Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

BBT website giới thiệu cùng bạn đọc, bài giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh lịch sử cùng dân tộc” do em Trần Thị Phương Nhiên lớp 6C trình bày.

Xem tiếp...

Đỗ Phủ - những điều mới biết

Thứ bảy - 20/07/2019 12:22
“Hội thảo quốc tế kỷ niệm 1.300 năm sinh (712 – 2012) của nhà thơ lớn Đỗ Phủ” (do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ngày 29 tháng 12 năm 1012, tại Hội trường 9 - Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội; Với sự tham gia của các học giả, nhà thơ của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) là sự kiện kết thúc hoạt động kỷ niệm 1.300 năm sinh của “Thi Thánh” Đỗ Phủ trên toàn cầu.

Có lẽ cuộc “Hội thảo quốc tế kỷ niệm 1.300 năm sinh (712 – 2012) của nhà thơ lớn Đỗ Phủ” (do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ngày 29 tháng 12 năm 1012, tại Hội trường 9 - Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội; Với sự tham gia của các học giả, nhà thơ của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) là sự kiện kết thúc hoạt động kỷ niệm 1.300 năm sinh của “Thi Thánh” Đỗ Phủ trên toàn cầu.

Ngay từ đầu năm 2012, các cơ quan quản lý văn hoá, các hội đoàn văn học nghệ thuật, trên một vạn cư dân mạng Trung Quốc, đã tổ chức nhiều phương thức hoạt động kỷ niệm phong phú: Thi sáng tác thơ từ quốc tế “cúp Thi Thánh”; Thi sáng tác ngâm vịnh thơ “cúp Đỗ Khang tửu”; Hội thảo về giá trị hiện thực chủ nghĩa của thơ Đỗ Phủ; Du lịch tìm hiểu hành trình cuộc đời của Đỗ Phủ; Sưu tầm danh ngôn của các danh nhân ca ngợi con người và thơ Đỗ Phủ; Tổ chức “Hội thảo quốc tế kỷ niệm 1300 năm sinh Đỗ Phủ” tại Matscơva (6/4/2012); v.v…

Trong quá trình tìm hiểu hành trình cuộc đời của Thi Thánh (Đỗ Phủ sinh năm 712 tại Củng Nghĩa, tỉnh Hà Nam; Thời trẻ đã từng chu du các vùng Giang Nam, Sơn Tây; Sau phiêu bạt ở 2 tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên; Cuối cùng lưu lạc ở 2 tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam; Năm 770 ốm chết trong nghèo khó, tại Hồ Nam, khi ấy mới 59 tuổi mụ),  sách báo Trung Quốc bước đầu đã giới thiệu những danh lam thắng cảnh kỷ niệm Thi Thánh Đỗ Phủ, trên đất nước Trung Hoa từ xưa đến nay: là Đỗ Công từ; Tám ngôi mộ của Đỗ Phủ (tại Bình Giang, Lỗi  Dương và Củng Nghĩa, v.v…); Hai khu nhà kỷ niệm Đỗ Phủ thảo đường (ở Thành Đô và ở huyện Thành);  Nhà ở cũ của Đỗ Phủ, tại thôn Đỗ Khang (nơi Đỗ Phủ đã từng uống rượu, sáng tác và cùng bạn bè và dân chúng ngâm vịnh thi ca): Đỗ Phủ giang các; Đỗ Phủ tây các, v.v…

Nhà ở cũ của Đỗ Phủ (Đỗ Phủ cố lí)

Nhà cũ của Đỗ Phủ ở xóm Nam Đào, cách thành cổ của thành phố Củng Nghĩa (tỉnh Hà Nam) về phía đông một km. Ngôi nhà này lưng dựa vào núi Giá Bút, phía trước là cánh đồng rộng màu mỡ, dòng sông Đông Tứ chảy qua đây, rồi đổ vào sông Lạc Thuỷ. Nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường Đỗ Phủ (712-770) đã sinh ra tại ngôi nhà gạch ngói ở chân núi Giá Bút. Ông nội của Đỗ Phủ, tên là Đỗ Y Nghệ, từng làm quan Huyện lệnh huyện Củng. Phụ thân Đỗ Thẩm Ngôn là thi nhân đầu nhà Đường. Hồi nhỏ nhà thơ Đỗ Phủ đã sống với gia đình tại đây.

Vùng này đất đai màu mỡ, sông núi tráng lệ, đã nuôi dưỡng nhà thơ trưởng thành, đào luyện phẩm cách của thi nhân. Năm 1962, nhà cũ của Đỗ Phủ được trùng tu tôn tạo, khôi phục nguyên dạng.

Nhà văn hoá trứ danh Quách Mạt Nhược đã đề từ “Đỗ Phủ cố lí kỷ niệm quán”.

Đỗ Phủ thảo đường huyện Thành

Đỗ Phủ thảo đường, còn gọi là Đỗ Công từ, ở cạnh bên phải cửa thung lũng Phi Long Hiệp, dưới chân núi Phượng Hoàng, cách huyện lị huyện Thành 4 km về phía đông nam.

Năm Càn Nguyên thứ 2, triều nhà Đường (759) Đỗ Phủ từ Tần Châu đến Đồng Cốc (huyện Thành, tỉnh Cam Túc ngày nay), “xây dựng một ngôi nhà tranh để dung thân”.

Thảo đường được trùng tu tôn tạo vào thời đại Bắc Tống. Năm Vạn Lịch thứ 46, triều Minh (1618), lại được trùng tu tôn tạo. Ngôi nhà hiện còn là công trình kiến trúc đời nhà Thanh. Nhà hướng đông, chiều bắc nam rộng khoảng 10 mét, chiều đông tây rộng khoảng 30 mét. Hiện còn 3 gian 2 trái. Trước đây có tượng Đỗ Phủ, đã hư tổn từ lâu. Sân vườn cây cổ thụ xanh tốt, bia đá la liệt. Phía trước nhà có núi đá nhọn hoắt, có hai tảng đá đứng đối diện kề nhau, hình thành một ngôi nhà, truyền thuyết kể rằng có chim phượng hoàng đậu trên đó, nên có tên là “Phượng Hoàng đài”.

Trong bài thơ “Phượng Hoàng đài”, Đỗ Phủ có viết “đường đá tuyệt vời, núi đá  hùng vĩ. Như chiếc thang vạn trượng, để ngài leo lên đỉnh núi”.

Ngôi nhà tựa vào vách Tiên, hai ngọn đối xứng, giống như hai nho sĩ, dân chúng gọi là “đỉnh Tú Tài”. Trên núi có nhiều cây tùng bách, hoè, hải đường, trúc vằn, v.v…

Theo “Thành huyện huyện chí” ghi chép, nhiều bài thơ của Đỗ Phủ, như “Phượng Hoàng đài”, “Phát Đồng Cốc huyện”, “Thạch lũng”, “Nê Công sơn”, “Tích thảo lĩnh”, … đều làm tại đây.
Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô

Rất nhiều người Việt Nam đã biết đến tuyệt tác của nhà thơ Đỗ Phủ. Đó là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Tuyệt cú”

Lưỡng cá hoàng lệ minh thuý liễu,
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền.
 

Tản Đà dịch thơ:
                                    Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc
                                    Một hàng cò trắng vút trời xanh
                                    Nghìn năm tuyết núi song in sắc
                                    Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.

Bài thơ này viết vào mùa xuân năm Quảng Đức thứ nhì (764), khi Đỗ Phủ mới trở về Thảo Đường, là giai tác tả cảnh trong kho báu thơ Đỗ Phủ.

Bốn câu thơ này đều đăng đối, thất ngôn tuyệt cú mỗi câu một cảnh, giống như một bức tranh màu sinh động sặc sỡ: Oanh vàng, liễu biếc, cò trắng, trời xanh, sắc điệu   đàm nhã hài hoà, hình ảnh có động có tĩnh, thị giác từ gần đến xa, lại từ xa đến gần,     chỉnh thể bức tranh đem lại cho người ta cảm thụ đã tế nhị lại rộng mở. Câu kết, cũng bộc lộ ẩn ý của nhà thơ khi ấy có dự định muốn đi thuyền xuống Đông Ngô.

Đó cũng là một bài thơ tả cảnh tuyệt vời của Thi Thánh gắn liền với Di tích lịch sử văn hoá “Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô”.

Đỗ Phủ thảo đường tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, hiện nay là Viện Bản tàng Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô; Là nơi ở của Đỗ Phủ năm xưa khi ngụ cư tại  Thành Đô, tại đây gần 4 năm, ông đã sáng tác trên 240 bài thơ còn lưu truyền đến nay, trong đó có bài thơ “Nghe tin quân triều đình thu hồi Hà Nam và Hà Bắc” hiện tại là bài học bắt buộc của học sinh của nhiều địa phương ở Trung Quốc.

Đỗ Công từ (Thiểm Tây)

Đỗ Công từ cách thành phố Tây An 12 km về phía tây bắc, trước đây thuộc huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây.

Năm Gia Tĩnh thứ 5, triều Minh (1526) xây dựng từ đường để kỷ niệm Đỗ Phủ. Sau đó, hai lần trùng tu tôn tạo, vào năm Vạn Lịch thứ 5 (1577) và năm Khang Hy thứ 41, triều Thanh (1702). Văn nhân học sĩ hai triều Minh, Thanh đến đây cúng viếng và đề vịnh thơ ca, qua thơ ca của họ có thể thấy được tình hình thay đổi của Đỗ Công từ.

Năm Gia Khánh thứ 6, triều Thanh (1804), lại được trùng tu tôn tạo, sau đó lại qua 2 lần trùng tu, quy mô khá lớn.

Sau khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, được trùng tu tôn tạo toàn diện, đến năm 1978 thành lập “Nhà kỷ niệm Đỗ Phủ”.

Đỗ Phủ có đến 8 ngôi mộ

Đỗ Phủ sinh ra tại Củng Nghĩa (Hà Nam); thời trẻ đã từng du lịch các miền Giang Nam, Sơn Tây; sau phiêu bạt ở vùng Cam Túc, Tứ Xuyên; cuối cùng lưu lạc ở các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam; năm 770 ốm chết trong nghèo khó, tại Hồ Nam, khi ấy mới 59 tuổi. Nhưng, nơi chôn cất ông tại đâu, vẫn đang tồn tại 8 luận thuyết, nghĩa là Trung Quốc hiện nay có đến 8 ngôi mộ của Đỗ Phủ: 1 ngôi ở Hồ Bắc (Tương Dương), 2 ngôi ở Hà Nam (Yển Sư, Củng Nghĩa), 2 ngôi ở Hồ Nam (Lỗi Dương, Bình Giang), 2 ngôi ở Thiểm Tây (Lộc Châu, Hoa Châu), 1 ngôi ở Tứ Xuyên (Thành Đô).

Học giả Khương Hải Khoan, Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu Đỗ Phủ thuộc Viện Khoa học xã hội tỉnh Hà Nam, nói: “Phía sau một nhân thân có 8  phần mộ, song mộ thật chỉ có 1 ngôi. Nơi an táng cuối cùng nên tại hoặc trở về Củng Nghĩa.”

Ngoài ra, còn hai điểm du lịch văn hoá kỷ niệm nhà thơ Đỗ Phủ cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Đỗ Phủ tây cácđược dân chúng đời sau cải tạo nâng cấp lầu Mãn Nguyện, động Quan Âm, dưới chân núi Bạch Đế (thuộc huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên) thành điểm du lịch văn hoá kỷ niệm Đỗ Phủ. Bởi vì, nơi đây ngày xưa có tên là Quỳ Châu, nơi Đỗ Phủ đã ngụ cư 1 năm 9 tháng, làm trên 440 bài thơ.

Đỗ Phủ giang cácở đầu cầu Tây Hồ (Trường Sa, Hồ Nam), bên sông Tương Giang, nơi Đỗ Phủ đã tạm trú trên đường xuống Kinh Châu. Điểm du lịch văn hoá kỷ niệm Đỗ Phủ này chính thức mở cửa phục vụ công chúng vào tháng 10 năm 2005, với diện tích đất vườn rộng trên 6.000 mét vuông, diện tích kiến trúc trên 3.800 mét vuông, khu nhà gồm 4 tầng, cao 18 mét. Hoành phi viết 4 chữ lớn “Đỗ Phủ giang các”.

Những công trình tưởng nịêm Đỗ Phủ này đều được nhà nước Trung Quốc đưa vào danh sách những danh lam thắng cảnh, những điểm du lịch văn hoá, thu được hiệu văn hoá và kinh tế cao, được ttrùng tu tôn tạo lớn vào dịp kỷ niệm 1.300 năm sinh của Thi Thánh Đỗ Phủ.

Hội thi thơ Đỗ Khang

Tại vùng đất Hà Lạc địa linh nhân kiệt, có “Đỗ Khang thôn”, cách huyện lị Nhữ  Dương, tỉnh Hà Nam 25 km về phía bắc. Tương truyền đây là nơi Đỗ Khang nấu rượu. Theo truyền thuyết, Đỗ Khang là người phát minh ra nghề nấu rượu, rượu nấu ra được mệnh danh là “Đỗ Khang tửu”, đã có trên 2.500 năm lịch sử.

Trong thi phẩm “Đoản ca hành”, Tào Tháo - nhà chính trị, nhà thơ thời Tam Quốc - đã từng ca tụng “Có thể giải sầu, chỉ có Đỗ Khang”. “Rượu Đỗ Khang đã làm say Lưu Linh” cũng là một giai thoại được lưu truyền sâu rộng.

Năm 1994, tại đây đã xây dựng “Đỗ Khang tiên trang”, với tổng diện tích 1.500 mét vuông, trong đó có “Viện Bảo tàng rượu Trung Quốc”, trưng bày trên 5000 loại rượu trong và ngoài nước; trên 300 hiện vật văn hoá về dụng cụ nấu rượu, uống rượu trong lịch sử Trung Quốc; hàng ngàn tư liệu lịch sử, tranh ảnh làm rõ phong cách diện mạo lịch sử 5.000 năm văn hoá rượu Trung Quốc.

Đỗ Phủ và Đỗ Khang cùng nguồn cội sâu xa. Đỗ Phủ sinh ra tại thành phố Củng Nghĩa, thuộc vùng đất Hà Lạc; Đỗ Khang nấu rượu ở huyện Nhữ Dương, cũng thuộc      vùng Lạc Dương, Hà Nam; cự ly giữa hai nơi chỉ khoảng 100 cây số, lại cùng thuộc dòng tộc họ Đỗ.

Là nhà thơ hiện thực chủ nghĩa vào thời kỳ Thịnh Đường, Đỗ Phủ lo cho nước lo cho dân, thường lo trước nỗi lo của thiên hạ, ông cũng thường uống rượu Đỗ Khang để    tiêu giải ưu sầu trong lòng, đã từng để lại câu thơ “Đỗ tửu tần lao khuyến” (rượu Đỗ Khang đã nhiều lần giải mệt tiêu sầu).

Công ty cổ phần Đỗ Khang Lạc Dương đã mời những người Hoa yêu thơ trên    toàn cầu tham gia “Hội thi thơ Đỗ Khang” kỷ niệm 1300 năm sinh “Thi Thánh” Đỗ Phủ, bắt đầu từ ngày 31 tháng 3, kết thúc vào ngày 31 tháng 5 năm 2012, tại khu Kim Thuỷ, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
                                            

Trong cuộc Hội thảo quốc tế Kỷ niệm 1300 năm sinh của nhà thơ lớn Đỗ Phủ (do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 29/12/2012), vì thời gian có hạn, tôi không thể phát biểu tại hội trường, nếu được phát biểu, sẽ trình bày hai tư liệu quý, chứng minh sự truyền bá thơ Đường, thơ Đỗ Phủ vào Việt Nam là một tất yếu khách quan, có lịch sử lâu đời, có tầm trí tuệ văn hoá uyên thâm, có cảm quan đồng điệu nghệ thuật sâu sắc.

 Một là theo học giả Trung Quốc Lăng Chương, trong chuyên luận “Truyền bá thơ Đường tại Việt Nam”, thì thời kỳ nhà Đường (618 – 907), không ít người Giao Chỉ đã đến Trung Nguyên học tập và làm quan, như Khương Công Phụ (730 – 805) làm Tể tướng thời Đường Đức Tông (780 – 805), văn thơ Hán văn của ông “Bạch vân chiếu xuân hải phú” được tôn vinh là “An Nam thiên cổ văn tông” (ông tổ văn thơ Việt Nam). Lại như thi nhân Giao Chỉ Liêu Hữu Phương, đã từng đỗ Tiến sĩ, đồng thời làm Hiệu Thư Lang triều Đường. Ông đã từng thường xuyên xướng hoạ với thi nhân thời Trung  Đường Liễu Tôn Nguyên. Thi nhân lừng danh Liễu Tôn Nguyên đã từng viết tặng lời tựa cho một tập thơ văn của nhà thơ Liêu Hữu Phương. Các nhà thơ đời Đường như Thẩm Thuyên Kỳ, Vương Duy, Giả Đảo, Trương Tịch, v.v.. đều có những bài thơ xướng hoạ với những tăng nhân và sĩ tử Giao Chỉ đến thăm thú đất Đường. Đồng thời, những nhà thơ đầu nhà Đường như Đỗ Thẩm Ngôn và Thẩm Thuyên Kỳ, đã từng bị đày sang Việt Nam, cũng đã truyền bá thơ Đường đến Việt Nam.

Đỗ Thẩm Ngôn (khoảng 645 – 708) là ông nội của Thi Thánh Đỗ Phủ. Ông đỗ Tiến sĩ năm thứ nhất niên hiệu Hàm Hanh, thời Đường Cao Tông (năm 670), đã từng làm Hiển Thành uý, Thiện bộ viên ngoại lang. Năm Thần Long nguyên niên, triều Trung Tông (705) bị biếm trích lưu phóng đến Phong Châu (khu vực Hà Nội - Việt Nam ngày nay), sau đó đã làm tập thơ “Lữ ngụ An Nam thi”. Trên đường lưu đày cụ đã viết bài thơ “Độ Tương Giang”, bài thơ viết rằng:

Trì nhật viên lâm tịch du,
Kim xuân hoa điểu tác biên sầu.
Độc lân kinh quốc nhân Nam xuyên,
Bất tựa Tương Giang thuỷ bắc lưu.

(Nghĩa là: Chiều xưa thăm vườn rừng lặng lẽ; Xuân nay hoa chim sầu cùng với  mình. Một mình nặng nề bước về phương nam; Đâu có như nước sông Trường Giang chảy về hướng bắc.)
Bài thơ dùng thủ pháp biểu hiện nghệ thuật đối chiếu trái ngược, đối tỉ nay xưa với “nhân nam xuyên” với “thuỷ bắc lưu”, biểu đạt sự thương cảm phải bôn ba tới biên thuỳ phương nam. Thời trẻ Đỗ Thẩm Ngôn đã từng tề danh với Lý Kiều, Thôi Chúng, Tô Vị Đạo, được tôn xưng chung là “Văn chương tứ hữu”. Cuối đời, Đỗ Thẩm Ngôn đã cùng Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn xướng hoạ, sáng tác nhiều thơ Đường luật nổi tiếng, cùng là những người đặt nền móng cho “cận thể thi” thời Đường. Tống Chi Vấn cũng đã viết một bài thơ “Tống biệt Đỗ Thẩm Ngôn” (Tiễn đưa Đỗ Thẩm Ngôn).

Thẩm Thuyên Kỳ (khoảng 656 – 714), đỗ Tiến sĩ cập đệ năm Thượng Nguyên thứ hai (675), làm quan đến Thái tử thiếu chiêm sự. Thời kỳ Đường Trung Tông bị lưu phóng đến Hoan Châu (vùng Nghệ Tĩnh trung bộ Việt Nam ngày nay) 3 năm. Trong thời gian ở đây, ông đã viết các bài thơ “Sơ đạt Hoan Châu”(mới tới Hoan Châu), “Đề gia tử thụ” (Đề thơ cây dừa) và “Hoan Châu nam đình dạ vọng” (Ban đêm ngắm ngôi đình nổi tiếng vùng nam Hoan Châu), v.v…gửi gắm tình cảm vào cảnh ngộ thê lương khi ông bị lưu đày. Thẩm Thuyên Kỳ là nhà thơ cung đình thời Võ Tắc Thiện, tề danh với Tống Chi Vấn, tôn xưng chung là “Thẩm Tống”. Thơ cận thể của các ông chú trọng âm luật,  cách luật nghiêm cẩn tinh diệu chặt chẽ, đều là các nhân vật đại biểu của thể chế luật thi định hình.

Thẩm Thuyên Kỳ và Đỗ Thẩm Ngôn đều là nhà thơ trọng yếu nổi tiếng thời kỳ Sơ Đường, sau khi bị lưu phóng đã trực tiếp truyền bá thơ Đường tại Việt Nam.

Hai là trong “Di chúc” nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá thế giới, đã dùng đến 34 chữ để dịch nghĩa một tứ thơ tuyệt diệu nói về quy luật sống, đánh giá tầm cỡ của Đỗ Phủ, một cách cô đúc nhưng quá sâu sắc: “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là người thọ 70, xưa nay hiếm”. Trong khi viết về việc riêng của mình, Bác Hồ chỉ viết đúng 79 chữ. Có thể nói tình cảm trân trọng Thi Thánh Đỗ Phủ với việc riêng của Bác chiếm tỷ số rất cao: 34/79 bằng 43,03 %!

Những tư liệu và tỷ lệ ấy quả thật không cần nhiều lời bình luận!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập610
  • Hôm nay88,126
  • Tháng hiện tại1,486,310
  • Tổng lượt truy cập42,058,383
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây