Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Tuyển thơ Vân Long – viên ngọc quý kết tinh cả một đời thơ

Thứ bảy - 20/07/2019 06:20
Hôm rồi, trong một cuộc trò chuyện thân mật với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Vân Đình Hùng và tôi, nhà thơ Vân Long đã trân trọng tặng chúng tôi Tuyển thơ Vân Long mà ông bảo “Cuốn sách này là tâm huyết 60 năm của tác giả với Đời, với Thơ”.

Hai tay tôi nâng niu cuốn sách như nâng niu viên ngọc quý kết tinh cả một đời thơ nhiều tâm huyết nhưng cũng lắm nhọc nhằn của nhà thơ đã tuổi tám mươi nhưng vẫn sung sức bút lực và cả thể lực cũng sung mãn tới độ khiến chúng tôi, lứa đàn em, phải kính nể.     Trong giai đoạn thơ buổi đầu đời của nhà thơ, khi ông mới tuổi hai mươi, ta đã nhận ra một tâm hồn thi sĩ, một tài năng thi ca, khi thơ ông nặng về duy mĩ, cái đẹp và tình yêu làm lung linh, rạng rỡ thơ ông:    

     Qua giải sân mưa, tôi ngắm em

     Màn mưa nhòa những nét thân quen

     Tình yêu mới nở sao mà đẹp

     Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen

                             (Qua mưa – 1962)    

Theo tôi, đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của nhà thơ Vân Long, bài thơ  từng làm xao động con tim của biết bao bạn trẻ. Nhà thơ Vân Đình Hùng kể với tôi, có một anh bạn đã thú nhận rằng, anh ta đã dùng thơ Vân Long để làm xiêu lòng bạn gái. Ma lực của thơ Vân Long chính là ở đó.    

Có một thời gian dài đến mười năm, 1965 – 1975 nhà thơ Vân Long công tác tại Hải Phòng. Hải Phòng đất cảng, Hải Phòng thời chiến tranh chống Mỹ, Hải Phòng những năm ông sống độc thân thời bao cấp (vợ con anh ở Hà Nội), đã hun đúc thơ ông và đi vào thơ ông như một lẽ thường đối với một nhà thơ công dân. Các bài thơ Hải Phòng – đêm mùa thu 1967, Thành phố trong tranh, Chuyện kể về một vùng biển nóng, Kỷ niệm đỏ (Ghi chép 12 ngày đêm B52 tháng 12/1972 Hải Phòng), Nơi trước kia là một phố đông dân, Giữa lòng phố vắng, Thành phố tôi yêu, Qua quán bán hoa… cho thấy nhà thơ đã xông xáo dọc ngang nơi đất cảng thời chiến như thế nào, cứ ngỡ ông là người Hải Phòng, ông máu thịt với Hải Phòng:

     Chỉ cách tôi mười phút đi chân

     Là những chiếc cầu địch phá

     Cầu lại hiện ra ngay như phép lạ

     Gỗ với tre nâng sắt thép đi về

     Chúng định biến Hải Phòng thành hòn đảo

     Thành phố vẫn hiên ngang trong gió bão…

Và đây là Vân Long trong 12 ngày đêm B52 đánh phá Hải Phòng:           

          Ghê gớm sao những ngày

          giữa đạn bom gạch vụn

          Một đám bụi đỏ nhờ - gió cuốn

          Bám đầy vai tôi…

          Có chút nào của bạn đấy không

          Người bạn chết đêm qua, mất xác?

          Một con người yêu đời – chân thực

          một đêm thành bụi đỏ phố phường

Trong bom rơi đạn nổ cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, nhưng người dân Hải Phòng, trong đó có nhà thơ Vân Long chỉ biết hăng say lao động, chiến đấu, coi cái chết nhẹ như lông hồng:    

     Quán bán hoa hôm nay quá nhiều hoa

     Thành phố bộn rộn những hồi còi báo động

     Người vào xưởng máy vai mang súng

     Người đi phá bom, kìm búa trong tay

     Nhìn mái quán cong rêu phủ, mỉm cười:

     - Có vòng hoa nào cho ta không đó?    

Giai đoạn thứ ba của thơ Vân Long có thể tính từ 1983 đến 1999 với các tập thơ Vào thu (1990), Những khối hình câm(1993) và Dưới lá xanh  (1999). Có thể nói đây là ba tập thơ để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất khi thơ ông ở tuổi vào thu trở nên mới lạ, trẻ trung và tung tẩy hơn nhiều, ông đã tự làm mới mình, thơ ông đã thật sự Vân Long khi cái tôi được biểu đạt nhuần nhuyễn, tinh tế và đầy tính duy mĩ. Thu cảm là bài thơ cho ta những cảm xúc như vậy:

     Mở cửa đường thơm hoa sữa gọi

     Phải bùng ra phố, phải đi thôi!

     Hà Nội trời xanh màu cốm mới

    Tôi nhập vào thu với mọi người

     Em như con gió thổi qua ngang

     Trẻ đến làm đau cả lá vàng

     Lá phượng vụng về rơi mái tóc

     Lại thành hoa rắc em mang.    

Và đây, trong bài thơ “Ngõ Tràng An” nhà thơ Vân Long gặp lại chính mình cách đây năm mươi năm năm, cái thời tuổi ông bằng số tuổi của ông bây giờ viết lộn ngược (80 – 08):      

     Tôi gặp lại tôi

     Luồn cột đèn ngoài ngõ.      

     Để rồi cuối bài thơ ông chốt lại bằng câu thơ có thể nói là toàn bích:   

      Hoa đại đầu thế kỉ

     rụng vào tôi-bây-giờ…

Năm nay nhà thơ Vân Long đã tuổi tám mươi. Thành tựu của đời ông là “Tuyển thơ Vân Long” với trên hai trăm bài thơ đầy gan ruột. Nhưng đâu chỉ có vậy, thành tựu của đời ông còn là con cái thành đạt, cháu ngoan:

     Đi xa nhớ lắm, bé Miu ơi!

     Đêm cháu ngủ ngoan như hạt thóc mẩy

     Chân gác ngực ông, tay giang thoải mái

     Nhịp thở dịu dàng, hương sữa thơm thơm

      Cây đèn ngủ mờ soi gương mặt thiên thần

     Giống một nét nào trong quá khứ:

     Bố cháu gác chân làm ông khó ngủ

     Mà tâm tư thanh thản lạ thường!

Xin chúc mừng nhà thơ Vân Long về những thành tựu của đời ông, về những gì ông đã làm cho thi ca nước Việt. Tôi có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng, hiện nay tôi là một trong những người rất gần gũi với nhà thơ Vân Long. Gần gũi tới độ tuần nào chúng tôi cũng phải gặp nhau ít nhất một lần. Số là thế này, chúng tôi có một “Câu lạc bộ uống bia bốn người”, gồm họa sĩ Phan Kế An, nhà thơ Vân Long, nhà thơ Vân Đình Hùng và tôi. Mỗi tuần gặp nhau một lần vào trưa thứ tư. Đây là dịp để chúng tôi hàn huyên, trò chuyện, về văn học nghệ thuật, về chuyện đời, chuyện vui, chuyện buồn và thư giãn sau những giờ ngồi mải mê bên bàn viết. Phải nói, tiếp xúc với nhà thơ Vân Long tôi đã học được rất nhiều. Nhà thơ Vân Long là con người hết mực chân tình, chỉn chu, đức độ, đã nói là làm, đã làm là làm đến nơi đến chốn, đã hẹn là đến, hết lòng vì bạn. Có lẽ ông là một trong những nhà thơ thường xuyên hiện diện trên các báo văn học và các trang văn học của các báo. Sẽ không có như vậy nếu ông không làm việc hết mình.  Ông là một nhà thơ tuổi cao rất chịu khó dịch chuyển và sau mỗi chuyến đi của ông là những bài ký, bài viết, những bài thơ hay giầu tâm huyết. Tôi vẫn thường nói với các bạn của tôi rằng, nhìn nhà thơ Vân Long tôi thấy mình tự tin hơn, vì ở tuổi tám mươi mà ông vẫn còn sung sức như vậy.   

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập175
  • Hôm nay45,486
  • Tháng hiện tại1,329,681
  • Tổng lượt truy cập39,800,828
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây