Ở đây tác giả đi vào sự" phản biện" một cách tinh tế trong cách cảm nhận cuộc sống của người cầm bút. Bởi đôi khi ta mải chạy theo một cái gì đó cao xa, ta lại rất dễ bỏ quên những điều giản dị gây rung động cho thơ: Bạn có thể thuộc những tên người vĩ đại/viết rất hay về những số phận éo le/ nhưng rất dễ bỏ sót điều giản dị/ bình thường như không thể viết điều gì. Liên tưởng của LHM khiến ta nghĩ đến cách cảm nhận về thơ của B.Đimitrova: " Chúng ta thường nghĩ rằng thơ bao giờ cũng ở ngoài chúng ta, chúng ta đi tìm thơ ở một nơi khác, ở những người khác, và vì thế chùng ta bỏ qua thơ ".
Vẫn trong mạch cảm tinh tế ấy, trong : "Tình nhặt" hoàn cảnh éo le hiện ra...chỉ còn nhà thơ và cô kỹ nữ trong phòng vắng, thì cách cảm nhận ấy hiện rõ một con người thơ - con người nhân văn LHM. Anh không khai thác một cách "trần tục" hoàn cảnh, mà cúi xuống nâng dậy những số phận "dưới đáy" xã hội để họ ngang tầm nhân phẩm với mình:không cần biết tôi hiền hay dữ/ không cần biết tuổi tôi có xứng với em không/ nhưng tôi biết là khi tôi cầm bút/ chẳng thể viết điều gì nếu tôi sống vô tâm!
Thơ là nợ. Từ trong sâu thẳm tâm hồn và muôn vàn nỗi bận rộn, nhà thơ phát hiện ra mình nợ cuộc đời những gì, điều đáng sợ nhất là nợ chính mình, nợ những điều mình không tự sửa được: và chợt nghĩ có lẽ là gương mặt/ thường dễ lau hơn mặt tâm hồn/...và mắc nợ câu thơ chưa kịp viết/ và thế là tự quảy gánh càn khôn...(Bận rộn).
Thơ đối với LHM là một lao động nghiêm túc, nhọc nhằn, có cả nước mắt và mồ hôi. Cuộc đời cho nhà thơ bao nhiêu, nhà thơ cũng sống hết mình với cuộc đời bấy nhiêu. Thành ra cái mà nhà thơ "được" chính là sự thăng hoa, là tình yêu, là chất men say để nhà thơ đi tiếp: khi ta chụm tay vốc nước sông đời/ giọt thành mồ hôi/ giọt thành nước mắt/ giọt thành tri thức/ giọt thành tình yêu. (Bốn giọt nước).
Quá nửa đời phiêu dạt, LHM về thăm quê. Giữa không gian chiều ba mươi tết, trước bàn thờ khói hương mẹ đã không còn. Sau bao thăng trầm sấp ngửa ở chốn phồn hoa đô hội, giờ được tĩnh lặng bên bàn thờ mẹ để thấm thía lẽ đời. Song, đối với nhà thơ vốn đa cảm nên sự thấm thía thật khó nói hết: con từ dạo sống xa quê/ được thua sấp ngửa mải mê cuộc người/ giờ về tóc bạc trắng rồi/ ba gian nhà vắng mẹ ngồi sau hương (Nhớ mẹ chiều ba mươi tết). Phải chăng khi mái đầu đã bạc, nhà thơ càng biết thương và cám ơn mẹ đã vì ta mà cực khổ, lam lũ cả cuộc đời. Cũng từđây, LHM thấm thía hơn lẽ làm cha khi những đứa con anh trưởng thành bước vào đời, lo cho con luôn có những ngày bình an nơi đô thị nhiều cám dỗ và bon chen. Ngay cả trong ý nghĩ, nỗi lo ấy đã thể hiện trách nhiệm người cha về nhân cách sống. Cao hơn, nó còn đượm vẻ tâm linh: tôi thiện lương ngay cả trong ý nghĩ/ cứ nghĩ có ánh mắt từ bi đâu đó dõi theo mình (Khi con lên thành phố). Đọc những dòng này, ai nỡ bảo đây là con người sống giả với cuộc đời. Nếu ở: "Khi con lên thành phố" là tấm lòng người cha dõi theo con mình, luôn mong cho con mình có những ngày bình an vốn đã đầy đủ cơm ngon, áo đẹp nơi thành phố thì: "Trên đỉnh đèo Pha Đin" tình cảm của LHM là những câu hỏi, niềm day dứt trước những đứa trẻ chăn bò trong sương lạnh bên sườn núi. Không thấy đâu những hình ảnh lãng mạn về bếp lửa nhà sàn thơm hương nếp, những điệu xòe e ấp. Hình ảnh những đứa trẻ chăn bò cứ ám ảnh LHM, không biết là chúng học ở đâu, chơi ở đâu: đi trọn ngày đường lên xuống dốc/ nghĩ về đám trẻ lòng rưng rưng.
"Bốn giọt nước" của LHM là tiếng nói nặng lòng với kiếp nhân sinh. Đến: "Khúc hát sông quê", niềm cảm xúc bừng thức mãnh liệt. Tác giả "cúi nhặt" và bắt đầu từ hạt phù sa: xin bắt đầu từ hạt phù sa/ ta cúi nhặt bên bờ sông tháng chạp.
Hạt phù sa là cái cớ, là khởi thủy của niềm cảm xúc. Hàng triệu hạt phù sa trôi đi và lắng lại làm nghĩa vụ bồi đắp. Nhà thơ là một trong hàng triệu hạt phù sa ấy. Chính vì thế, nhà thơ đã gắn với quê hương mình bằng một niềm tâm cảm:cuộc đời ta khuyết hao/ để đắp bồi rờ rỡ/ những sớm má hồng ríu rít cháu con ta.
Xứ Nghệ là vùng quê nghèo và kiệm cần. Cảnh vật thiên nhiên con cá dưới sông, con chim trên trời như cùng sẻ chia với con người. LHM đã yêu quê mình bằng bằng những lời máu thịt: quê hương ta nghèo lắm/ ta rửa rau bến sông cho con cá ăn cùng/ ta mổ lợn/ con quạ khoang ngồi chờ chia thịt/ cá dưới sông cũng có tết như người.
"Khúc hát sông quê" là bài ca trong đoạn kết của "Bốn giọt nước". Âm hưởng của Khúc hát sông quê là niềm tự hào chẳng những của LHM mà còn là niềm tự hào của những con người Việt Nam yêu đất nước mình. Dòng sông là biểu tượng cho sức sống của quê hương và đất nước.Xin lấy hình ảnh dòng sông để kết thúc bài viết này: một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn