1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
Nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của đời người là ai? Đã bao giờ ta tự đặt ra và trả lời câu hỏi ấy? Vâng, côn đồ thì sợ chính nghĩa, thằng A thì sợ thằng B,…. mỗi hoàn cảnh, mỗi con người lại tự cho mình 1 đáp án khác nhau. Nhưng, nếu đã đọc và thấu hiểu điều đầu tiên mà phật dạy thì chắc chắn mọi người sẽ có chung 1 đáp án thôi. Đó là: kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
Tại sao thế? Con người ta có tham, sân, si; có thất tình lục dục. Nhưng cao hơn cả là ước vọng vượt lên trên bản thân mình, là nguyện ước vượt ra khỏi vòng luân hồi, ra khỏi bể khổ trầm luân. Cứ tham lam đi, cứ báo thù đi, cứ si mê đi,… rồi đến lúc về với cát bụi xem mang được gì theo không? Thế nên, vượt qua chính mình là nguyện vọng mà ai có thời gian tĩnh tâm để nghĩ cũng sẽ thấy được thôi. Đừng nói cố gắng theo gương ai, học tập ai,…. mà cứ bảo rằng hãy vượt qua chính bản thân đi; biết kiềm chế mình khỏi cái xấu xa, để hướng đến cái tốt, vượt qua ta hôm nay để tốt đẹp hơn. Đó mới là chiến thắng.
2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
Lời nói dối đôi khi là tốt trong 1 số hoàn cảnh. Nhưng đừng nhầm lẫn, nói dối vì mục đích tốt đẹp không phải là “dối trá” đâu nhé. Dối trá ở đây có nghĩa như lừa lọc, nói dối để vụ lợi cho mình, để mưu cầu điều tốt đẹp cho mình hoặc che giấu đi cái gì xấu xa của mình, nói tóm lại, dối trá là hành động nói dối có chủ đích vụ lợi cho mình.
Chưa cần nói về khía cạnh đạo đức, việc nói dối hẳn nhiên sẽ gây ra sự sai lệch và hậu quả của nó thì tùy từng trường hợp sẽ khác nhau. Nhưng có 1 điểm chung, là trái của cây dối trá luôn là trái đắng và người ta chẳng bao giờ thay đổi được.
3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
Vâng, từ khi 3 tuổi mà không bị tè ra quần là thành công rồi,… lên 7 tuổi giải được bài toán cả lớp chưa ai làm được,… thế đấy. Thành công đôi khi chỉ là những cái nhỏ bé thế thôi, nhưng cũng đáng để tự hào, mãn nguyện lắm chứ. Nhưng tự hào và tự đại thì khác nhau nhiều, nhiều lắm …
Đừng tưởng chỉ mình mình làm được điều đó và cũng đừng cho mình là trung tâm, là vĩ nhân. Hãy nhớ rằng, thời thế tạo ra anh hùng chứ không có anh hùng nào tạo ra thời thế được đâu. Thành công của mình cũng có thể hoàn toàn là tất yếu lịch sử và biết đâu đấy, nếu là người khác trong hoàn cảnh ấy có thể làm tốt hơn thì sao?
Thế nên, hãy biết khiêm tốn đi, và hãy sống bình dị thôi, việc mình làm như là trách nhiệm, như là nhiệm vụ mình phải làm, là công việc của mình. Có thể tự hào vì mình đã làm được nhưng đừng có tự hào thái quá, tự kiêu rồi sinh ra tự đại nhé.
Điều mà Phật muốn răn dạy con người ta ở đây là bớt cái thói tự cao, tự đại đi, hãy sống khiêm tốn, giản dị và tôn trọng chính bản thân mình để biết mà tôn trọng thế giới xung quanh.
4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
Nếu ghen tị là động lực giúp chúng ta phấn đấu mà vượt lên chính mình thì cũng tốt lắm chứ. Nhưng cái mà Phật muốn nói đến ở đây là gì? Theo tôi thì Phật dạy là phải biết bằng lòng với cái mình đang có, biết trân trọng cái mình đang có và sau đó xem lại điều 1 nhé. Mọi thứ rồi sẽ thành hư vô, ghen tị rồi sinh ra đố kỵ để làm gì khi mình đang có những thứ mà người ta có khi mơ cũng chẳng có được đâu. Trân trọng cái mình đang có để từ đấy mà phát triển, chứ đừng nhìn sang bên kia thấy nó ngon hơn mà thèm, mà đố kị rồi cứ thế sinh ra nhiều thứ xấu xa lắm.
5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
Có nhiều loại sai lầm, nhưng đánh mất mình thì người ta đã đánh mất tất cả rồi. Cái sai này đâu thể sửa được
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
Với người Á Đông chúng ta thì đọc điều này chắc hiểu rõ ngay. Chỉ là, nhân đây tôi nhắc ai đang so sánh trung với hiếu tự nhận lấy đáp án của mình kẻo sau lại ân hận cả đời.
7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
Con sâu cái kiến sinh ra còn có ý chí sinh tồn, con người ta sống ở trên đời phải biết mưu cầu hạnh phúc cho mình, biết trân trọng những gì mình có để mà vươn lên tốt đẹp hơn. Tự ti làm con người ta thiếu đi cái tự tin, cảm thấy mình luôn nhỏ bé, yếu đuối, sẵn sàng buông xuôi…. Như thế thì thật đáng thương và cũng thật đáng trách. Điều Phật dạy này tôi không phân tích nhiều, trong mỗi con người chúng ta ai cũng có một góc khuất nào đó và tự soi vào để tìm xem mình có chút tự ti nào không thì sẽ thấu hiểu điều Phật dạy.
8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã
Tôi muốn trích một câu khá hay: “ai thành công mà không hề thất bại, ai lên khôn mà chẳng dại đôi lần” có vẻ chẳng liên quan gì đến điều Phật dạy này. Nhưng cái đáng quý, đáng trân trọng nhất của con người là nghị lực, là ý chí, lòng tin biết vươn lên, biết vượt qua gian khó, biết chiến thắng “kẻ thù lớn nhất của đời mình”. Sau khi ngã mà buông xuôi, mà chấp nhận thất bại rồi lùi bước, rồi chán nản hay ngồi kêu khóc,… thì thật quá tầm thường. Biết phấn đấu, biết vươn lên, đặc biệt là sau khi ngã, đó mới là điều đáng khâm phục nhất.
9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
Mất tiền có thể kiếm lại được, mất tay phải thì vẫn còn tay trái, mà mất cả 2 tay thì vẫn còn chân mà đi, mà …viết được… Thế nhưng, mất đi niềm tin thì sẽ chẳng còn gì cả. Diễn giải vậy thôi, vì tôi tin những gì bạn gặp trong cuộc sống đủ để dạy cho bạn hiểu điều này.
10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ
Tôi lại muốn trích dẫn một câu nói cũng không liên quan gì nhiều đến điều Phật dạy này, đó là: “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Vâng, có người thì cho là tiền bạc, vợ đẹp con khôn,…. là tài sản lớn và càng ngày càng cố gắng để kiếm lấy nhiều hơn. Hãy tĩnh tâm lại, xem mình thực sự cần cái gì và đâu là thứ mình mang theo được. Nói đơn giản, dân giã 1 chút thì: anh chẳng có sức khỏe thì hưởng thụ cái gì? anh chẳng có trí tuệ thì hưởng thụ của anh cũng chỉ như 1 con thú cưng được nuông chiều thái quá mà thôi – dạng trọc phú xem tranh đẹp chẳng hạn.
11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
Tiền vay thì trả được, có gì thì trả lãi gấp nhiều lần, sòng phẳng, dứt khoát, vậy là xong.
Nhưng tình thì không như thế, chẳng ai lượng hóa được tình cảm mà trả, mà thanh toán cho xong. Mà chưa thanh toán xong là…còn nợ. Cái nợ ấy, có thể làm người ta quên ăn, quên ngủ… Ấy là còn chưa kể, hết đời, hết kiếp, cái nợ ân tình còn đến cả kiếp sau, đời sau nữa. Thế nên, đời người có vay có trả vẫn chưa đủ đâu, con người ta phải cố gắng mà tu nhân, tích đức, gieo đức hạnh mà gặt bình an.
12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
Người với người sống để yêu nhau, ai cũng có thể mắc lỗi, mình có oán trách người ta thì lỗi cũng mắc rồi, sau không mở lòng cho nhau cơ hội mà sửa sai, cho người ta làm lại? Khoan dung, độ lượng, nhân từ – đó là những món quà ý nghĩa nhất, to lớn nhất mà con người ta có thể đem tặng cho nhau.
Và, nếu con người ta khác động vật ở tính thiện lương thì khoan dung là đức tính đầu tiên cần có để sống với đồng loại hòa thuận, an bình, hạnh phúc.
13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
Người không có tay vẫn có thể dùng mũi để ngửi và mắt để nhìn, tai để nghe,… Họ có thể cảm nhận được cuộc sống tươi đẹp mặc dù bị khiếm khuyết một phần thân thể, vì họ có sự hiểu biết. Ấy là mới nói đến khiếm khuyết về hình thể. Điều Phật răn dạy ở đây dễ hiểu quá rồi, tôi không nghĩ bạn sẽ hoài nghi “kém hiểu biết” có phải là khiếm khuyết lớn nhất của đời mình hay không? Vì nếu bạn còn nhớ những điều bạn đã đọc ở trên thì tự khắc bạn cũng nhận ra được lời răn dạy này hoàn toàn đúng và hợp logic với những điều trên đó.
Mà, hiểu biết là gì? Là biết mình, biết người, là Đông-Tây, kim-cổ, thế thái nhân tình,…nhiều, nhiều lắm
14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí
Cái này quá dễ hiểu, bạn chắc hẳn không có ý phản đối hay nghi ngờ điều này đúng không?
Có điều, có lẽ vì dễ hiểu quá nên nhiều người làm điều ác, điều xấu muốn được an ủi thường đi bố thí tỷ này tỷ nọ, triệu này trăm kia,… cho chùa chiền, cho chỗ này chỗ khác,… Họ cứ làm rùm beng lên để mang tiếng nghĩa hiệp hoặc để mua lấy cái an ủi cho mình. Hỡi ôi, bố thí đâu phải mang tiền làm từ thiện như thế mà được, bố thí phải đi từ cái tâm muốn tương trợ, giúp đỡ con người ta, muốn cho đi mà chẳng cần nhận về, chẳng cầu danh lợi, chẳng chút mong chờ gì chứ…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn