hai hòn vẫn nguyên
                             Vua biết mặt, Chúa biết tên
                             Mà sao còn sợ đời quên mất mình.
(Trần Chấn Uy có các tập sách: Giấc ngủ khuyết vầng trăng. Đênh lạnh xứ người. Xin đừng quên tôi. Chân trời khát…)
          Ngô Xuân Hội thì lận đận cả đời, yêu em nào em đó dọa bỏ còn Trần Chấn Uy thì nhìn đâu cũng thấy vợ nên anh lấy đến … ba vợ.
        Tếu táo, chọc ghẹo, hở cơ là “ra đòn, trả đũa” nhau nhưng Trần Chấn Uy và Ngô Xuân Hội quý nhau lắm. Cuộc đời họ có nhiều nét tương đồng. Cùng quê, thành phần gia đình khác nhau, song chuyện buồn tủi lại na ná…Có lẽ vì vậy mà họ dễ sẻ chia, đồng cảm. Ngô Xuân Hội sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, quanh năm thiếu ăn. Tuổi trẻ lúc nào anh cũng đói, có lần cả nhà đi vắng, anh nấu ba ống rưỡi gạo, loại ống sữa bò (gần một kg gạo), xào ba bó rau cải, xào chay với nước lã và muối, thời ấy lấy đâu ra mỡ. Trưa hôm ấy anh cho chó ăn cám, nghĩa là không mất cho chó hạt cơm nào, một mình chén hết gần một kg gạo. Thất Kinh.
 Ngô Xuân Hội ăn khỏe lắm. Hồi làm mỏ, anh là kỹ thuật viên làm việc gián tiếp tiêu chuẩn 13 kg gạo mỗi tháng, đói quá anh viết đơn xin xuống hầm đào mỏ cuốc than để được ăn tiêu chuẩn thợ “chống cuốc” 26 kg. Có lần Trần Chấn Uy và Ngô Xuân Hội bay từ Sài Gòn ra Huế, xuống máy bay lên xe hãng VietNam Airline từ sân bay Phú Bài về Huế, cô gái của hãng hàng không trẻ đẹp mặc áo dài tím Huế trông rất nền nã tiến về phía hai ông “giá áo, túi cơm” lễ phép hỏi bằng giọng Huế nghe mềm như bún, ngọt như mè xửng :
- Xin lỗi anh và ôông về đâu ạ?
Ôông Hội ngoác mồm rộng đến mang tai cười hết ga như con osin nhà thi sĩ Quách Tấn trong lúc Trần Chấn Uy vuốt lại áo quần, sửa tóc tai mắt sáng lên như vừa uống cạn ly rượu gạo và đang chuẩn bị ca cải lương với em Huế tím.
Đêm ấy ở Huế, cô Đào mời về nhà ăn cơm. Ngoài anh Trần Chấn Uy và ôông Ngô Xuân Hội còn có nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh. Cô Đào làm ở tạp chí sông Hương, có tài nấu nướng, các nhà thơ được bữa rượu say sưa. Tiệc gần tàn cô Đào xuống bếp, một lúc sau thấy bưng lên một mâm, trên mâm có bảy bát miến gà cho bảy thực khách: Năm nhà thơ và hai bố mẹ cô Đào. Tất cả đều đã no nê và từ chối bát miến gà. Riêng nhà thơ “túi cơm” còn thấy thòm thèm sau bát miến gà của mình liền nhón thêm bát nữa, rồi bát nữa, bát nữa… Ông Tú bố cô Đào khuyến khích, con ăn được thì cứ tự nhiên. Thế là Ngô Xuân Hội đánh một phát bảy bát miến gà sạch bách. Bố Mẹ cô Đào, cô Đào và các nhà thơ khiếp đảm. Cô Đào vốn có tình ý với Ngô Xuân Hội, chàng trai xứ Nghệ hiền lành. Sau cú bảy bát miến gà trốn biệt tăm.
        Hoàn cảnh của nhà thơ Trần Chấn Uy lại khác. Ông nội anh là đại thần triều Nguyễn, anh thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc. Cách mạng thành công, trật tự địa vị xã hội được lập lại, gia đình anh khốn khổ vì cái mác quý tộc đang đeo.
        Cuộc sống bức bối, bố anh quyết định tham gia kháng chiến. Song, cái mác con của đại thần triều Nguyễn cứ đeo đẳng nên dù lập nhiều chiến công ông vẫn không được cất nhắc. Để thay đổi số phận, bố anh đã chối bỏ nguồn gốc của mình. Ông khai lại lý lịch và kể từ đó không bao giờ trở về quê.
        Rồi bố anh cũng thành đạt. Ông oai phong trên cương vị một vị tướng. Người mẹ kế và những đứa em cùng cha với anh được hưởng lợi từ chức vụ đó. Họ không hề và cũng không cần biết đến mẹ con anh ở quê chịu đựng sự cơ cực đến mức nào.
        Trần Chấn Uy không cần danh tiếng, tiền bạc của bố, cũng chẳng ghen tỵ với sự sung sướng của những đứa em cùng cha. Điều khiến anh cảm thấy chua chát, cay đắng chính là sự mất mát của tình phụ tử ngay từ thuở đầu đời. Con người ngang tàng, gai góc, dữ dội của anh đã biến mất khi anh thốt ra điều ấy. Cũng như Ngô Xuân Hội, khuôn mặt anh chảy xuống vì buồn và mắt ầng ậng nước.
        Chuyện của các anh khiến sòng nhậu đang rôm rả trở nên trầm buồn, nặng nề. Nhà thơ Tùng Linh đã phá tan không khí u ám đó bằng câu chuyện kể về người con gái ông yêu từ thời trai trẻ cho đến tận bây giờ. Ánh mắt mơ màng, ông bảo nàng đẹp lắm, rất đẹp, một tuyệt thế giai nhân. Song, điều khiến ông tự hào hơn cả là sau mấy chục năm, tình cảm nàng dành cho ông vẫn nguyên vẹn, ánh mắt nàng nhìn ông vẫn đắm đuối…Mắt còn ngấn nước, nghe Tùng Linh ca ngợi người yêu cũ, Ngô Xuân Hội cười phá lên mà rằng: “Tuyệt thế giai nhân của đại ca ngang ngửa với mụ bán cháo lòng ở góc chợ Đông Ba”. Như chưa hề buồn, Ngô Xuân Hội hào hứng kể cho mọi người nghe cái lần nhà thơ Tùng Linh dẫn anh đến thăm người tình cũ. Khi ông tả, anh cứ ngỡ sẽ gặp được Thúy Kiều tái thế, nào ngờ nguyên một bà già chảy xệ tất cả mọi thứ như một túi da đựng xương, tóc tai bù xù, xì tai màu cháo lòng nhàu nhĩ, nhìn kinh tới mức “đẹp giai” như Ngô Xuân Hội cũng một đi không trở lại.
        Mặc Ngô Xuân Hội bôi bác, nhà thơ Tùng Linh vẫn say sưa đọc cho mọi người nghe bài thơ ông viết tặng người tình xưa. Tôi nhớ bài thơ của ông, và nhớ những câu Trần Chấn Uy nhại lại:
"Đốt một nén nhang
Bẻ một mũi tên
Đọc một lời thề
Ta giết em bằng ba chó"
        Mọi người cười ha hả, còn tôi cứ lay lay vai Trần Chấn Uy vì không hiểu tại sao lại “giết em bằng ba chó”. Hóa ra, khi xúc động hoặc lúc quá vui, anh trở lại giọng Hà Tĩnh đặc sệt nên cái sự huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã hoặc không dấu cũng loạn xị ngậu chả khác gì Ngô Xuân Hội. Bởi vậy mà…thay vì dùng bả chó để giết em lại thành cho em hưởng cái món “xuống âm phủ biết có hay không” một cách thoải mái. Nguyên câu ấy là “ Anh sẽ giết em bằng bả chó”, mà Trần Chấn Uy thêm vào sau mỗi điệp khúc thơ của Tùng Linh.
        Cánh nhà văn, nhà thơ là thế. Gần như họ không biết tự ái. Mặc mọi  người xúm lại bôi bác, nhà thơ Tùng Linh vẫn hồn nhiên đọc hết bài nọ đến bài kia. Ông cứ đọc xong hai câu, Trần Chấn Uy lại đệm: “Cháo lòng!” hoặc “Anh sẽ giết em bằng bả chó”. Ai cũng biết anh mượn kiểu gieo vần trong bài thơ "Ngói mới” của Xuân Diệu để chọc ghẹo Tùng Linh.
        Theo cách gieo vần trên, thơ của Tùng Linh sẽ thành: 
Nước da nâu, nụ cười hoang dại
Em, Người đàn bà  Ả Rập của tôi
Cháo lòng
Tôi uống cạn say ly rượu màu mật mía
Chuếnh choáng mắt em hoàng hôn Châu Phi
Tôi sẽ giết em bằng bả chó
Để sống dậy một vạn năm xưa
Tiếng hú gọi một tình yêu sinh vật…
Tôi mệt mỏi trong lọc lừa,phản phúc
Cái thế kỷ ni lông,
Tôi sẽ giết em bằng bả chó
Em hãy choàng lên mình tôi tấm lụa tơ tằm
Từ khung cửi đầu tiên con người biết dệt
Tôi trở lại tôi xưa trong nguyên chất
Cháo lòng
Tôi đã đi qua bao sa mạc trắng
Dấu chân lạc đà tàn phai trong cát bỏng
Tôi sẽ giết em bằng bả chó
Bỏ quên dục vọng-cái bệnh dịch xấu xa
Như những mô mi ngủ trong kim tự tháp
Cháo lòng
Để đến được em,
Đến kinh đô Babilon
Tôi sẽ giết em bằng bả chó
Nàng công chúa đầu trần đi chân đất
Trong một phiên chợ Ba Tư tràn đầy âm sắc…  
Cháo lòng
    …  Chuỗi mắt xích thời gian nối đuôi nhau ròng dã
Để đến được những điều vô nghĩa
Tôi sẽ giết em bằng bả chó
Tôi đã đi qua biết bao thế kỷ
Để bây giờ đứng trước em:
Cháo lòng
Bàn tay trắng
Trái tim nguyên thủy
Những mối tình xưa hóa đá
Bỗng sống thêm một lần
Tôi sẽ giết em bằng bả chó
Em hãy dội lên mình tôi dòng nước sông Nin
Nơi con người bắt đầu làm lịch sử
Cháo lòng
Bằng chiếc vò gốm Trung Hoa-những nét họa kỷ hà
Tôi bẻ mũi tên,đọc một lời thề
Tôi sẽ giết em bằng bả chó
Cùng em vỡ đất,cùng em dựng nhà
Cấy cây lúa,trồng bông,dệt vải
Cháo lòng
Em trắng trong,em thơ dại
Em là cô gái đầu tiên thủa biết thành người…
Tôi sẽ giết em bằng bả chó     
Ha ha ha…Ha ha ha…Ha ha ha…Tiếng cười rộ lên. Mặc! Ai cười cứ cười. Ai đọc thơ cứ đọc. Ai khoái bôi bác, chọc ghẹo, xin tự nhiên.
Nhà văn, nhà thơ là như thế. Gai góc, dữ dội, bản năng nhưng lại vô cùng đa sầu đa cảm. Khóc đấy rồi cười ngay đấy. Họ nhiều lúc chả khác gì trẻ con, tâm hồn rất mong manh và dễ vỡ song cũng thật dễ thương…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập228
  • Hôm nay80,669
  • Tháng hiện tại1,952,690
  • Tổng lượt truy cập44,822,337
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây