Tình phụ tử của ông Sáu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà"

Thứ năm - 19/12/2019 22:54
Ban biên tập website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng bạn đọc bài thuyết trình chủ đề "Tình phụ tử của ông Sáu" trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nhà văn Nguyễn Quang Sáng) của em Trần Thị Xuân Quỳnh – 9E tại Lễ chào cờ tuần thứ 16 năm học 2019 - 2020
      Tình cảm gia đình là một đề tài truyền thống gặt hái được nhiều được nhiều thành công từ xưa đến nay, đặc biệt, khi tình cảm ấy được thể hiện trong mọt cảnh ngộ đặc biệt thì sẽ càng để lại những ám ảnh sâu sắc với người đọc. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm như thế. Và có nhà nghiên cứu đã từng đánh giá hết sức thấm thía rằng “Vượt lên trên những éo le mất mát của chiến tranh, Nguyễn Quang Sáng đã cất lên bài ca về tình phụ tử sâu nặng.” Vẻ đẹp của tình phụ tử ấy được khắc họa sâu sắc qua nhân vật ông Sáu- người cha cán bộ cách mạng. 
      Ông Sáu là một nông dân Nam Bộ yêu nước, là một chiến sĩ cách mạng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ngày ông đi, cô con gái đầu lòng cũng là đứa con duy nhất mới gần 1 tuổi. Mãi đến 8 năm sau, ông mới có cơ hội được trở về gặp lại con. Chính sự xa cách ấy đã ngăn cách việc ông có thể bày tỏ tình yêu, sự chăm sóc cho cô con gái bé bỏng. Ông nhớ con da diết, từng bảo chị Sáu đưa con đến thăm nhưng chiến tranh quá ác liệt khiến cho mong ước gặp con không thể thực hiện được. Bởi vậy, khi có được chuyến nghỉ phép ba ngày, ông mong ước biết bao phút giây được gặp lại con, được ôm con vào lòng, cảm xúc ấy khiến “cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Bởi vậy, khi gần về đến nhà, thấy một bé gái đang chơi nhà chòi trước ngõ, biết đó là con gái ông Sáu không kìm nén được cảm xúc. Không chờ xuồng cặp bến, ông nhảy thót lên bờ, đẩy chiếc thuyền tạt ra khiến bác Ba chới với. Ông bước nhanh với những bước dài, rồi dừng lại kêu to: “Thu! Con!” “Ba đây con! Ba đây con”, sự xúc động cao độ khiến cho “vết thẹo trên gương mặt trở nên đỏ ửng, giần giật trông dễ sợ”. Nỗi xúc động được gặp lại con ấy của ông Sáu là một tình cảm hết sức tự nhiên. “Với cái lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ con anh sẽ chạy xô tới, ôm chặt lấy cổ anh, cất tiếng gọi ba”. Thế nhưng, trước sự vồ vập, xúc động của ông Sáu, bé Thu “mặt tái đi, chạy vụt thét gọi má, má”. Điều đó đã khiến “anh đứng sững lại hai tay như buông thõng xuống như bị gãy”. Hành động ấy của anh đã ám ảnh người đọc bởi ta hình dung được đằng sau sự im lặng đó là nỗi buồn sâu sắc, là sự hụt hẫng của một người cha khi bị con từ chối trong phút giây gặp mặt. Có thể thấy, trong phút giây gặp mặt con sau 8 năm xa cách, từ tâm tình xúc động của nhân vật ông Sáu, ta cảm nhận được vẻ đẹp sâu sắc của tình phụ tử. 
      Vẻ đẹp của tình phụ tử ấy còn được thể hiện trong ba ngày ông Sáu ở nhà. Trong ba ngày phép ngắn ngủi, quý giá này, ông chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn muốn ở gần con, muốn được chăm sóc con. Ông mong mỏi tiếng gọi “ba” từ con nhưng chẳng thể. Khi sự từ chối mình của bé Thu trở nên ngang bướng quyết liệt, ông không giận con mà ông chỉ khe khẽ lắc đầu, cái lắc đầu thể hiện nỗi buồn khó giấu, đặc biệt khi thời gian ông ở bên con chỉ được ba ngày. Hết ba ngày phép, ông Sáu phải trở về khu căn cứ. Đến lúc chia tay, ông bắt tay tạm biệt mọi người rồi đưa mắt nhìn con. Chắc là ông muốn nghe con gọi ba lắm, muốn được ôm con, hôn con nhưng lại sợ nó giẫy lên, bỏ chạy trước bao nhiêu người kia nữa nên ông chỉ dám đứng từ xa mà tạm biệt con. Ông đang cố kìm nén cảm xúc trong mình. Cho đến khi nghe tiếng Thu gọi “ba”, tiếng gọi ba như vỡ tung từ đáy lòng nó, tiếng gọi ba khiến ông Sáu vỡ òa trong niềm hạnh phúc để rồi “ông Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc mềm mại của con”. Hình ảnh ấy khiến bà con không kìm được nước mắt còn ông ba thấy như ai đang bóp nghẹt trái tim mình. Thế nhưng, giây phút cha con nhận nhau cũng là thời điểm ông Sáu phải chia xa con gái. Vì việc chung, vì cách mạng, người cha cán bộ đã phải từ giã đứa con bé bỏng khi con vừa kịp nhận ba, còn gì xúc động và ám ảnh người đọc hơn thế! 
      Tuy nhiên, để lại ấn tượng sâu sắc nhất với người đọc về vẻ đẹp tình phụ tử ông Sáu dành cho bé Thu có lẽ là tình huống những ngày ông Sáu ở khu căn cứ. Khi trở lại khu căn cứ, thiếu gạo, nhiều khi phải ăn bắp thay cơm, lại bị giặc khủng bố liên miên, cái chết bủa vây từng ngày nhưng tâm trí ông luôn nhớ về những ngày ở nhà, nhất là việc đã nóng vội mà đánh con vô lí. Đó là nỗi ân hận luôn ám ảnh, day dứt, giày vò trong tâm hồn ông.Ông nhớ như in lời con dặn vội vàng lúc chia tay “Ba vể, ba mua cho con một cây lược nghe ba!”.Điểu đó thôi thúc ông làm một chiếc lược cho con gái. Lúc có được khúc ngà voi, ông “hớn hở như một đứa trẻ được quà”.Khi bắt tay vào làm chiếc lược , ông “cưa từng chiếc răng một cách thật thận trọng, tỉ mỉ, cố công như một người thợ bạc”. Ta như cảm nhận được, hình ảnh ông Sáu làm chiếc lược giống như hình ảnh của một nghệ nhân dồn hết tâm sức làm một tác phẩm duy nhất trong đời, chiếc lược tặng cho con gái. Sau khi làm xong, ông gò lưng , tẩn mẩn khắc lên sống lưng lược dòng chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Mỗi lúc nhớ con, ông lại lấy cây lược ra ngắm nghía, mài lên tóc của mình cho thêm bóng thêm mượt, và gỡ rối phần nào nỗi day dứt, ân hận vì một lần trót lỡ tay đánh con. Ông mong ước biết bao được một lần nữa trở về gặp con, trao tận tay cho con cây lược. Thế nhưng, ước nguyện đó chưa kịp thực hiện thì trong một trận chống càn, ông Sáu bị thương nặng. Khi không còn đủ sức trăn trối lại điều gì, “dường như chỉ có tình cha con là không thể chết”, ông đã “đưa tay vào túi móc cây lược và nhìn bác ba hồi lâu”. Có thể hình dung trong cái nhìn, hành động ấy của ông Sáu là Thu cây lược, có thể là cái nhìn nhờ cậy, chăm sóc con gái, có thể là cả nhờ cậy bác ba thay mình làm tròn trách nhiệm của một người cha.....Dù hiểu thế nào thì quả thật cái nhìn ấy đã để lại bao ám ảnh đối với người đọc- ám ảnh về tình yêu sâu sắc của một người cha dành cho con. Cây lược ngà, món quà duy nhất của người cha mãi đến 10 năm sau bác ba mới có thể trực tiếp trao lại cho bé Thu, bấy giờ đã là cô giao liên Thu dũng cảm. Chiếc lược ngà trở thành cầu nối giữa hai cha con, nối dài tình phụ tử. Nó mãi mãi trở thành kỷ vật, thành biểu tượng thiêng liêng. Để rồi “Vượt lên trên những éo le mất mát của chiến tranh, Nguyễn Quang Sáng đã cất lên bài ca về tình phụ tử sâu nặng.”
      Câu chuyện cảm động về tình phụ tử sâu nặng của ông Sáu trong “Chiếc lược ngà” chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh hiện thực của cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ oanh liệt của nhân dân ta- cuộc chiến tranh được tiến hành bằng tình yêu nước, bằng tinh thần chiến đấu kiên cường, bằng việc đánh đổi và hy sinh... Và trong bức tranh hiện thực ấy, hình ảnh con người Việt Nam đã được khắc họa thật đẹp và ngời sáng qua các tác phẩm văn học, để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc nhiều thế hệ. Để rồi, trong những năm tháng hòa bình sau này, mỗi lần nhắc đến lịch sử đát nước trong giai đoạn này, chúng ta mãi khâm phục và tự hào về hình ảnh những con người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để đem lại hòa bình cho đất nước. Tin rằng hình ảnh của họ sẽ sống mãi trong lòng chúng ta.

Tác giả bài viết: Phan Ngọc Hiệp - 9C

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập365
  • Hôm nay80,669
  • Tháng hiện tại1,950,676
  • Tổng lượt truy cập44,820,323
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây