Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Lặng lẽ Mai Vui

Thứ bảy - 20/07/2019 06:23
Trong đời văn, đời báo của mình, tôi may mắn gặp được hai loại bậc thầy. Bậc thầy thứ nhất là cụ Hồng (nhà văn Nguyên Hồng), cụ Hoài (nhà văn Tô Hoài), anh Khải (nhà văn Nguyễn Khải)...

đó là những người tôi kính trọng tài năng văn chương và khai tâm cho tôi những kinh nghiệm viết lách, nhiều khi có giá trị như khuôn vàng, thước ngọc; loại bậc thầy thứ hai là người đã phát hiện ra tôi, tựa đỡ cho tôi từ những bài báo, câu văn đầu tiên, gắn bó buồn vui với tôi cho đến tận hôm nay. Anh Mai Vui, nhà văn Mai Vui, Tổng biên tập báo Quân khu Ba của tôi thuộc diện thứ hai này.

Đầu những năm 1960, khi tôi còn là một cậu lính trẻ, yêu mê yêu mẩn văn chương mới chỉ được đăng vài mẩu tin, mỗi mẩu dăm ba chục từ thì anh Mai Vui đã có nhiều truyện ngắn, ký sự được đăng trên các tờ báo Văn nghệ trung ương và có hẳn một cuốn tiểu thuyết Quãng đời niên thiếu in hơn 10 ngàn cuốn do nhà xuất bản Lao động ấn hành. Về cuốn tiểu thuyết này, khi sinh thời cụ Nguyên Hồng rất thích, cụ nói: “đọc thương lắm, cứ như cứa vào lòng người”. Còn nhà văn Tô Hoài với bút danh là Hồng Hoa cũng đã viết lời bạt dài đến hơn 500 từ đánh giá là một cuốn sách hay, cảm động.

Tôi về báo Quân khu Ba trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Khi đó anh Mai Vui đang làm thư ký tòa soạn. Anh đón tôi thật thân tình. Tôi còn nhớ mãi câu đầu tiên anh động viên tôi: “Lê Lựu viết báo rất có văn. Mọi người trong tòa soạn rất hy vọng ở Lựu”. Ôi trời! Một người mới chân ướt chân ráo về báo mà được sếp cho được mấy lời như vậy thật sung sướng đến mức chả ăn cũng thấy no. Nhưng ngay sau đó gặp trục trặc lớn, vì tôi chưa là sỹ quan, không thể vào biên chế của báo. Anh Mai Vui đã trực tiếp lên găp chính ủy Nguyễn Quyết, thế là tôi là anh hạ sỹ quan được nhận, trước đây chưa có tiền lệ nào. Năm sau, Hội Nhà văn mở lớp bồi dưỡng viết văn khóa 2, tôi và anh Mai Vui cùng được triệu tập. Tòa soạn báo lúc ấy chỉ có 5 người. Anh Mai Vui đã để tôi đi học trước. Bây giờ tôi vẫn nghĩ, nếu cuộc đời tôi không gặp được người thủ trưởng như anh, chắc chắn đã rẽ sang hướng nghề nghiệp khác.

Những năm chiến tranh, khái niệm nhà văn, nhà báo thật khó phân biệt cho thật rõ rành. Nhà báo viết văn, nhà văn viết báo, nhà báo thành nhà thơ, nhà văn nổi tiếng cũng không ngần ngại viết một bài báo ngắn, nóng hổi tính thời sự chỉ có mấy chục từ. Là thư ký tòa soạn nhưng anh Mai Vui lăn lộn với mọi vùng đất của quân khu ba rộng lớn. Anh đã bám trụ sở Hàm Rồng – Nam Ngạn gần hết năm 1967 viết hàng chục bài cho báo Quân khu Ba, báo Quân đội nhân dân và hoàn thành tập truyện vừa Người con gái Hàm Rồng. Truyện viết về anh hùng Ngô Thị Tuyển. Có lần đi công tác vào Thanh, đến trường bổ túc văn hoá của tỉnh đang sơ tán tại xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, gặp chị Ngô Thị Tuyển, tôi được nghe chị kể, trong những người viết về chị, anh Mai Vui là người viết thật nhất và hay nhất. Cố nhà văn Hoàng Văn Bổn khi làm phim về Hàm Rồng cũng đã tham khảo cuốn sách này.

Nhà văn Mai Vui

Đi và viết đối với Mai Vui là một lẽ sống. Trên đường đi làm báo anh đã viết được những truyện ngắn thật cảm động, cốt truyện giản dị, câu chữ không nhiều nhưng day dứt, lay thúc và ấn tượng. Đó là các truyện Đại đội trưởng của tôi (giải thưởng báo Quân đội nhân dân), Dòng sông xanh ngắt, Màu xanh kỳ lạ, Lấp lánh biển khơi, Tia nắng (Giải thường cuộc thi truyện ngắn 1967 của báo Văn nghệ)...

Truyện Tia nắng là một truyện ngắn hay lung linh vụt hiện như cái tên của nó. Hiền, một cô gái dân quân xinh đẹp khỏe mạnh và gan dạ yêu tha thiết anh chàng Khuê, một lái xe 28 tuổi, tính tình lầm lì, bặm trợn, coi  tàu bay Mỹ như tàu bay giấy. Tình yêu của Hiền đam mê, lo lắng khi hàng đêm Khuê lái xe qua lại bến phà trọng điểm. Nhưng đáp lại tình yêu nồng cháy và vị tha của Hiền (Hiền biết Khuê có vợ và hai con bị bom Mỹ giết hại đã mấy năm), Khuê khá rụt tè. Rụt rè nhưng âm thầm say đắm. Phải chăng đối với Khuê, Hiền chưa phải là một vạt nắng chói chang mà mới chỉ là một tia nắng nhỏ. Giữa họ vẫn cần những thử thách mới mà thử thách trên điểm mút của cuộc sống như ở nơi bến phà trọng điểm này là thử thách sống còn.

Anh Mai Vui cũng có một thời gian dài đi viết ở chiến trường Trị Thiên. Anh đã được tận mắt chứng kiến những trận đánh ác liệt của quân ta ở trận Khe Sanh và anh đã cùng hai tác giả Đỗ Trí, Tô Vân viết chung cuốn ký sự 170 ngày đánh Mỹ ở Khe Sanh. Riêng anh còn có tập truyện vừa, tạo được tiếng vang hồi đó. Cuốn Từ một góc Tà Cơn (Nxb Văn học). Tôi có một lời nhắn nhỏ với các đạo diễn làm phim truyền hình về đề tài chiến tranh chống Mỹ, nếu các vị muốn dựng một cái đồn giặc, vài góc phòng tuyến của địch và của cả ta nữa một cách chi tiết và chân thực thì nên tham khảo thêm cuốn Từ một góc Tà Cơn. ở đó nhà văn Mai Vui đã quan sát rất kỹ, viết rất kỹ về hiện thực chiến trường. Một góc thôi nhưng sinh động và phổ quát.

Trong sáng tác của nhà văn Mai Vui, mảng tác phẩm về đề tài Điện Biên Phủ là mảng lớn, có đến gần 10 tác phẩm. Đó là Đường vào Tây Bắc (tiểu thuyết), Chuyện nhỏ ở Điện Biên (tiểu thuyết), Những trận đánh nảy lửa (tập truyện ngắn), Kể chuyện Điện Biên (ghi chép), Anh bộ đội cụ Hồ (truyện vừa), Chú bé Điện Biên Phủ (truyện thiếu nhi)... Viết được nhiều như vậy bởi chính Mai Vui là chiến sỹ Điện Biên ngay từ khi chiến dịch còn đang chuẩn bị. Mùa thu năm 1953, anh là một chính trị viên đại đội trong cánh quân đầu tiên tiến vào Tây Bắc. Những chặng đường hành quân ngày ấy được anh viết lại như một tự truyện trong tiểu thuyết Chuyện nhỏ ở Điện Biên. Một cuộc hành quân vắt từ mùa thu nắng vàng rực rỡ sang mùa đông mưa phùn gió bấc, đường dốc cheo leo như đi lên trời. Các anh đi qua những bản làng bị đốt cháy trơ trụi, đi qua những trọng điểm bom đạn cày lên, xới xuống “máu trộn bùn non” (Tố Hữu) để rồi vào Điện Biên, để rồi lùi ra xa Điện Biên hơn một chút, tạo thế chiến lược mới. Những trang viết của anh về thời đoạn cam go cần thiết phải giải quyết đồi A1 để đại quân tiến vào khu trung tâm Mường Thanh là những trang viết bi hùng. Đó là cuốn phim trên giấy thể hiện sự chỉ huy quyết đoán, sáng tạo từ soái phủ Mường Phăng và tinh thần hy sinh quả cảm, trí tụê chiến tranh nhân dân trong mỗi người lính tiến công tiêu diệt hỏa điểm quan trọng bậc nhất của địch trước cửa ngõ trung tâm Mường Thanh. ở mặt trận này, Mai Vui đã bị trọng thương. Viên đạn ác nghiệt ngày ấy vẫn còn đâu đó trong lồng ngực của người thương binh bậc 2/4 Mai Vui cho đến hôm nay. Trong dịp tuyên dương công trạng mừng khải hoàn đại thắng Điện Biên Phủ, Mai Vui được vinh danh là Chiến sỹ thi đua toàn mặt trận, được vinh dự đứng trong tốp 4 chiến sỹ thay mặt cho toàn quân nhận cờ Quyết chiến, quyết thắng của Bác Hồ do Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trao tại mặt trận Điện Biên. Bức ảnh lịch sử này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

Có thể nói rằng, trong các nhà văn quân đội, nhà văn Mai Vui là người tốp đầu gắn bó với mảnh đất Quân khu Ba. Tờ báo quân khu khi anh làm thư ký tòa soạn rồi tổng biên tập là thời kỳ thu nạp được nhiều cây bút từ cơ sở nhất. Trong số này không ít người đã trở thành nhà văn, nhà báo tên tuổi. Anh cũng là người chủ trì trong việc mở trại sáng tác viết Kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ, cứu nước đầu tiên của toàn quân. Anh còn ra được cả một chuyên san Văn nghệ Quân khu Ba và tuyển tập các truyện Kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ, cứu nước của Quân khu Ba. Tôi nghĩ, các nhà văn, nhà báo như Tô Phương, Từ Nguyên Tĩnh, Huy Trụ, Lương Hiền, Lê Ngọc Minh, Hoàng Thanh, Thế Hưng, Lê Tám, Lê Thụ, Vũ Bá Nhĩ... những người đã trưởng thành từ báo Quân khu Ba, từ trại viết Kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ, cứu nước của Quân khu Ba, chắc cũng có tình cảm đồng đội, đồng nghiệp và thầy trò với anh Mai Vui như tôi. Chắc chắn thế.

Khi nghỉ hưu, nhà văn đại tá Mai Vui về thành phố Hải Phòng sống với con cháu. Nghỉ hưu rồi nhưng anh không nghỉ viết. Vẫn viết. Vẫn tiếp tục đào bới những ký ức từ thời Điện Biên và cho ra đời thêm 3 đầu sách. Trong số này cuốn Chuyện tình thuở ấy được Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải Ba. Mảng truyện thiếu nhi mà anh có duyên từ năm 1958 với tiểu thuyết Quãng đời niên thiếu cũng được dành nhiều thời gian. Anh viết về các cháu nội ngoại trong nhà, giữ đúng tên chúng nó. Đó là những câu chuyện trẻ thơ vui nhộn đỏng đảnh, ngộ nghĩnh, ước mơ trong bầu không khí yêu thương đầm ấm và lo toan của người lớn. Trong thời gian này, tôi tá túc tại tư gia nhà văn Mai Vui để viết hai cuốn sách Sóng ở đáy sông và Chuyện làng Cuội. Những lúc trang viết cần dừng để nghĩ ngợi thêm, tôi lại gặp cảnh ông ngồi giữa đám cháu, đứa bá cổ, đứa đòi kể chuyện... và ông lại rủ rỉ kể chuyện. Những đôi mắt tròn vo, những cái miệng cười toe toét của lũ trẻ khoái chí lĩnh hội từ người ông yêu quý của chúng trông thật nhàn tản, thanh bình. ấy thế rồi, sau đó không lâu, ông lão kể chuyện, nhà văn Mai Vui lại có những truyện ngắn thiếu nhi đặc sắc: Chú bé Điện Biên, Tu Ty đi bộ đội, Cô bé và con mèo hoang, Con gà mái lông sẻ... Những câu chuyện đó góp phần làm dày thêm danh mục gần 20 đầu sách sáng tác của nhà văn

Mấy năm nay anh Mai Vui nằm một chỗ. Mặc dù thừa hưởng được của cụ tổ, danh nhân lịch sử văn hoá tiến sỹ Đỗ Quang (chí sỹ Cần Vương, phó chỉ huy dưới trướng cụ Trương Định), của thân sinh là cụ Đỗ Biển những bài thuốc gia truyền cực quý, nhưng nhà văn cũng không thể tự chữa cho mình được nữa. Đó là bệnh già và cả những di chứng do viên đạn địch từ hồi 1954 còn trong lồng ngực.

Nghe tin nhà văn đang điều trị ở Viện 108, tôi và nhà văn Lương Hiền đến thăm anh. Anh gầy quá, chỉ còn đôi mắt là còn lấp lánh, lanh lợi. Nén nỗi quặn đau và nuối tiếc, tôi vẫn không kìm được nước mắt khi nắm tay anh. Nhà văn Lương Hiền là người can trường, anh có tiếng nói ấm và vang như chuông, có vóc người chắc lẳn như thiết cấu bằng cốt đồng và nụ cười lạc quan như tia nắng ấm. Anh đỡ đầu nhà văn Mai Vui lên, đưa cuốn Đường vào Tây Bắc vừa đủ tầm nhìn mà nhà văn có thể đọc được. Mai Vui run rẩy ôm lấy cuốn sách. Nhà văn Lương Hiền rủ: “Lên thăm Điện Biên nhé!”. Đôi mắt của nhà văn Mai Vui như bừng sáng lên. Anh xúc động nói chậm, rõ ràng: “Yếu rồi, không đi được nữa. Nhưng mà nhớ lắm. Nhớ lắm!”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập411
  • Hôm nay80,614
  • Tháng hiện tại215,203
  • Tổng lượt truy cập40,787,276
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây