Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ sử dụng ngôn ngữ độc thoại đời thường một cách phổ biến. Việc lựa chọn ngôn ngữ này xuất phát từ tư duy hướng vào đời tư, bám sát hiện thực đời sống. Nguyễn Thị Thu Huệ đã đưa vào tác phẩm của mình tiếng nói của đời sống thường nhật, dung nạp nhiều khẩu ngữ tự nhiên, làm độc giả không mấy khó khăn khi tiếp cận tác phẩm. Ngôn ngữ này dường như thô nhám, đôi khi suồng sã, bỗ bã, như: “Mặt mũi những thằng đàn ông suốt đời bị mất trộm” (Tình yêu ơi ở đâu); hoặc những câu nói từ thành ngữ: “nó ăn ốc, mình đổ vỏ. Ở đời chuyện ấy thường lắm” (Nước mắt đàn ông). Cũng có khi thứ ngôn ngữ này được diễn tả theo một chiều hướng khác bằng lối nói dân gian “lọt sàng thì xuống đất rồi chôn luôn, không có nia nào cả” (Thời gian của mỗi người). Lối nói suồng sã trong truyện ngắn của chị thể hiện rõ trong những dòng độc thoại nội tâm suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời và con người, thể hiện cách nghĩ của nhân vật về thời cuộc, về chính mình. Những dòng độc thoại nội tâm bằng lối nói dân gian khi suồng sã, có lúc bỗ bã đến không ngờ làm cho các nhân vật của chị như gai góc hơn, thực tế hơn, đôi khi là thực dụng về đời với một tâm trạng buồn xa xôi và chua xót.
Dòng nội tâm của các nhân vật còn được thể hiện bằng những ngôn từ hiện đại, phóng túng, giàu hình tượng của đời sống kinh tế thị trường. Điều này làm cho ngôn ngữ của họ cập nhật hơn, mới mẻ hơn với cuộc sống hiện đại. “Bên B là chùm khế ngọt, bên A trèo hái mỗi ngày” (Nước mắt đàn ông). Đồng thời Nguyễn Thị Thu Huệ còn có những dòng độc thoại nội tâm diễn đạt bằng phương ngữ rất đỗi nhẹ nhàng và duyên dáng. Lối diễn đạt này làm cho dòng nội tâm của nhân vật diễn ra tự nhiên hơn, không câu nệ vào ngôn từ hay cách diễn đạt của tác giả.
Đưa vào tác phẩm lối nói dung dị, sử dụng ngôn ngữ đời thường, cây bút nữ trẻ đã cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa tác phẩm và độc giả. Tiếp xúc tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ tôi nhận thấy rõ ràng tác giả này đã có những sự rút gần khoảng cách người kể chuyện và nhân vật, tác giả và bạn đọc. Với lối nói kiểu đời thường này, chị đã góp phần tái hiện chân thực bức tranh của đời sống với một gam màu lạ, thể hiện được sự đa dạng và sống động của cuộc sống.
Những tác giả nữ thường có lợi thế trong việc diễn đạt sâu sắc nội tâm nhân vật nữ, trong việc bộc lộ đến tận cùng thái độ, cách cảm, cách nghĩ của giới mình. Sự khám phá thế giới tâm hồn người phụ nữ được Nguyễn Thị Thu Huệ thể hiện ở mọi phương diện, từ trạng thái đến tình cảm, những cung bậc của cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn, những khát khao đam mê và cả những “gót chân Asin” của họ.
Công việc nội trợ hằng ngày gắn liền với người phụ nữ, cho nên trong những dòng suy nghĩ, dòng tâm tưởng của họ cũng có ít nhiều dấu vết. Nguyễn Thị Thu Hụê đã nhìn màn “đêm đen thẫm như một miếng thạch” (Cát đợi); ví liên khúc các bài hát như: “một xâu cá rô quẫy đạp liên hồi” (Cát đợi) và “những người đàn bà khác chạy qua đời tôi nhạt nhẽo như bí luộc” (Người đàn bà ám khói); hay những cảm nhận thú vị: “nhiều khi nó thấy ở mồm mẹ nó nói ra những câu đối thoại giống như một cái chợ bán cá thu nhỏ” (Phù thuỷ), “khuôn mặt méo xệch, vẹo vọ méo mó như cái oản bẹp” (Phù thuỷ).
Bằng trực giác và cảm nhận sâu sắc, chị viết nên những tâm sự của giới đàn bà, với những điều giản dị và không xa lạ với hầu hết phụ nữ. Những tâm sự, niềm vui nỗi buồn rất đàn bà được Nguyễn Thị Thu Huệ diễn tả tinh tế “Tôi mệt mỏi và thèm nói với anh những chuyện con con như em Thuý tập lẫy, chuyện nó đi tướt mọc răng” (Hình bóng cuộc đời)... Ngoài ra chị còn thành công ở diễn tả nội tâm của người phụ nữ lo về tuổi tác và nhan sắc: “Sao đến bên gương và nhìn thấy mình trong đó. Mí mắt sùm sụp, dưới mắt mòng mọng sưng, hai vành môi đã bắt đầu đen và lỗ chân lông trên mặt to ra như những đầu tăm” (Giai nhân). Có thể nói người đàn bà trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ luôn cảm nhận về “cái già đang ập đến” và ngôn từ miêu tả nỗi lo lắng này trong tâm trạng phụ nữ của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng khác biệt.
Cây bút nữ này đã thực sự làm người đọc xúc động với những trang viết về tình mẫu tử, diễn tả những cảm xúc xác thực của người đàn bà “thèm có con. Thèm được làm mẹ” (Người đàn bà ám khói); nỗi đau của người mẹ phải xa đứa con thân yêu “phải xa những gì lâu nay là máu thịt của chị. Xa đứa con trai bé bỏng thơm tho như một chiếc bánh ga tô vừa mới ra lò” (Tân cảng). Nỗi lòng của những bà mẹ có con gái lớn cũng được Nguyễn Thị Thu Huệ thể hiện rất đạt: “Mẹ bảo: lắm khi đang ngủ, tao giật mình không hiểu mày có lấy được chồng không. Nằm ngẩn một lúc, nhớ ra là mày đã có chồng, có con tao mừng không thể tưởng được” (Biển ấm).
Trời phú cho phái nữ trái tim nhạy cảm, suy nghĩ của họ thường mang màu sắc cảm tính, họ quan sát nắm bắt hiện thực bằng trực cảm… Khi đọc tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu cặp từ “hình như” chảy qua những dòng độc thoại nội tâm rất phụ nữ, những do dự, những tâm trạng lo lắng. Xu hướng sử dụng với tần suất cao lớp từ đặc tả những khoảnh khắc của tâm trạng, bộc lộ lối cảm nhận trực giác tạo nên sức ám gợi với người đọc, tôi nghĩ, rất đặc trưng cho người viết là phụ nữ.
Tái hiện hiện thực tâm lý qua độc thoại nội tâm bằng ngôn ngữ trực giác và linh cảm, cây bút truyện ngắn này đã bộc lộ khả năng nắm bắt những biến thái của tâm hồn con người, đặc biệt là phụ nữ. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ người đọc cảm nhận đó là tiếng lòng của người phụ nữ viết nên từ những trải nghiệm. Dù là lời lẽ góc cạnh hay những khẩu ngữ đời thường gần gũi, hay ngôn ngữ mang sắc thái nữ, thì ẩn sau những câu chữ vẫn luôn là tiếng lòng, là những dự cảm thân phận được viết ra từ sự dẫn dắt tuyệt diệu của mẫn cảm bản năng.
Giọng điệu độc thoại giãi bày tâm sự thường gặp ở đây mượn hình thức tự bạch. Hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ được viết dưới dạng người kể chuyện xưng tôi. Với hình thức này người kể chuyện tham gia vào câu chuyện như một nhân chứng, cũng là cách làm tăng độ tin cậy của bạn đọc đối với tác phẩm. Nhân vật xưng tôi tự kể chuyện mình, bộc bạch những nỗi niềm tâm sự, suy tư, cảm xúc của mình. Đứng ở điểm nhìn trần thuật này nhiều trường hợp giọng điệu tác giả và giọng điệu nhân vật hoà làm một.
Với người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, các chuyện ngắn này bộc lộ xu hướng viết “như một nhu cầu trình bày những trải nghiệm của bản thân”. Người kể chuyện lúc này xoá đi khoảng cách trần thuật của mình để đối thoại với độc giả. Nhân vật tự kể về cuộc đời mình, tự bộc bạch nỗi lòng của mình. Cũng có đôi khi người đọc thấy dường như “Nhà văn tự đưa mình vào tác phẩm” bộc lộ nhu cầu giãi bày tâm sự qua nhân vật. Một số truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ dù người kể ở ngôi thứ ba nhưng vẫn mượn giọng tự bạch.
Bằng độc thoại nội tâm, tác giả đã diễn đạt những giằng xé, dằn vặt của nhân vật trước biến cố cuộc đời, tạo nên giọng điệu thâm trầm sâu lắng. Trong các tác phẩm độc thoại nội tâm như là sự giải toả tâm trạng, nhân vật thường đặt câu hỏi cho chính bản thân mình: “Sao tôi thấy cô đơn và sợ cuộc sống thế này” (Mi nu xinh đẹp), thừa nhận với mình: “Tôi thấy trống trải và hụt hẫng” (Biển ấm), khẳng định cho chính mình: “Tôi tin rằng mình lại có tình yêu bởi vì tôi mất nó quá lâu rồi” (Cát đợi).
Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng của nhà văn. Với sự chi phối của cảm hứng về cái bi, truyện của cây bút này mang giọng xót xa khinh bạc, đặc biệt là khi nhìn vào mặt trái của cuộc sống, vào những éo le khôn cùng của những “lỉnh kỉnh, dở dang của cuộc sống”, những ảo tưởng tình yêu tan vỡ, trống trải và hụt hẫng sau những nỗ lực để bằng mọi giá có được người đàn ông của đời mình...
Giọng điệu này có trong nhiều truyện như: Người đàn bà ám khói, Hoàng hôn màu cỏ úa, Thiếu phụ chưa chồng, Một chiều mưa…
Nguyễn Thị Thu Huệ thường viết về cái nhìn đầy nghi kỵ, thậm chí là khinh bạc với giới đàn ông sống thực dụng. Đàn ông trong tác phẩm của chị thường là nhân vật gây ra những đau khổ cho nhiều phụ nữ đặc biệt là những cô gái trẻ ngây thơ và cả tin. Người đàn bà biết rõ nỗi cô đơn ngày càng thắt chặt, nên những dòng độc thoại nội tâm của họ được Nguyễn Thị Thu Huệ diễn đạt rất sâu sắc. Những nhân vật nữ trong truyện ngắn của tác giả nữ này suốt cuộc đời không tìm thấy điểm tựa và họ chua chát khi nhận ra điều đó: “Chị hay khóc với tôi và cho rằng đàn ông thì cần thật nhưng tốt nhất là không nên có” (Hoàng hôn màu cỏ úa).
Ngôn ngữ độc thoại biểu thị sự xót xa khinh bạc của Nguyễn Thị Thu Huệ tỏ rõ một sự đồng cảm sâu sắc. Ngôn ngữ độc thoại đó còn hài hước châm biếm thể hiện qua cách miêu tả hiện thực trong tâm tưởng mang sắc thái bi hài: Nguyễn Thị Thu Huệ xây dựng nên hình tượng người trí thức trong hoàn cảnh túng quẫn về kinh tế, thay vì nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học, hằng ngày anh ta phải nuôi chó Nhật để mưu sinh. Cũng dưới ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Thị Thu Huệ, người đàn ông trong Hậu thiên đường thảm hại ở cả hai tư cách “làm chồng và làm người tình”…; những đấng nam nhi đại trượng phu trong con mắt những nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ được phác họa là: “những anh chàng thương gia thì lạnh lùng, thô lỗ. Chàng Việt kiều thì ki bo, bủn xỉn. Nhà thơ thì yếu đuối, bệ rạc” với cái mặt: “méo mó, vẹo vọ như oản bẹp” (Tình yêu ơi ở đâu).
Có thể nói giọng điệu độc thoại châm biếm, hài hước đem đến cho cây bút nữ này một âm hưởng riêng trong các truyện ngắn phê phán. Những dòng độc thoại nội tâm của các nhân vật trong các tác phẩm thể hiện cái nhìn hiện thực mang tính dân chủ của người viết. Với thái độ không khoan nhượng những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời, các trang viết của Nguyễn Thị Thu Huệ góp phần tái hiện bức tranh hiện thực nhiều chiều.
Quyết liệt khi miêu tả những dòng độc thoại nội tâm thể hiện những khát khao rất đàn bà nhưng cũng có khi giọng trữ tình độc thoại đằm thắm trở thành âm điệu chính trong tác phẩm của chị. Trong văn của Nguyễn Thị Thu Huệ thường có cái gì đó không thuần nhất, thậm chí đối chọi nhau chan chát, lúc bạo liệt táo tợn, lúc lại dịu dàng đến bất ngờ. Chao chát, dịu dàng ngây thơ và từng trải, đau đớn và tin tưởng cứ trộn lẫn trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ.
Giọng điệu trữ tình đằm thắm một mặt khơi sâu vào cảm xúc chủ quan của nhân vật, một mặt lại khơi gợi ở người đọc những khoảnh khắc rung động tâm hồn giữa dòng chảy hỗn độn của cuộc sống. Dù với tình cảm đậm nhạt khác nhau, sự tồn tại cả hai mặt đối lập này trong cùng một cây bút không phải là điều khó lý giải. Bản tính nữ và khát khao đấu tranh cho sự bình quyền, được lên tiếng trước những bất công trong đời sống, trước những thực trạng tinh thần của con người, đã tạo nên tính đa cực của ngòi bút. Đó là bằng chứng về sự đổi mới tư duy văn học và sự giải phóng ý thức cá nhân - một nhu cầu vừa mang tính nội tại vừa chịu ảnh hưởng của xu thế thời đại.
Từ ngôn ngữ độc thoại trong các tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ, tôi nhận thấy tư duy nội hướng là một đặc điểm định tính đã phần nào chi phối đến các phương thức diễn đạt góp phần vào sự phát triển, vận động của truyện ngắn Việt Nam.
Ngôn ngữ độc thoại là một phần quan trọng của tác phẩm văn chương. Cùng với ngôn ngữ đối thoại nó hoàn chỉnh tác phẩm ở góc độ ngôn ngữ. Qua việc khảo sát ngôn ngữ độc thoại trong tập “37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ”, tôi nhận thấy một lối tư duy mới, cách cảm, cách nghĩ mới mang đậm màu sắc nữ giới. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm trong các tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ góp phần tạo nên một giọng điệu mới trong giai đoạn văn chương hiện đại sau 1975 với những sự nhìn nhận đánh giá về một thế giới đa cực của hiện tại.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn