Chỉ vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 9 năm ngày mất của ông trong năm 2010 vừa qua, Hội Nhà văn VN mới tổ chức được những đêm thơ Tố Hữu tại Nhà hát Lớn Thủ đô Hà Nội và tại quê hương Huế của ông…
... Chương trình “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi” được tổ chức vào dịp kỷ niệm 1000 năm TL-HN giữa lòng Hà Nội. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều tướng lĩnh quân đội, nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi... đã đến tham dự. Mặc dù mang tính thơ ca ngâm ngợi, nhưng đây là một chương trình nghệ thuật hoành tráng, bề thế, giành được sự tán thưởng của đông đảo công chúng. Với 10 bài thơ của Tố Hữu từng nằm lòng nhiều thế hệ trên con đường cách mạng (Ta đi tới, Bầm ơi, Trăng trối, Êmily, con, Việt Nam, máu và hoa, Bác ơi…) qua phần trình diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, các nghệ sĩ ngâm thơ Hà Vy, Hồng Ngát, Vương Hà, Phan Muôn… thật sự “Thơ Tố Hữu đồng điệu với tâm hồn dân tộc”. Nhiều dòng nước mắt xúc động, nhiều tiếng vỗ tay đã không ngừng vang lên sau mỗi lời thơ, tiếng hát.
Ở đêm thơ “Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi”, ngồi hàng ghế đầu là Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, là Trung tướng Đặng Kinh, vị tư lệnh nổi tiếng của quân khu Trị Thiên-Huế và quân khu Tả ngạn năm xưa…Cả hai vị tướng đều chăm chú dõi theo từng tiết mục, đặc biệt là rất xúc động khi nghe “thần đồng” Trần Đăng Khoa đọc thơ: Kính gửi chú Tố Hữu, hay chiến sĩ đặc công rừng Sác Bùi Xuân Năm lên sân khấu ngâm bài thơ “Trăng trối”. (Theo tâm sự của chiến sĩ Bùi Xuân Năm, đây là bài thơ mà anh thường ngâm để tự động viên mình và đồng đội trước mỗi trận đánh, những trận đánh của đặc công nước mà 10 người ra đi thì 9 người nằm xuống)…
... Có một người nghệ sĩ quân đội rất gắn bó với thơ Tố Hữu cũng có mặt là NSƯT Linh Nhâm. Giọng thơ Linh Nhâm từng rất nổi tiếng với nhiều bài thơ xuân của Tố Hữu. Chị cũng là người nghệ sĩ đã mang thơ Tố Hữu đến tận mỗi chiến hào, mỗi trận địa trong cuộc kháng chiến vừa qua để phục vụ chiến sĩ. Hôm nay chị đã lớn tuổi, nhường sân khấu cho thế hệ con cháu, nhưng vẫn cùng chồng, nghệ sĩ Trọng Mai với quân hàm đại tá trên vai hoà lẫn với nhiều sĩ quan quân đội khác im lặng trong nhà hát như uống lại từng lời thơ Tố Hữu…
Trong đêm thơ, ngồi ở hàng ghế đầu, có một người phụ nữ thường chấm tay lên mắt xúc động theo mỗi lời thơ. Đó là bà Huỳnh Thị Hiệp, vợ của Trung tá Lê Nam, một cán bộ của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị quân đội đã hy sinh ở chiến trường Trị Thiên năm 68. Từ ấy, bà cắn răng vượt lên, không chỉ hoàn thành trách nhiệm một Bí thư Đảng ủy, giám đốc nhà máy… mà còn một lòng thờ chồng, nuôi các con trưởng thành nên người… Và sáng thu này, từ TP.HCM, bà đã bay ra để đến với đêm thơ Tố Hữu, một nhà thơ mà năm xưa chồng bà vô cùng yêu quý, và cũng là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khi chồng bà là Bí thư Huyện ủy ở đây…
Có một vị tướng vốn rất tha thiết với chương trình thơ này, nhưng phút cuối vì lý do sức khỏe đã không thể đến là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (hai hôm sau khi sức khỏe hồi phục, ông đã đến với hội thảo về thơ Tố Hữu và có tham luận rất hay). Và đặc biệt có hai vị đại tướng vô cùng thân thiết với nhà thơ Tố Hữu cũng không thể đến, là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Nặng tình đồng chí lại đồng hương - thơ Tố Hữu) và Đại tướng Chu Huy Mân (người cùng Tố Hữu vượt ngục năm xưa )… Cả hai đều không còn nữa, nhưng cháu con họ vẫn mang những tình cảm thân thiết của cha ông đến với đêm thơ Tố Hữu...
Thật ý nghĩa và tâm linh là đúng vào ngày 11.12, nhân ngày giỗ lần thứ 9 của Nhà thơ Tố Hữu, đêm thơ Tố Hữu “Quê Mẹ” đã được tổ chức hết sức bề thế tại nhà hát lớn nhất của Huế, với hàng ngàn người tham dự và được truyền hình trực tiếp phục vụ đông đảo công chúng. Kể như một lễ đón rước nhà thơ về lại đất mẹ yêu thương, như ghi nhận của một trí thức: “Tố Hữu đã về lại với Huế, sống lại với Huế, với “Mây gió hiu hiu trời lằng lặng, mưa nguồn gió biển nắng xa khơi…” (Nguyễn Hiệp).
Ngoài các đồng chí lãnh đạo ở Thừa Thiên -Huế qua các thế hệ, là hàng ngàn người dân Huế, đặc biệt ở hai làng Phù Lai và Niêm Phò (Quảng Thọ - Quảng Điền) là đông đảo các sĩ quan, chiến sĩ quân đội, đặc biệt là các vị tướng lĩnh. Thêm một lần công chúng gặp lại Trung tướng Đặng Kinh-ông không chỉ là một võ tướng tài danh gắn bó với nhà thơ Tố Hữu, mà còn từng là tư lệnh mặt trận Huế xuân Mậu Thân 68. Mặc dù tuổi đã 90, ông vẫn bay từ Hải Phòng vào tham dự đêm thơ với tất cả tình yêu của mình. Ngồi bên ông là một Trung tướng rất trẻ: Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Anh đến đêm thơ với cả gia đình của mình, đại diện cho cha anh - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…
Đêm ấy, Nguyễn Chí Vịnh cũng bước lên sân khấu, anh đã làm xúc động người xem khi gợi lại hình ảnh người cha, cũng như những câu chuyện đầy xúc động về tình cảm giữa nhà thơ Tố Hữu và cha anh - đại tướng Nguyễn Chí Thanh…
Đã có nhiều nhà lãnh đạo, nhiều nhà chính trị đánh giá về cuộc đời cách mạng, vị trí thơ ca của nhà thơ Tố Hữu. Từ những đêm thơ này, ta như thấy vang lên hai tâm sự của hai người nguyên là những vị đứng đầu ngành văn hóa: “Tố Hữu là thế hệ cộng sản ngay từ đầu. Ông đến với chúng tôi như ngọn cờ lí tưởng, tấm gương nghệ thuật và sự hấp dẫn của một nhà thơ luôn tươi mới, trẻ trung. Thật vui sướng được sống có ông, đọc thơ ông và khi ông đã yên nghỉ còn gặp ông…” (Nguyễn Khoa Điềm) và: “Tố Hữu sống mãi cùng nhân dân, đất nước” (Phạm Quang Nghị).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn