Cho đến bây giờ, tôi vẫn không tin nổi, anh đã bỏ mẹ con tôi ra đi. Thần tượng của tôi, người thầy giáo đặc biệt luôn tỏa sáng trong tôi những điều cao đẹp.
Đó là buổi chiều định mệnh ngày 23 tháng 3. Anh mất do tai nạn giao thông trên đường đi tuyển sinh về nhà. Với tôi, mặt trời đã rụng. Cả trái đất sụp đổ.
Tôi ân hận mãi. Ngày hôm đó, sáng tôi bận dạy, tôi không đi chợ được. Thế là bữa trưa cả nhà ăn qua quýt, nên buổi chiều tôi đã ra vườn làm món canh rau vặt nấu với tép mà anh rất thích. Tôi vừa bắc nồi lên nấu, thì nhận được hung tin….
Đã hơn 3 năm trôi qua, nhiều lần con gái dọn mâm, nó vẫn bày 4 bát và 4 đôi đũa. Mẹ con tôi thỉnh thoảng vẫn nấu món canh rau vặt. Và mỗi lần như thế, nghĩ đến anh ngồi nhặt những con tép trong bát canh nhường cho con, nước mắt tôi lại giàn giụa…
Chúng tôi yêu nhau và lấy nhau trong hoàn cảnh rất nghiệt ngã. Lễ thành hôn chưa qua tuần trăng mật thì bố anh mất. Mất vì tai nạn giao thông thảm khốc trên đường Quốc lộ 1A về nhà.
Nhà có 4 anh em. Anh cả xa nhà. Hai em còn ăn học. Thế là anh cắn răng nuốt nỗi đau vào trong để lo tang cho bố. Mẹ không chịu nỗi “cú sốc “ này nên ngã bệnh. Thế là anh lại lo điều trị thuốc thang cho mẹ. Sau đận ấy, anh hốc hác, phờ phạc. Ấy vậy mà anh vẫn động viên, an ủi: “Em ráng lên. Sau ba ngày là phải lên lớp, không thể để học sinh nghỉ học được”.
Tôi ngoan ngoãn vâng lời anh.
Kể từ khi ra trường đến khi anh mất, anh chưa hề nghỉ dạy, chưa hề chậm giờ. Anh nói với tôi: “Mình chậm 5 phút, lớp có 50 học sinh, thì có nghĩa là mình đã ăn cắp của các em 250 phút. Học sinh trường ta nghèo, không có điều kiện để học thêm buổi chiều, nên những giờ chính khoá tranh thủ dạy cho các em được thêm tí nào hay tí đó”.
Trong lúc tang gia bối rối như vậy, nhưng đêm trước của buổi lên lớp sáng mai, anh hỏi nhỏ tôi: "Mai em dạy bài gì? Tranh thủ đọc và soạn trước đi. Không thể lên lớp “chay” em nhé! Khi còn sống, bố rất ghét lao động tắc trách, chây lười. Nên thương nhớ bố là làm tốt công việc”. Anh dặn tôi.
Đêm hôm đó, sau khi thắp nhang trên bàn thờ cho bố và săn sóc cho mẹ, anh ngồi vào bàn soạn bài. Ngày mai anh có 4 tiết. Tôi khuyên anh tắt đèn đi nghỉ, anh tắt đèn, nhưng sáng mai đã thấy anh ngồi bên bàn soạn giáo án rồi.
Trở thành vợ của anh là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi. Chúng tôi cùng sinh năm 1979, anh về Trường PTTH Hà Huy Tập trước tôi một năm.
Anh dạy Anh văn còn tôi thì dạy Ngữ văn. Anh cao 1,75m, nặng 75kg, mắt to, sáng, nhưng trĩu buồn. Khi tôi gọi anh là "Ông Tây – An Aam”, đến lúc chúng tôi có con thì gọi "cha Ran của mẹ”, nhưng anh bảo tôi: “Cứ gọi anh là Trang, Đặng Hồng Trang”, cái tên quen thuộc cha mẹ đặt cho anh. Vì anh muốn mình là chính mình. Mình là cây cỏ của xứ sở Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, gió Lào, nắng lửa này, thì là cỏ hết mình. “Là cỏ cứ phải xanh hết mình”. Anh rất thích câu thơ này.
Những ngày mới ra trường, học sinh không mấy mặn mà với môn Ngữ văn. Tôi là cô gái học Văn, nên nhạy cảm và không tránh khỏi những lúc buồn chán. Là bởi vì, mới ra trường mang nhiệt huyết và kỳ vọng vào học trò, tưởng tượng ra cảnh học sinh say sưa học môn văn ra sao, nhưng khi vấp phải thực tiễn không như những gì mình nghĩ , ngao ngán là điều dễ hiểu.
Những lúc như vậy, anh lại vỗ về: “Đừng nôn nóng, dục tốc bất đạt, mà hãy từ từ, mỗi ngày một ít, phải thông cảm với các em học những 13 môn. Môn nào cũng quan trọng, mà các em có điều kiện học đâu. Vấn đề không phải là trút tất cả kiến thức xuống các em một lần, mà như kiến tha lâu đầy tổ, mỗi ngày một ít, làm sao đánh thức được niềm đam mê, khát vọng trong lòng các em. Làm nghề dạy học là thắp lửa mà môn Ngữ văn của em có điều kiện nhất”.
Anh khuyên tôi thắp lửa trong lòng học trò, nhưng chính anh lại thắp lửa cho tôi. Anh dạy tôi phải chấm chữa bài cho học sinh và trân trọng từng sáng tạo của các em. Những động viên khích lệ của thầy cô với học sinh vô cùng quan trọng, đó là cách thắp lên ngọn lửa, nhất là đối với học sinh nghèo.
Có một lần anh nói với tôi: “Em học tiếng Anh đi!” rồi anh tìm nguyên bản “Ông già và biển cả” đọc nguyên tác đoạn trích trong chương trình Ngữ văn 12, dịch nghĩa cho tôi nghe. Đúng là nếu tiếp xúc được với nguyên tác thì tuyệt vời biết mấy. Nhưng tôi chưa có điều kiện để làm được điều anh gợi ý.
Là giáo viên dạy môn tiếng Anh, anh thao thức và phàn nàn chỉ riêng với tôi: Học sinh đất học Hà Tĩnh học giỏi, nhưng môn tiếng Anh lại chưa tương xứng.
Ở vùng quê này, kỹ năng tiếng Anh của các em lại càng kém nhất là lỗi trong phát âm. Mấy năm trực tiếp dạy môn tiếng Anh cho học sinh , anh thao thức và trăn trở tìm mọi cách để khắc phục lỗi phát âm. Anh đã nghiền ngẫm và rút ra quy trình gồm 3 bước.
Một là bám chương trình, sách giáo khoa (về mặt nội dung, kiến thức) nhưng thay đổi hoàn toàn cách dạy - học. Thay vì thầy dạy- trò nghe, chép, bây giờ là hội thoại. Anh đã biến lớp học thành một không gian giao tiếp tiếng Anh. Từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều. Trước hết là câu chào, hỏi thăm sức khỏe, lời chúc và sau đó là những mô hình, những mẫu câu được vận dụng trong hội thoại.
Không dừng lại ở đó, anh khuyến khích các em hình thành các nhóm học tự nhiên (cùng làng, cùng tổ, hay cùng bàn) để có điều kiện giao tiếp với nhau. Khi đã có một vốn lưng lửng, anh nâng lên hình thức tổ chức câu lạc bộ. Có khi các em học sinh đến nhà, anh đóng ông tây, hỏi nhà, hỏi đường và các em là người địa phương trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch.
Bằng cách đưa tiếng Anh vào cuộc sống, anh đã luyện được ngữ âm và ngữ điệu cho các em. Chưa hết, anh sưu tầm các cuộn băng hình, hoặc tìm những chương trình trên mạng, tham khảo rồi biên soạn lại phù hợp để giúp học sinh phát chuẩn âm. Cái cách anh học với học sinh, lắng nghe học sinh phát âm rồi chỉnh sửa một phụ âm uốn lưỡi, một nguyên âm tròn môi vô cùng công phu và kiên trì.
Thỉnh thoảng, anh tâm sự với tôi: “Nghề dạy học đâu chỉ cần kiến thức giỏi mà cần tấm lòng thương yêu học sinh”.
Tôi cũng có thể nói được điều này, nhưng làm như anh thì thật hiếm có. Có lẽ sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khổ, tuổi thơ lấm lem mưa nắng cho nên anh chia sẻ, đồng cảm với bao nỗi gian truân của học trò nghèo.
Anh thuộc lòng từng hoàn cảnh trong lớp. Anh chia sẻ những vui buồn với học sinh. Anh khích lệ, động viên từng em. Anh làm điều này với tất cả sự âm thầm lặng lẽ mà không bao giờ nói ra.
Còn nhớ năm 2008, khi đã chuyển về dạy Trường THPT Nguyễn Đình Liễn, gia đình 4 người chúng tôi sống trong căn nhà cấp 4 chỉ đủ kê 2 chiếc giường. Tiền lương 2 vợ chồng tằn tiện chắt lót mới tạm đủ trang trải cuộc sống. Trong lớp anh làm chủ nhiệm có em Tiến hoàn cảnh khó khăn. Thế là anh chở em Tiến về nhà, cùng ăn trưa với cả nhà. Sau đó, anh lại lai học sinh đến trường. Cho nên, học trò coi anh như bố.
Anh thường hỏi tôi: “Lớp em chủ nhiệm có học sinh mồ côi bố mẹ không? Trẻ con mồ côi quá thiệt thòi, thiếu yêu thương chăm sóc, thiếu tự tin, lót lét và có khi dễ rơi vào trầm cảm. Em nên dành thời gian quan tâm những em này”.
Lúc ấy nghe anh nói, tôi thấy khó chịu. Tôi đàn bà, hay ốm vặt, hai con nhỏ, ngoài việc trường còn bao nhiêu là việc nhà. Vẫn biết anh san sẻ, dọn dẹp, chăm con kể cả rửa bát cũng không nề hà, nhưng riêng tôi chẳng còn thời gian để đọc sách thì lấy đâu thời gian để quan tâm học sinh nào nữa. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy ân hận vô cùng. Khi nhìn hai đứa con mất bố, tang trắng trên đầu, mỗi ngày thắp hương cho bố, quấn quýt bên di ảnh bố, tôi thấy đau từng khúc ruột và mới hiểu được những điều sâu xa mà anh căn dặn tôi ngày xưa.
....
Mất anh rồi, trong tâm trí tôi lúc nào cũng ăm ắp hình ảnh anh...
Nhớ lần cả 2 vợ chồng được thầy Hoàng Quốc Dũng – Hiệu trưởng nhà trường và Chủ tịch Công đoàn động viên tham gia thi giáo viên giỏi ở Hà Tĩnh. “Cả hai vợ chồng đi thì có sao không? Lỡ hỏng cả hai đứa?”. Tôi nghĩ vẩn vơ thế. Anh động viên, khích lệ, nói với tôi rằng, được hay không quan trọng, nhưng tham gia để học bạn bè, được trải nghiệm qua thử thách, vượt lên áp lực thi cử (và thầy cô có thi cử mới thông cảm với đời học sinh mà).
Thế là cả 2 vợ chồng, xe máy, lai nhau ra Hà Tĩnh dự thi. Cả hai vợ chồng qua được vòng thi lý thuyết. Tôi vui và tự tin hơn. Nhưng đến vòng thi thực hành, mỗi giáo viên bốc thăm viên dạy 2 tiết. Lần đầu tiên đi thi giáo viên giỏi tỉnh, tôi vẫn chưa hình dung được, cứ nghĩ là phải khác, phải lo soạn những điều cao siêu, phải nói những lời có cánh.
Anh mỉm cười: “Không phải thế đâu em ơi, mà thường ngày em dạy ra sao, bây giờ em dạy vậy, chứ đổ dồn vào 1 tiết dạy cho siêu, xong giáo viên giỏi bỏ bê thì nói làm gì. Em cứ dạy như mọi hôm, nghĩa là lên lớp tổ chức cho học sinh học, gợi ý cho học sinh “đồng sáng tạo” như cái cách em làm ở những tiết thao giảng ở trường mình ấy mà, khác chăng mọi hôm dạy cho tổ góp ý, đánh giá rút kinh nghiệm, còn bây giờ cho giám khảo đánh giá. Vậy thôi”.
Tôi làm theo anh. Và kết quả thật bất ngờ. Khi nghe tên cả 2 vợ chồng lên nhận phần thưởng, tim tôi vẫn đập bồi hồi. Tôi không sao quên được giây phút hạnh phúc ấy.
Bây giờ thì anh đã bỏ mẹ con tôi ra đi. Những năm tháng sống bên anh, tôi bao giờ cũng nơm nớp lo sợ có một ngày mất anh. Anh tuyệt vời quá, và tôi cứ linh cảm cuộc sống mong manh vô thường. Một lần, trời nóng bức, trăng sáng, cả hai chúng tôi ra chõng tre kê ngoài sân. Khuya lắm rồi, tôi gối đầu lên ngực anh thủ thỉ: “Mình có yêu nhau mãi mãi không anh? Sau này chết rồi, còn có yêu nhau?”. Anh xoa lên tóc tôi, an ủi: “Có chứ, yêu nhau cả khi chết xuống mồ”.
Bây giờ, mẹ con tôi đã vợ góa con côi... Nước mắt tôi lã chã. Tôi giấu con những phút mềm lòng. Những lúc như vậy, anh lại hiện về: “Em còn đồng đội, còn bạn bè thầy cô ở trường, còn học sinh, phụ huynh và bao nhiêu bà con làng xóm. Hãy làm tốt công việc, hãy yêu thương mọi người thì không bao giờ cô độc”.
Vâng, anh mãi còn, vĩnh viễn còn bên mẹ con em, mỗi sớm, mỗi chiều, khi lên lớp, khi về nhà, lúc soạn bài, lúc thao giảng. Đến trường, mỗi lần nhớ anh là em lại đến bên cây xà cừ, cây bằng lăng anh trồng. Hôm anh trồng cây này, trời nắng lắm. Anh bảo em phải che cho nó, rồi thỉnh thoảng anh lại tưới nước chăm cây. Bây giờ thì cây đã xanh tốt. Tán lá xum xuê, che nắng mặt trời. Những lần nhớ anh là em lại đứng dưới bóng cây, để được chở che, để được hóng mát.
Đêm em ngồi soạn giáo án, anh lại đến bên. Vẫn hơi thở nồng nàn và em nghe mấy sợi râu cằm của anh chạm vào bên má. Trong em anh mãi là thần tượng, mãi là thầy giáo; một thầy giáo âm thầm lặng lẽ, dạy cho em những điều bình dị trong cuộc sống đời thường, nhưng vô cùng cao đẹp, dạy cho em yêu thương học sinh, gắn bó với đồng nghiệp, chia sẻ với phụ huynh.
Những lời dạy ấy, không có trong sách vở, không soạn trong giáo án, hàng ngày, hàng giờ, sinh sôi, nảy nở, tỏa sáng trong em không bao giờ lụi tắt. Có phải thế không anh?