Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

BBT website giới thiệu cùng bạn đọc, bài giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh lịch sử cùng dân tộc” do em Trần Thị Phương Nhiên lớp 6C trình bày.

Xem tiếp...

Về nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi

Thứ bảy - 20/07/2019 07:13
GS. Nguyễn Huệ Chi thuộc thế hệ thứ hai các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam, trưởng thành sau năm 1954. Đến nay, anh đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề. Nơi làm việc chủ yếu và lâu dài nhất của anh là tại Viện Văn học.

Với tôi, điều đáng trân trọng và ghi nhận ở anh là những đóng góp nhiều mặt về nghiên cứu văn học và khoa học xã hội. Trước hết là đóng góp về nghiên cứu văn bản học. Nguyễn Huệ Chi tiếp nối truyền thống Hán học của gia đình, được học tập bài bản, nên có kiến thức và hiểu biết về Hán văn và văn hóa cổ khá chắc chắn. Vì thế, trong quá trình làm việc, anh có nhiều đóng góp về mặt nghiên cứu văn bản học cổ văn. Anh tham gia tổ chức biên soạn và dịch thuật nhiều tác phẩm, nhiều văn liệu và sử liệu cổ, từ các tác phẩm của thời đại Lý – Trần, đến tác phẩm thời trung kỳ, hậu kỳ Trung đại và Cận đại. Đáng chú ý nhất làThơ văn Lý – TrầnTruyện truyền kỳ Việt NamHý trường tùy bútNgục trung nhật ký,... Không chỉ dừng lại ở việc biên dịch, anh là người có quan điểm và phương pháp khoa học trong nghiên cứu văn bản học, đưa ra những cách xử lý văn bản gắn bó với nghiên cứu văn học một cách hợp lý. Công trình Khảo luận văn bản thơ văn Lý – Trần (1977) của anh là một đóng góp xuất sắc, gợi mở nhiều vấn đề cho nghiên cứu lịch sử văn học giai đoạn này.

Nguyễn Huệ Chi được biết đến nhiều với tư cách là một nhà nghiên cứu lý thuyết và lịch sử văn học. Các quan điểm lý thuyết văn học và văn học sử của anh được trình bày trong nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến văn học Lý – Trần (trong Khảo luận văn bản thơ văn Lý – Trần, 1977 và nhiều công trình khác) đến chủ nghĩa công lợi trong văn học, đến những vấn đề phương pháp văn học sử (các tiểu luận phân kỳ văn học sử và điểm lại các bộ văn học sử Đông Tây nhằm rút kinh nghiệm cho một hướng đi mới trong việc viết lịch sử văn học dân tộc để không sa vào xã hội học dung tục), hoặc đặc điểm mỹ học của một tiến trình văn học dài lâu như văn học Thăng Long trong mười thế kỷ, hoặc của dòng văn học chống xâm lược có tính tiếp nối trong lịch sử (Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược – 1981), hoặc nữa chọn một hướng tiếp cận thỏa đáng đối với một tác phẩm đã được nói đến nhiều (Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù” – 1990),... Theo tôi, đóng góp quan trọng nhất về phương diện này phải kể đến những nghiên cứu có ý nghĩa phương pháp luận về hệ thống thể loại văn học mở đầu lịch sử văn học viết dân tộc (Khảo luận văn bản thơ văn Lý –Trần, 1977).

Một đóng góp quan trọng khác ghi lại nhiều dấu ấn đậm nét trong nghiên cứu của Nguyễn Huệ Chi là về các tác gia, tác phẩm văn học thời Cổ trung đại. Bằng các phương pháp nghiên cứu thích hợp, với kiến thức sâu sắc và một tâm hồn nhiều rung cảm, anh đã đi sâu khám phá bản chất nhiều hiện tượng văn học, nhiều tác gia tác phẩm văn học với những cách nhìn riêng và thuyết phục. Nhiều nghiên cứu của anh đã trở thành những mẫu mực đáng ghi nhận trong học giới, như các nghiên cứu về Nguyễn Trãi (Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi – 1963; Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc – 1982), về các nhà thơ Cổ trung đại tiêu biểu (Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam – 1983), về Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh nhân văn hóa – 1990), Nguyễn Khuyến (Thi hào Nguyễn Khuyến – Đời và thơ – 1992), Nguyễn Gia Thiều (Nguyễn Gia Thiều – Tiếng khóc nhân loại – 1992), về những chân dung văn học nổi bật của đất Thăng Long 10 thế kỷ (Gương mặt văn học Thăng Long – 1990, 2010), về Nguyễn Quang Bích (Nguyễn Quang Bích – Nhà yêu nước, nhà thơ – 1992), Nguyễn Huy Tự (Nguyễn Huy Tự và “Truyện Hoa tiên” – 1997), Lê Thánh Tông (Hoàng đế Lê Thánh Tông – Nhà chính trị tài năng,nhà văn hóa lỗi lạcnhà thơ lớn – 1999),... Điều này đã giúp anh có điều kiện đi sâu vào một lĩnh vực nghiên cứu mới là từ điển học. Và trong lĩnh vực mới mẻ này, anh có một cống hiến xuất sắc khi tham gia Chủ biên và cùng các đồng sự cho ra mắt bộ Từ điển văn học (2 tập – 1983, 1984), và Từ điển văn học bộ mới (2004). Đây là bộ từ điển văn học lớn nhất và có giá trị nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.

Ngoài ra, Nguyễn Huệ Chi rất chú ý đến một lĩnh vực quan trọng khác là triết học phương Đông cổ. Theo quan điểm “văn sử triết bất phân”, thông thạo cổ sử và triết học phương Đông, tiếp thu căn bản tinh thần triết học của cổ nhân, anh đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề hóc búa của các tác phẩm thời Lý – Trần, một thời đại mà triết học và văn học hòa hỗn với nhau. Cũng trên căn bản ấy, tiếp thu sâu sắc tinh thần của thầy học, anh đã hoàn thành một công trình vừa có tính học thuật vừa có tính đạo nghĩa, đó là sưu tầm, tập hợp, lý giải và chú giải bộ sách quan trọng đầu tiên và duy nhất của cố GS. Cao Xuân Huy, một “người thầy, nhà tư tưởng” của anh. Đó là cuốn Tư tưởng phương Đông, gợi những điểm nhìn tham chiếu (1995). Cuốn sách nhanh chóng được đón nhận nồng nhiệt của học giới và là công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh của cố GS. Cao Xuân Huy, trong đó phần Dẫn luận của Nguyễn Huệ Chi là một chỉ dẫn tỉ mỉ và rất cần thiết để người đọc tiếp cận dễ dàng tư tưởng uyên áo của Cao tiên sinh.

Qua các công trình nghiên cứu của mình, theo tôi, Nguyễn Huệ Chi thuộc số không nhiều trong những nhà nghiên cứu văn học thế hệ thứ hai, bộc lộ rõ một vốn kiến thức sâu rộng, một tư duy khoa học khúc chiết với một sự uyên súc trong học thuật. Đọc các công trình của anh, ta thấy có độ tin cậy cao, những thông tin chính xác và được kiểm chứng khắt khe, một sức liên tưởng rộng, và một khả năng phân tích suy xét sâu sắc. Vì thế, các công trình nghiên cứu của anh thường thể hiện được những tìm tòi có tính đột phá, nhiều phát hiện gây chú ý cho học giới (từ Quân trung từ mệnh tập đi tìm tư tưởng lô gích, qua đó xác định tính hệ thống xuyên suốt của tư duy triết học Nguyễn Trãi trong tập thư luận chiến này là một ví dụ). Anh thường không bằng lòng cái đã có, đào sâu suy nghĩ tìm ra những điểm mới lạ. Ngay cả đối với những tác phẩm quen thuộc anh cũng cố gắng tìm kiếm những nội dung mới cho nó trong sự biện giải thuyết phục nhất. Những phát biểu của anh trong các sinh hoạt học thuật thường cũng có tư tưởng, có đề xuất luận điểm khoa học mới.

Tôi quý trọng anh ở một tư duy nghiên cứu lô gích và minh xác.  Qua các công trình của anh, người đọc tiếp xúc với một lối tư duy khoa học chặt chẽ, rành mạch, chính xác. Các vấn đề anh nêu lên và lập luận đều căn cứ trên những dữ liệu khách quan và thuyết phục, nhất là khi anh trình bày về Quân trung từ mệnh tập, về Hý trường tùy bút, hay về chủ nghĩa công lợi trong văn học,... Những điều đó là biểu hiện của một thái độ nghiên cứu khách quan, khoa học, tôn trọng văn liệu, sử liệu. Các công trình của anh không phải là những “cảm luận” văn học, mà là những vấn đề, những luận điểm có căn cứ vững chắc, có chứng lý rõ ràng, cụ thể. Anh là một người có khả năng nêu vấn đề, có khả năng bảo vệ quan điểm học thuật của mình và nhiều khi có thái độ quyết liệt trong học thuật.

Một điểm rất đáng chú ý là văn của Nguyễn Huệ Chi thường có dấu ấn riêng. Tôi rất ấn tượng về một ngòi bút nghiên cứu tài hoa, có phần sang trọng của anh. Văn anh có cái sang của người trí thức hiểu biết, có văn hóa và tự trọng. Văn anh cũng phản ánh cái thiên bẩm của anh, thậm chí có khi tu sức đến mức kỳ khu của người có tư chất nghệ sĩ. Anh hay tìm tòi những cách diễn đạt có chất “văn” trong nghiên cứu. Điều này là rất khó, lại càng khó để nó lặp lại dần trở thành một nét phong cách. Anh đã cố gắng đưa cái văn phong khoa học, nghiên cứu, biên khảo khô khan kết hợp nhiều khi rất hài hòa với văn phong trữ tình, khiến cho nó có  hình ảnh, cảm xúc, có yếu tố nghệ thuật trong đó. Những trang viết về Trần Tung, Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát,... vừa thâm trầm sâu sắc mà cũng có cả sự bay bổng, cá tính.

Kế thừa người đi trước kết hợp với những phát hiện khoa học mới, Nguyễn Huệ Chi sau hơn 50 năm đã xây dựng cho mình một lối nghiên cứu có nhiều đóng góp riêng. Anh thích đi vào những vấn đề khó và cấp thiết của học thuật. Vì thế, nhiều nghiên cứu của anh có giá trị trong học giới, có ảnh hưởng nhất định đối với đương thời và các thế hệ sau này. Chẳng những thế, theo chỗ tôi biết, anh còn xây dựng được một nhóm nghiên cứu theo phong cách và khuynh hướng khá thống nhất, đó là “Nhóm Cổ Cận” tại Viện Văn học từ những năm 70 thế kỷ trước đến nay, quy tụ đuợc nhiều nhà nghiên cứu văn học Cổ cận đại quen thuộc nhu PGS. Đỗ Văn Hỷ, PGS. TS. Phạm Tú Châu, PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh, PGS. TS. Nguyễn Phạm Hùng, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS. TS. Vũ Thanh, PGS. TS. Lại Văn Hùng, TS. Đặng Thị Hảo, TS. Phạm Ngọc Lan,...

Qua các công trình của mình, Nguyễn Huệ Chi đã để lại một dấu ấn riêng không phai lẫn trong học giới, mà nếu không phải là một người thật sự uyên bác và có năng lực thì khó có thể có được.

Hà Nội, mùa thu năm 2010

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập415
  • Hôm nay97,509
  • Tháng hiện tại1,496,722
  • Tổng lượt truy cập42,068,795
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây