Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Một số lễ hội tiêu biểu

Thứ bảy - 20/07/2019 06:58
Làng Động Gián trước năm 1945 thuộc tổng Cổ Đạm, nay thuộc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Kinh tế có trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi, làm muối đánh bắt và chế biến hải sản

1- Lễ hội đền Chế Thắng Phu Nhân và tục dâng bánh chưng thờ ngày Tết

Đền Chế Thắng phu nhân nằm trên địa phận xã Hải Khẩu, huyện Kỳ Hoa nay là xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh nên gọi là đền Hải Khẩu. Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu cung phi của Trần Duệ Tông (1373-1377), bà được vua sùng ái ban cho hiệu là Phù Dung. Bà đã có "Kê minh thập sách” nổi tiếng (10 điều khuyên của người vợ hiền) được nhà vua khen ngợi. Năm Bính Thân (1736), vua Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, bà dâng sớ can ngăn nhưng nhà vua không nghe, bà xin đi theo đến cửa biển Kỳ Hoa (Cửa Khẩu), biển nổi sóng, chiến thuyền không sao đi nổi. Đêm hôm đó nhà vua mộng thấy Giao thần đến xin nhà vua một mỹ nữ trong đám cung tần làm vợ. Bà Nguyễn Thị Bích Châu xin được hiến thân và sóng yên biển lặng, đoàn chiến thuyền lại tiếp tục, nhưng khi vào cửa động Ỷ Mang thì trúng kế quỉ của viên quan Chiêm Thành là Thu Bà Ma, đoàn quân bị vây hãm nhà vua cùng nhiều quận thần, quân lính đều bị chết trận. Sử ghi đó là ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377). Vào năm Hồng Đức (1470), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa mộng thấy người đàn bà xưng là  cung nhân Triều Trần đến xin cứu giúp và kể hết sự tình, nhà vua liền sai viết thư bắn ra ngoài biển trách cứ Quang Lợi Vương (Thuỷ Tề), lập tức Giao thần bị chém chết xác nổi lên mặt nước. Đồng thời thi thể của nàng Bích Châu nổi lên còn nguyên vẹn đẹp y nguyên như lúc bình sinh, nhà vua cho làm lễ mai táng. Sau khi thắng trận trở về vua hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi đền, sắc  phong cho bà là "Chế Thắng "nên đền được gọi là đền Chế Thắng Phu Nhân. Hàng năm, vào ngày 12/2 âm lịch là ngày giỗ. Tại đây đã diễn ra lễ tế trọng thể và mở hội linh đình. Điều đặc biệt trước đó 1 tháng có tục "Dâng bánh chưng thờ ngày tết", một nghi thức rất độc đáo  của lễ hội tại đền Hải Khẩu. Bánh chưng thờ có 3 chiếc to, mỗi chiếc có 5kg gạo nếp, 1,5 kg đỗ làm nhân. Bánh nhỏ gói 12 cặp, mỗi chiếc 2kg và 0,5kg đỗ làm nhân. Sáng ngày 30 tết người ta bắt đầu nấu bánh đến nửa đêm vớt ra để sáng ngày mồng 1 kịp làm lễ vào giờ Thìn . Đây là một nghi lễ hiếm thấy trong các loại hình lễ hội ở Hà Tĩnh .

2. Hội lễ ở đền Chiêu Trưng

Đền thờ Lê Khôi, tức Chiêu Trưng Đại Vương, lại có tên Võ Mục vì đó là tên huý của ông.  Đền xây vào các năm 1446 - 1447 tại khu vực có lăng mộ ông  trên ngọn Long Ngâm trong dãy Nam Giới bờ đông nam của Cửa Sót thuộc đất xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà. Nay các xã Mai Phụ, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Kim có nghĩa vụ bảo vệ thờ phụng, thừa kế các làng cũ Kim Đôi, Mai Phụ, Vĩnh Tuy được nhà Lê giao cho thờ phụng. Lối vào đền từ bến sông lên, qua vọng lâu, cổng vào đền hạ là nơi đón khách, phía tây là bia đá dựng từ thế kỷ  XVI  nói về Lê Khôi, bia cũ bị bom Mỹ phá năm 1968, phía đông là bia khắc bài thơ Nôm của Lê Thánh Tông. Đền trung gồm 3 gian bằng gỗ, nếp kiến trúc cũ. Tục truyền gian cũ vốn là nơi đặt thi hài Lê Khôi, ở đây có nhiều bức chạm gỗ mang phong cách nghệ thuật Hậu Lê, có tượng chân dung bằng gỗ sơn son, thiếp vàng,  tấm biển có 4 chữ Hán " Nam Thiên Tuấn Vọng "do vua Lê Thánh Tông ban, cùng với đồ thờ. Sau đền  Thượng là lăng mộ Lê Khôi. Hội đền vào các ngày 3,4 tháng 5 âm lịch, vốn là ngày giỗ. Từ xưa Chiêu Trưng là một trong 4 ngôi đền linh thiêng ở Nghệ Tĩnh : Cờn, Cả, Bạch Mã, Chiêu Trưng. Là di tích văn hoá lịch sử xếp hạng Quốc gia. Chiêu Trưng đại Vương là thần hiệu của Lê Khôi (?-1446), quê ở Lam Sơn Thanh Hoá, cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột. Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, sau chiến thắng làm quan, trải qua 3 đời vua nhà Lê là Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông. Làm đến chức Khâm sai thiết chế Thuỷ, Lục chư vinh Hộ vệ Thượng tướng quân, từng trông coi Tây Đạo, Thuận Hoá. Từ 1443-1446 trấn giữ Nghệ An, mất vào ngày 3 tháng 5 năm Bính Dần (1446) sau khi chiến thắng quân Chiêm Thành, trên đường biển về gần núi Nam Giới. Ông được truy tặng Nhập Nội Đại Hành Khiển, Thái Uý Tán Quốc Công. Thi hài được an táng trên ngọn Long Ngâm và được xây đền thờ tổ chức theo nghi lễ quốc tế. Sau đó được tấn phong Võ Mục Đại Vương. Năm 1487 được phong tặng là Chiêu Trưng Đại Vương. Ông được nhân dân nhiều xã ven biển Hà Tĩnh lập đền thờ với thần hiệu Chiêu Trưng Đại Vương hay Võ Mục Đại Vương .

3. Lễ hội Đô Đài và trò "Đình Đụn "

Đền Đô Đài thờ quan Đô đài Ngự Sử  Bùi Cầm Hổ, toạ lạc dưới chân núi Bạch Tỵ, nay thuộc xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Ngôi đền cũ có từ lâu, qui mô lớn, có 3 toà điện: Thượng, Trung, Hạ, quay hướng đông nam. Khu đền cây cối xanh tốt, đền bị phá trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Năm 1995, nhân dân dựng lại đền mới, sát vị trí cũ, gần hướng đông nam, qui mô nhỏ hơn với 1 điện thờ và 1 bái đường,  giữ  lại một số vật liệu gỗ như xà, ván chạm khắc từ đền cũ, còn một số di vật quí như: áo, mũ, cân đai, phẩm phục, các đạo sắc .v.v...vẫn giữ được vẹn toàn. Là di tích lịch sử văn hoá đã xếp hạng Quốc gia. Lễ hội đền Đô Đài còn gọi là lễ báo ân, tổ chức tại đền Đô Đài vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch (ngày giổ) với 2 loại nghi thức: Đại lễ hội thì 50 năm 1 lần, lễ hội thường làm hàng năm. Với đại lễ ngoài nghi lễ qui định là dựng "Đình Đụn" làm sân khấu ngay bờ khe Vẹt trước đền để diễn trò tuồng "Đình Đụn "gồm 4 cột mạ (cái), các cột quyết và xà ngang bằng thiết mộc làm sẵn ngâm dưới khe, đến kỳ hội vớt lên dựng, sao cho cột cắm sâu xuống khe, sàn đình lát ván cao hơn mặt nước, vừa phải giống như nhà "Thuỷ Tạ ", dành gian giữa đình để biểu diễn, các phía chung quanh dân làng ngồi xem. Khi các thủ tục nghi lễ xong là diễn tuồng, tan hội đình được tháo dỡ ngâm xuống khe cho đến kỳ lễ hội sau lấy lên dựng lại. Vì có " Đình Đụn " dựng trò tuồng, nên "Đình Đụn " cũng gọi là nhà Trò, khe Vẹt chảy trước đền gọi là khe Nhà Trò. Lễ hội thường hàng năm chỉ tổ chức rước cỗ, chầu hầu, yết bái và đại tế diễn ra trong 1 ngày 1 đêm,  không dựng "Đình Đụn "diễn trò .     

4- Lễ cầu ngư và hội đua thuyền làng Nhượng Bạn

Tương truyền tên gọi này xuất hiện từ Thể kỷ XIII với sự tích bà Hoàng Càn được chọn về Thăng Long làm cung phi cho vua Trần Duệ Tông (1373-1377), xin cắt một rẻo đất mé biển cho dân chài lên ở. Người nhiều nơi trong đó có cả người Bồ Lô đã đến đây làm ăn, từ đó làng xóm trở nên đông đúc và có tên là làng Nhượng Bạn. Trước năm 1945, xã Nhượng Bạn thuộc Tổng Lạc Xuyên, huyện Cẩm Xuyên. Sau năm 1945, xã Nhượng Bạn thuộc huyện Cẩm Xuyên, năm 1954, lại đổi thành xã Cẩm Nhượng cho đến ngày nay. Đây là một xã có bề dày lịch sử, từ thời Lý, Trần cho đến Lê, Nguyễn, nhiều vua chúa của Đại Việt và  Chiêm Thành từng đến đây. Vua Trần Duệ Tông (1371-1377) khi đến đây đã chọn cô gái đẹp là Hoàng Càn về làm cung phi. Vua Lê Thánh Tông (1360-1397) khi tới đây đã làm bài thơ tuyệt cú về danh thắng này.  Cẩm Nhượng còn có nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị như: Chùa Yên Lạc di tích đã được xếp hạng Quốc gia và các đền thờ bà Hoàng Càn người lập làng; ông Đông Đạo tổ nghề đánh cá; ông Văn Hiền chết thay cho dân; đền thờ cá voi; đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu và Lê Khôi; tướng Nguyễn Thân. Các di tích cách mạng có: Nhà bà Lạch, nơi hội họp của UBKH Nam Hà (Nam Hà Tĩnh) chuẩn bị giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945. Sân Cồn Mom là nơi 3000 quần chúng biểu tình vào chiều ngày 17/8/1945, nghe đại diện Việt Minh tuyên bố thành lập UBCM lâm thời xã .v.v...Cuối năm 1999, xã Cẩm Nhượng được phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân. Năm 2000, trạm y tế xã được phong tặng là đơn vị AHLĐ. Sinh hoạt văn hoá Cẩm Nhựợng có nhiều lễ hội nhưng nổi bật nhất, qui mô nhất vẫn là lễ hội đua thuyền và cầu ngư Nhượng Bạn. Lễ cầu ngư và hội đua thuyền  thường được tổ chức vào tháng 6 hàng năm. Đúng ngày hội, từ sáng sớm trống nổi lên, dân làng náo nức tập trung ra Đình làm lễ cáo rồi rước thuyền thờ ra rạp.  Đó là chiếc thuyền rồng nhỏ trang hoàng đẹp đẽ do 4 người khiêng, tượng trưng cho uy linh của thần. Cờ quạt phấp phới trống chiêng vang trời, cuộc rước thuyền diễn ra trang nghiêm. Dân làng tập trung trên bờ, làng làm lễ tế Thành Hoàng rồi rước thuyền thần ra giữa sông để thuyền thần chứng giám cuộc đua thuyền. Trống lệnh nổi lên, các thuyền đua xuất phát lướt trên mặt nước, trống thúc dồn hoà lẫn với tiếng reo hò ...cho đến trưa cuộc đua kết thúc, làng trao giải cho đội thắng, rước thuyền thần về Đình rồi làm lễ cáo tất. Sau cuộc đua, dân làng hồ hởi phấn khởi và tin rằng trong năm biển sẽ được mùa cá và dân làng sẽ có cuộc sống yên vui.     

5- Tục thờ thần và lễ cầu ngư làng Hội Thống

Xã Hội Thống trước năm 1945 thuộc tổng Đan Hải, sau năm 1945 vẫn là xã Hội Thống. Từ năm 1954 lại nay, là xã Xuân Hội huỵện Nghi Xuân. Hội Thống nằm mé bờ  Nam cửa  Hội (cửa Đan Nhai ngày xưa) có nghề nông, nghề buôn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề biển. Ở đây ngoài ngôi Đình Kiên Nghĩa còn có các  đền miếu mà trong đó có 3 ngôi đền thờ Nam Hải Ngư thần (cá ông) thường gọi đền Cô, đền Cố, đền Cậu. Đình hội Thống còn gọi là đình Kiên Nghĩa, thuộc làng Hội Thống. Đình được khởi dựng vào năm 1659 và khánh thành năm 1660, quay hướng tây, kién trúc kiểu chữ nhị gồm 2 toà Nội tẩm và Bái đường. Nội tẩm là nơi đặt bài vị thờ thần Thành Hoàng. Chính giữa có tấm hoành phi đề 4 chữ " Xuân đài thọ vực ". Nhà bái đường gồm 7 gian, 32 chân cột  chính giữa là bức hoành có chữ " Kiên Nghĩa ", gian chính đặt hương án, hai gian tả, hữu đắp nổi lên làm nơi ngồi cho quan viên theo thứ bực, hai đầu là gác chuông, gác trống. Nhiều trang trí trên gỗ mang phong cách  Hậu Lê. Sân đình rộng, bên trái là nhà bia, bên phải miếu thờ thổ thần. Ngoài cổng đình là khoảng ruộng, nơi hàng năm dùng làm lễ hạ điền sau đó tế Thành Hoàng. Đây là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất và có qui mô nhất Nghệ Tĩnh, đã được xếp hạng di tích Quốc gia. Tục thờ ngư thần của cư dân ven biển nói chung và ở Hội Thống nói riêng đã có từ lâu đời. Người dân biển mỗi lần ra khơi gặp sóng to, gió lớn thường được cá voi tới cứu đỡ cho thuyền khỏi chìm, do vậy mà cư dân ven biển  gọi cá voi là "Nhân ngư " và tôn  là "Ông ". Lễ cầu ngư ở Hội Thống được tổ chức hàng năm hoặc 3 năm 1 lần vào ngày 3/2 âm lịch. Từ  đầu năm các chủ thuyền (lái) họp bàn việc đóng góp và cử ban "chịu việc " và ban hành lễ bao gồm những người được tín nhiệm nhất. Lễ đặt mỗi thuyền phải đóng 10 quan tiền, trước ngày lễ mọi việc chuẩn bị đều hoàn tất. Trên cạn người ta dựng rạp ở bên luồng hay bãi biễn gọi là nơi dâng lễ, rạp cao khoảng 3m, dài rộng khoảng 6m, ngoảnh mặt ra biển. Mái và 3 phía của rạp phải dùng thuyền che kín. Trong rạp chính giữa là nơi đặt lễ vật, trên vách treo nhiều bức tranh thờ. Dưới nước  người ta kết 4 thuyền với nhau lót ván sàn thành một sân gỗ rộng, trên đặt bàn thờ. Các đồ đặt lễ vật, hương đèn đều bằng nứa, hương cắm vào những khúc chuối. Trên bàn thờ có con lợn luộc đặt trong mâm và xôi gà, trầu rượu đặt trong một mâm khác. Các chủ thuyền đều đưa đến cúng mỗi nhà một mâm oản. Trong rạp cũng như trên thuyền, cỗ bàn đều đặt hướng đông, thầy cúng cùng mọi người ngồi hướng tây, ngoảnh mặt ra biển. Trống chiêng nhã nhạc nổi lên, lễ tế được tiến hành nghiêm trang, kết thúc lễ tế là cuộc đua thuyền.   

6- Đền Chợ Củi

Đền Chợ Củi có tên chữ là Thánh Mẫu Linh Từ, toạ lạc mái đông núi Ngũ Mã, trên một ngọn đồi thấp cạnh bờ sông Lam, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Đền được khởi dựng vào khoảng giữa thế kỷXVIII, niên hiệu Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), đã qua nhiều lần trùng tu. Gồm 3 toà  điện: Thượng, Trung và Hạ,  thờ Công chúa Liễu Hạnh. Hội đền hàng năm vào ngày 8/3 âm lịch. Công chúa Liễu Hạnh là nhân vật huyền thoại được thờ nhiều nơi trong cả nước. Riêng ở Hà Tĩnh có nhiều đền thờ như đền ở núi Nam Giới; đền bà Chúa Kho ở xã Cẩm Thành; đền dưới chân núi Đèo Ngang, nhưng nổi bật vẫn là đền Chợ  Củi, được khách nhiều nơi đến lễ viếng. Là di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng Quốc gia.

 7- Hội lễ làng giáo phường Cổ Đạm

      Xã Cổ Đạm trước năm 1945 thuộc tổng Cổ Đạm, nay thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân. Kinh tế của xã chủ yếu là nông nông nghiệp, trồng rừng và ngư nghiệp. Nghề cổ truyền đặc trưng là  nghề sản xuất đồ gốm. Di tích lịch sử văn hoá cách mạng có: Đền Nguyễn Xí, đền Vân Hải thờ tướng Phan Thiện Lâu; đền Nhà Bà thờ Thiên Tiên Ngọc Nữ Mai Hoa Công Chúa. Chợ Đạm và chợ Đồn là 2 chợ phiên ngày nay vẫn duy trì. Sinh hoạt văn hoá dân gian có hát Ca Trù (hát ả đào).  Nghề hát ả đào  còn gọi là hát Ca Trù hay hát Cửa Đình có nhiều nơi nhưng cổ nhất và đặc sắc nhất là hát ả đào ở thôn Giáo Phường, xã Phú Lạp, tổng Cổ Đạm cũ,  nay thuộc thôn Phú Lạp, xã Cổ Đạm huyện, Nghi Xuân, do đó là có tên là ả đào Cổ Đạm. Tục truyền vào khoảng thế kỷ XV, một thanh niên Cổ Đạm tên là Đinh Lễ được tiên ban cho nghề đàn hát rồi đi khắp nơi cùng với vợ dạy cho nhiều người ở nhiều vùng biết nghề, cuối đời trở về quê và quê ông trở thành nôi hát ả đào, truyền cho 12 huyện xứ Nghệ biết hát. Ban đầu người Phú Lạp hát hay nhưng kém sắc, về sau họ Phan có mộ kết bèn xuống ở rể nhà họ Nguyễn ở Tiên Cầu (nay là xã Xuân Giang - Nghi Xuân), nhờ đó mà sắc ngày càng đẹp hơn. Hai họ Phan - Nguyễn nối đời hát ả đào và có người  hát nổi tiếng được lưu danh như nàng Hiệu Thư, bà Mơn, bà Phẩm, bà Xoan ... và bà Phan Thị Khánh sống đến 85 tuổi. Lúc vợ chồng Đinh Lễ đã già, các vị tiên xuống thu lại đàn thiêng và đưa vợ chồng về trời. Giáo Phường Cổ Đạm nhớ ơn, dựng đền thờ vợ chồng Đinh Lễ làm tổ sư. Giáo Phường 12 huyện trong xứ đều coi Cổ Đạm là gốc và đền này thành đền chung của cả xứ. Hàng năm cứ đến ngày 11 tháng Chạp là giỗ Tổ sư, giáo phường 12 huyện kéo về lễ tổ và mở hội hát rất linh đình. Trước ngày hội hàng tháng, dân Giáo Phường đã náo nức chuẩn bị bạn hát các nơi về, lo trang trí trong đền cho thật uy nghi, lo việc ăn ở cho phường bạn,  lại còn lo ôn lại tiếng đàn nhịp phách, giọng hát để thi thố tài năng với phường bạn. Sau lễ tế Tổ sư trọng thể, các giáo phường lần lượt hát "chầu Thánh ", cuộc hát kéo dài suốt 3 ngày đêm mới dừng để làm lễ tế. Hội hát vẫn tiếp tục, Giáo Phường chia nhau mời bạn hát xa gần về từng nhà tiếp đãi và cùng nhau ca hát có khi hàng tuần chia tay nhau mà vẫn còn lưu luyến.  Một thời gian hát ả đào bị lãng quên, nay đang trên đà phục hưng và phát triển, trở thành câu lạc bộ Ca Trù hấp dẫn.

 8- Hội cầu ngư ở làng động Gián

      Làng Động Gián trước năm 1945 thuộc tổng Cổ Đạm, nay thuộc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Kinh tế có trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi, làm muối đánh bắt và chế biến hải sản. Di tích lịch sử văn hoá có đền thờ vọng Nguyễn Xí, đền bến đò thờ 2 vị tướng tục truyền là em trai của Liễu Hạnh, đền Tĩnh, đền Yên Nin , đền Cao Sơn, đền Đông Hải, chùa Bụt Mọc. Làng Động Gián thường gọi là Động Kèn hay Kẻ Kèn, xưa là một trong 2 thôn của xã Động Gián tổng Cổ  Đạm. Ngày xưa Động Gián  người đông, làm ăn khá thịnh vượng. Tại đây tổ chức  nhiều lễ hội mà lớn nhất là lễ hội du xuân - cầu ngư . Lễ hội này cứ 3 năm mở 1 lần, kéo dài 3 ngày vào trung tuần tháng Giêng  tại Cồn Cầu Ngư, một bãi cát chạy dài ven biển. Lễ hội cầu ngư không chỉ có dân làng Động Gián mà còn thu hút các làng xung quanh về dự . Đây cũng là một dịp để  bà con đón tiếp bạn  bè thể hiện tấm lòng chân tình, nồng hậu.

9- Lễ hội Chùa Hương

Núi Hương Tích, tên tục là núi Am, cũng được gọi là động Hương Tích, là một trong những ngọn cao nhất của dãy Hồng Lĩnh. Đỉnh cao 443.2m, có toạ độ 105047'49"" kinh đông và 18031"30' vĩ bắc, nằm giáp giữu 2 xã Thiên Lộc và Phúc Lộc huyện Can Lộc . Vì trên đỉnh sườn núi có Chùa Hương Tích nên thường gọi là núi Hương Tích. Chùa Hương Tích là ngôi chùa nổi tiếng, tục truyền chùa do công chúa Diệu Thiện, con gái út của Sở Trang Vương tạo dựng khi đến tu ở Hương Tích. Những vết tích còn lại và tài liệu cho hay rằng chùa được khởi dựng từ đời Trần (thế kỷ XIII-XIV) được tu sửa nhiều lần và năm 1885 bị hoả hoạn cháy trụi và được tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đứng ra vận động xây dựng lại. Quần thể di tích Chùa Hương gồm có: 2 toà chùa ngoài và trong, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương (thờ Hồng Sơn Đại Vương), và lên cao hơn nữa có đền Trang Vương.  Hội chùa Hương Tích vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, thu hút khách thập phương trong nam ngoài bắc, nhưng cứ 3 năm mới có hội lớn 1 lần, kéo dài suốt 10 ngày liền. Là di tích đã được xếp hạng Quốc gia năm 1990. 

10- Lễ hội đèn Tam Lang

Đền Tam Lang ( Thần rắn - Thần Nước ) thường gọi là  đền Lớn, đền Cả hay đền Hàng Tổng, nằm vào địa phận 2 thôn Phan Xá tổng Phù Lưu, nay là xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc. Đền nằm bên phía tả ngạn sông Kênh Cạn, hạ lưu sông Nghèn. Tương truyền rằng: Xưa kia có 2 vợ chòng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con kế tự. Một hôm bà vợ xuống sông tắm bỗng nhiên thấy trong mình chuyển động rồi có thai. Đến kỳ sinh nở, bà chỉ sinh ra 3 quả trứng lớn, vợ chồng sợ hãi đem thả xuống sông. Bỗng nhiên sóng lớn nổi lên một lúc sau mới tạnh. Năm sau người chồng ra sông,  thấy 3 con rắn nổi lên, quấn quýt quanh mình ra vẽ mừng rỡ, nhưng 1 con vô ý quẫy đuôi chạm vào con dao ông đang cầm trên tay bị đứt một mẫu. Cả 3 con đều lặn xuống nước biến mất. Về sau hiển linh ai có việc ra bờ sông đốt hưong cầu khấn đều ứng nghiệm. Nhân dân trong vùng lập miếu thờ, quanh năm hương khói. Vào thời vua Lê Thánh Tông trên đường đi đánh Chiêm Thành qua khu vực này thì thuyền nhà vua bị bị mắc cạn, nhà vua sai cận thần lên miếu làm lễ cầu đảo, bỗng chốc nước dâng lên cao, chiến thuyền vượt qua một cách dẽ dàng. Sau chiến thắng trở về, vua sắc cho làng phải dựng đền thờ 3 vị Thuỷ Thần và giao cho tổng Phù Lưu chịu ttrách nhiệm phụng sự nên gọi là đền Hàng Tổng. Lễ hội đền Tam Lang được tổ chức vào ngày mồng 5-6 tháng Giêng hàng năm không chỉ có người Hậu Lộc mà còn có cả người hàng huyện tham gia. Đây là di tích đã được nhà nước xếp hạng Quốc gia .

11- Hội lễ đền Thái Yên

Xã Thái Yên trước năm 1945 là làng Thái Yên, tổng Văn Lâm. Năm 1945, thành lập xã Đồng Thanh. Năm 1954, chia Đồng Thanh thành 3 Xã  Đức  Bình,  Đức  Thanh và Đức Thịnh. Từ năm 1980 đến nay gọi là xã Đức Bình rồi đổi thành xã Thái Yên. Kinh tế Thái Yên  nông nghiệp chiếm 40%, còn lại là nghề mộc, là một trong những làng mộc nổi tiếng. Di tích lịch sử văn hoá có đền Thái Yên, đền Thánh Thợ thờ tổ sư nghề mộc đêù là di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng Quốc gia. Nơi đây còn có chùa Vĩnh Phúc, nhà Thánh Văn và Thánh Võ. Di tích Bến Thánh nằm ở bờ sông Đò Trai là nơi xảy ra trận đánh ác liệt của nhân dân Thái Yên chống lại thực dân Pháp từ đồn Lạc Thiện kéo về đàn áp, cuộc chiến kéo dài gần 3 ngày, thực dân Pháp chiếm nhà trường và biến thành trại giam, trong cuộc chiến đấu 11 chiến sỹ bị sát hại. Đền Thái Yên nằm trên một khu đất cao, thờ Thánh sư nghề mộc của Thái Yên. Kiến trúc gồm 3 toà. Nhưng nét độc đáo của ngôi đền lại là nghệ thuật chậm khắc gỗ điêu luyện vốn được tạo tác của những tay nghề tài ba của các nghệ nhân Thái Yên. Tất cả các bộ phận bằng gỗ xà, cốn, kè, các mảng gỗ ...và các đồ thờ từ long kiệu, hương án, tượng gỗ, bài vị, long ngai, bát bửu ....đều được chạm trổ một cách tinh vi, đã tạo cho ngôi đền rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật với nhiều chủ đề phong phú, dựa theo các tích truyện hay đề tài dân gian như: Tích Biển Thước, tích Thuấn Canh Lịch Sơn, Hứa do tẩy chi, Hổ giắt răng, rồng đau mắt, nhị thập tứ hiếu ...hoặc các đề tài hoa lá, thông, mai, cúc, trúc, sen, lê, lựu, cá chép, long mã, tùng lộc. Theo tục lệ địa phương, hàng năm tại đền Thái Yên có 4 kỳ lễ chính : Lễ khai hạ (mồng 7 tháng giêng âm lịch), lễ tế Thành Hoàng ( ngày mồng 3 tháng 3), lễ cầu yên (rằm tháng 6 ) và lễ tất niên (ngày 23 tháng Chạp ). Hội đền được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng, kết hợp với hội xuân, được tổ chức 3 năm một kỳ.

12- Hội Đình Đụn

 Phong Phú xưa  là xã Long Phúc, nay là xã Thạch Khê, Thạch Hà. Mé tây của xã có con sông Nài chảy qua, xuống ngã ba Sơn  rồi đổ ra cửa Sót. Ngày xưa bờ sông bị sạt lở và vào đời Tự Đức, tú tài Trương Quốc Hiền đã bỏ tiền ra mua đá về kè ghép bờ sông, về sau con của ông là Tiến Sỹ Trương Quốc Dụng đổ thêm 2 kè nữa và dân làng đã đắp con đê dọc sông để ngăn mặn. Hàng năm vào dịp tháng 6 âm lịch, dân làng tổ chức đắp sữa đê 1 lần.  Kỳ đắp đê kết hợp tổ chức với hội làng gọi là hội Đình Đụn. Đã từ lâu ngoài các đền, miếu còn có một nơi rất thiêng liêng đối với dân làng đó là vùng Cây Đa - Cồn Đình. Đây là một cồn đất vuông,  mỗi chiều khoảng 40m, cao 4 m chính giữa trồng một cây cột lim cao khoảng 6m gọi là "Cột Đình Đụn " ..Phía tây nam cồn đình có cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi . Hội " Đình Đụn " mở vào rằm tháng 6, kéo dài 3- 4 ngày. Trai 4 giáp đan 4 tấm phên, mỗi chiều 6m đem đến vây quanh cột đình và che làm rạp tế. Dân làng lo soạn mâm cỗ, năm được mùa thì 4 giáp thịt 4 con trâu, hông 40 thúng xôi, năm không được mùa cũng 4 con trâu và 20 thúng xôi. Ngày rằm làm lễ tế yết cáo Thành Hoàng và các vị tiên hiền của làng sau đó thỉnh các vị đến rạp đình làm Đại lễ. Cả khu đình đông vui tấp nập. Đêm đến trăng thanh gió mát trai gái thi nhau hò đối đáp, diễn tuồng, đánh vật, kéo co ...Hội kéo dài 3 ngày nhưng đến ngày 18 tháng 6 thì tan. Trong thời gian hội tan cũng là vào thời gian con nước kiệt, trai làng 4 giáp phá rạp lấy 4 tấm phên tre gánh ra đê Long Tường ráp vào các đoạn đê xung yếu đã được qui định.  Tiếng reo hò hoà lẫn với tiếng trống cỗ vũ thôi thúc 4 giáp thi đua đào đất đắp theo phần đất và khối lượng đã được qui  định. Đê đắp xong, trai gái 4 giáp nhóm lại trên đê nghe công bố kết quả và nhận giải.

13- Lễ kỳ phúc và hội thi vật làng Thuần Thiện

Xã Thuần Thiện trước năm 1945 bao gồm Tả Thượng, Thuần Thiện, Yên Trí thuộc tổng Nội Ngoại. Sau năm 1945 thành lập xã Hồng Phúc. Năm 1945 cùng với Thiên Lộc và xã Hồng Nam hợp thành xã Thiên Phúc. Năm 1954 chia thành 2 xã Thiên Lộc và Phúc Lộc. Gần  đây đổi xã Phúc Lộc thành Xã Thuần Thiện. Địa hình nằm về phía sườn nam núi Hồng Lĩnh, chạy dài từ các đỉnh cao 645m, 644,2m, 443m của núi Hồng Lĩnh, về đập nước Cu Lây cho đến bờ bắc Sông Nghèn. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, không có nghề phụ. Di tích văn hoá lịch sử có đền Bạch Mã, tục truỳên thờ một vị tướng thời Lý. Cũng theo tục truyền thì Đào Cam Mộc là họ Võ ở đây cùng với Võ Trọng Ban được thờ ở đền. Chùa Goạ tương truyền là nơi Trang Vương tập kết lương thực để xây dựng chùa Hương Tích và đài Trang Vương. Đình Đụn vốn sở gần sông Nghèn, sau vì sông lở chuyển về làng thờ 4 vị quan họ Lê là Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng và Bùi Gia Cường, Bùi Gia Nghĩa (đều thuộc thời Cảnh Hưng) Hội lễ Kỳ Phúc ở Thuần Thiện tổ chức vào ngày 14-16 tháng 6 hàng năm. Hội có cuộc rước và tế thần, các trò chơi văn hoá, thể thao đặc biệt là có hội vật. Ban đêm có hát Trò Kiều, hát ả đào Cổ Đạm. Trò chơi nào cũng đông người tham gia và cuốn hút người xem.

14- Thi nấu cơm

       Thôn Long Trì trước năm 1945 thuộc tổng Đậu Chữ, nay thuộc xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh. Tục thờ ngư Thần đã có từ lâu và hội làng Long Trì cứ 12 năm mở 1 lần  với các nghi lễ rước xách, tế thần. Nhưng đáng chú ý có cuộc thi nấu cơm. Trước ngày hội mỗi xóm cử 2 trai tân giỏi giang, nhanh nhẹn, có tài hát ví đến dự thi, họ hoá  trang đóng vai "vợ chồng". Mỗi cặp "vợ chồng "nhận mấy đấu thóc và dụng cụ. Tất cả tập trung tại sân đình, sau một hồi chiêng trống vào thi, từng cặp vợ chồng phân công: vợ giã gạo, chồng lấy nước, vừa làm vừa hát ví. Khi vợ cho gạo vào niêu bù, chồng kéo lửa thắp vào bó đuốc đưa cho vợ, chồng quảy niêu đi quanh sân vợ cầm đuốc đốt dưới niêu, vừa đi vừa hát ví, cặp nào nấu nhanh nhất và cơm ngon nhất dược thưởng 1 cơi trầu, 1 be rượu, 1 quan tiền. Phát thưởng xong dân làng hát ví rồi mới tan hội.   

15- Lễ kỳ phúc Lục ngoạt

Thạch Trị trước năm 1945 là các làng Nam Trị, Ngu xá tổng Hạ Nhất, sau năm 1945 là xã Tam Lạc, năm 1951 cùng với xã Tam Hội, Văn Hoá thành lập xã Đồng Tiến. Năm 1954, chia thành 3 xã Thạch Hội, Thạch Văn và Thạch Trị. Thạch Trị thuộc vùng đồng bằng cồn cát ven biển. Di tích văn hoá lịch sử có đền thờ Tam Lang, đền Ngu thờ 8 vị (Tam toà Tứ Vị, Tam Lang, Cao các Sát Hải Hồ Phi Chấn, Nguyễn Văn Suyền và có đến 400 đạo sắc), đền quan nghè thờ Nguyễn Văn Suyền, đền thờ Lê Khôi. Thạch Trị nay và Nam Trị xưa có nghề thợ bạc nổi tiếng với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được chạm khảm bằng vàng, bạc như nhẫn, dây chuyền, lư hương, ấm chén, khay đựng nước .. Thợ bạc Nam Trị có mặt tại nhiều thành phố lớn trong cả nước.  Thạch Lạc trước năm 1945 là làng Ngu Xá, Trung Thuỷ thuộc tổng Hạ Nhất, sau năm 1945 là xã Văn Hoá, năm 1950 là xã Đồng Tiến, năm 1954 chia xã Đồng Tiến làm 4 xã: Thạch Hội, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Văn. Nay xã Thạch Lạc thuộc huyện Thạch Hà.  Thạch Lạc có di chỉ KCH nổi tiếng, tiêu biểu cho KCH thời đại đá mơi ở Hà Tĩnh. Các di tích văn hoá như đền Sắc nay  trở thành trung tâm của xã. Sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống có hát đối đáp dân ca, đi cầu Kiều, chọi gà, vật thả diều vẫn được duy trì tổ chức trong các ngày hội, nhất là  lễ " Kỳ phúc lục ngoạt "

 16- Lễ hội chùa Chân Tiên

       Xã Thịnh Lộc thuộc huyện Can Lộc, trước năm 1945 được gọi là tiên Bằng gồm 3 thôn Tiên Yên, Trung Thịnh, Yên Định tổng Phù Lưu và làng Đào Tiên (thuộc Thạch Hà), sau năm 1945 là 2 xã Kim Anh và Tiên Bằng, năm 1949 gọi là xã Tiên Bằng, năm 1954 đổi tên là xã Thịnh Lộc. Di tích lịch sử văn hoá có Bàu Tiên, bàn cờ Tiên, dấu chân Tiên hằn trên đá. Bên bờ bàu Tiên có Chùa Chân Tiên là một ngôi chùa cổ nổi tiếng. Đình và chùa Hoà Hiên thờ tướng Yết Kiêu (thời Trần ). Sinh hoạt văn hoá truyền thống dân gian có đu tiên, đánh cù, đấu vật trong ngày hội. Chùa Chân Tiên  toạ lạc trên núi Tiên Am, nằm cách tảng đá có dấu chân tiên chừng 5 km về phía tây nam nên có tên chùa. Chùa xây dựng từ thời nào không rõ, chỉ riêng 70 năm qua đã 3 lần tu sửa (1930,1976,1990) gồm có 2 toà thờ Phật Tổ và thờ Thánh Mẫu. Toà thờ Phật rộng 50,22m2, kiến trúc theo lối tứ trụ, 3 gian, 4 cột chính. Trước mặt phía trên có tấm biển " Chân Tiên Tự ". Hai bên hiên có tượng quan văn quan võ. Toà Thánh Mẫu gọi là điện Thánh Mẫu, rộng 56 m2gồm: Thượng điện, Kiệu Long Đình và Bái Đường. Từ bái  Đường đi vào có tấm biển  Tạ Phúc Đường (Nhà cầu phúc), rồi đến Kiệu Long Đình, nơi đặt hương hoa đồ lẽ của khách viếng. Thượng Điện có tấm biển  "Thiên hạ Mẫu Nghi " (Mẹ hiền trong thiên hạ), ngoài bài vị Thánh Mẫu, 2 bên hành lang thờ thuộc hạ của Thánh Mẫu. Trong chùa có 13 pho tượng Phật bằng gỗ mít, 2 con hạc sứ,  kiệu thờ và nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối. Là di tích dã xếp hạng quốc gia. Giữa núi Tiên Am có một khối đá bằng phẳng, trên mặt đá in sâu 1 dấu bàn chân phải của người khổng lồ, góc lõm dấu chân sâu xuống 35 cm, chiều dài bàn chân từ gót đến ngón chân cái dài 85 cm, mũi bàn chân hướng về phía nam. Người đời gọi đó là Bàn Chân Tiên. Cạnh đá Chân Tiên có một mặt đá phẳng, trên mặt đá có đường kẻ ngang kẻ dọc gần như ô bàn cờ người đời gọi là Bàn Cờ Tiên Lễ hội chùa Chân Tiên hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, có đông nhân dân trong vùng và các tỉnh bạn về tham gia hội  lễ.  

17 - Hội xuân và trò chơi vật cầu làng Trung Lễ

Xã Trung Lễ thuộc huyện Đức Thọ. Trước năm 1945 là làng Lạc Thiện và Qui Nhân tổng Văn Lâm, phủ Đức Thọ. Sau nưm 1945 cùng các làng trong tổng thành lập xã Ngu Lâm. Năm 1954, chia Ngu Lâm thành 3 xã: Đức Lâm, Đức Thuỷ và Đức Trung. Tháng 10 năm 1974, xã Đức Trung đổi thành xã Trung Lễ. Có nhiều di tích lịch sử văn hoá và cách mạng như: căn cứ chống Pháp của khởi nghĩa Lê Ninh, căn cứ của lễ thứ của nghĩa quân Phan Đình Phùng, có đồn binh Pháp gọi là đồn Lạc Thiện. Sinh hoạt văn hoá truyền thống dân gian phong phú, nhiều văn thơ hò vè truyền miệng về Trung Lễ, nhiều ca dao ngạn ngữ về vùng đất Cổ Ngư - Trung đã được lưu hành. Năm 1999, được phong tặng Anh hùng LLVTND.  Hàng năm sau tết Nguyên Đán dân làng đều mở hôi xuân. Hội xuân mở 2-3 ngày rồi thưa dần, chỉ còn lại các  quan khách, các nhà chức trách những người đam mê ở những ván cờ, ván bài cho hết rằm tháng Giêng mới thôi.  Xưa kia  trong dịp hội xuân còn có trò chơi vật cù (ném cầu). Vật cù ở đây đã có từ lâu đời và cũng nổi tiếng, đây là trò chơi dân gian, cách chơi gần giống như trò chơi bóng rổ hịên đại. Sân chơi là một bải cỏ bằng phẳng bên vệ đường, mỗi đầu cắm 1 cây nêu  trên ngọn cắm cờ xanh hoặc đỏ,  làm hiệu riêng cho mỗi phe, phía dươí cao hơn đầu người có treo một cái sọt tre và trái cù là củ chuối được gọt tròn.Trai làng được chia làm 2 phe, số lượng đều nhau và mỗi bên có 1 trùm phe,  làng cử 1 Giám cù (trọng tài) để điều khiển cuộc đấu .. Ba hồi trống của Giám cù nổi lên  các cầu thủ 2 phe lao vào tranh giành quả cù tung, đưa cho nhau và ném về sọt tre của mình, nếu ném lạc sang sọt tre của đối phương thì bị phạt và hết thời gian phe nào được nhiều điểm thì thắng cuộc. Người dân Trung Lễ tin rằng năm nào mở hội Vật cù vui vẻ thì năm năm ấy dân làng làm ăn  thịmh vượng, người vật bình yên.         

 17- Hội chay ở chợ Hà Tĩnh

Thị xã Hà Tĩnh có diện tích 30 km2, dân số 50.912 người, mật độ 1.697người /km2, nằm vào toạ độ 105054 kinh đông và 18020độ vĩ bắc, nằm gọn vào giữa huyện Thạch Hà. Trước năm 1945 là tỉnh thành của thành Hà Tĩnh, từ sau năm 1945 là thị tỉnh ly. Ngày 2 1/11/1957  tái lập thị xã Hà Tĩnh trực thuộc UBHC tỉnh. Ngày 2/7/1964 mở rộng gồm đất các xóm : Đông Phú, Phú Lạc, Xã Tắc(xã Thạch Phú ), Tan Nam, Liên Tịnh, Tân Vinh ( xã Thạch Quí ), Đông Quế, Trung Qúi ( Xã Thạch Yên ). Từ  năm 1976-1991 là thị xã Hà Tĩnh vì tỉnh lỵ chuyển ra thành phố Vinh. Từ năm 1991 là tỉnh lỵ Hà Tĩnh, tên gọi vẫn như cũ, diện tích được mở rộng từ năm 1989 với việc sát nhập các xã Đại Nài, Thạch Linh, Thạch Phú,Thạch Quí, Thạch Trung, Thạch Yên của huyện Thạch Hà vào. Năm 1993 điều  chỉnh địa giới phường, xã và có 4 phường Bắc Hà, Nam Hà, Tân Giang, Trần Phú và 6 xã Đại Nài, Thạch Linh, Thạch Phú, Thạch Quí, Thạch Trung, Thạch Yên. Năm 2007, thị xã Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại ba, trở thành Phành phố Hà Tĩnh. Nằm ở trung tâm tỉnh, nay trên quốc lộ 1A (dài 8 km ) và các trục giao thông đi các huyện như tỉnh lộ 17  đi Kẻ Gỗ,  tỉnh lộ 13 đi Hương Khê , tỉnh lộ 9 đi  Hộ Độ và Nghi Xuân. Sông Phủ chảy phía nam, sông Cụt chảy vào tận chợ qua cầu Sở Rượu. Các phố lấy tên danh nhân hay các địa danh quê hương Hà Tĩnh như:Cao Thắng, Đặng Dung, Hà Huy Tập, Hải Thượng Lãn Ông, Lý Tự Trọng, Nguyễn Biểu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tất Thành  .v.v...Là trung tâm kinh tế văn hoá chính trị, thị xã là nơi đóng tất cả các cơ quan hành chính cấp tỉnh, các cơ sở văn hoá, y tế, giáo dục như: Trường cao đẳng, Bảo tàng, Thư viện, Bệnh viện tỉnh ..v.v...nhiều doanh nghiệp kinh tế nhà nước và tư nhân. Có chợ tỉnh tháng họp 6 phiên vào các ngày từ 1-6 âm lịch. Thị xã có 2 trường THPT  (Năng khiếu và Phan Đình Phùng ). Có Trung tâm y tế và Trung tâm văn hoá thị xã. Di tích văn hoá có Thành cổ Hà Tĩnh, Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh năm 16/6/1957, Võ Miếu, Đàn Xã Tắc, danh thắng Núi Nài .

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập286
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm285
  • Hôm nay42,185
  • Tháng hiện tại1,326,380
  • Tổng lượt truy cập39,797,527
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây