Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Người thơ ấy đã nhặt từng con chữ

Thứ bảy - 20/07/2019 06:17
Thuở nhỏ, Người thơ ấy dân làng Thanh Thủy Thượng thường gọi ông là Cu Bê. Cu Bê – tên cúng cơm của nhà thơ Phùng Quán. Năm 14 tuổi, vào những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 1/1946, ông đã tham gia Vệ quốc đoàn.

Tuổi nhỏ, nhưng chí không nhỏ, cậu thanh niên Phùng Quán đã muốn làm anh Bộ đội cụ Hồ. Rút cuộc, Phùng Quán chỉ được giao cho làm chân liên lạc, đi trinh sát bám địch quanh các đồn bốt vùng ven đô Huế và trong nội thành. Lớn thêm chút nữa khi trở thành thiếu sinh quân Liên khu IV, vóc dáng thư sinh, giọng trầm ấm, cán bộ chỉ huy đưa ngay ông vào đoàn văn công. Suốt mấy năm trời ông cũng chỉ được giao cho chân kéo phông màn vào đọc thơ cho bộ đội và nhân dân nghe.

Năm 22 tuổi, dù chưa một lần đặt chân tới Côn Lôn, qua lời kể của các chiến sĩ tù Côn Đảo và trí tưởng tượng phi thường của một thi sĩ tương lai ông đã có được tiểu thuyết Vượt Côn Đảo. Chỉ trong vòng một năm, tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán đã được tái bản đến bốn lần. “Vượt Côn Đảo” vượt qua biên giới để đến với bạn đọc Liên Xô.

Năm 23 tuổi, Phùng Quán đã cho ra mắt tập Trường ca Võ Thị Sáu. Tập thơ của ông đã giành giải Nhất cuộc thi sáng tác hưởng ứng Đại hội Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới tổ chức tại Vác – xa – va, thủ đô của Ba Lan. Chỉ ít thời gian sau đó ông cho ra đời tiếp tập thơ thứ hai: Tôi muốn mời bạn đến Tổ quốc tôi, Thạch Sanh cháu Bác Hồ và một tập truyện cho thiếu nhi Cuộc đời một đôi dép cao su.

Năm 24 tuổi (1956), Phùng Quán đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vào những năm tháng ấy, tên tuổi của Phùng Quán nổi lên như một hiện tượng trong đời sống văn học Việt Nam vừa mới đi qua cuộc chiến tranh chống Pháp 9 năm thần thánh. Trong con mắt của những anh học trò nghèo yêu thích văn chương, đang mài đũng quần trên ghế nhà trường đầu óc đầu viễn hoặc mộng văn chương, nhà văn Phùng Quán đúng là một người hùng, là tấm gương soi cho thế hệ trẻ khuyến khích sự lao động sáng tạo…

Nhiều năm sau, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong một lần đến viếng thăm ngôi nhà của Phùng Quán thắp nén nhang tưởng nhớ một người con xứ Huế, nhà thơ đã viết về Phùng Quán như sau: “Người nằm chân đưa về Hồ Tây/ Gió mùa đông thổi lạnh chân gầy/ Cuộc viễn du nào buồn đến vậy/ Người hùng thời niên thiếu tôi ơi. Người mộng mơ một thời đánh giặc/ Người tóc râu một thời thị trường/ Cuộc viễn du nào buồn đến vậy/ Người hùng thời niên thiếu tôi ơi!. Gió vẫn gió của ngàn năm trước/ Sóng vẫn sóng của nghìn bể dâu/ Hồ Tây đang mùa sương khói/ Hồ Tây đang độ hoa đào/ Người hùng thời niên thiếu tôi ơi!”.

Kể từ năm 1956, vừa đúng 30 năm sau, 1986, tôi mới được tận mắt nhìn thấy người hùng Phùng Quán. Năm ấy ông đã 56 tuổi. Lần đầu tiên đặt chân tới Nha Trang, đi cùng với ông còn có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và một vài nhà thơ trẻ yêu mến ông. Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã được 11 năm, bây giờ ông mới có được một chuyến hành hương xuôi Nam. Râu tóc bạc. Bộ quần áo nâu bạc màu may theo kiểu xưa. Đầu đội mũ lá. Vai khoác theo chiếc bị cói của những người dân miền biển. Lủng củng bên trong lẫn với vài bộ quần áo là bi đông rượu. Đất mới có phần làm ông e ngại. Người gặp ông không phải ai cũng mừng vui, ngỡ ngàng, có người còn tỏ ra e ngại. Tác giả của Vượt Côn Đảo đây ư? Tác giả của Lời mẹ dặn đây ư? Nhiều người phụ nữ, trí thức đã có tuổi ở Nha Trang vốn xưa kia sống trong vùng Mỹ - ngụy càng ngỡ ngàng khi nhìn thấy nhà thơ Phùng Quán lần đầu.

Đêm ấy những người yêu văn nghệ ở Nha Trang và cả ngàn thầy trò trường Cao đẳng Sư phạm nhiều người rơi nước mắt khi nhìn thấy nhà thơ Phùng Quán được mời lên đọc thơ, ông đã quỳ gối giữa giảng đường đọc bài thơ Tạ Làng bằng một giọng trầm ấm, xúc động, mang âm sắc không đổi thay của người xứ Huế.

Con tạ đất làng/ Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất/ Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt/ Không lá cây nào không mặn chát gian lao… Con tạ/ Manh chiếu rách con nằm. Con tạ/ Câu ca dao mẹ con hát/ Tất cả thành sữa ngọt/ Nuôi con ngày trứng nước/ Để hôm nay con được sống/ Được lớn khôn/ Được chiến đấu hết mình/ Vì tự do của Tổ quốc/ Được ca hát hết mình/ Tổ quốc thành thơ…

Thầy hiệu trưởng Lê Phương, một người thầy mà rất nhiều các anh chị học sinh đã từng theo học ở các trường miền Nam trên đất Bắc, được thầy dạy dỗ. Sau 20 năm thầy trở lại Nha Trang, vẫn đứng trên bục giảng, tóc bạc trắng như cước nhìn nhà thơ Phùng Quán đọc thơ, lặng lẽ rút khăn lau nước mắt. Những cô nữ sinh Nha Trang áo dài tha thướt đã quen với những cuộc tọa đàm, hội thảo sinh hoạt Đoàn đội, viết báo tường, đọc thơ trong những cuộc vui nhưng chưa bao giờ được chứng kiến một cảnh tượng lạ, mối giao cảm đến kì lạ giữa nhà thơ và người thưởng thức thơ. Vừa uy nghiêm, vừa xúc động. Còn nhà thơ Phùng Quán, cũng có thể ông đã gặp cảnh tượng ấy ở giảng đường Đại học Huế, ở chính cái sân đình làng Thanh Thủy Thượng, nơi đã sinh ra ông, nhưng ông vẫn ngơ ngác khi nhìn thấy những tràng vỗ tay vang dội, ngỡ ngàng nhận lấy những bông hoa hồng từ tay các thầy cô giáo, các em nữ sinh mang lên tặng ông.

Chỉ khổ cho cái giảng đường của trường Cao đẳng Sư phạm, sản phẩm của thời Mỹ - ngụy để lại. Đấy là một hội trường rộng đủ sức chứa cả nghìn người, được chống đỡ bằng những cột gỗ kèo sắt, lợp tôn. Ngột ngạt vì hơi nóng nhưng mọi người như quên hết để được nghe thơ của các nhà thơ mà họ đã từng quen biết như Giang Nam, Nguyên Hồ, Đào Xuân Quý, Nguyễn Gia Nùng, Liên Nam,…Nhưng tự trong sâu thẳm, đây là lần đầu tiên được nghe thơ và nhìn tận mắt nhà thơ Phùng Quán. Hàng chục chiếc ghế băng ở cuối giảng đường bị gẫy vì sinh viên chen vai thích cách đứng lên nhìn để cho rõ mặt tác giả Vượt Côn Đảo, Như Cò Vàng trong cổ tích, Pắc Pó đón Bác về, Tuổi thơ dữ dội…

Cầm cuốn sách Nhớ Phùng Quán do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, tôi giật mình khi nhìn thấy tên những tác phẩm của Phùng Quán đã xuất bản suốt một đời văn của ông. Có tác phẩm mang tên ông. Có những tác phẩm ông phải kí bằng tên khác… Nhưng dù là tên của ai đi chăng nữa, văn chương ấy, tấm lòng ấy vẫn là của Phùng Quán – người con xứ Huế mơ mộng.

Cái quãng cách 30 năm có lúc ông từng đi gánh phân, cuốc đất ở Thái Bình, khi đi chặt củi đào mương ở Thanh Hóa, Phú Thọ; lúc làm anh công nhân chạy việc ở Thủ đô… Con người nhà văn, nhà thơ đầy chất nghệ sĩ ở Phùng Quán cùng với nghị lực phi thường của ông vẫn quậy cựa sống, quậy cựa yêu, dễ xúc động và âm thầm viết. Viết để có nhuận bút nuôi vợ con như có lần ông đã nói với tôi ở trên bãi biển Nha Trang trong một buổi chiều hoàng hôn tím ngắt đổ xuống lưng núi Đồng Bò. Viết để tự khẳng định mình, chứng tỏ mình hệt như lần đầu tiên khi mới chỉ là cậu bé 14 tuổi ông đã đến xin đại đội trưởng của Trung đoàn 101 để vào bộ đội được đi đánh giặc cứu nước. Cái Trung đoàn 101 ấy vào những năm 1967, 1968 trong chiến dịch Mậu Thân mang biệt danh Công trường V, số phận run rủi tôi trở thành người lính bộ binh của Công trường V (trung đoàn 101). Nhiều người chỉ huy cũ từng đánh giặc những năm kháng chiến chống Pháp, đồng đội của nhà thơ Phùng Quán, họ vẫn bám trụ trên mảnh đất ấy những năm đánh Mỹ vẫn còn nhớ tới ông trong những đêm liên hoan văn nghệ…

Các tác phẩm của Phùng Quán cùng với cuộc đời ông cứ nối dài theo năm tháng, giống như từng bước bàn chân trần của ông in hằn trên dấu cát Nha Trang lúc con nước ròng. Mặt trăng trồi lên sau mỏm Hòn Rùa, ánh vàng lấp lánh trên mặt nước biển đang dần sẫm lại. Tôi vỡ ra một điều giản dị: Chỉ có một nhà văn như Phùng Quán, thật sự yêu nghề, yêu người, tự tin mới đủ sức vượt qua giới hạn của nỗi cơ cực khổ đau, vượt qua được chính mình để đêm đêm tự hành xác trên những trang giấy kẻ hàng.

Đại hội Nhà văn lần thứ V (1995), chúng tôi những nhà văn của miền Trung, đã dành thời gian đến thăm ngôi nhà của vợ chồng nhà văn Phùng Quán bên Hồ Tây, thắp nén nhang tưởng nhớ ông. Vẫn còn nhìn thấy ngôi nhà chòi mà ông vẫn gọi một cách hài hước là Nghinh Phong Các, ẩn khuất sau những bụi lau sậy, nơi ông ngồi làm thơ và câu cá. Bây giờ khu đất sau trường Chu Văn An đã có nhiều đổi thay. Con đường bê tông bao quanh một vùng hồ. Quán sá mọc lên như nấm. Con phố ấy suốt ngày bị vây hãm bởi đám nhà bạt, nhà sàn, tiệm ăn với biển hiệu xanh đỏ… Tiếng xe máy, tiếng xe ôtô xen lẫn với tiếng chào mời vẫy khách. Thỉnh thoảng tôi cũng được bạn bè mời lên ăn quán cá Hồ Tây. Gió vẫn vần vũ quét trên mặt hồ gợn sóng. Những ngôi nhà tầng thấp, tầng cao lô xô, khấp khểnh bao quanh lấy hồ trông xa chẳng khác nào những cây cọc nhọn cha ông ta đã từng cắm ở cửa sông Bạch Đằng, chặn giặc. Khách đến ăn phần đông là người trẻ, kẻ có tiền. Tiếng nói cười rổn rảng. Rất ít người trong số ấy biết rằng, chỉ cách nơi họ ngồi ăn không xa là nơi ở của nhà thơ Phùng Quán một thời. Chỗ ấy, những bụi lau, bờ cỏ, dứa dại đã bị phát quang. Bầy chim Sâm cầm cũng chẳng còn… Một ngày chưa xa, có nhiều buổi chiều Phùng Quán ẩn mình trong đám lau sậy thả câu, lắng tai nghe cá đớp bóng, tiếng chuông chùa Trấn Vũ ngân vang ngân vang trong buổi chiều tàn. Hoàng hôn tím đỏ loang trên mặt hồ nước. Vẳng lên tiếng bìm bịp, le le trong các mảng bèo Tây nổi bập bềnh trên sóng. Và cả tiếng chuông tàu điện leng keng ngược đường lên Bưởi.

Phùng Quán đã nhặt từng con chữ cho thơ và suy ngẫm sự đời.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập140
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm139
  • Hôm nay37,685
  • Tháng hiện tại93,336
  • Tổng lượt truy cập42,962,983
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây