Nguyễn Tuân – Trăm năm vang bóng

Thứ bảy - 20/07/2019 07:42
Vâng! Tôi không biết lấy cái tiêu đề ra sao cho xứng với văn tài và tầm vóc nhà văn. Thôi thì chắp tay trước cuốn sách của ông mới được gia đình xuất bản, cuốn Vang bóng một thời, tôi xin mượn mấy chữ Vang bóng để làm đầu đề cho bài viết về ông nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một bậc thày trong văn chương Việt.

Và hôm nay lúc kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông thì các thế hệ người Việt Nam mình vẫn còn đọc Nguyễn, vẫn nhớ ông và cái sự vang bóng chắc còn mãi trong văn chương Việt. Sự vang bóng đó không chỉ một thời mà tính cách ấy, văn chương ấy đã vang bóng từ khi Người hãy còn tại thế, và tôi tin cả ở muôn sau. Cái bất tử của ông là ở đó.

Một cuộc đời... không giống ai

Ông sinh năm 1910, quê quán làng Thượng Đình, xã Nhân Mục (làng Mọc) nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình Nho gia thời Hán học đương tàn, đang học bậc Thành Chung thì bị đuổi khỏi trường do tham gia bãi khoá phản đối một số giáo viên người Pháp bôi nhọ người Việt.

Bỏ qua Thái Lan, ông bị bắt ở biên giới và bị bỏ tù vì “xê dịch” không mang theo giấy phép. Sau đó ông bắt đầu cầm bút viết văn, viết báo từ những năm 30 - thế kỷ XX. Nhưng mãi bảy tám năm sau, tên tuổi Nguyễn Tuân bỗng vang dội trên văn đàn khi ông viết Vang bóng một thời, Một chuyến đi..., Chiếc lư đồng mắt cua và Thiếu quê hương...

Và máu “xê dịch” của ông, lối sống tự do  của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa nên lần thứ hai ông lại bị bắt giam năm 1941 vì giao du với những người hoạt động chính trị. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân tự nguyện đứng trong hàng ngũ những nhà văn cách mạng và kháng chiến, từng giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, những năm đầu tiên của tổ chức văn học nghệ thuật cách mạng.

Nhiều người đã tự hỏi vì sao cái con người mang trong mình máu “xê dịch”, từng bao bận sông hồ ấy đã sớm lựa chọn không phân vân con đường cách mạng. Ông đã coi đó là cuộc cách mạng tất yếu của dân tộc này đất nước này và của chính ông. Nếu không có cuộc Cách mạng tháng Tám ấy, không biết rồi số phận đất nước Việt, và số phận mỗi con người,  trong đó có Nguyễn Tuân rồi sẽ ra sao? Có thể mỗi cuộc đời, con người ta đến với cách mạng không ai giống ai. Tô Hoài thì viết: “Có thể cảm kích bởi một chén rượu với Tố Hữu ở nhà hàng Thủy Tạ.

Có thể là hai người con lớn trong nhà đã là Việt Minh từ bóng tối mà Tổng khởi nghĩa rồi ông mới biết. Cũng như tấm lòng của ông với Trung đoàn Thủ đô mà ở đó có con trai ông...”. Nhưng tôi đồ rằng, con người từng chu du như vậy, ngang ngạnh như vậy, sâu sắc và thăm thẳm. Tấm lòng ấy chỉ có thể tự nguyện đứng về phía nhân dân và cách mạng khi thấy đời mình cần như vậy.

Chất lãng tử, có khí phách và độc lập tính ấy đã quyết định đúng. Đó là một công bằng. Người đã sớm hòa vào đoàn quân những chiến sĩ rời Thủ đô đi kháng chiến từ sau mùa đông năm 1946 lịch sử. Ông tự nguyện gia nhập Đảng Cộng sản, tự nguyện dấn thân làm cán bộ lãnh đạo Hội Văn nghệ với tư cách Tổng thư ký. Nhưng máu “xê dịch” không nguôi chảy. Ông lại có mặt ở khắp mọi nẻo đường kháng chiến, cả những vùng địch hậu để hòa vào đời sống dân tộc những ngày gian khó.Và ngòi bút ông đã bắt vào dòng thác mới, ông viết say mê những đề tài kháng chiến mang tính thời sự, nhưng lại có sức khái quát cao về đất nước ngày trường kỳ... Đọc lại tùy bút kháng chiến hay cả thời kỳ xây dựng hòa bình thấy cảm hứng của ông trước cuộc đời vẫn một mạch cháy bỏng.

 Sinh thời, Nguyễn sống có tính cách riêng, phong cách riêng không lẫn vào đâu được. Cái chất hào hoa, tài hoa của người Hà Nội rất điển hình nhưng lại rất... Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là đầu đề để Tô Hoài có một câu văn đậm chất Tô Hoài, triết lý một cách dân gian: “Ô hay, người ta ra người ta thì phải là người ta đã chứ”. Đó là lúc Tô Hoài nhận xét về Nguyễn Tuân và cá tính của nhà văn Vang bóng: “Triết lý và câu văn Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thuốc Bắc, ghé bổ một tý lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này không thể thiếu Nguyễn Tuân, người kia thì không chịu đựng được...”.

Đi và đi một đời lãng đãng đó đây. Chỉ cốt đi là được. Ông đi Hương Cảng đóng phim Cánh đồng ma. Chỉ một vai phụ thôi nhưng năm hết tết đến mà Nguyễn Tuân còn lặn lội sang tận Hương Cảng. Ấy là năm 1937. Không phải ai cám dỗ, thế mà cứ đi bởi không chịu được cái sự “đói đi” của ông. Và tất cả mọi cảm hứng nơi đô hội phồn hoa bậc nhất khu vực thời ấy, ông đã nhận về để viết Một chuyến đi...

Cả khi đã đi kháng chiến, những chuyến đi đã thành căn bệnh đã đưa chân Nguyễn Tuân khắp miền. Từng theo tướng Cao Văn Khánh nam tiến vào tận Tuy Hoà... Tuỳ bút Nguyễn Tuân về kháng chiến hay hoà bình đều là những trang sách hay nhất của ông. Nỗi đau đất nước chia cắt một thời ảnh hưởng lớn đến tình cảm Nguyễn Tuân như thể đó là nỗi đau riêng và ông đã đóng góp vào cuộc đấu tranh đòi thống nhất nước nhà. Ông viết tuỳ bút, những bài tuỳ bút hay nhất về chiến tranh.

Ông còn lên đài TNVN để trò chuyện cùng đồng bào miền Nam... Nguyễn Tuân đã chọn tuỳ bút và bút ký, vì sao? Đó là thể loại văn xuôi tư liệu có từ xa xưa. Nó là hình thái văn chương mà với thể loại này, sự kiện chưa phải là cái mấu chốt. Cái chính là người viết tham gia vào sự kiện, gửi gắm cảm xúc nội tâm, chính kiến, tạo đồng cảm nơi bạn đọc...

Không là người yêu say mê cuộc sống, không thể có cuộc đời lắm “lênh đênh đi”... Và không thể có những trang văn thấm đẫm nhân tình thế thái. Nhưng còn một con người Nguyễn Tuân kiêu bạc, khệnh khạng hay cao đạo như người đời nhận xét? Hãy đọc Nguyễn để hiểu Nguyễn. “Văn là người” mà! Trong trái tim khắc nghiệt kia là những nhịp đập nhân ái và cái tính cách đôi khi làm khó chịu kia chỉ là cái vỏ bọc của một trái tim bí ẩn yêu thương!

Bao giờ tôi chết nhớ chôn theo tôi một thằng phê bình. Thì ra cái câu ấy theo Tô Hoài thì còn thiếu cái phần sau nhân hậu bớt: “để cho nó đỡ buồn”. Người ác ý lấy cái phần đầu câu nói để chỉ cái khệnh khạng của Nguyễn trên văn đàn. Nhưng đâu phải thế. Nguyễn Tuân “Khẩu xà tâm Phật”.

Và đâu chỉ có Vang bóng một thời

Đó là một tác phẩm hay và nổi tiếng nhất trên văn đàn từ những năm 40 thế kỷ XX. Vang bóng được Nhà Tân Dân Hà Nội in từ 1940. Vang bóng... làm sống lại một xã hội phong kiến đã qua với nếp sống thanh cao nghệ thuật của Việt Nam lúc Nho phong xưa cũ, hay là hoài niệm trước những vẻ đẹp đang mai một chỉ để lại tiếng vang, để lại bóng hình trong dĩ vãng... Vang bóng vừa in được Thạch Lam khen hay và tức thì nổi tiếng. Tác giả đã miêu tả cuộc sống ăn chơi phóng túng trong Quê hương, Một chuyến đi, Ngọn đèn dầu lạc, Chiếc lư đồng mắt cua. Và còn đây nhớ tiếc những vàng son dĩ vãng... Nó được xem là cuốn tuỳ bút đầu tiên của Việt Nam. Không hiểu sao Nguyễn Tuân khi in lần đầu lại để đầu đề là truyện, nhưng nhiều người đọc chỉ thấy đây thực chất là tuỳ bút bởi đa số truyện không có cốt, không thắt - cởi như cấu trúc của thể truyện. Truyện của ông không giống ai. Tác phẩm ngay sau khi ra đời đã được đón nhận và từ năm 1940

đến 1945 được tái bản đến ba lần, được tặng giải thưởng Gia Long... Năm tái bản 1988 Vang bóng... được in đến 30.000 bản...

Trước mắt tôi bây giờ lại có một cuốn Vang bóng một thời in trên giấy dó, do gia đình in lại nhân 100 năm ngày sinh nhà văn. Cầm tập sách trên tay nhẹ bẫng lòng bâng khuâng trước chữ của người xưa. Trang đầu sách còn mấy bút tích của nhà văn ghi năm Ất Dậu 1945. Như bao lần đọc Vang bóng..., tôi lại lần giở những trang sách cũ. Những Chém treo ngành, Những chiếc ấm đất, Thả thơ, Đánh thơ, Ngôi mả cũ, Hương cuội, Chữ người tử tù, Ném bút chì, Chén trà trong sương sớm, Một cảnh thu muộn, Báo oán... Nhưng đọc lần nào cũng say mê. Tất nhiên có những chuyện một thời người đời tránh đề cập ngợi ca. Chém treo ngành là một. Bài đầu tiên cuốn sách, ngụ ý của nhà văn cho thấy nó có giá trị cao nhất về nội dung và nghệ thuật. Nhưng vì sao nó không được các nhà phê bình ngợi ca? Có lẽ đây là câu chuyện về sự bạo tàn của chế độ thực dân. Mạng người bị chúng đem ra chém ngọt như chuối lại còn tôn vinh đao phủ như một thứ nghệ thuật (?!). Một nghệ thuật phơi bày tội ác man rợ của thực dân Pháp và tay sai. Và Bát Lê, kẻ tội đồ đao phủ ấy cũng chỉ là nạn nhân của sự tàn bạo ấy, khi lão tin rằng sau tiếng hát tẩy oan, hắn vô tội...

Chữ người tử tù Nguyễn Tuân tôn vinh cái tinh thần kẻ sĩ của bậc quân tử khi cho Huấn Cao - một tử tội, có tài viết chữ đẹp, văn võ kiêm toàn được đãi rượu thịt nhưng Huấn Cao đã chối từ. Chỉ khi biết nhã ý của viên quản ngục, ông bằng lòng cho chữ trên vuông lụa trắng nhưng đĩnh đạc: “Ta khuyên thầy quản nên thay chỗ ở đi, chỗ này không phải là nơi để treo bức lụa trắng kia với nét chữ vuông vắn rõ ràng như thế... Ta bảo thực đấy, thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc cái đời lương thiện đi...”.

Bấy nhiêu thế thái nhân tình làm người ta ngẫm ngợi.

Mười hai câu chuyện trong Vang bóng một thời là bằng chứng về tài năng lớn Nguyễn Tuân. Ông vừa quyết liệt phủ nhận cái bạo lực lịch sử, đồng thời luyến tiếc vẻ đẹp quá khứ vang bóng để đề cao cái đẹp và ước muốn về một xã hội tươi đẹp. Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã ví Vang bóng một thời như một bức hoạ cổ...

Văn chương Nguyễn Tuân mang một giọng điệu độc đáo riêng ông, khó ai bắt chước hay ảnh hưởng nổi. Chữ nghĩa qua tay ông đều trở nên có hồn cốt, đạt đến trình độ ảo thuật ngôn từ như thể ông đã đắc đạo “Việt ngôn”.

Tất cả cho thấy ông là người của một thời nhưng tầm ảnh hưởng của đời ông, của văn ông có sức sống qua nhiều thời, nếu không muốn nói là bất tử. Sinh thời, Nguyễn Tuân rất tâm đắc câu nói của nhà văn Lỗ Tấn: “Người chết chỉ thật sự chết khi hoàn toàn không còn sống trong lòng người sống nữa”. Vâng! Ông đã sống lâu hơn đời ông, Vang bóng rồi không chỉ trăm năm. Xin được chắp tay tưởng niệm bậc thầy văn chương Việt, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông... 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay33,148
  • Tháng hiện tại1,100,442
  • Tổng lượt truy cập28,400,916
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây