Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Vẻ đẹp của văn chương Hồ Chí Minh

Thứ bảy - 20/07/2019 12:28
Chúng ta đã có nhiều dịp bàn thảo về những sự thống nhất và hài hòa trong di sản văn chương - văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng và trong toàn bộ hoạt động của Hồ Chí Minh nói chung.

Thực ra, trong một cốt cách văn nhân đích thực, luôn có một người lao động cần cù nhẫn nại bền bỉ, lại có một con người hành động quả quyết, dũng mãnh; và có cả sự mẫn tiệp khoan hòa của một triết gia... Nghĩa là trong họ, có một quá trình chuyển hóa và thống nhất hài hòa các mặt đối lập.

Chúng tôi muốn nghĩ thêm, nghĩ tiếp về Hồ Chí Minh ở phương diện văn chương theo hướng này.

Sinh thời, trong những ngày lao lý cơ cực, Hồ Chí Minh từng tự ngâm nga hơi quá lên rằng: Lão phu nguyên bất ái ngâm thi, nghĩa là: Ngâm thơ ta vốn không ham. Câu thơ này buông ra tự nhiên và nhẹ nhàng, nhưng nếu đọc lại, đọc  chậm lại và thử hình dung, thì ta có thể nhận ra rằng tác giả của nó đã thấm nhuần cái "đạo" tự kỷ nhún nhường của nhiều bậc túc nho muôn năm trước rồi! Họ là những người viết ra bao vần bao áng thi ca đã được đời ngâm ngợi, mà vẫn tự nhận là kẻ hậu học sơ lậu ở chốn lều cỏ nơi lâm tuyền...

Cái tự nhiên nào cũng có một sự thật trong đó. Hồ Chí Minh tự nhận quá lên là không ham ngâm thơ/ làm thơ, bởi sự thật là bình sinh, Cụ đã hướng tâm trí mình vào con đường làm cách mạng cứu dân cứu nước, nên bao nhiêu năm ròng, Cụ không có thì giờ để chuốt vần, để dựng truyện, là phải, là thật.

Tuy nhiên, con người cách mạng mưu lược và uyển chuyển này lại cũng có cả một hệ thống quan điểm về hoạt động văn nghệ nói chung và sáng tác thơ văn nói riêng. Khi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất - dưới sự lãnh đạo của Cụ, toàn dân Việt Nam đã giành được chính quyền, cả nước Việt Nam đã có được độc lập tự do vào mùa Thu năm Ất Dậu (1945), thì sau đó ít lâu, ngay giữa những ngày kháng chiến chống Pháp gian lao, Cụ đã tổng kết và khéo léo trình bày dần hệ quan điểm văn nghệ của mình.

Chẳng hạn, về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của văn nghệ sĩ, Hồ Chí Minh xác định: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà..."và: "Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến, kiến quốc cho con cháu đời sau".

Về việc học hỏi, bồi dưỡng tiềm năng,... sao cho dày dặn, phong phú để có nền tảng chắc chắn mà viết nên tác phẩm hay, giàu sức thuyết phục, Hồ Chí Minh cho rằng: Văn nghệ sĩ phải không ngừng học hỏi trong sách báo lý luận và trong thực tế thực tiễn, phải chống thói ba hoa, chống bệnh chủ quan tự kiên tự ái...

Đối với một số công việc bếp núc của nghề viết, Hồ Chí Minh lưu ý rất cụ thể: "Bao giờ cũng phải tự hỏi "Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?", và cần nghiên cứu kỹ cho ngọn ngành rồi mới viết... Viết xong, lại nên xem đi xem lại để tự sửa chữa, hoàn chỉnh, nếu cần, có thể đưa cho người khác đọc để họ góp ý cho...

Có hai điều đáng chú ý là: 1. Những quan điểm văn nghệ - văn chương trên thường được Hồ Chí Minh đưa ra bằng một cách nói/ viết nghiêm trang mà ôn tồn, thân kính; 2. Lý luận về văn nghệ - văn chương của Hồ Chí Minh hoàn toàn không phải là thứ lý luận suông, mà trước khi đưa ra, chúng đã được tổng kết từ chính quá trình sáng tác của Cụ, từ sự xem xét nghiên cứu hoạt động sáng tác của các nhà văn nghệ mà Cụ từng quen biết.

Cái đối lập thứ nhất ở đây, trong hoạt động văn nghệ - văn chương của Hồ Chí Minh là: Cụ không có ý định trở thành một nghệ sĩ của nghệ thuật ngôn từ, nhưng lại từ thực tiễn của mình, của đời, mà đưa ra được một hệ thống lý luận văn nghệ cơ bản, có ảnh hưởng lâu dài trong thực tiễn.

Chuyên nghiệp hóa là một quá trình phấn đấu của mỗi nhà văn, cũng là quy luật phát triển của một nền văn học lành mạnh. Quá trình đó đã sinh ra tình trạng: Có người chuyên chú tổng kết và làm lý luận; có người cặm cụi và hào hứng sáng tác thơ văn... Được thế, cũng là quý rồi.

Với Hồ Chí Minh, Cụ làm được cả hai việc.

Về sáng tác, ví như ở thể truyện ngắn, với các tác phẩm Pari, Lời than vãn của bà Trưng  Trắc, Vi hành, Con rùa, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu..., quả thật, Hồ Chí Minh đã là một cây bút xuất sắc. Đặt các tác phẩm này vào thời điểm Việt Nam những năm 20 của thế kỉ trước, và nếu kể thêm, là cả tập ký báo chí - văn học Bản án chế độ thực dân Pháp, và tác phẩm Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin chúng ta sẽ thấy rằng Cụ xứng đáng được coi là một nhà cách tân, một người góp phần mở đầu một dòng truyện ngắn - báo chí - văn chương rất mới ở nước ta. Không hẹn mà nên, cùng với các truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Chánh Sắt... Cụ đã góp phần tạo dựng ra nền văn xuôi hiện đại Việt Nam ngày nay.

Đóng góp của Hồ Chí Minh trong thể truyện ngắn ở Việt Nam không chỉ ở phương diện đưa đến một đề tài mới lạ, thấm nhuần tinh thần phê phán chống đối các thế lực bạo tàn phản dân chủ, mà còn ở bút pháp dựng truyện hoàn toàn mới lạ so với đương thời. Đó là một bút pháp văn xuôi tỉ mỉ mà gãy gọn, lúc cần chậm rãi thì chậm rãi mà vẫn tạo ra cảm giác nhanh mạnh của tốc độ một dòng chảy ý thức trong không gian rộng mở của tâm tưởng và xã hội mà nó là một phần, nó khác hẳn với những trang truyện ngắn và tiểu thuyết bản địa cùng thời. Trong bút pháp đó, ta thấy ẩn chứa cái nhìn đa chiều của tác giả với hiện thực được tái hiện, ta cũng nhận ra khá rõ cái chất hài hước bi thương của lối văn xuôi đa giọng điệu bây giờ.

Hồ Chí Minh là nhà sáng tác truyện ngắn thực thụ, có công lao lớn.

Hồ Chí Minh trong văn xuôi Việt Nam, cũng là một cây bút nghị luận chính trị có bản sắc. Như bất cứ nhà văn viết nghị luận thành công nào, các bài viết và quyển sách của Cụ thuộc thể này, vừa có lập luận chặt chẽ, có dẫn chứng thích hợp, đích đáng... mà điều đáng quý hơn, là rất có chất văn. Nhờ thế, văn nghị luận của Hồ Chí Minh hẳn là có chỗ luận lý đanh thép "không cái được", và cũng có nhiều đoạn ấm áp tình đồng chí, đồng bào, đồng nghiệp và tình nhân loại cần lao. Sức thuyết phục, hấp dẫn của văn chính luận Hồ Chí Minh đã nhiều lần được khẳng định là vì thế.

Trong lịch sử văn chương cổ kim, Đông - Tây, số người viết được, viết hay ở đủ mọi thể loại như Hồ Chí Minh quả là không nhiều. Riêng về lĩnh vực thơ ca, Hồ Chí Minh cũng là một nhà thơ có vị trí đặc biệt ở nước ta.

Trong khối lượng thơ ca Hồ Chí Minh để lại, ta thấy có hai dòng tác phẩm khá rõ:

Dòng một - là những bài thơ ca viết ra hầu như chỉ để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, chỉ dẫn cho người đọc có hiểu biết, có tình cảm với đất nước trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, rồi từ đó quyết dấn thân trên con đường cách mạng nhằm cứu nước, dựng xây đất nước. Tiêu biểu cho cụm sáng tác này là một số bài như Ca sợi chỉ, Hòn đá, Nhóm lửa, Bài ca du kích, Trẻ chăn trâu... viết vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, hay các bài thơ chúc Tết viết vào các năm 1968, 1969. Thấm nhuần tư tưởng văn nghệ do chính mình nêu ra, các bài thơ này đã có một cách viết giản dị, dễ hiểu trong việc lựa chọn ngôn từ, hình ảnh và trong cấu trúc. Nhờ thế, người đọc dễ thuộc, dễ làm theo. Chất trữ tình của các bài này khác với chất trữ tình của những áng thi ca giàu hình tượng bình thường.

Dòng thứ hai, có số lượng nhiều hơn trong di sản thơ ca Hồ Chí Minh, gồm những sáng tác chủ yếu, là viết cho mình, viết chuyện mình. Ở các bài tiêu biểu cho dòng thơ này, như tập Nhật kí trong tù, hay một số bài viết ở chiến khu Việt Bắc vào những năm kháng chiến chống Pháp (Đi thuyền trên sông Đáy, Cảnh rừng Việt Bắc, Cảnh khuya...), ta thấy cách viết thật phóng khoáng, tự nhiên. Ở đây có giọng chiêm nghiệm, tổng kết của một nhà cách mạng có cốt cách triết gia: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công.

Lại cũng có sự hòa hợp thần tiên giữa hiện thực và trí tưởng tượng qua những dòng thơ giàu nhạc điệu: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Thơ Hồ Chí Minh ở những bài này vừa giàu phong vị cổ, vừa có chất hiện thực của sự sống tươi nguyên, tạo ra một vẻ đẹp độc đáo, bình dị mà cao sang, trầm mặc cổ kính mà thân gần dễ hòa hợp.

Đã có sự chuyển hóa những  sự đối lập trong hoạt động văn chương của Hồ Chí Minh. Sự chuyển hóa này quả nhiên đã góp phần tạo ra đặc sắc văn chương của Cụ, tạo ra vị trí của Cụ trong văn thi đàn nước Việt.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập272
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm271
  • Hôm nay36,096
  • Tháng hiện tại1,320,291
  • Tổng lượt truy cập39,791,438
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây