Bài thuyết trình về chủ đề: "Ánh sáng của người thầy"

Thứ hai - 02/12/2019 18:04
Ban biên tập website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng bạn đọc bài thuyết trình chủ đề "Ánh sáng của người thầy" của em Nguyễn Thị Quỳnh Trang - 9A tại Lễ chào cờ tuần thứ 12 năm học 2019 - 2020


      Có nhiều con đường dẫn ta đến thành công, biến ước mơ thành hiện thực, và một trong sô đó là học tập. Và trên con đường ấy, luôn khắc ghi hình ảnh rất đỗi cao đẹp: hình ảnh người thầy. Từ xưa đến nay có rất nhiều câu nói ca ngợi vai trò, vị trí của người thầy, trong đó có câu nói tôi rất thích: “Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng tròn rồi lại khuyết nhưng ánh sáng mà người thầy rọi vào ta sẽ còn mãi trong cuộc đời”

      Trước hết mặt trời, mặt trăng là những tinh túy của trời đất, có chức năng tỏa sáng. Mọc, lặn, tròn, khuyết là quy luật tự nhiên của chúng. Có thể nói Quách Mạt Nhược đã rất khéo léo khi sử dụng cách nói tương phản, đó là sự tương phản giữa hai nguồn sáng: một đằng chỉ chiếu sáng từng lúc, một đằng còn mãi để làm nổi bật công lao to lớn của thầy. Phải chăng với tác giả, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng không bao giờ sánh bằng ánh sáng của người thầy, vậy nên công lao của người thầy sẽ mãi được ta ghi nhớ trong cuộc đời.
      Qủa đúng như vậy trong suốt cuộc đời mỗi người luôn có bóng dáng của người thầy và họ sẽ lưu lại trong ta một dấu ấn, chiếu rọi vào ta những nguồn ánh sáng riêng không bao giờ tắt; đó là những nguồn ánh sáng khác nhau: ánh sáng của tri thức văn hóa; ánh sáng của ước mơ, hoài bão lí tưởng; ánh sáng của tình yêu thương của ý chí, nghị lực, của niềm tin… Từ lúc ê a tập đánh vần ta đã được thầy uốn từng nét chữ. Khi biết đọc biết viết, chính thầy lại giúp ta khám phá thế giới qua những trang sách. Thầy dạy ta cách tính toán khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng, Mặt trời; thầy chỉ cho ta cách nhìn cuộc đời qua lăng kính văn học; thầy đem đến cho ta gần hơn với thế giới tự nhiên, khám phá bao điều kì diệu về  con người. Tất cả những thứ ta có được từ thầy như những viên gạch tiếp nối, tiếp nối xây nên những nấc thang để ta chinh phục tri thức nhân loại. Ánh sáng  của người thầy còn hướng ta đến với những điều tốt đẹp, dạy ta cách làm người, dìu dắt, nâng đỡ ta trưởng thành không chỉ về nhận thức mà còn về tâm hồn, tình cảm, nhân cách…Nhờ có thầy, ta hiểu thế nào là tình yêu thương, sẻ chia với bất hạnh của người khác,  biết ơn những người sinh ra ta, nuôi dưỡng ta…Chính thầy cũng là người nuôi dưỡng, thắp sáng ước mơ và khát vọng cho ta. Nhờ có ánh sáng của thầy chỉ bảo, dẫn dắt mà ta khôn lớn, trở thành người có ích cho xã hội. Có thể nói, nguồn sáng mà người thầy chiếu rọi sẽ còn mãi trong cuộc đời mỗi chúng ta. Đó là nguồn sáng “ còn mãi”, không bao giờ tắt trong suốt cuộc đời ta.
      Ánh sáng của người thầy với mỗi người đã được nhân dân ta nhận thức rất rõ và gửi gắm qua các câu tục ngữ ; Không thầy đố mày làm nên”,“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”...Tiếp nối truyền thống ấy, ngày nay có những người thầy đem ánh sáng của mình đến những vùng sâu, vùng xa, hằng ngày đi hàng chục cây số, vượt qua những ngọn đèo chênh vênh dốc đá để gieo chữ, gieo ước mơ, hy vọng cho bao trẻ em. Hay những nhóm tình nguyện đem đến niềm vui cho trẻ em nghèo bất hạnh, chưa được đến trường. Đó mãi là những người thầy đúng nghĩa, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.Tuy nhiên, trong quá trình học tập không phải ai cũng nhận được ánh sáng của thầy một cách đúng đắn.
      Xã hội phát triển, quan niệm về giáo dục cũng có sự thay đổi. Người thầy từ vai trò là người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo để tìm ra tri thức. Như vậy, người trò trở thành người chủ động. Hay nói cách khác, người học trò phải tự thân vận động và đây mới là yếu tố quan trọng quyết định sự thành đạt của người học trò. Nhưng vai trò của người thầy vẫn không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh ánh sáng mà thầy đem đến cho ta, mỗi người phải biết chắt lọc, sáng tạo những kiến thức mà người thầy đã cung cấp và biến nó thành “vốn liếng” riêng của bản thân để thực hành áp dụng nó có kết quả. Và ánh sáng của thầy sẽ càng sáng hơn, nếu ta biết kết hợp học ở thầy và học ở bạn, học trong sách vở, học ở cuộc sống, đặc biệt “ ánh sáng” ấy chỉ thật sự “ sáng” khi có sự phối hợp của trò “Thầy chỉ đạo, trò chủ động, tích cực”…Câu nói của Quach Mạt Nhược một lần nữa khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng  thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền ánh sáng vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò. Thầy vẫn là người truyền lửa, khơi lên trong ta những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai.
      Nhìn lại con đường học tập của mình, đặc biệt hiện nay em được học tại trường mang tên vị giáo sư nổi tiếng: Hoàng Xuân Hãn. Em thấy mình thật hạnh phúc vì được làm học trò của các thầy, các cô, những người đã dem đến cho chúng em không chỉ tri thức mà còn mang lại cho chúng em ước mơ, niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao quý, bền vững của cuộc đời. Chúng em xin hứa sẽ ra sức học tập, rèn luyện để xứng đáng với tình yêu thương của thầy cô.


 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Quỳnh Trang - 9A

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập235
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm233
  • Hôm nay25,326
  • Tháng hiện tại982,522
  • Tổng lượt truy cập29,507,896
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây